(Dân trí) - Quyền nói cuộc đời mình kịch tính hơn phim. Bị bắt cóc sang Trung Quốc từ năm 12 tuổi, cô phải ăn mày ở ga tàu, ngủ gầm cầu, chỉ với khát khao "được sống để đoàn tụ gia đình".
Chiều 6/2 (tức mùng 9 Tết Nguyên Đán), đúng 49 ngày mất của mẹ, Đặng Thị Quyền (31 tuổi) bước chân qua ranh giới Trung Quốc - Việt Nam tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu. Trong khoảnh khắc đó, lần đầu tiên sau gần 20 năm, Quyền được nhìn ngắm quê hương, ôm chầm 14 anh chị em (gồm cả anh chị em dâu, rể).
Thời gian có thể xóa mờ hình ảnh của cô bé Quyền năm xưa, nhưng những đường nét trên khuôn mặt của cô khiến người chị cả phải thốt lên "giống mẹ quá".
Đã từng nghĩ đến viễn cảnh đoàn tụ gia đình trong những giấc mơ, nhưng Quyền chưa từng dám nghĩ một ngày nào đó, hai tiếng "Việt Nam" được cô nói lên nhẹ nhàng đến thế, dù cô đã không còn nhớ tiếng mẹ đẻ.
Ngày về cô gái 20 năm bị bắt sang Trung Quốc, ăn mày ở ga tàu, ngủ gầm cầu (Thực hiện: Sơn Nguyễn - Minh Nhân).

Đó là khung cảnh một buổi chiều năm 2006, Đặng Thị Quyền học lớp 7 tại một ngôi trường ở xã Lâm Giang (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái), rủ cô bạn hàng xóm đi xem đám cưới trong làng. Sáng hôm sau, cả hai đến ga tàu Lang Khay cách nhà 3km chơi, thì một người phụ nữ tiếp cận. Hai đứa trẻ không biết mình đã lọt vào tầm ngắm của nhóm buôn người.
Người phụ nữ xa lạ làm quen Quyền và bạn, rồi bất ngờ kéo cả hai lên tàu khi cửa chuẩn bị đóng. Hai đứa trẻ bị đe dọa "không lên sẽ đánh chết".

Mãi không thấy con về nhà, ông Đặng Văn Chấn (sinh năm 1959) gọi 8 người con khác về, tá hỏa chia nhau đi tìm Quyền. Gia đình báo chính quyền địa phương, cảnh sát, rồi lục tung cả mảnh đất quanh những nương quế, nhưng vẫn không tìm thấy bóng dáng con gái.
Họ kiên trì tìm kiếm suốt một năm trời song vẫn không có kết quả nên bỏ cuộc. Đến khi ông Chấn nhắm mắt xuôi tay vào năm 2020, người con thứ 8 của ông vẫn "bặt bóng câu tăm cá".
"Bố dặn nếu biết em gái ở đâu, các anh chị đừng bỏ em mà phải đưa em về", chị Đặng Thị Thương (46 tuổi) bật khóc nhắc lại di nguyện của bố.
Từ lúc con gái mất tích, bà Lý Thị Đôi (sinh năm 1958) khóc mỗi ngày, "không biết con còn sống hay chết". Cuối năm 2024, sau cơn ốm mê man, bà cũng bỏ các con đi theo chồng, mang theo nỗi trăn trở suốt 20 năm, bà tự trách chính mình vì không tìm thấy con gái.
Quyền kể, năm đó, chuyến tàu đưa cô đến biên giới Trung Quốc trước khi trời tối. Người phụ nữ đợi đến khi trời tối hẳn mới đưa hai bé gái Việt Nam lên một chiếc thuyền nhỏ sang một huyện ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Quyền nhận ra hai kẻ bắt cóc là vợ chồng, trong đó vợ là người Việt Nam, còn chồng nói tiếng Trung Quốc.
Suốt nửa năm, Quyền và 10 đứa trẻ khác (chủ yếu là bé gái) bị biệt giam trong căn phòng tối đen. Chúng không được ăn uống tử tế, thay vào đó là những trận đòn roi, càng khóc càng bị đánh mạnh hơn.
Bị giam cầm và khủng bố tinh thần, Quyền nhiều lần nghĩ đến việc chạy trốn. Nhưng sau một lần thất bại, bị kẻ bắt cóc lôi về đánh hộc máu tưởng chừng đã chết, cô bé không còn dám phản kháng.
Suốt thời gian đó, những đứa trẻ khác lần lượt bị bán đi, riêng Quyền bị đưa về quê nhà của kẻ buôn người ở huyện Phú Ninh (tỉnh Vân Nam).

