Điện hạt nhân ở Việt Nam - tiến hay lùi?
Vấn đề điện hạt nhân tiếp tục được đề cập tại kỳ họp Quốc hội vừa qua. Theo Ủy ban Kinh tế, với lộ trình giảm phát thải tiến tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đây là lĩnh vực cần được nghiên cứu, xem xét trong quá trình phát triển giai đoạn tiếp theo.
Quốc hội nước ta đã phê duyệt chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận năm 2009 và Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch 8 địa điểm xây dựng các nhà máy. Năm 2016 vì các lý do khách quan, Quốc hội ban hành nghị quyết dừng thực hiện dự án này. 8 địa điểm đã được quy hoạch trong quyết định của Thủ tướng, trong đó có 2 địa điểm ưu tiên tại Ninh Thuận (Phước Dinh và Vĩnh Hải) được sử dụng cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, đến nay về nguyên tắc đang được bảo lưu, chờ quyết định mới của Thủ tướng.
Tại nghị trường vừa qua, một đại biểu đề nghị xóa bỏ quy hoạch các địa điểm này, số khác muốn duy trì để sử dụng khi tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trong tương lai. Bộ trưởng Bộ Công Thương thì khẳng định việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận không có nghĩa là "hủy bỏ". Như vậy đây là vấn đề còn bỏ ngỏ, chờ quyết định cuối cùng của cấp có thẩm quyền.
Là người đã gắn bó cả cuộc đời công tác trong lĩnh vực điện hạt nhân, tôi xin được chia sẻ một số quan điểm. Trước hết, chúng ta cần thấy rằng điện hạt nhân đang đóng góp trên 10% sản lượng điện toàn cầu và chiếm 1/3 trong số các loại điện được tạo ra bằng công nghệ phát thải carbon thấp. Điện hạt nhân giúp giảm phát thải Dioxit Carbon hàng năm 2 tỷ tấn, tương đương với việc không cho lưu hành 400 triệu xe ô tô.
Ngoài 32 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có điện hạt nhân, thì hiện 27 nước chủ trương phát triển điện hạt nhân, trong đó 12 nước dự kiến có nhà máy đầu tiên đi vào vận hành năm 2035. Các cường quốc kinh tế trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Đức… đều đang sử dụng điện hạt nhân và tiếp tục đẩy mạnh sử dụng loại năng lượng này. Đức có chủ trương đóng cửa theo lộ trình các nhà máy điện hạt nhân, nhưng lại nhập khẩu điện từ Pháp làm từ nhà máy điện hạt nhân. Nếu loại năng lượng này không đáng tin cậy, chắc các đầu tàu kinh tế thế giới sẽ loại bỏ đầu tiên, chứ không đợi đến những nước đang phát triển như chúng ta.
Bên cạnh việc tiếp tục phát triển các nhà máy điện hạt nhân loại lò nước nhẹ tiên tiến công suất lớn (thế hệ III, III+) đã được kiểm chứng nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng cao, nhiều nước đang xem xét phương hướng khác nữa là phát triển các nhà máy điện hạt nhân công suất nhỏ và trung bình (SMR). Các SMR sẽ thay thế cho các nhà máy nhiệt điện than phải đóng cửa vì ô nhiễm trong tương lai.
Theo tôi, nếu chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân của Việt Nam được thực hiện, chúng ta sẽ tiếp tục sử dụng công nghệ lò phản ứng nước nhẹ tiên tiến công suất lớn cho những tổ máy đầu tiên tại các địa điểm đã được quy hoạch. Tuy nhiên trong chiến lược dài hạn chúng ta cũng nên quan tâm đến công nghệ SMR để thay thế cho các nhà máy nhiệt điện than buộc phải đóng cửa vì ô nhiễm vào thập niên 2040, với các ưu việt của lò SMR cả về an toàn và kinh tế.
Suất đầu tư của điện hạt nhân hiện nay cao hơn so với các loại hình phát điện khác do phải có nhiều giải pháp bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, hệ số sử dụng công suất và thời gian sống của nhà máy điện hạt nhân khá dài, 60 năm và có thể đến 80 năm, nên sản lượng điện tạo ra nhiều hơn các loại phát điện khác cùng công suất, dẫn đến giá thành rất rẻ khi hết khấu hao đầu tư, còn chi phí nhiên liệu trong giá điện thì rất thấp (các loại nhiệt điện khác như than, dầu, khí thì giá điện chủ yếu cấu thành là từ giá nhiên liệu).
