Tâm điểm
Hoàng Lam

Mua bán bào thai - những câu hỏi chưa có lời giải đáp

Mua bán bào thai - những câu hỏi chưa có lời giải đáp - 1

Số tiền 70 triệu đồng bán đứa con vừa lọt lòng được người phụ nữ này dùng để trả nợ và sửa nhà (Ảnh: V. Đ).

Năm 2019, khi sự việc nhiều phụ nữ đang mang thai tại huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) sang Trung Quốc  sinh con rồi bán bị phát hiện gây chấn động dư luận cả nước, tôi vừa sinh cháu thứ 2. Ôm đứa con nhỏ trong tay và đọc bài viết của đồng nghiệp, tôi không thể hiểu được vì sao những người mẹ ấy có thể bán chính núm ruột mình đã mang nặng đẻ đau suốt 9 tháng 10 ngày. Vì đói? Vì nghèo? Hay vì lí do nào khác?. Những câu hỏi ấy thôi thúc tôi trở lại nơi được từng xem là điểm nóng của vấn nạn mua bán bào thai vào những ngày đầu mùa hè năm nay.

Đi tìm lời giải đáp từ những người trong cuộc không hề dễ dàng. Người đã đi làm ăn xa, người không muốn mở lòng để chia sẻ, có thể vì họ ngại, cũng có thể vì một lý do khác khó nói. Câu chuyện góp nhặt từ những người có trách nhiệm ở địa phương cho thấy vấn nạn này vẫn chưa chấm dứt. Tôi ám ảnh mãi câu chuyện của bà Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Hữu Kiệm (huyện Kỳ Sơn) về một người phụ nữ đã đi bán bào thai 2 lần, lần thứ 3 đi bán thì bị phát hiện và ngăn chặn. Những đứa trẻ được hoài thai chỉ để bán đi. Nghe quá đau xót!.

Trước hết cần khẳng định rằng tình trạng nêu trên chỉ rơi vào số ít phụ nữ, nó không mang tính đại diện và đã, đang được chính quyền địa phương nỗ lực giải quyết bằng nhiều biện pháp. Nhưng có lẽ, chẳng ở đâu mà phụ nữ mang thai lại được vận động ký vào bản cam kết "không bán thai nhi với bất kỳ lý do gì" và được đưa vào diện "quản lý" như ở 3 bản làng tại xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn). Dường như đây là một trong những cách thức để góp phần ngăn những người phụ nữ có ý định đi bán đứa con của mình dừng lại trước khi thực hiện hành vi, cho dù hiệu quả của biện pháp này không thể là tuyệt đối.

Bán con vì nghèo, đó là lý giải đầu tiên của những người mẹ đã từng vượt biên sinh con rồi bán đi. Nơi tôi đến, bản làng nằm giữa núi rừng, các nhóm phụ nữ ngồi trò chuyện trước nhà. Hết mùa rẫy rồi, họ không có việc gì để làm. Ở nơi hẻo lánh này, ngoài làm rẫy họ biết làm gì khác đâu và sản phẩm nông nghiệp làm ra biết bán cho ai?. Bài toán trồng cây gì, nuôi con gì để giúp một bộ phận người dân thoát nghèo, để họ không ra nước ngoài bán con đang được các cấp chính quyền nỗ lực tìm phương án giải đáp.

Và bán con còn vì người dân bị những kẻ tội phạm rủ rê, lôi kéo ra nước ngoài với cam kết về số tiền được trả nếu "trót lọt", trong đó không loại trừ có những trường hợp là lừa đảo.

Vừa qua việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân đã và đang được thực hiện, bước đầu cho thấy hiệu quả. Song để ngăn chặn và đi đến chấm dứt tình trạng mua bán bào thai, sẽ cần những quy định cụ thể và các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa.

Trước hết, vấn đề đã được phát hiện và phản ánh từ 4 năm nay, song việc xử lý hành vi mua bán bào thai vẫn đang bỏ ngỏ bởi chưa được quy định trong hệ thống pháp luật hiện hành. Việc ngăn chặn, xử lý hành vi sai đạo đức, trái đạo lý này hiện vẫn gặp khó.

Theo thống kê của ngành tòa án tỉnh Nghệ An, đến thời điểm này mới chỉ có 2 vụ với 4 đối tượng liên quan đến việc đưa phụ nữ mang thai đi Trung Quốc sinh rồi bán được đưa ra xét xử. Với tội danh "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép", những người này chỉ phải chịu mức án từ 12-24 tháng tù giam, còn những người mẹ theo họ ra nước ngoài sinh con rồi bán thì vẫn không bị xử lý. Tôi không thể tự mình trả lời được câu hỏi rằng: 24 tháng tù liệu đã tương xứng đối với cuộc đời của một đứa trẻ vừa mới sinh ra bị dứt ra khỏi bầu vú mẹ và mất đi nguồn cội của mình?.

Trên chuyến xe từ huyện miền núi Kỳ Sơn vượt hơn 300 km về nhà, tôi cũng đau đau với câu hỏi khác: Số phận những đứa trẻ bị bán khi vừa lọt lòng ấy ra sao, được nuôi dạy tử tế hay để thực hiện mục đích khác?. Chắc là không ai có thể trả lời, ngay cả những người đã mang nặng đẻ đau sinh ra các cháu bé.

Có một điều chắc chắn là nếu tình trạng trên được ngăn chặn ngay từ đầu, thì sẽ không ai còn phải hỏi và trả lời những câu hỏi đau lòng như vậy. Nghĩa là các cơ quan quản lý cần tập trung vào công tác phòng ngừa, bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật để cảnh báo người dân, cần tăng cường hỗ trợ kế hoạch hóa gia đình và hỗ trợ phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện cụ thể ở địa phương. Việc nâng cao dân trí, cải thiện và ổn định đời sống người dân sẽ là biện pháp hiệu quả và bền vững nhất.

Ngoài ra, như đã nêu ở trên, cần sớm bổ sung quy định pháp luật để xử lý nạn mua bán bào thai. Trước mắt liên ngành Tư pháp trung ương nên có hướng dẫn xử lý hành vi này; và về lâu dài là trình các cấp có thẩm quyền đưa hành vi mua bán bào thai vào Bộ Luật hình sự, quy định đây là một tội phạm hình sự độc lập.

Mong rằng với những biện pháp đồng bộ, thời gian tới sẽ không còn đồng nghiệp nào giống như tôi, tìm đến bản làng xa xôi với những câu hỏi thôi thúc.

Tác giả: Hoàng Lam là phóng viên báo Dân Trí, thường trú khu vực Bắc miền Trung từ năm 2012. Chị gắn bó với mục Blog hai năm nay và thường viết về các đề tài xã hội.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!