Đá Chông - nơi in đậm phong cách Hồ Chí Minh
Đá Chông, Ba Vì, Sơn Tây cách Thủ đô Hà Nội khoảng 60km là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên với nhiều huyền thoại lịch sử. Đây là nơi đã từng in dấu ấn của Bác Hồ trong thập niên 60 của thế kỷ trước với những sự kiện và kỷ niệm thiêng liêng của cuộc đời Lãnh tụ từ khi Người đặt chân tới vùng đất này, 65 năm về trước, năm 1957.
Nơi đây, Người đã từng leo theo đường mòn, rừng rậm, nói với các chiến sĩ cảnh vệ đeo ba lô lên vai cho Bác, cho từng viên gạch đá vào trong để Bác thử sức mình xem đeo được mấy viên. Trong linh cảm của Người, cuộc chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ Quốc cho Bắc - Nam xum họp một nhà sẽ còn lâu dài, gian khổ. Bác trù tính luyện tập sức khỏe để có thể đến với đồng bào miền Nam "nơi tuyến lửa"
Cũng trên không gian Đá Chông, nơi có rừng già thâm nghiêm và núi sông hùng vĩ, vào tuổi 75, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lại đến nơi này, tựa lưng vào cây rừng để viết từng dòng di chúc gửi lại cho đời sau mà Người khiêm nhường gọi là "một bức thư", là "mấy lời để lại" cho đồng bào, đồng chí, cho cả bạn bè quốc tế.
Việc làm lặng lẽ, âm thầm, tuyệt đối bí mật đó của Người đã kết đọng bao suy tư và xúc cảm, cả niềm tin và hy vọng, cả niềm vui lẫn nỗi buồn và hơn tất cả là sự nuối tiếc vì biết rõ tính hữu hạn của đời người trong cái vô hạn của đời sống nhân gian. Người đã từng viết những dòng cuối cùng trong Di chúc "Chỉ tiếc rằng, không được phục vụ Tổ quốc và nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa". Nỗi niềm, tâm sự của Người, tiếng nói cất lên từ trái tim Người rất đỗi chân thành, toát lên sự cao thượng của tâm hồn, đức hy sinh quên mình, hóa thân vào Đất nước, Nhân dân bất tử.
Người cũng từng nghĩ suy với nỗi đau nhân thế trước sự bất hòa của các Đảng anh em giữa lúc khói lửa chiến tranh đang lan rộng ra miền Bắc và miền Nam vẫn đang đổ máu trong bom rơi đạn nổ. Dòng suy nghĩ ấy của Người hẳn đã hiện ra từ mảnh đất Đá Chông này và triền miên theo Người trở lại nhà sàn, giữa đêm khuya vắng lặng, giấc ngủ không thành. Người chọn thời điểm từ 9 giờ đến 10 giờ sáng để viết, để đọc lại và sửa chữa từng chữ, từng câu trong Di chúc. Đó là "giờ sáng sao" trong đời sống tinh thần của Người, giờ của trí tuệ mẫn tiệp, giờ của xúc cảm thi ca, bởi Người không chỉ là nhà tư tưởng kiệt xuất mang tinh thần minh triết mà còn là nhà thơ với "tâm hồn lộng gió thời đại" (Phạm Văn Đồng).
Và cũng chính trên đất rừng Đá Chông này, Người đã chọn làm địa điểm sơ tán của Trung ương trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt khi Mỹ leo thang phá hoại. Căn nhà họp của Bộ Chính trị và Trung ương vẫn còn đó, dường như vẫn còn hơi ấm của Người. Tại đây, dưới sự chủ trì của Người nhiều quyết định lịch sử, nhiều quyết định quan trọng đã hình thành từ trí tuệ, lòng dũng cảm, quyết tâm sắt đá của Người, kết tinh những tinh hoa của Đảng và của dân tộc.
Cũng rất đỗi thiêng liêng, Đá Chông với những biệt danh lịch sử K9 rồi K84 đã được Trung ương chọn làm nơi giữ gìn thi hài Bác Hồ trong những năm chiến tranh gian khổ với biết bao câu chuyện cảm động về bảo vệ an toàn tuyệt đối thi hài của Người, trước khi hoàn thành công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ba Đình lịch sử.
