Khát vọng hòa bình
47 năm đã trôi qua kể từ khi thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối, Bắc - Nam liền một dải. Nhớ lại, vào thời khắc 11h30 ngày 30/4/1975, khi nghe đài phát thanh phát bản tin chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, chúng tôi những học viên phi công của một đơn vị dự khóa bay dù biết trước ngày này sẽ đến, nhưng vẫn không kìm nén được cảm xúc vỡ òa sung sướng ôm lấy nhau hét lên "Hòa bình rồi".
Để kỷ niệm ngày lịch sử, tôi tìm chiếc danh thiếp của ba tôi - Đại sứ Võ Văn Sung, thành viên Đoàn đàm phán ký hiệp định Paris, mà lúc đó tôi đang cất kỹ trong ba lô của mình, ghi vội vào mặt sau "11h30 ngày 30/4/1975, chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh toàn thắng. Đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất. Ghi nhớ mãi ngày này".
Nhiều biến động to lớn của thời cuộc đã diễn ra trong suốt gần năm thập kỷ qua. Thế giới và đất nước chúng ta đã thay đổi, đổi mới rất nhiều. Từ "trật tự hai cực", cục diện thế giới biến đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm. Ngày nay chúng ta nói nhiều đến toàn cầu hóa, thế giới phẳng… và dù hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế lớn, song cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đã và đang diễn ra quyết liệt dưới nhiều hình thức khác nhau, nhiều điểm nóng đã bùng nổ thành xung đột, chiến sự.
Dõi theo diễn biến thời sự điểm nóng trên thế giới hiện nay, chúng ta càng thấm thía giá trị của nền hòa bình và sự độc lập, tự chủ của đất nước ngày hôm nay.
Hòa bình là những gì lớn lao và thiêng liêng, là điều kiện để dựng xây đất nước, phát triển văn hóa - xã hội, và với mỗi người chúng ta thì hòa bình là mái nhà bình yên, là tiếng cười hồn nhiên của trẻ thơ, niềm vui của mẹ già, là những công viên đông vui ngày cuối tuần… Những điều đó là vô giá và đã được đấu tranh, vun đắp qua nhiều thế hệ người Việt. Với gia đình tôi, trong niềm vui chung của đất nước ngày hòa bình lập lại, còn có những cảm xúc mà chúng tôi thường tâm sự với nhau rằng đó là sự may mắn. Bởi vì, anh con dì hai (chị gái của mẹ) tôi trước đây là sĩ quan của quân đội phía bên kia chiến tuyến. Sau ngày đất nước thống nhất, tôi và anh nhiều lần nói với nhau rằng thật may mắn khi có ngày thống nhất đất nước, nếu không, hai anh em sớm muộn phải đối diện với nhau trên chiến tuyến, người trong gia đình có thể phải cầm súng hướng vào nhau.
Ba tôi, một nhà ngoại giao, thường nói với con cháu rằng càng hiểu rõ giá trị của hòa bình thì chúng ta càng phải ra sức bảo vệ độc lập, chủ quyền, làm tất cả những gì có thể để dựng xây nền hòa bình bền vững cho đất nước.
Nhớ lại, sau ngày 30/4/1975, nhiều người nghĩ rằng từ nay đất nước chúng ta sẽ vĩnh viễn hòa bình, nhưng sau đó tiếp tục có những cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam. Đất nước ta tiếp tục trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách. Đây là điều mà chúng ta phải khắc ghi, để không bao giờ cho phép lặp lại.
Trước những diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo của tình hình thế giới hiện nay, chúng ta hãy nhớ lại bài học "dĩ bất biến, ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cái bất biến ở đây chính là lợi ích quốc gia - dân tộc. Chúng ta phải bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.
Có một câu nói nổi tiếng trên thế giới là "muốn có hòa bình hãy chuẩn bị cho chiến tranh". Đây không phải quan điểm chính thức của chúng ta. Nhưng rõ ràng, để đất nước có hòa bình bền vững thì chúng ta phải làm tốt hai nhiệm vụ là phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng cải thiện đời sống người dân và xây dựng quân đội đủ khả năng bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, cơ sở cho nền hòa bình vững chắc chính là lòng dân. Trong ngày lịch sử này, tôi nhớ đến lời dặn của người xưa "Thái bình nên gắng sức / Non nước ấy nghìn thu".
Thượng tướng Võ Văn Tuấn từng giữ chức Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam. Từ cuối năm 1975 và trong thập niên 1980, ông được đào tạo trở thành phi công quân sự; chỉ huy tham mưu không quân tại Học viện Không quân Gagarin, Liên Xô cũ. Ông cũng là một trong những phi công Việt Nam đầu tiên được cử sang Nga để huấn luyện chuyển loại Su-27 vào giữa thập niên 1990.