Tại đây, mỗi ngày cô bé đều bị bóc lột sức lao động, phải lên núi chặt củi, trồng khoai tây. Những lúc tâm trạng vui vẻ, kẻ bắt cóc cho Quyền ăn uống, ngủ trong nhà. Lúc không vui, chúng bắt đứa trẻ ngủ ngoài sân, nơi chuồng bò lạnh lẽo. Nhiều lần cầu cứu, thứ Quyền nhận về chỉ là những trận đòn roi.
Hơn một năm sau, Quyền bị bán làm vợ một người đàn ông hơn cô 20 tuổi ở tỉnh Chiết Giang. Thấy dáng người cô nhỏ nhắn, lại chưa đủ tuổi, người này chuyển ý định, đưa Quyền về quê, giữ lại làm việc nhà. Hàng ngày, cô theo mẹ của người đàn ông đi làm thuê.
Trong những tháng ngày đó, Quyền chăm chỉ xem ti vi để nhận mặt chữ, học tiếng Trung Quốc, với hy vọng "một ngày nào đó sẽ thoát khỏi nơi này".
Sống ở Chiết Giang 2 năm, "người chồng hờ" của Quyền mang về một người phụ nữ để làm vợ, dự định bán cô cho người khác.
Trong tiếng gió thổi vù vù bên tai, cô gái chỉ nghe loáng thoáng một cuộc gọi toàn tiếng Trung Quốc: "Bán cho một người đàn ông khác hơn 10 tuổi".
Quyền nghĩ đã đến lúc phải quyết định số phận của mình.

Một đêm, khi những người trong gia đình uống rượu ngà say, Quyền bỏ chạy. Cô nhớ lại lời của một người phụ nữ sống gần đó từng nói: "Muốn chạy thì phải chạy theo con đường này, hướng ra ga tàu".
Trong đêm tối mịt mù xung quanh không có nhà cửa, không ánh điện, Quyền cắm mặt chạy mà không dám ngoái đầu nhìn lại. Đến trục đường lớn, cô chặn một chiếc xe khách, quỳ gối nói tiếng Trung bập bẹ: "Tôi là nạn nhân của nạn buôn người, xin hãy giúp đỡ".