Khác biệt căn bản của điện hạt nhân với các dạng nhiệt điện khác là yêu cầu về bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân và việc xử lý chất thải hạt nhân/chất thải phóng xạ. Các nước đi vào phát triển điện hạt nhân đều phải quan tâm giải quyết những vấn đề này. Họ nhận được sự hỗ trợ rất hiệu quả của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng như đối tác nước ngoài đã có kinh nghiệm trong phát triển điện hạt nhân. Những khó khăn, thách thức của điện hạt nhân là của chung cộng đồng khoa học hạt nhân thế giới, chứ không phải của riêng một nước nào. Lo lắng về bảo đảm an toàn của công chúng là rất chính đáng sau các tai nạn đã xảy ra, nhưng nếu hiểu nguyên nhân thì sẽ biết làm thế nào để bảo đảm an toàn. Không có công nghệ nào an toàn tuyệt đối. Xác suất xảy ra tai nạn máy bay còn cao hơn tai nạn nhà máy điện hạt nhân, nhưng chúng ta không thể từ bỏ một loại công nghệ vận chuyển tiên tiến này được. Nhà máy điện hạt nhân cũng vậy. Nếu hiểu được nguyên nhân của các tai nạn thì sẽ có các giải pháp để bảo đảm an toàn cho con người và môi trường.
Trong lịch sử gần 70 năm phát triển điện hạt nhân chỉ có 2 tai nạn gây chết người và ảnh hưởng đến môi trường là tai nạn nhà máy điện hạt nhân Chernobyl và Fukushima. Tai nạn Chernobyl xảy ra với loại công nghệ không được thương mại, chỉ sử dụng ở Liên Xô (cũ), không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế và sự vi phạm quy phạm vận hành. Còn tai nạn Fukushima là do công nghệ cũ thế hệ II chưa tính tới các yếu tố cực đoan của môi trường (động đất và sóng thần), trong khi nhà máy điện hạt nhân Onagawa ở gần tâm chấn động đất hơn thì lại không bị ảnh hưởng gì vì nó là công nghệ thế hệ III. Sau mỗi một tai nạn hạt nhân như vậy, cộng đồng hạt nhân quốc tế mà đại diện là IAEA lại phải nâng cấp các tiêu chuẩn an toàn để làm cho điện hạt nhân ngày càng an toàn hơn.
Có thể nói các công nghệ hiện đại (thế hệ III, III+ hoặc IV) sẽ bảo đảm an toàn với tất cả các kịch bản sự cố tai nạn mà chúng ta có thể nghĩ ra, kể cả tai nạn trầm trọng nhất là nóng chảy toàn bộ vùng hoạt (vùng chứa nhiên liệu hạt nhân) vẫn có thể được xử lý bằng bẫy vùng hoạt để không làm phát tán phóng xạ ra môi trường. Vấn đề còn lại để bảo đảm an toàn là yếu tố con người. Vì vậy, để hạn chế các rủi ro thì công tác đào tạo cán bộ, nâng cao nhận thức về văn hóa an toàn trong các nhà máy điện hạt nhân là hết sức cần thiết. Các nước cũng phải xây dựng cơ chế quản lý an toàn hết sức nghiêm ngặt, kể cả trong nội bộ nhà máy cũng như quản lý ngoại bộ của cơ quan pháp quy về lĩnh vực này.
Nhà máy điện hạt nhân là một công trình năng lượng đã được thương mại với các quy định chặt chẽ. Nhiều nước trình độ không hơn Việt nam cũng đã quản lý an toàn những công trình này. Chẳng nhẽ người Việt Nam ta lại không đủ năng lực để quản lý và vận hành an toàn các nhà máy điện hạt nhân. Tôi không nghĩ như vậy!
Với nước ta, nguồn năng lượng hóa thạch nội địa hạn chế và thủy điện đã khai thác hết tiềm năng. Còn phát triển điện từ năng lượng tái tạo vẫn phải có 20% công suất dự phòng từ nhiệt điện (điện khí, điện hạt nhân). Việc xem xét phát triển điện hạt nhân, không đồng nghĩa bỏ qua phát triển các loại năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, mà phải khai thác triệt để tiềm năng của loại năng lượng này. Tuy nhiên, năng lượng tái tạo cũng không phải rẻ theo đánh giá so sánh giữa điện mặt trời và điện hạt nhân ở nhiều nước.
"Tiến hay lùi" với điện hạt nhân sẽ do cấp có thẩm quyền quyết định. Là người có nhiều năm nghiên cứu về vấn đề này, tôi thấy điện hạt nhân là cần thiết với nước ta, đặc biệt khi Chính phủ đã có cam kết zero carbon vào năm 2050.
Tác giả: PGS.TS Vương Hữu Tấn tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, công tác ở Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, nghiên cứu sinh ở Liên Xô (1985-1989). Từ 1998 đến 2012, ông là Phó viện trưởng, rồi Viện trưởng Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam. Ông cũng từng giữ chức Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!