Đá Chông giờ đây là một quần thể văn hóa - một di tích lịch sử đặc biệt của quốc gia. Tại không gian Văn hóa - Du lịch - Tâm linh này, mọi người dân Việt Nam, mọi lứa tuổi và thế hệ trong cả nước cùng với bạn bè quốc tế vẫn thường xuyên hội tụ nơi đây để được sống lại với những ký ức mãi mãi không phai mờ về Hồ Chí Minh, "con người của mọi con người", "tấm lòng của muôn triệu tấm lòng", không chỉ của dân tộc Việt Nam mà còn của thế giới nhân loại.
Thời gian càng lùi xa, tư tưởng - đạo đức phong cách Hồ Chí Minh càng tỏa sáng. Ánh sáng của con đường Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng của niềm tin, đức tin, của chiến đấu và chiến thắng, của khát vọng giải phóng và phát triển một dân tộc Việt Nam cường thịnh, trường tồn, một đất nước Việt Nam văn minh, hạnh phúc như tâm nguyện của Người.
Con đường ấy có Đá Chông như một chứng tích góp phần. Ánh sáng ấy có Đá Chông như một trong muôn ngàn tia sáng của "thần nhãn" Hồ Chí Minh.
Vậy Đá Chông in đậm phong cách Hồ Chí Minh như thế nào? Có thể tóm tắt vào những điểm sau đây:
Trước hết, nói phong cách Hồ Chí Minh là nói tới sự kết tinh của tư tưởng , đạo đức, phương pháp của Người. Tất cả đã hội tụ vào nhân cách Hồ Chí Minh, thành văn hóa Hồ Chí Minh.
Phong cách chính là con người, đúng như định nghĩa của Búyp Phông - một triết gia Pháp thế kỷ 18. Phong cách Hồ Chí Minh - đó là sự giản dị một cách tự nhiên, không hề khiên cưỡng. Người giản dị trong ngôn ngữ, từ lời văn, câu nói với mọi người, không xa cách, cao đạo mà gần gũi, thân tình.
Người có biệt tài, giản dị hóa mọi điều phức tạp, từ trừu tượng biến thành cụ thể, ai ai cũng có thể hiểu được những điều Người nói và viết, nhưng mặt khác, ngay cả những học giả uyên bác trong nước cũng như nước ngoài đều cảm thấy nhiều điều sâu sắc, mới mẻ trong tư tưởng, trong văn phong của Người và còn phải dày công nghiên cứu mới có thể gọi là thấu hiểu về Người. Người giản dị, tự nhiên, hồn nhiên trong tiếp xúc và ứng xử với mọi người. Hồ Chí Minh có sự hấp dẫn lạ thường, có sự thuyết phục, cảm hóa kỳ diệu đối với mọi người. Sự cảm thông và bao dung mà Người dành cho mỗi cuộc đời, mỗi số phận làm xúc động muôn người, bởi Người thấu hiểu và thấu cảm. Với mỗi chúng ta, để "thấu hiểu" và "thấu cảm" về Người, đòi hỏi không chỉ nỗ lực của lý trí mà còn phải trải nghiệm để tự mình có những cảm xúc chân thành hướng tới Người.
Hồ Chí Minh giản dị chứ không giản đơn. Như nhận xét tinh tế của một học giả "giản dị là nỗ lực cao nhất và cuối cùng của bậc thiên tài". Hồ Chí Minh là như vậy. Đó thực sự là một "bản lĩnh văn hóa".
Người có một đời sống sinh hoạt và lối sống hết sức giản dị, đạm bạc, tiết kiệm vì thương dân và để nêu gương. Bộ quần áo nâu Người mặc, đôi dép cao su Người đi, món ăn bình dân mà Người yêu thích, Người tát nước chống hạn cùng với người dân, xắn quần lội ruộng, trò chuyện thân mật với bà con nông dân, Người trồng cây trong Tết đến xuân về và nằm nghỉ chốc lát ngay trên thảm cỏ ven đồi cũng như Người đã từng chủ trì những bữa tiệc ngoại giao sang trọng vẫn với bộ quần áo ca ky quen thuộc mà chỉ có Hồ Chí Minh - nguyên thủ quốc gia mới thể hiện được, hết sức giản dị mà cũng hết sức lịch thiệp.
Giản dị và chân thành, khiêm tốn và vị tha, ân cần và chu đáo, tinh tế và linh hoạt, mềm mỏng mà vẫn kiên quyết,... Đó là những sắc thái biểu hiện trong phong cách ứng xử của Hồ Chí Minh.
