DNews

"Trẩy hội" Metro số 1 TPHCM sau 12 năm chờ đợi

Ngọc Tân Thư Trần

(Dân trí) - Tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của Việt Nam chính thức vận hành sau tuyên bố của lãnh đạo TPHCM. Phía bên ngoài, hàng trăm người dân háo hức chờ đợi.

"Trẩy hội" Metro số 1 TPHCM sau 12 năm chờ đợi

"Trân trọng kính chào quý hành khách đến tham quan trải nghiệm tuyến tàu điện ngầm số 1 Bến Thành - Suối Tiên", tiếng loa phát thanh vang lên ở độ sâu hơn 30m bên dưới chợ Bến Thành (TPHCM).

Sáng 22/12, người dân TPHCM từ mọi lứa tuổi háo hức bước xuống bậc thang, tay lăm lăm camera điện thoại. Nhân viên công ty metro đứng đợi tại các khúc quanh, vui vẻ chỉ hướng xuống ke ga nằm ở tầng dưới cùng.

Cuộc tề tựu của chuyên gia Nhật Bản

Trong nửa đầu buổi sáng 22/12, một sân khấu nhỏ được sắp đặt dưới ga ngầm Bến Thành để tổ chức lễ công bố vận hành chính thức tuyến Metro số 1 TPHCM.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi và Phó chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường có mặt. Họ dành những cái bắt tay thân tình cho ông Ito Naoki, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Việt Nam, và ông Ono Masuo, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM.

Trẩy hội Metro số 1 TPHCM sau 12 năm chờ đợi - 1

Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường bắt tay các chuyên gia Nhật Bản tại sự kiện (Ảnh: Ngọc Tân).

Các hàng ghế đại biểu được lấp đầy bởi chuyên gia, kỹ sư người Nhật. Tiếng Nhật vang lên ở khắp nơi khi những người bạn đồng hương tay bắt mặt mừng. Có người đến TPHCM khi tóc còn đen, nay đã điểm bạc sau 12 năm kiên trì thực hiện dự án.

Bốn kênh truyền thông lớn của Nhật Bản là Nikkei, NHK, Kyodo và Jiji cũng cử phóng viên đến đưa tin. Một số phóng viên bất ngờ trước hàng người xếp hàng dài trước cửa ga để chờ trải nghiệm tuyến tàu.

Không khí hữu nghị Việt - Nhật tràn ngập buổi lễ. Dù vẫn còn những bất đồng về quy trình thanh toán và nghĩa vụ trả nợ, cả chủ đầu tư TPHCM và nhà thầu Nhật Bản đều tạm gác lại vướng mắc, gặp nhau bằng những nụ cười. 

"Đây là biểu tượng của mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, sau nhiều năm thực hiện, hoàn thành với sự kiên trì vì sự phát triển bền vững của thành phố", Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường tuyên bố tại buổi lễ.

Theo ông Cường, đây là lúc thành phố bắt đầu chương mới, phát triển đường sắt đô thị. Metro số 1 sẽ trở thành một phần đô thị sống động của TPHCM và những khoảnh khắc đáng nhớ, nơi check-in của giới trẻ, biểu tượng của sự đổi mới, kết nối văn minh đô thị.

Ông Ito Naoki, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, cũng vui vẻ khẳng định tuyến Metro số 1 sẽ thay đổi đáng kể cuộc sống của người dân, kết nối các khu vực vận tải cao và có sự dịch chuyển lớn trong phương thức di chuyển từ ô tô, xe máy.

Trẩy hội Metro số 1 TPHCM sau 12 năm chờ đợi - 2

Các khách mời dùng thẻ dùng thẻ đa năng VikkiGo để qua cửa soát vé metro (Ảnh: Hải Long).

Trong nghi thức khai trương, lãnh đạo TPHCM và quan chức ngoại giao Nhật Bản cầm trên tay những tấm thẻ ngân hàng đa năng, quẹt thẻ vào phông sân khấu đang hiển thị hình ảnh cửa soát vé tàu điện. Hình ảnh biểu tượng này gợi mở một tương lai chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt khi dùng phương tiện công cộng tại TPHCM.  

"Trẩy hội" tàu điện ngầm

Kết thúc lễ khai trương, các cửa xuống ga ngầm metro được mở để phục vụ người dân TPHCM trải nghiệm đi tàu. Đến lúc này, dòng người "rồng rắn" xếp hàng trước cửa nhà ga mới bắt đầu chuyển động.

Trẩy hội Metro số 1 TPHCM sau 12 năm chờ đợi - 3

Hành khách chen chúc trải nghiệm metro số 1 (Ảnh: Ngọc Tân).

Quãng đường từ cửa ga đến nơi chờ tàu khá dài, tốn khoảng 300 bước chân. Với nhiều người, trải nghiệm lần đầu nhìn thấy nội thất ga ngầm khiến khoảng cách như được rút ngắn lại.

