DNews

Xã nhỏ nhất Việt Nam: Ở quê rau đắt ngang phố, có tiền không muốn mua ô tô

Thanh Tùng

(Dân trí) - Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa là xã không có diện tích đất nông nghiệp. Ngoài ra, đường giao thông nhỏ hẹp như phố cổ Hà Nội khiến nhiều người có tiền cũng không muốn mua ô tô.

Xã nhỏ nhất Việt Nam: Ở quê rau đắt ngang phố, có tiền không muốn mua ô tô

Ngư Lộc là một xã ven biển thuộc huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Trong thời kỳ phong kiến, Ngư Lộc được biết đến với tên gọi làng Diêm Phố.

Theo thông tin từ UBND xã Ngư Lộc, địa phương này là một trong những xã có diện tích đất ở nhỏ nhất cả nước (0,46km2), tổng dân số khoảng 19.000 người. Đây cũng là xã có mật độ dân số cao nhất Việt Nam (40.000 người/km2) và không có đất sản xuất nông nghiệp.

Diện tích chật hẹp, mật độ dân số cao, khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân gặp không ít bất cập, khó khăn.

"Sống ở quê nhưng bó rau đắt ngang thành phố"

Cũng là vùng quê nhưng xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa hiếm có tấc đất nông nghiệp. Nơi đây, quanh năm người dân sống bám vào nghề ra khơi đánh bắt thủy hải sản. Việc không có đất sản xuất nông nghiệp khiến cuộc sống của người dân vốn đã khó khăn càng thêm chật vật.

Xã nhỏ nhất Việt Nam: Ở quê rau đắt ngang phố, có tiền không muốn mua ô tô - 1

Xã Ngư Lộc nhìn từ trên cao là những ngôi nhà san sát (Ảnh: Thanh Tùng).

Ở các vùng quê khác, người dân có thể kiếm thêm thu nhập bằng cách trồng rau, chăn nuôi gà, vịt... Còn ở Ngư Lộc, họ phải mua từng bó rau, miếng thịt với giá đắt ngang thành phố.

"Không một mảnh vườn để trồng cây, dù sống ở quê nhưng từ lá chanh, cọng hành, quả ớt, chúng tôi đều phải ra chợ mua. Có thời điểm, một bó rau mồng tơi giá 10.000 đồng, đắt như ở thành phố. Ở đây, kiếm tiền đã khó, chi phí lại cao nên cuộc sống rất vất vả", một người dân địa phương chia sẻ.

Lãnh đạo xã Ngư Lộc cho biết, hiện toàn xã có 3.585 hộ với hơn 19.000 nhân khẩu, trong đó hơn 11.000 người trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, dù số người trong độ tuổi lao động chiếm hơn một nửa dân số, tỷ lệ thất nghiệp tại địa phương lên đến 20%.

Xã nhỏ nhất Việt Nam: Ở quê rau đắt ngang phố, có tiền không muốn mua ô tô - 2

Người dân tận dụng không gian trên sân thượng để trồng cây (Ảnh: Thanh Tùng).

Theo vị lãnh đạo, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp cao là do xã Ngư Lộc không có diện tích đất nông nghiệp.

"Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi lao động nhưng không có việc làm chiếm đa số. Ngư Lộc là một xã đặc thù, người dân quanh năm đi khai thác, đánh bắt ngoài biển, không có nghề phụ. Chồng đi biển, còn vợ ở nhà làm dịch vụ hậu cần, không trực tiếp tạo ra sản phẩm hay của cải vật chất, nên nhóm này chiếm phần lớn trong số người thất nghiệp", vị lãnh đạo xã chia sẻ.

Vị này cũng cho hay, do không có đất nông nghiệp, không có khu công nghiệp, nên người dân thiếu việc làm, khó phát triển kinh tế, đặc biệt là lao động trung tuổi.

Xã nhỏ nhất Việt Nam: Ở quê rau đắt ngang phố, có tiền không muốn mua ô tô - 3

Đa số phụ nữ ở xã Ngư Lộc làm công việc dịch vụ hậu cần, hỗ trợ đàn ông đi biển (Ảnh: Thanh Tùng).

"Nếu có đất nông nghiệp, người dân tăng gia sản xuất, kiếm thêm thu nhập bằng việc trồng rau, lúa và chăn nuôi. Ở Ngư Lộc, đa số phụ nữ ở nhà làm nội trợ, thi thoảng đi bóc vỏ tôm, bốc cá thuê nhưng thu nhập bấp bênh. Hiện toàn xã có hơn 80 gia đình thuộc diện hộ nghèo, chiếm 2,3%", vị lãnh đạo nói thêm.

Đường chật, nhỏ như ở phố cổ Hà Nội

Ngoài việc không có đất sản xuất nông nghiệp, xã Ngư Lộc còn tồn tại nhiều bất cập. Toàn xã có 7 thôn, nhưng diện tích các nhà văn hóa thôn nhỏ hẹp, khiến việc sinh hoạt văn hóa của người dân gặp nhiều khó khăn.