Trong lãnh đạo, Người nhìn xa trông rộng, có tầm mắt đại dương, trí tuệ sắc sảo cùng với kinh nghiệm được tích lũy và những trực cảm nhạy bén đem lại cho Người sức mạnh để dự báo, tiên tri thật chính xác của bậc thiên tài.
Trong quản lý, Người thực sự khoa học và dân chủ, tạo nên phong cách riêng có ở Hồ Chí Minh. Người hiện đại mà vẫn không xa truyền thống, Người đậm bản sắc dân tộc mà vẫn vươn tới thế giới, quốc tế và ở tầm thời đại đã từ rất sớm và rất chủ động trong hội nhập, đưa ra thông điệp "Việt Nam mong muốn là bạn bè của tất cả các nước dân chủ".
Phong cách Hồ Chí Minh kết tinh ở sự hài hòa, thấu lý đạt tình "Lý kết hợp với tình". Năm chữ ấy là CNXH Việt Nam như Người nói cùng ông Hà Huy Giáp.
Phong cách Hồ Chí Minh đó là: "Dĩ bất biến ứng vạn biến", như lời Người nói với cụ Bùi Bằng Đoàn trước khi đi Pháp vào tháng 5 năm 1946.
Phong cách Hồ Chí Minh, đó là phong cách của tình yêu thương, mỗi người có một nỗi khổ riêng, mỗi gia đình có một nỗi đau riêng, cộng tất cả nỗi khổ đau đó lại chính là nỗi khổ đau của Người , Người căn dặn "phê bình việc chứ không phê bình người". Người kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân nhưng hết sức thương yêu, nâng niu, tôn trọng từng con người, cổ vũ họ, thúc đẩy họ, tin cậy họ vươn tới sự sáng tạo, phát triển và hoàn thiện.
Phong cách đặc sắc của Hồ Chí Minh làm cho mọi người cùng đạt tới sự cảm nhận, Người là người truyền cảm hứng vĩ đại của toàn dân tộc. Người là người truyền lửa, thắp sáng niềm tin và hy vọng cho thế hệ trẻ, cho tất cả mọi người chúng ta.
Sẽ là thiếu hụt và sai sót nếu nói về phong cách Hồ Chí Minh mà không nhấn mạnh tới tình yêu thiên nhiên hòa quyện nhuần nhuyễn trong tình yêu con người và cuộc sống của Hồ Chí Minh. Người từng nói thiên thời, địa lợi, nhân hòa nhưng nhân hòa là quan trọng nhất.
Thơ Hồ Chí Minh tràn ngập cảnh sắc thiên nhiên, quanh nơi ở của Người cũng ngát hương thơm cây cỏ, hoa vườn. Yêu thiên nhiên và Người hòa cuộc sống của mình trong sắc màu hoa lá. Ngay trong Di chúc, Người cũng muốn nằm trong lòng đất mẹ, dặn mọi người trồng cây và chăm sóc cây xanh xung quanh nấm mộ của Người. Bởi thế, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hội tụ đủ mọi loài cây và hoa của mọi vùng đất nước về đây. Bài thơ Người viết trong kháng chiến, nơi chiến khu là một ví dụ tiêu biểu:
"Trên có núi dưới có sông
Có đất ta trồng có bãi ta vui
Tiện đường sang bộ Tổng
Thuận lối tới Trung ương
Nhà kín mái, thoáng mát
Gần dân, không gần đường"
Người đến Đá Chông là đến với thiên nhiên, sống giữa thiên nhiên. Rừng núi, sông suối Đá Chông, những cây Bụt mọc ở Đá Chông gần gũi, thân thương với Người.
Ở giữa nhà sàn, vườn cây, luống hoa, ao cá luôn có bàn tay chăm sóc của Người và tình yêu của Người đối với thiên nhiên và con người. Về thăm quê hương, Người vẫn không quên bãi cỏ, hàng râm bụt, khóm chè mạn hảo, gốc mít trước sân nhà tuổi thơ.
"Đá Chông đã thực sự là nơi in đậm phong cách Hồ Chí Minh - từ cuộc sống đến con người và thiên nhiên". Đó là đất Việt, hồn Việt mà Người một đời thương yêu, gắn bó, hơn tất cả là thương yêu, gắn bó với nhân dân, khi Người nói "Bác không thể bỏ dân mà đi được".
Tác giả: GS.TS Hoàng Chí Bảo là chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương. Ông đã dành hơn 50 năm nghiên cứu, sưu tầm, kể chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.