"Có thể chỉ cần đóng bảo hiểm 10 năm để hưởng lương hưu"
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nêu vấn đề này khi đề cập việc sửa luật Bảo hiểm xã hội theo hướng giảm dần thời gian tham gia bảo hiểm xã hội hưởng lương hưu...
20 năm đóng bảo hiểm mới có lương hưu mà công nhân 40-45 tuổi đã bị… thải
Tại cuộc đối thoại với Thủ tướng Chính phủ ngày 12/6 vừa qua, công nhân Nguyễn Thúy Hà, làm việc tại Hợp tác xã Mây tre lá Ba Nhất (TPHCM) băn khoăn, hiện nay người lao động tham gia bảo hiểm xã hội phải đóng thời gian dài (từ 20 năm trở lên) mới được nhận lương hưu. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp thì tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng với công nhân ngoài 40, 45 tuổi. Vì thế, chị mong muốn Chính phủ sửa đổi quy định để đảm bảo quyền lợi người lao động.
Với vấn đề sửa đổi luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, Chính phủ giao cho Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, hiện nay đã hoàn tất hồ sơ thủ tục với 12 nhóm chính sách cần cải cách, thay đổi, năm 2023 sẽ trình ra Quốc hội.
Dự thảo luật BHXH sửa đổi thể hiện quan điểm giảm dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội, từ 20 năm xuống còn 15 năm và tiến tới có thể chỉ cần 10 năm để đảm bảo người lao động có thể tiếp cận, thụ hưởng lương hưu vì thời gian 20 năm quy định hiện tại quá dài, nhiều người không theo được.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, cần tăng sự liên kết giữa các nhóm chính sách bảo hiểm, xử lý vấn đề quan trọng là chia sẻ giữa người đóng bảo hiểm nhiều với người đóng bảo hiểm ít, khuyến khích người lao động đóng bảo hiểm dài hơn.
Ngoài ra, cần xử lý nghiêm hơn nữa các trường hợp, lợi dụng sự khó khăn của công nhân để mua bán chuyển đổi sổ bảo hiểm dưới mọi hình thức.
Về thực tế, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đầu năm 2022 có xảy ra tình trạng nhiều người lao động rút bảo hiểm một lần nhưng việc này hiện đã giảm so với thời điểm quý I.
Tiếp tục vấn đề bảo hiểm xã hội, công nhân Nguyễn Mạnh Hùng (41 tuổi, Công ty CP May xuất khẩu Hà Bắc) nêu tình trạng vi phạm pháp luật của một số chủ doanh nghiệp còn diễn ra nhiều. Anh Hùng kể, dịp gần Tết Nguyên đán 2022, công ty nơi bạn anh làm việc, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội nên công nhân không có lương và thưởng Tết. Anh Hùng mong muốn cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng "trốn" làm hợp đồng, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội… để công nhân lao động yên tâm làm việc.
Được Thủ tướng Chính phủ chuyển câu hỏi, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nêu nhận định khái quát, trong những năm qua, người sử dụng lao động và người sử dụng lao động ở Việt Nam là một trong những quốc gia có sự gắn bó. Tiêu biểu, thời gian dịch bệnh vừa qua, doanh nghiệp và người lao động đã cùng chia sẻ, đồng hành.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn một bộ phận người sử dụng lao động chưa chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, bao gồm pháp luật về lao động như anh Hùng đề cập. Các địa phương đã cố gắng kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm khá nhiều.
Bộ trưởng cho rằng, hệ thống pháp luật cơ bản hoàn thiện bảo vệ quyền lợi của người lao động nhưng việc chấp hành còn những điều chưa tốt, tiêu biểu là tình trạng nợ lương, thưởng, chậm đóng, trốn đóng BHXH. Thậm chí cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng rơi vào tình trạng này.
Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực nêu con số, gần 1/4 trong số vài trăm doanh nghiệp nhỏ và vừa ở một địa phương ở Bắc Trung Bộ có hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Điểm khó xử lý là việc phân biệt giữa hành vi trốn đóng và chậm đóng không dễ. Luật hình sự quy định rất rõ hướng xử lý trách nhiệm với việc trốn đóng BHXH nhưng chế tài với việc chậm đóng lại không rạch ròi, nên nhiều doanh nghiệp "lấp liếm".
