DNews

Vì sao phố ẩm thực trung tâm TPHCM vắng khách?

Tâm Linh

(Dân trí) - Phố ẩm thực trên đường Nguyễn Thượng Hiền (quận 3, TPHCM) được đưa vào hoạt động gần một năm nay, hiện đại, đa dạng nhưng bớt đông vui hơn những hàng quán trên cùng tuyến đường nhiều năm về trước.

Vì sao phố ẩm thực trung tâm TPHCM vắng khách?

19h là giờ hoạt động chính thức của phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền (đến 23h) mỗi ngày. Thế nhưng lúc này, bà Út (54 tuổi) bán nước mía trong phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền lại loay hoay dọn dẹp, lau rửa xe nước mía để đóng cửa hàng.

Gắn bó nơi đây từ lúc mới lọt lòng, bà Út hồi tưởng sự thay đổi của con phố từ những năm 1970 đến nay, với ký ức nhảy tàu bán kẹo. Rồi với kinh nghiệm buôn bán đồ ăn vặt gần một đời người của mình, bà Út đưa ra quan điểm về nguyên nhân phố ẩm thực bây giờ vắng khách.

Con đường bán món ăn vặt từ thuở chưa thành hình

Đường Nguyễn Thượng Hiền trong bài nhắc đến nằm phần lớn ở địa phận quận 3 (phường 4, 5, 7) và một phần quận 10 (phường 11). Con đường dài khoảng 930m, lộ giới 10m, giao hai đầu với đường Nguyễn Thị Minh Khai và vòng xoay Công trường Dân Chủ, đi qua các ngã tư đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Đình Chiểu, Võ Văn Tần.

Trong đó, tuyến phố ẩm thực dài khoảng 370m, nằm trong đoạn giao với đường Điện Biên Phủ đến Nguyễn Đình Chiểu (phường 4, quận 3).

Vì sao phố ẩm thực trung tâm TPHCM vắng khách? - 1

Đường Nguyễn Thượng Hiền vào buổi tối, đoạn phố ẩm thực hiện nay (Ảnh: Hoàng Hướng).

Theo biên khảo về đường phố nội thành TPHCM của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, con đường này vào thời Pháp thuộc là hành lang an toàn của đường ray xe lửa kéo dài xuống phía quận 10 hiện nay.

Năm 1955, chính quyền Sài Gòn lấp đường ray, cải tạo thành đường phố tại đoạn từ Điện Biên Phủ đến vòng xoay Dân Chủ, đặt tên theo danh nhân Nguyễn Thượng Hiền. Đoạn đường từ Điện Biên Phủ đến Nguyễn Thị Minh Khai hiện tại, khi đó còn là đường ray, từ năm 1975 đến 1979, xe lửa vẫn xình xịch đi qua (từ phía cảng Sài Gòn về phía quận 10 bây giờ).

"Ngày trước đường ray nằm ở đây này", bà Út chỉ vào phần vỉa hè trước dãy nhà trên phố ẩm thực hiện tại (gần bên đường Cách Mạng Tháng 8).

Bà Út kể, dọc đường này ngày ấy có mấy nhà làm kẹo mạch nha, cái chảo to bằng cả vòng tay, trong đó có nhà bà. Mỗi ngày, họ nấu kẹo thơm lừng, rồi người nhà, cả tụi trẻ con mang kẹo túc trực ở ven đường ray, tàu dừng là nhảy lên rao bán.

Vào thập niên 1990, đoạn ray xe lửa từ đường Điện Biên Phủ đến Nguyễn Thị Minh Khai bị dỡ bỏ, san bằng thành đường phố nối thêm vào đường Nguyễn Thượng Hiền ban đầu, kéo dài thành chiều dài hiện tại và đặt cùng tên.

Vì sao phố ẩm thực trung tâm TPHCM vắng khách? - 2

Đường Nguyễn Thượng Hiền dài gần 1km, với đoạn đầu từ vòng xoay Dân Chủ đến đường Điện Biên Phủ được hình thành đầu tiên, sau đó nối dài đoạn còn lại đến đường Nguyễn Thị Minh Khai (Đồ họa: Tâm Linh).

Khu này ngày xưa phần lớn người dân lao động làm mướn tập trung dựng nhà cửa sinh sống thành xóm nghèo. Có mấy quán nhậu bình dân phục vụ bà con mọc lên, thấy bán được, bà con mở thêm nhiều quán dọc hai bên đường. Người ta đến ngồi ăn nhậu kín bàn, nhộn nhịp cả con đường một thời.

Đường Nguyễn Thượng Hiền trở thành đường nội đô trung tâm thành phố. Giá nhà đất tăng lên theo thời gian, mặt bằng kinh doanh trên con đường này trở nên đắt giá. Bà Út nói, chủ quán ăn bình dân sao mà chịu được, đành cho người khác thuê lại hoặc bán nhà.

Theo bà Út, những tiểu thương đang bán ở phố ẩm thực hiện nay đa số là người nơi khác thuê lại. Họ bán đủ loại đồ ăn, thức uống (phần lớn là trà sữa, bánh tráng trộn, nem chả, các món ăn vặt thịnh hành…). 

"Bây giờ nghĩ lại mấy nhà hồi xưa bán kẹo, nhà mình vẫn ở đây bán nước mía. Sau này người ta mở quán ăn, quán nhậu, có thời gian còn tập trung nhiều quán ốc nổi tiếng, người ta kéo về đây ăn uống đăng lên mạng, nổi quá trời. Tính ra, chỗ này trở thành phố ẩm thực từ lâu rồi", bà Út nói.

Đâu là điểm nhấn?