Trước những lời van xin thống thiết của Quyền, tài xế đưa cô ra ga tàu. Không có tiền mua vé, cô gái lẻn trốn vào nhà vệ sinh trên tàu.
"Không cần biết tàu đi đâu, miễn lên tàu là sống", cô cho hay.
Dáng người nhỏ bé, da đen sạm, Quyền cố thủ trong nhà vệ sinh, qua mặt được người soát vé. Cô không nhớ chuyến tàu dài bao nhiêu giờ, chỉ biết đã ngồi co chân, ôm gối đến mỏi nhừ, tê liệt, cho tới khi nghe loa thông báo: "Quý khách đã đến tỉnh Quảng Châu".
Đặt chân xuống nhà ga, Quyền mơ hồ về tương lai của mình, nhưng ít nhất cô biết rằng đã được tự do. Không biết đi đâu, cô thấy có nhóm 12 đứa trẻ ăn xin ở ga tàu nên xin gia nhập, bắt đầu cuộc sống "cái bang".
Hai năm sống "đời vô hình" ở ga tàu, ban ngày Quyền đi xin cơm, tối về ngủ gầm cầu. Do không có giấy tờ tùy thân, người lại thấp bé, không ai dám thuê cô làm việc.
Có những ngày không xin được cơm, Quyền ôm cái bụng đói đi ngủ. Dù những đứa trẻ khác rủ đi trộm tiền, cô nhất quyết không làm vậy, thà đói còn hơn làm điều sai trái.
"Mỗi ngày trôi qua tôi đều mơ về cảnh đoàn tụ gia đình, nhưng dường như không có chút hy vọng nào", Quyền vừa ăn cơm xin được, vừa bật khóc. Đó là một ngày mưa gió.
Ngày nọ, một ông chủ họ Vương tiến đến bắt chuyện với Quyền. Ông hỏi cô bé có muốn đến xưởng đồ chơi của ông làm việc không? Quyền ngây ngô đáp lời nếu có cơm ăn, áo mặc, chỗ ngủ thì cô đồng ý.
Ông chủ đưa Quyền về nhà ở thành phố Huệ Châu (tỉnh Quảng Đông), để cô chăm sóc người vợ sắp sinh. Mỗi ngày, cô vừa giúp bà chủ, vừa làm việc ở xưởng, công việc chủ yếu là phun sơn đồ chơi. Cô làm việc 12 tiếng/ngày, được trả công 300 nhân dân tệ (hơn một triệu đồng) mỗi tháng.
Nhận khoản tiền lương đầu tiên ở nơi xa xứ, Quyền đã bật khóc, tự nhủ phải tiết kiệm từng đồng để chờ ngày về Việt Nam. Cuộc sống tại nhà ông chủ Vương đã giúp cô gái Việt dần lấy lại niềm tin về cuộc sống. Cô được ăn no, mặc ấm, có chỗ ngủ đàng hoàng.
Từ khoản tiền công, Quyền mua được một chiếc điện thoại thông minh, bắt đầu học cách sử dụng mạng xã hội, quen được người đàn ông họ Lý (37 tuổi).

Sau nửa năm nói chuyện, anh Lý ngỏ lời yêu với Quyền. Anh không giấu giếm việc bản thân từng đổ vỡ hôn nhân, gia cảnh không khấm khá.
Thấy người đàn ông Trung Quốc thật thà, Quyền cũng giãi bày phận "tứ khố vô thân", là nạn nhân của tội phạm buôn người. Anh Lý nghe xong không chê bai thân phận, mà còn thương cảm cô gái Việt Nam.
Một ngày năm 2019, người đàn ông lái xe đến tỉnh Quảng Đông, xin ông Vương cho đón Quyền về nhà chăm sóc.
"Phải đối tốt với Quyền vì cô ấy đã phải trải qua những tháng ngày vất vả, khổ cực lắm rồi", ông Vương nói với Lý, như lời một người cha chuẩn bị gả con gái.
Nghe từng lời của ông chủ Vương, Quyền xúc động rơm rớm nước mắt. Ông Vương nói khi nào nhớ thì quay lại, ông vẫn luôn hoan nghênh cô đến chơi bất cứ lúc nào.
Quyền làm việc tại xưởng từ năm 16 đến khi 25 tuổi, lâu dần đã coi ông chủ Vương như "đại ân nhân".

