Cấm mang xe đạp gấp lên tàu Metro số 1 TPHCM có hợp lý?
(Dân trí) - "Ngày đầu chúng tôi phục vụ 150.000 lượt khách, đến hôm Giáng sinh cũng tầm 90.000 lượt. Giờ mà cho hành khách mang xe đạp gấp lên tàu thì phức tạp lắm", lãnh đạo HURC1 chia sẻ.
Buổi chiều Giáng sinh, anh Tùng đứng dưới chân cầu thang ga metro Thủ Đức, lúi húi gấp chiếc xe đạp của mình lại thành 3 khúc. Ở trạng thái gấp gọn, chiếc xe nhỏ như một vali du lịch, nặng khoảng 10kg. Anh xách chiếc xe bên hông rồi bước lên nhà ga.
Sau ngày khai trương Metro số 1 TPHCM, những hành khách như anh Tùng dự tính xe đạp gấp và tàu điện sẽ là sự kết hợp hoàn hảo. Tuy nhiên, anh Tùng nhận thông tin gây thất vọng: Công ty vận hành metro không cho mang phương tiện cá nhân lên tàu.
Cấm xe đạp gấp "vì khách quá đông"
Trước đó, từ ga Thảo Điền, anh Tùng đã bắt một chuyến tàu điện đến ga Thủ Đức. Suốt hành trình đứng trong khoang tàu, anh giữ chiếc xe đạp gấp bên cạnh.
Việc mang theo chiếc xe qua cửa soát vé, lên thang cuốn và từ ke ga bước lên tàu được anh đánh giá là thuận lợi, không gây phiền toái. Nói cách khác, việc một hành khách mang theo xe đạp gấp lên tàu điện là khả thi về mặt kỹ thuật.
Tuy nhiên, khi từ ga Thủ Đức trở về ga Thảo Điền, anh đã bị từ chối mang xe đạp gấp lên tàu. Các nhân viên metro cho biết, nội quy đi tàu cấm mang theo phương tiện cá nhân, bao gồm cả xe đạp gấp. Có thể các nhân viên metro tại ga Thảo Điền đã "bỏ lọt" vị khách này.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TPHCM (HURC1) khẳng định, việc không cho hành khách mang xe đạp gấp lên tàu là có lý do.
"Mỗi chuyến tàu có sức chứa khoảng 900 người, từ hôm khai trương đến nay chuyến nào cũng gần đầy. Ngày đầu chúng tôi phục vụ 150.000 lượt khách, đến hôm Giáng sinh cũng tầm 90.000 lượt. Giờ mà cho hành khách mang xe đạp gấp lên tàu thì phức tạp lắm", lãnh đạo HURC1 chia sẻ.
Khi được hỏi quy định cấm xe đạp gấp này sẽ kéo dài bao lâu, lãnh đạo HURC1 chưa có câu trả lời, để ngỏ khả năng xem xét lại quy định trong tương lai. "Các phản hồi từ hành khách đều được tiếp thu, xem xét", ông cho biết.
Trước đó, việc cho phép mang xe đạp gấp lên tàu điện đang được áp dụng tại Hà Nội, nơi đã đưa vào vận hành 2 tuyến tàu điện.
Trên thế giới, các thành phố lớn với mạng lưới metro hoàn chỉnh như New York, Sydney, Tokyo, hành khách đều được mang xe đạp gấp lên tàu điện. Tuy nhiên, xe phải được gấp gọn, để trong túi. Một số tuyến tàu quy định khoang riêng cho xe đạp.
Cần ứng xử linh động
Trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS.TS Hồ Anh Cương, giảng viên cao cấp tại Đại học Giao thông Vận tải cho rằng, muốn biết việc mang xe đạp gấp lên tàu Metro số 1 có hợp lý hay không, đầu tiên cần xem lại tiêu chuẩn thiết kế, hay nói cách khác là "sổ tay hướng dẫn sử dụng" từ chủ đầu tư công trình.
"Nếu chủ đầu tư nêu rõ không được mang xe đạp gấp lên tàu thì đơn vị vận hành hay người dân đều phải chấp nhận, không bàn cãi nhiều", PGS Hồ Anh Cương chia sẻ.
Trường hợp chủ đầu tư không quy định vấn đề này, quyền quyết định sẽ thuộc về đơn vị vận hành là HURC1.
Vị chuyên gia thông cảm với đơn vị vận hành, khi yếu tố an toàn luôn được ưu tiên hàng đầu. HURC1 có thể hành xử khác Hanoi Metro, bởi vì đơn vị này đang vận hành tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của Việt Nam, với các yêu cầu về phòng chống cháy nổ, thoát hiểm trong đường hầm khắt khe hơn nhiều so với đường sắt trên cao.
Tuy nhiên, PGS Hồ Anh Cương cho rằng, những lợi ích từ việc cho phép hành khách mang xe đạp gấp lên tàu điện cũng rất đáng để cân nhắc.
Khi Metro số 1 được vận hành, không phải nhà ai cũng ở gần ga tàu để có thể thoải mái đi bộ. Theo PGS Cương, việc đi bộ vài trăm mét đến nhà ga là bình thường. Tuy nhiên, khoảng cách 1-2km là lý tưởng để sử dụng xe đạp.
Trở lại với anh Tùng, nhân vật ở đầu bài viết. Anh Tùng ở phường Thảo Điền, cách ga Thảo Điền 1,2km. "Từ nhà ra ga metro nếu đi bộ thì hơi xa, đi xe buýt phải vòng vèo mất thời gian", vị khách chia sẻ.
Với 2 năm thường xuyên sử dụng tàu điện Cát Linh - Hà Đông, ông Cương chứng kiến nhiều người đã dùng xe đạp gấp hoặc xe trượt (scooter) làm phương tiện trung chuyển cá nhân.
Ưu điểm của những phương tiện nhỏ gọn này là có thể mang theo lên tàu và tiếp tục sử dụng sau khi xuống tàu. Nếu sử dụng xe máy hoặc một chiếc xe đạp không thể gấp gọn, hành khách phải gửi ở bãi giữ xe trước khi lên tàu.
Do đó, PGS Hồ Anh Cương cho rằng, đơn vị vận hành metro số 1 TPHCM cần có giải pháp linh động cho hành khách sử dụng xe đạp gấp, để khuyến khích việc sử dụng phương tiện công cộng. Việc cấm mang xe đạp gấp lên tàu chỉ nên áp dụng thời gian đầu.