Bộ Lao động đã phối hợp với Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao bàn bạc để ban thành Nghị quyết số 05 hướng dẫn chi tiết về vấn đề này.
Phát biểu thêm, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao cho Bộ LĐ-TB&XH cùng với các bộ ngành liên quan đánh giá tình hình chung trên phạm vi cả nước để xác định mức độ, nguyên nhân của vấn đề, từ đó đưa ra giải pháp xử lý sớm, dứt điểm.
Thủ tướng cũng lưu ý Chủ tịch UBND các tỉnh thành, BHXH Việt Nam tổ chức thực thi pháp luật cho thật nghiêm, bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động.
Áp lực đào tạo cho công nhân rất lớn
Công nhân Bùi Văn Trường (39 tuổi, làm việc tại Bắc Giang) bày tỏ mong muốn có tay nghề vững để có thể có thu nhập cao và đời sống ổn định, đóng góp được nhiều cho doanh nghiệp và đất nước nhưng phàn nàn việc học nghề gặp khó khăn vì điều kiện thời gian, kinh phí, quãng đường từ nơi làm việc đến chỗ học. Anh Trường muốn biết về các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để công nhân lao động tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, thích ứng với thị trường hiện nay.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH xác nhận, sức ép về công ăn việc làm, đào tạo nghề, đào tạo lại cho công nhân lao động đang tạo ra những áp lực rất lớn. Đến năm 2026, theo dự báo của Tổ chức lao động quốc tế, sẽ có khoảng 40% người lao động sẽ không có kỹ năng phù hợp với công việc, 30% người lao động buộc phải chuyển nghề.
Theo Bộ trưởng, tỷ lệ lao động của Việt Nam được đào tạo khá cao, tới 70% nhưng thực chất, chỉ có 24,5% có chứng chỉ nghề nghiệp, được đào tạo từ 3 tháng trở lên. Trong khu vực ASEAN tỷ lệ lao động qua đào tạo như vậy là thấp.
Chính vì vậy, Việt Nam xác định đào tạo nhân lực là một trong khâu đột phá chiến lược của quốc gia để phát triển nhanh. Do đó, Thủ tướng đã ban hành chiến lược phát triển nghề nghiệp đến năm 2030.
Hiện 23 tỉnh thành thực hiện mô hình phân luồng học sinh sớm, định hướng học nghề từ cấp 2, cấp 3, theo kinh nghiệm của các nước như Nhật Bản, Singapore đã cho kết quả tốt.
Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tập trung việc đào tạo mới lực lượng lao động. Luật Việc làm tới đây sẽ được sửa đổi trên tinh thần xác định những ngành nghề nào, những lĩnh vực nào bắt buộc doanh nghiệp, người sử dụng lao động phải sử dụng lao động có chuyên môn, tổ chức đào tạo trước khi làm việc.
Về hướng đào tạo lao động chất lượng cao, hiện nhà nước đã dành 2 nguồn lực quan trọng là Chương trình 2.000 tỷ xây dựng 3 trung tâm đào tạo quốc gia và tiếp tục thí điểm đào tạo ở các trường chất lượng cao theo Chương trình 34 "chuẩn" Úc, Đức.
Chỉ đạo thêm vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đào tạo nâng cao tay nghề là đòi hỏi chính đáng của người lao động, công nhân. "Có công ăn việc làm là quý rồi, nhưng có công ăn việc làm phải nâng cao năng suất, chất lượng lên. Muốn như thế phải có đào tạo nâng cao tay nghề là đòi hỏi khách quan vì khi có tay nghề cao thì sẽ có thu nhập cao, để đời sống vật chất, tinh thần của người công nhân được cải thiện" - Thủ tướng nói.
Nói về trách nhiệm của các cơ quan có liên quan với việc này, Thủ tướng nhắc đến Chương trình 2.000 tỷ đồng Bộ trưởng LĐ-TB&XH đã đề cập. Ngoài ra, trong chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, Chính phủ cũng nêu rõ việc dành nguồn lực cho đào tạo và sẽ cân đối, nếu còn dư địa sẽ tiếp tục chi cho đào tạo.