Tranh luận việc đưa xe đạp gấp lên Metro số 1 TPHCM
(Dân trí) - Những người ủng hộ cho rằng xe đạp gấp sẽ giúp tăng lượng hành khách đi metro, trong khi nhóm phản đối lo ngại về một khoang tàu chật ních xe đạp.

Mang xe đạp gấp lên tàu điện - một việc tưởng như hiển nhiên tại Hà Nội, đang trở thành chủ đề thu hút tranh luận tại TPHCM, khởi nguồn từ việc đơn vị vận hành Metro số 1 TPHCM quy định cấm hành khách mang loại phương tiện này lên tàu.
Tại một số quốc gia, lộ trình từ ngăn cấm đến cho phép mang xe đạp gấp lên tàu điện đã diễn ra sau những thảo luận, kiến nghị. Liệu sẽ có một lộ trình tương tự cho Metro TPHCM?
Cuộc tranh luận
Bình luận dưới bài viết Cấm mang xe đạp gấp lên tàu Metro số 1 TPHCM có hợp lý?, bạn đọc Vinh Phan cho rằng Nhà nước đang khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng, trong khi cơ sở hạ tầng lại chưa thuận tiện cho hành khách tiếp cận, nhiều người có công ty gần các ga tàu, nhưng nhà lại xa.
"Để bảo vệ môi trường, hành khách thường sử dụng xe đạp để tới ga tàu điện, như vậy tốt hơn là đi phương tiện cá nhân xong phải gửi xe. Nếu cảm thấy khách đông hơn thì phải nối toa, chứ không phải bắt người dân bỏ xe đạp gấp đi, vô lý", bạn đọc Vinh Phan chia sẻ.

Do chỉ có một tuyến metro, hành khách cần phương tiện cá nhân như xe đạp gấp để trung chuyển (Ảnh: Ngọc Tân).
Sinh sống tại Hà Nội, độc giả Cuong Teinco góp ý: "Tôi đang đi làm hàng ngày bằng xe đạp gấp kết hợp tàu điện. Và đương nhiên, tôi ủng hộ việc này khi số lượng tuyến tàu điện chưa nhiều để có thể kết nối hết được".
Tuy nhiên, độc giả này cho rằng, cũng nên xem xét lại việc quy định kích thước xe đạp gấp được phép mang lên tàu để không ảnh hưởng đến hành khách khác. Nhiều trường hợp xe đạp gấp, nhưng kích thước quá lớn và cồng kềnh, khi đưa lên tàu không hợp lý và chiếm diện tích.
Ngược với những quan điểm trên, nhiều ý kiến ủng hộ việc cấm mang xe đạp gấp lên tàu điện metro. Độc giả Nguyen Le bình luận: "Cấm là đúng. Vào khung giờ đi làm, tàu đông, đâu đâu cũng thấy xe đạp gấp dựng ở cột cầm nắm. Nếu có sự cố thì va đập không biết thế nào".

Nhóm người phản đối xe đạp gấp tập trung vào luận điểm tàu đông khách, không có chỗ để chứa thêm phương tiện cá nhân (Ảnh: Ngọc Tân).
Đồng quan điểm, độc giả Mạc Văn Long cho rằng, xe đạp gấp mang được thì xe không gấp cũng được mang lên tàu. "Rồi thùng bánh mỳ, thùng sơn, thùng xốp đựng hải sản… buôn bán hàng hóa cũng coi tàu như phương tiện".
Dung hòa 2 luồng quan điểm trên, một số ý kiến cho rằng có thể xem xét cho mang xe đạp gấp lên tàu, nhưng phải đảm bảo không ảnh hưởng đến những người xung quanh. Thậm chí, hành khách có thể phải trả thêm phí cho phương tiện cá nhân mang theo (do chiếm diện tích khoang tàu).
Cần một lộ trình
Bất luận những ý kiến ủng hộ mang xe đạp gấp lên tàu điện thuyết phục đến đâu, hành khách phải chấp nhận thực tế rằng, HURC1 - đơn vị vận hành Metro số 1 TPHCM - đã đưa loại phương tiện này vào danh sách cấm mang lên tàu ngay từ khi khai trương công trình.
Điều 9 của Nội quy đi tàu Metro số 1 ghi rõ: Không mang các phương tiện di chuyển cá nhân (kể cả xe đạp thường; xe đạp gấp; xe đạp thăng bằng; xe scooter...) lên tàu. Bảng nội quy này hiện được đặt tại tất cả nhà ga của tuyến metro.

Điều này đồng nghĩa quy định được áp dụng lâu dài, không chỉ thời gian đầu khi các chuyến tàu chật kín người đi trải nghiệm. Những người ủng hộ xe đạp gấp có thể sẽ phải nêu kiến nghị và chờ đợi một lộ trình nới lỏng quy định.
Một lộ trình như vậy đã từng được triển khai tại Singapore vào năm 2016.
Vào ngày 24/11/2016, Cơ quan Giao thông đường bộ Singapore ra thông báo cho phép người dân được mang thiết bị di chuyển cá nhân (xe đạp gấp, scooter...) lên tất cả tàu điện và xe buýt. Quy định được thí điểm trong 6 tháng.
Để khỏi tranh cãi về mức độ cồng kềnh, một tấm bảng quy định kích thước 120x70x40cm được đặt tại nhà ga để hành khách ướm chiếc xe của mình có được mang lên tàu hay không.
Sau 6 tháng thử nghiệm, nhà chức trách giao thông vận tải Singapore chính thức cho mang phương tiện cá nhân gấp gọn lên tàu điện từ ngày 1/6/2017 cho đến nay. Hành khách mang theo xe đạp gấp không được để xe chắn lối đi, phải bao bọc nếu bánh xe bẩn và ướt, không mang xe lên các chuyến tàu đông đúc...

Hành khách ướm kích thước trước khi mang xe đạp gấp lên tàu điện tại Singapore (Ảnh: Straitstimes).
Tại Bengaluru (Ấn Độ), các nhân viên của mạng lưới tàu điện ngầm Namma từng không cho hành khách mang xe đạp gấp lên tàu. Năm 2019, những người đi xe đạp ở Bengaluru gửi một bản kiến nghị trực tuyến. Kết quả, cơ quan vận hành đường sắt đô thị đã chấp thuận cho hành khách mang theo phương tiện này.
Hiện nay, điều 8 của Nội quy sử dụng Metro số 1 TPHCM nêu rõ: Không mang hành lý cồng kềnh; động vật; những loại đồ ăn, thức uống có mùi lên tàu.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện HURC1 cho biết hành lý mang lên tàu không được vượt quá 20kg và kích thước không quá 80x50x30 cm. Trường hợp hành lý vượt cân nặng và kích thước, hành khách sẽ phải mua thêm vé hành lý bằng một vé hành khách.
Có ý kiến cho rằng, đơn vị vận hành nên coi phương tiện cá nhân như một loại hành lý (gộp điều 9 với điều 8), đặt ra yêu cầu đơn giản là không được mang hành lý cồng kềnh lên tàu.
"Trong quy định có cho phép khách hàng mang hành lý. Xe đạp có thể coi là hành lý. Chỉ có yêu cầu khách bảo quản và sắp xếp hành lý gọn gàng thôi", độc giả H.L. nêu quan điểm.