Xã nhỏ nhất Việt Nam: Ở quê rau đắt ngang phố, có tiền không muốn mua ô tô - 4

Một trong số nhà văn hóa thôn ở xã Ngư Lộc (Ảnh: Thanh Tùng).

Ông Hoàng Văn Ninh, Bí thư kiêm Trưởng thôn Thắng Lộc, cho biết, hiện nay các nhà văn hóa thôn ở Ngư Lộc chỉ rộng từ 70m2 đến hơn 100m2, trong khi dân số mỗi thôn từ 2.000 đến 3.000 người.

"Vì diện tích quá nhỏ, người già, thanh niên và trẻ nhỏ ở Ngư Lộc chịu nhiều thiệt thòi. Mỗi lần tổ chức hoạt động văn hóa, hội thi hay Tết Trung thu cho các cháu thiếu nhi đều rất khó khăn.

Trước đây, xã Ngư Lộc còn không có nhà văn hóa thôn, mỗi lần họp phải đến nhà bí thư và trưởng thôn để nhờ địa điểm. Sau này, dù đã có nhà văn hóa nhưng diện tích quá chật hẹp, mỗi khi tổ chức hoạt động vui chơi hay Tết Trung thu, chúng tôi phải trải chiếu xuống sàn nhà cho các cháu ngồi, vì nếu kê ghế sẽ không đủ chỗ", ông Ninh nói.

Xã nhỏ nhất Việt Nam: Ở quê rau đắt ngang phố, có tiền không muốn mua ô tô - 5

Người dân xã Ngư Lộc sống chủ yếu bằng nghề đi đánh bắt hải sản ngoài biển (Ảnh: Thanh Tùng).

Không chỉ thiếu không gian sinh hoạt văn hóa, các thôn tại xã Ngư Lộc còn không có sân bóng đá, khiến hoạt động thể thao phong trào bị ảnh hưởng.

"Mỗi lần muốn tổ chức bóng đá cho thanh niên, chúng tôi phải sang xã khác thuê sân. Thanh niên ở Ngư Lộc thiệt thòi vì không có sân chơi thể thao", anh Hà, người dân thôn Thắng Tây, chia sẻ.

Theo anh Hà, một "đặc sản" khác của Ngư Lộc là hệ thống giao thông chật hẹp, giống như ở phố cổ Hà Nội. Những con đường, ngõ ngách chỉ rộng hơn 1m, chỉ đủ để hai xe máy tránh nhau. Vào mỗi dịp Tết, các tuyến đường này luôn chật kín người qua lại, đặc biệt là khu vực gần chợ và trung tâm xã, thường xuyên xảy ra ùn tắc.

"Ở xã có tuyến đường trung tâm gần chợ và trụ sở, ô tô qua lại được, nhưng dễ gây ùn tắc. Thậm chí, có thời điểm chính quyền địa phương phải đặt biển cấm ô tô để tránh tình trạng kẹt xe. Đây là một trong những bất cập lớn của địa phương", anh Hà nói.

Xã nhỏ nhất Việt Nam: Ở quê rau đắt ngang phố, có tiền không muốn mua ô tô - 6
Xã nhỏ nhất Việt Nam: Ở quê rau đắt ngang phố, có tiền không muốn mua ô tô - 7

Ở Ngư Lộc có một số con đường rộng, nhưng cũng chỉ lọt xe lam và xe máy lưu thông, còn lại là những ngõ hẻm lọt một xe máy (Ảnh: Thanh Tùng).

Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, cho biết, hiện tại xã Ngư Lộc chỉ có một vài tuyến đường chính mà ô tô có thể di chuyển qua lại. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều gia đình dù có điều kiện kinh tế, vẫn không muốn mua ô tô vì không có chỗ để xe.

"Đường giao thông chật hẹp đang là cái khó chung của địa phương. Người dân muốn mua ô tô nhưng diện tích đất chật hẹp, không thể đáp ứng được nguyện vọng của họ. Nếu để xe trước nhà thì tắc đường, đem đi gửi thì ngại và lăn tăn. Cả xã hiện nay chỉ có hơn 20 ô tô cá nhân", ông Quang nói.

Xã nhỏ nhất Việt Nam: Ở quê rau đắt ngang phố, có tiền không muốn mua ô tô - 8

Một số hộ dân kinh doanh thu mua, chế biến hải sản, gần cửa biển, phải tận dụng bờ đê để đỗ ô tô chở hàng (Ảnh: Thanh Tùng).

Ông cũng cho hay, ngoài việc người dân ngại mua ô tô, việc đường giao thông chật chội cũng kéo theo nhiều bất cập. Trong đó, có nhiều tình huống "dở khóc dở cười" khi nhà có khách, hay gia đình tổ chức đám cưới.

"Nếu khách đi ô tô đến chơi hay gia đình có đám cưới, họ phải gửi xe tại trụ sở UBND hoặc Trạm Y tế xã, bờ đê, để đi bộ đến nhà gia chủ. Bởi vậy mà nhiều hộ dân ở Ngư Lộc thay vì mua ô tô, họ sẽ đầu tư mua xe máy cho tiện. Vì vậy mà lượng xe máy trên địa bàn cũng nhiều, mỗi nhà 2-3 cái", ông Quang nói.