Dọc đường, hành khách bắt gặp kiosk phát thẻ đi tàu miễn phí VikkiGo. Nhiều người hào hứng khi trong thẻ có sẵn 40.000 đồng để thanh toán vé tàu sau khi kết thúc 30 ngày miễn phí.

Lưu lượng hành khách tăng đột biến trong ngày khai trương khiến nhân lực của HURC1 (công ty vận hành metro) phải làm việc hết công suất. Trong khung cảnh "tả tơi như trẩy hội", tâm trạng nhiều người chuyển từ hào hứng sang mệt mỏi. Tiếng loa gọi tìm trẻ lạc vang lên tại ga Bến Thành.

Trong tốp hành khách đầu tiên của Metro số 1, Jeff Thomas (76 tuổi) cùng người em trai Mark là 2 vị khách đặc biệt. Họ là 2 cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, về nước một thời gian dài rồi quay lại Việt Nam sống đời hưu trí.

Nhớ lại Sài Gòn của năm 1970, Jeff kể: "Thành phố khi đó chỉ toàn xe đạp, xe máy cũng ít thôi. Tới nay thì quá nhiều thay đổi. Cao ốc mọc lên khắp nơi. Trong mắt người dân ở đây có niềm hạnh phúc".

Trẩy hội Metro số 1 TPHCM sau 12 năm chờ đợi - 4

Cựu binh Jeff Thomas cùng người em trai trải nghiệm tuyến tàu điện đầu tiên của TPHCM (Ảnh: Ngọc Tân).

Nói về tương lai của TPHCM, vị cựu binh hy vọng sẽ sớm có tuyến tàu điện từ sân bay đến trung tâm thành phố. Tuyến đường đó hiện nay là nỗi ám ảnh với khách nước ngoài vì tình trạng tắc đường, phương tiện cá nhân chen chúc.

Đoàn tàu lướt đi trong ống hầm, dừng lại tại 2 ga ngầm Nhà hát Thành phố và Ba Son. Bạn sẽ cảm nhận được sự buồn tẻ vì qua cửa kính không có gì để nhìn ngắm. Thế rồi, đường tàu như dốc dần lên, một nhân viên metro nhắc mọi người chú ý trước khoảnh khắc thú vị.

Từ đường hầm hẹp và âm u, đoàn tàu trồi lên mặt đất, cắt qua kênh Thị Nghè rồi chạy dọc theo rạch Văn Thánh. Khung trời ban ngày vụt mở, ánh sáng ùa vào khoang tàu qua các ô cửa kính khiến hành khách ồ lên thích thú.

"Như mở mang tầm mắt nha", một nữ sinh mặc áo Đoàn thanh niên thốt lên với nhóm bạn.

Nghĩ về Metro số 2

Hòa vào dòng người háo hức trải nghiệm tuyến metro đầu tiên của TPHCM, một khách du lịch đến từ Hà Nội có phần ít bỡ ngỡ hơn vì đã có 3 năm đi tàu điện tại Thủ đô.

Tuy nhiên, trải nghiệm "bước xuống lòng đất" để đón một chuyến tàu là điều mới mẻ với người ở Thủ đô. TPHCM trở thành nơi tiên phong vận hành tàu điện ngầm trong khi Hà Nội phải chờ đến năm 2027.

Trẩy hội Metro số 1 TPHCM sau 12 năm chờ đợi - 5

Hành khách ồ lên trong khoảnh khắc đoàn tàu từ đường hầm lao lên mặt đất (Ảnh: Nam Anh).

So với Hà Nội, TPHCM đang chậm hơn ở bước xúc tiến tuyến Metro thứ 2. Nếu 2 tuyến metro của Hà Nội được triển khai gần như song song và khai trương chỉ cách nhau 2 năm, tuyến Metro số 2 của TPHCM vẫn đang nằm trên giấy. Tiến độ triển khai tuyến thứ 2 vẫn là ẩn số.

Nhận nhiệm vụ Trưởng Ban quản lý dự án đường sắt đô thị vào giai đoạn then chốt để đưa dự án Metro số 1 vào vận hành chính thức, ông Phan Công Bằng cho biết rất vinh dự vì được góp một phần công sức nhỏ bé vào sự phát triển của thành phố.

Sau ngày vận hành chính thức tuyến Metro số 1, chủ đầu tư và đơn vị vận hành là HURC sẽ có đánh giá đầy đủ về những thuận lợi, khó khăn, cũng như đúc kết kinh nghiệm để đẩy nhanh các tuyến Metro tiếp theo.

"Anh em viên chức, người lao động của ban rất trẻ, giỏi, năng động và sáng tạo. Với những kinh nghiệm đã qua, tôi tin chắc những tuyến sau sẽ không phải mất thời gian như vậy", ông Phan Công Bằng nói.

Đề cập đến tuyến Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương đang triển khai, ông Phan Công Bằng cho biết từ dự án này, TPHCM sẽ có những bước đầu tiên trong chặng đường nội địa hóa công nghệ, cách làm của người Việt.

Dòng sự kiện: Metro số 1 TPHCM