Khởi động hay xóa bỏ quy hoạch điện hạt nhân Ninh Thuận: Cần kỹ lưỡng
(Dân trí) - Một số đại biểu Quốc hội đã đề nghị xóa bỏ quy hoạch các vị trí xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Việc tái khởi động lại loại năng lượng này cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Khởi động lại điện hạt nhân cần được nghiên cứu rất kỹ lưỡng
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã tạm dừng theo quyết định tại Nghị quyết 31 năm 2016 của Quốc hội. Tuy nhiên, mới đây, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề xuất xem xét phát triển điện hạt nhân.
Vấn đề này một lần nữa lại nhận được sự quan tâm trên nghị trường Quốc hội. Trao đổi bên lề hành lang, nhiều đại biểu Quốc hội cũng bàn về vấn đề này.
GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - cho biết, cùng với sự phát triển của đất nước, nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng lên và thực hiện các cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP 26, Việt Nam cần chuyển đổi mạnh mẽ các nguồn năng lượng, từ hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, năng lượng tái tạo như thủy điện không còn nhiều dư địa phát triển; năng lượng gió, mặt trời không ổn định. Do vậy câu hỏi đặt ra là cần nguồn năng lượng ổn định nào để chạy nền cho các nguồn năng lượng tái tạo.
"Việc khởi động lại điện hạt nhân cần nghiên cứu rất kỹ lưỡng, các cơ quan chuyên môn đánh giá năng lượng của Việt Nam, học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Làm điện hạt nhân phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, nếu không an toàn thì không làm, không chấp nhận rủi ro", GS Cường nhấn mạnh.
Trong khi đó, một số đại biểu băn khoăn về vấn đề an sinh của người dân nếu cứ tiếp tục giữ quy hoạch điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Một đại biểu Quốc hội cho biết không thể buộc nhân dân Ninh Thuận chờ đợi, mà nên bỏ quy hoạch này và xây dựng một quy hoạch mới, điều chỉnh bổ sung quy hoạch mới cho Ninh Thuận để phát triển các ngành, nghề khác.
"Quy hoạch mới đó sẽ như thế nào, công nghệ gì, vốn ở đâu, nguồn nhân lực ra sao và đặt ở đâu… là câu chuyện mới. Nhưng biết đến khi nào thì dự án cũ này mới giải quyết được, trong khi đời sống của nhân dân vùng đó lại đang khổ sở, khó khăn, thậm chí rất lãng phí nguồn tài nguyên ở đây", vị đại biểu băn khoăn.
Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) cho biết, đến nay đã gần 14 năm dừng chủ trương thực hiện điện hạt nhân nhưng các vấn đề về quy hoạch làm ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của người dân vẫn chưa được giải quyết.
Điều này, theo bà Hương, đã gây bức xúc cho người dân, làm ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tại Nghị quyết số 31 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, Quốc hội đã giao cho Chính phủ 3 nhóm nhiệm vụ chính.
Thứ nhất, giải quyết các vấn đề có liên quan đến việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận.
Thứ hai, chú trọng phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng an toàn, đảm bảo quốc phòng, an ninh của quốc gia.
Thứ ba, ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp đầu tư hỗ trợ xây dựng hạ tầng, quy hoạch tổ chức lại sản xuất và ổn định đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương chịu ảnh hưởng của việc quy hoạch Điện hạt nhân Ninh Thuận.
Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115 về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức sản xuất, ổn định đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023. Tuy nhiên theo bà Hương, chỉ còn hơn một năm nữa, đến hết năm 2023, là hết thời gian thực hiện Nghị quyết 115 của Chính phủ nhưng vẫn còn nhiều việc đề ra chưa được thực hiện đảm bảo.
"Vấn đề này được nêu cụ thể tại Báo cáo giám sát của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gửi đến các vị đại biểu Quốc hội", bà Hương nói.