Chiếc xe đỗ tại căn nhà thuê của anh Lý ở xã Đức Châu (tỉnh Sơn Đông), Quyền biết từ nay đã có một tổ ấm cho riêng mình sau những tháng ngày cực khổ.
Tháng 5/2020, cặp đôi tổ chức đám cưới. Thương vợ không có người thân bên cạnh, anh Lý thuê 12 xe đón dâu, gọi rất nhiều bạn đến chơi để vợ đỡ buồn. Sau kết hôn, Quyền ở nhà nội trợ, còn chồng làm việc tại một công ty nội thất.
"Tôi nghĩ may mắn nhất cuộc đời mình là đã gặp được một người chồng hết mực yêu thương, muốn bù đắp cho tôi tất cả", Quyền nói.
Một năm sau, vợ chồng cô hạnh phúc đón con trai đầu lòng, đặt tên là Lý Văn Kiệt. Bé trai thứ hai Lý Văn Nhuận chào đời năm 2022.
Thấy vợ thường xuyên nói về mong ước tìm lại gia đình, tháng 5/2024, người chồng bắt đầu hành trình tìm người thân cho vợ. Quyền cũng đăng tải những đoạn video đầu tiên kể về hoàn cảnh của mình lên mạng xã hội, hy vọng kết nối với những người Việt sống tại Trung Quốc.

Trong một lần xem video cô dâu Việt ôm 2 con trai, chị Hoàng Thị Chuyền (36 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội), vốn là một phiên dịch viên tiếng Trung, bày tỏ mong muốn giúp đỡ.
Từ Trung Quốc, anh Lý gọi điện nói chuyện trực tiếp với chị Chuyền. Thương xót hoàn cảnh của Quyền, người phụ nữ giúp cô kết nối với một nhóm thiện nguyện chuyên hỗ trợ những phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc.
"Chỉ với dữ liệu mong manh là ga tàu, chúng tôi đã nhờ khoảng 30 tình nguyện viên tìm kiếm tại những tỉnh/thành có ga tàu như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn…", chị Chuyền nói.
Đồng thời, nhóm thiện nguyện bắt đầu đăng tải những bài viết, hình ảnh của Quyền lên các hội nhóm mạng xã hội.
Cuối tháng 9 năm ngoái, anh Đặng Văn Còi (30 tuổi, em trai Quyền) lướt mạng xã hội, vô tình nhìn thấy bức ảnh chị gái, chợt thốt lên "giống mẹ quá". Anh nhờ chị Chuyền kết nối để hai bên gia đình gọi điện cho nhau.

Trong giây phút đầu tiên nhìn thấy Quyền qua màn hình điện thoại, chị Đặng Thị Thương đã bật khóc, nhận ra em gái ngay, quả quyết "không cần làm xét nghiệm huyết thống". Chị nói Quyền giơ ngón cái bàn tay trái lên. Nhìn ngón tay dị tật, người chị cả nghẹn giọng.
Ngày bé, trong một lần chơi đùa với chị gái Đặng Thị Hiên (nay 44 tuổi), Quyền không may bị lưỡi dao trên tay chị chặt vào ngón cái bàn tay trái. Người mẹ không đưa con đến bệnh viện khâu vết thương mà chỉ băng bó sơ, khiến ngón tay thành tật. Nhưng cũng chính điều này đã giúp gia đình nhận ra người con gái thất lạc.
Lần đầu nhìn thấy gia đình sau gần 20 năm, Quyền không thể tin đây là sự thật, khóc 3 ngày liền. Ngay lập tức, cô hỏi "bố mẹ đâu?". Khi nghe tin cả hai đã mất, Quyền òa khóc qua điện thoại.
"Bố mẹ không còn, tôi không còn nhà để về nữa", Quyền nói.
"Sau 4 ngày mẹ mất, chúng tôi tìm được em gái", chị Thương nghẹn lời. Trong khoảnh khắc đó, họ chỉ nhìn nhau khóc, hẹn ngày đoàn tụ. Chị Thương tiếc rằng mẹ không thể đợi thêm một chút nữa để gặp em gái trước khi nhắm mắt xuôi tay.

