Vì sao cần nghiên cứu, xem xét lại phát triển điện hạt nhân?

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Theo Ủy ban Kinh tế, với lộ trình giảm phát thải tiến tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 năm 2050, điện hạt nhân là vấn đề cần được nghiên cứu, xem xét trong quá trình phát triển giai đoạn tiếp theo.

Nội dung trên được đề cập tại báo cáo giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 31 năm 2016 của Quốc hội về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Cụ thể, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, sau COP26, các nước tham gia đã công nhận điện hạt nhân là loại hình sản xuất điện sạch, không phát thải khí nhà kính, góp phần quan trọng trong việc giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Theo lộ trình giảm phát thải tiến tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, điện hạt nhân là vấn đề cần được nghiên cứu, xem xét trong quá trình phát triển ngành năng lượng nước ta giai đoạn tiếp theo, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.

Vì sao cần nghiên cứu, xem xét lại phát triển điện hạt nhân? - 1

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ quy hoạch đối với các vị trí dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cho đến khi cấp có thẩm quyền có quyết định chính thức về vấn đề này (Ảnh: IT).

Việc phát triển điện hạt nhân, theo cơ quan này, cũng là giải pháp quan trọng để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, an ninh cho hệ thống điện với nhu cầu đa dạng nguồn phát và đặc biệt là bảo đảm nguồn phát nền cho nguồn điện tái tạo được phát triển bùng nổ trong thời gian vừa qua.

Ủy ban Kinh tế cho biết thêm, việc lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân đưa vào quy hoạch là quá trình lâu dài, cẩn trọng, tuân thủ quy định chặt chẽ và rất tốn kém.

Các địa điểm quy hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cũng đã trải qua quá trình nghiên cứu lâu dài, lựa chọn kỹ lưỡng, đáp ứng được các tiêu chí khắt khe của quốc tế, đồng thời nhận được sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân địa phương.

Hiện nay, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận mới được dừng thực hiện, Ủy ban Kinh tế cho biết nếu hủy bỏ sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển điện hạt nhân trong tương lai, đồng thời cũng ảnh hưởng đến quan hệ với các nước đối tác. Do đó, cơ quan này đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ quy hoạch đối với các vị trí dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cho đến khi cấp có thẩm quyền có quyết định chính thức về vấn đề này.

Ủy ban Kinh tế đã đề nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện, khách quan, khoa học, chính xác thực trạng và dự báo cung cầu năng lượng trong thời gian tới, đồng thời nhanh chóng có đề xuất hợp lý về việc phát triển điện hạt nhân trong tương lai, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo Ủy ban Kinh tế, trong khi chờ chủ trương chính thức, đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân một cách có hiệu quả. Ngoài ra là cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, có phương án bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên ngành đối với đội ngũ nhân lực đã đào tạo về điện hạt nhân.

Đồng thời là nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực năng lượng nguyên tử, trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử và tăng cường năng lực của các ngành khoa học, công nghệ có liên quan như địa chất, địa chấn… chuẩn bị các điều kiện cần thiết, bảo đảm sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

Trước đó, theo kế hoạch tổng thể thực hiện, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được chia thành 7 dự án thành phần, trong đó 6 dự án do EVN làm chủ đầu tư và 1 dự án UBND tỉnh Ninh Thuận làm chủ đầu tư. Tổng chi phí đã thực hiện của 7 dự án thành phần là khoảng 2.307 tỷ đồng.

Đến năm 2016, căn cứ bối cảnh, điều kiện thực tế của đất nước, tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đưa ra một quyết định đúng đắn, mang tính lịch sử là đồng ý chủ trương dừng thực hiện dự án xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận, đồng thời giao Bộ Chính trị, căn cứ ý kiến thảo luận của Trung ương, chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội hoàn thiện Báo cáo để trình Quốc hội khóa XIV xem xét, quyết định.

Để thể chế hóa chủ trương của Đảng, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 31 về dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/11/2016. Trong đó, 3 nhóm nhiệm vụ chính được đề ra là giải quyết các vấn đề liên quan đến việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, trong đó có việc tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân trong khu vực quy hoạch; ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội; phát triển ngành năng lượng nói chung.