Cuộc sống người dân vùng quy hoạch quá khó khăn
Theo bà Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận), Bộ Công Thương vẫn chưa xử lý các quyết định của Bộ về quy hoạch các vị trí xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Từ đó, người dân bị hạn chế quyền sử dụng đất, không được mua bán, không được chuyển nhượng, tặng cho, không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không được thế chấp đất để vay vốn, mở rộng sản xuất, không được xây dựng công trình cải tạo, sửa chữa, mở rộng nhà ở, cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi cũng không được đầu tư, hiện đang bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
"Người dân trải qua thời gian dài chờ đợi, không ổn định được sản xuất, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, bức xúc", bà Hương nhấn mạnh.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) cũng đề nghị giải quyết dứt điểm, xóa bỏ quy hoạch của điện hạt nhân Ninh Thuận. "Rất nhiều chuyện phải làm, tạo ra một quy hoạch mới cho tỉnh Ninh Thuận trở thành một vùng có năng lượng, một vương quốc của năng lượng tái tạo, vùng du lịch, vùng sinh thái... tạo điều kiện cho bà con có sự chuyển động về kinh tế để cuộc sống được nâng lên bằng quy hoạch mới", đại biểu Nghĩa đề nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cũng cho biết từ khi Trung ương có chủ trương đến triển khai dự án điện hạt nhân ở địa phương, chính quyền và người dân đều tán thành, ủng hộ, thậm chí đồng ý khi Quốc hội dừng chủ trương đầu tư dự án năm 2016.
"Tuy nhiên từ khi Quốc hội quyết định dừng hai dự án điện hạt nhân, chúng tôi chưa rõ sẽ tiếp tục triển khai trong tương lai hay không", ông Nam nói. Cũng chính vì vậy, toàn bộ hoạt động đầu tư, xây dựng hạ tầng liên quan đời sống người dân ở hai nơi này không được thực hiện. Lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh, chủ trương rõ ràng sẽ giúp địa phương thêm cơ sở thuận lợi triển khai những vấn đề liên quan.
Vướng gì ở quy hoạch điện hạt nhân ở Ninh Thuận?
Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hiện một số vướng mắc về thuế, chi phí của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên quan đến quá trình triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận chưa được xử lý triệt để.
Theo đó, chi phí của dự án này tương đối lớn (1.496 tỷ đồng trước thuế, không bao gồm chi phí các hạng mục công trình đã chuyển giao sử dụng cho mục đích khác) nhưng chưa hình thành tài sản cố định, cần được cấp có thẩm quyền cho phép hạch toán vào chi phí chung của EVN để thu hồi vốn đầu tư cho các dự án khác.
Cũng theo báo cáo, đã tạm ứng chi thực hiện Dự án di dân tái định cư của các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận với số tiền là 196,8 tỷ đồng nhưng chưa được hoàn trả; không được hoàn, bù trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào liên quan đến Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Chưa kể theo Ủy ban Kinh tế, việc xử lý các cam kết, thỏa thuận với đối tác nước ngoài vẫn còn khó khăn, có tiềm ẩn một số rủi ro trong quan hệ hợp tác nếu chúng ta không xác định rõ định hướng phát triển điện hạt nhân, cũng như xử lý hài hòa lợi ích của các bên, việc điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với khu vực quy hoạch xây dựng các Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 là có rủi ro đối với các quan hệ song phương.
Ngoài ra, việc triển khai Dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc do những diễn biến khó lường trên chính trường quốc tế.
Trước đó, tại phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 30/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, các cấp có thẩm quyền đã cho chủ trương và Quốc hội đã có Nghị quyết về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
"Như vậy Nghị quyết là tạm dừng chứ không phải hủy bỏ", ông Diên nói và cho biết, về nguyên tắc, không có cơ sở để bỏ quy hoạch địa điểm xây nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Mặt khác, ông Diên cho rằng, địa điểm Ninh Thuận được đối tác, các ngành có liên quan nghiên cứu rất kỹ và khẳng định đây là nơi phù hợp nhất để phát triển điện hạt nhân của Việt Nam.