Nghe vợ gọi điện thông báo đã tìm được gia đình ở Việt Nam, anh Lý ngay lập tức xin nghỉ việc về nhà cùng vợ. Anh đặt vé máy bay cho vợ đến sân bay Côn Minh, rồi từ đó Quyền đi tàu hỏa về ga Hà Khẩu, đi taxi một đoạn đến Cửa khẩu quốc tế Lào Cai.
Ở bên kia biên giới Việt Nam, gia đình Quyền đã đứng đợi sẵn. Ngày hôm đó, họ thuê một chiếc xe lên cửa khẩu, chỉ chờ một cái vẫy tay của cô em gái.
Những người ruột thịt ôm chầm lấy nhau, từng người lần sờ khuôn mặt đẫm nước mắt của Quyền. Cô nhớ rõ mặt của 4 chị gái và 4 anh, em trai (người anh cả đã mất).
Đó là một ngày sau Tết, đúng 49 ngày mất của bà Đôi. Quyền nhớ nhất là hương vị quê nhà, cảm giác vừa quen thuộc vừa lạ lẫm.
"Tết năm nay là cái Tết hạnh phúc nhất của chúng tôi", chị Thương nói.

Ngày Quyền trở về, cả thôn Trục Ngoài (xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) kéo đến đông chật nhà. Làng xóm đều tưởng cô bé năm nào không thể trở về, ai ngờ có dịp gặp lại khi cô đã trưởng thành, lấy chồng và có 2 con trai.
"Bố mẹ chết hết, nó tìm về với anh chị em", trưởng thôn Hoàng Văn Thất (40 tuổi) nói.
Sau khi đoàn tụ, gia đình đưa Quyền ra UBND xã Lâm Giang làm thủ tục nhập khẩu và chờ cấp căn cước công dân.
Ông Đào Văn Bộ, Chủ tịch UBND xã Lâm Giang, gọi đây là "phép màu" khi một trong hai đứa trẻ mất tích năm xưa, đã trở về đoàn tụ gia đình.
"Chúng tôi thường cảnh báo người dân đề phòng khả năng bị người lạ dụ dỗ, nhất là thời điểm này nhiều kẻ lừa đảo qua mạng, bán người sang nước ngoài để bóc lột lao động", ông Bộ nói.

Từ ngày về Việt Nam, mỗi ngày Quyền đều gọi điện cho chồng con ở Trung Quốc. Hai đứa trẻ nhớ mẹ, luôn miệng hỏi: "Bao giờ mẹ về?". Cô dự định ở Việt Nam 2 tháng, sau đó quay lại Trung Quốc với chồng con.
Mỗi lần nghe em gái kể lại 20 năm phiêu bạt ở Trung Quốc, các chị gái Quyền đều không kìm được nước mắt. Họ đã hoàn thành di nguyện của bố mẹ, đón được em gái về nhà.
Anh Lý, chồng của Quyền, hứa cuối năm nay sẽ đưa cả gia đình về Việt Nam, để hai bên gia đình biết mặt nhau. Qua điện thoại, chị Thương nói rằng sẽ không giữ em gái ở lại Việt Nam, vì biết em đã có gia đình riêng, mừng vì em hạnh phúc sau bao cay cực nếm trải ở Trung Quốc.
"Quyền về nhận gia đình rồi sẽ đi, nhưng tôi cũng mãn nguyện vì biết em còn sống và có gia đình hạnh phúc", chị nghẹn ngào.
Quyền nói hành trình 20 năm cuộc đời tưởng chừng như không thể vượt qua, nhưng mỗi lần nghĩ về bố mẹ, cô lại tự nhủ không được bỏ cuộc, phải sống để về gặp gia đình.
"Những gì tôi trải qua còn kịch tính hơn một bộ phim, là những điều chưa chắc người khác đã hình dung ra được", cô tâm sự.
"Lúc em gái đi, là từ căn nhà này. Lúc em về, cũng là về căn nhà này", chị Thương chỉ vào căn nhà đơn sơ theo kiểu người Dao, bên cạnh là chuồng lợn.
Căn nhà không có tài sản giá trị nhưng đầy ắp tình thân gia đình và nỗi trăn trở về người con gái mất tích nay đã có lời giải.