Cách đây hơn chục năm, nhắc tên đường Nguyễn Thượng Hiền (quận 3), nhiều người dân và du khách nhớ ngay đến nét đặc trưng: món bánh tráng trộn. Nơi đây từng là "thiên đường" của món ăn vặt này.

Trong lần ghi nhận năm 2018, phóng viên được biết các cửa hàng bánh tráng trộn lần lượt mở ra từ 7-8 năm trước đó. Sau này do giá thuê mặt bằng cao, số cửa hàng giảm đi, nhưng danh tiếng của "phố bánh tráng trộn" vẫn kéo dài các năm sau đó. Có thời điểm, khách nối nhau đứng mua trước các cửa hàng kéo dài cả đoạn đường.

Thế nhưng, các hàng bánh tráng trộn "trứ danh" hồi đó (hiện vẫn hoạt động) lại không nằm trong đoạn được quy hoạch thành phố ẩm thực. Trong tuyến phố ẩm thực bây giờ chỉ có vài hàng bán món ăn vặt này, lác đác khách mua.

Vì sao phố ẩm thực trung tâm TPHCM vắng khách? - 3

Nhiều cửa hàng bán bánh tráng trộn dọc đường Nguyễn Thượng Hiền, quận 3 (Ảnh: Hoàng Hướng).

"Nếu cả phố bán bánh tráng trộn, cả thành phố sẽ có duy nhất con đường bán món này, nơi đây sẽ càng nổi tiếng, tạo điểm nhấn thu hút người đến.

Mỗi hàng có loại nêm nếm gia vị độc quyền, kiểu chế biến khác nhau, sẽ tạo nên sự đa dạng, không bị nhàm chán cho cùng một món ăn", anh Luân (hướng dẫn viên du lịch) nêu suy nghĩ của mình, ở góc nhìn của một người dân sống 20 năm ở TPHCM và là người thường nghe thắc mắc, góp ý của du khách.

Quay lại câu chuyện bà Út dọn hàng đóng cửa vào đúng lúc phố ẩm thực bắt đầu hoạt động, người phụ nữ đúc kết kinh nghiệm sau nhiều năm buôn bán bươn trải khắp thành phố.

"Người ta đến ăn uống thì phải có chỗ ngồi, có cảnh quan đẹp để ngắm và không gian thoáng để thư giãn. Ở đây làm gì có gì mà xem?", bà Út hỏi lại.

Nữ chủ hàng nước mía lấy ví dụ ở Hồ Con Rùa không được phép tụ tập hàng rong vẫn có nhiều người bán và khách mua ăn tại chỗ, vì đó là một điểm đặc trưng của thành phố, người dân và du khách đến có thể chụp ảnh check-in, dù lót bìa carton ngồi bệt dưới đất vẫn vui vẻ và đông đúc.

Vì sao phố ẩm thực trung tâm TPHCM vắng khách? - 4

Không gian mua bán nhỏ hẹp, phần hè phố nằm trong đó, đã đẩy người đi bộ xuống lòng đường xe chạy (Ảnh: Hoàng Hướng).

Theo ghi nhận của phóng viên, phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền hiện tại với chiều ngang không lớn (10m) vẫn cho phương tiện lưu thông hai chiều trên đường.

Đồng thời, trên mặt đường, thành phố kẻ vạch liền dành tất cả hè phố và một phần lòng đường cho hoạt động mua bán (rộng 1,5m).

Nhiều tiểu thương cho rằng, nguyên nhân khiến khách đến phố ẩm thực giảm là do diện tích kinh doanh quá hẹp so với hoạt động giao thông.

"Đường nhiều xe chạy, khách hàng đi xe máy rẽ sang bên kia đường còn khó, đứng dừng đợi mua còn không có chỗ huống chi kê bàn ghế cho khách ngồi", nhiều tiểu thương trên phố này than vãn.

Chính vì thiếu diện tích đồng thời gây cản trở giao thông, dù là địa điểm ăn uống, đa phần cửa hàng không có khách đến trực tiếp phải "sống" nhờ vào các ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến, giao hàng.

Vì sao phố ẩm thực trung tâm TPHCM vắng khách? - 5

Khách nước ngoài đến phố ẩm thực lại ghé vào xem tiệm bán trang sức, thờ ơ với lời chào mời của người bán món bánh bạch tuộc kế bên (Ảnh: Hoàng Hướng).

Phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền có khoảng 140 cơ sở kinh doanh, trong đó gần 100 hàng quán bán dịch vụ ăn uống. Còn lại xen kẽ các hộ kinh doanh quần áo, giày dép, thẩm mỹ, sửa chữa máy móc, rau củ…

Thời điểm các cơ quan chức năng thảo luận trước khi quyết định mở ra phố ẩm thực, có ý kiến cho rằng cần tìm ra biện pháp để lấp đầy tuyến phố với các quầy hàng ăn uống liên tục cạnh nhau, cho ra dáng chủ đề con phố. 

Các ý kiến về việc tăng cường nhà vệ sinh công cộng, bãi giữ xe máy và vị trí đậu ô tô phục vụ khách đoàn, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự... cũng được thành phố và người dân đề cập bàn luận.

Song, những vấn đề trên hiện vẫn chưa được cải thiện rõ nét tại phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền. 

TPHCM hiện có một số tuyến phố ẩm thực chính thức hoạt động gồm: phố ẩm thực đường Hồ Thị Kỷ (quận 10), Nguyễn Thượng Hiền (quận 3), Vĩnh Khánh (quận 4), Hậu Giang (quận 6); các tuyến phố đi bộ phục vụ ẩm thực như đường Nguyễn Huệ, Bùi Viện (quận 1), Kỳ đài Quang Trung (quận 10)...

Bài liên quan: Hai phố ẩm thực lớn nhất TPHCM: Nơi lác đác, chỗ chen chân