1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội không cấm hành khách mang xe đạp gấp lên tàu đường sắt đô thị

Bạch Huy Thanh

(Dân trí) - Đơn vị quản lý hai tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội không cấm hành khách mang xe đạp gấp lên tàu.

Việc một số hành khách mang xe đạp gấp đến nhà ga Metro số 1 TPHCM nhưng không được mang phương tiện này lên tàu, đang có nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, đơn vị không cấm người dân mang xe đạp gấp lên tàu hai tuyến metro ở Thủ đô.

Theo vị đại diện này, đường sắt trên cao là hình thức mới, văn minh của vận tải hành khách công cộng. Hanoi Metro tạo điều kiện tốt nhất cho hành khách như việc để hành khách mang theo hành lý xách tay, xe đạp gấp... lên tàu, trừ những hàng hóa quá cồng kềnh, hàng cấm.

"Khi mang xe đạp gấp, hành khách phải gấp xe gọn lại và không ảnh hưởng đến hành khách khác", theo vị đại diện Hanoi Metro.

Từ hồi tháng 11/2021, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông chính thức vận hành, chị Phạm Lan Anh (trú tại quận Hà Đông) bắt đầu bỏ xe máy, lựa chọn phương tiện di chuyển mới là xe đạp gấp kết hợp tàu điện.

Làm việc tại một công ty ở quận Hoàn Kiếm, chị Lan Anh cho biết, hồi đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới vận hành, hành khách trải nghiệm rất đông nên cơ quan quản lý không cho mang xe đạp gấp, tuy nhiên đơn vị quản lý sau đó đã cho hành khách được mang xe đạp gấp lên tàu.

"Chiếc xe đạp gấp nặng khoảng 10kg, tháo lắp đơn giản với một vài động tác cơ bản. Hàng ngày, tôi thấy rất nhiều hành khách mang xe đạp gấp lên tàu điện, mọi người đều ý thức việc gấp gọn và để dành không gian cho các hành khách khác", chị Lan Anh nói.

Hà Nội không cấm hành khách mang xe đạp gấp lên tàu đường sắt đô thị - 1

Tại Hà Nội, người dân được mang xe đạp gấp lên tàu điện trên cao (Ảnh: CTV).

Theo Hanoi Metro, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành thông tư quy định về hành lý xách tay mà khách đi tàu được mang theo. Hành khách được mang theo hành lý, nhưng phải thuộc loại không bị cấm theo quy định hiện hành.

Cụ thể, không được mang theo hàng nguy hiểm; vũ khí, công cụ hỗ trợ (mà không có giấy phép sử dụng); chất gây mất vệ sinh, làm bẩn toa xe; thi hài, hài cốt; hàng hóa cấm lưu thông; vật cồng kềnh làm trở ngại việc đi lại trên tàu, làm hư hỏng trang thiết bị toa xe; động vật sống…

Trường hợp khách mang theo hành lý cồng kềnh (loại không bị cấm) chỉ được có kích thước tối đa là 56cmx26cmx23cm và nặng không quá 18kg. Không được mang theo những vật nuôi như chó mèo hay đồ thực phẩm tươi sống như thịt, cá…

Khi thấy nghi ngờ hành lý mang theo người vào ga, lên tàu vi phạm quy định về vận chuyển đường sắt đô thị, lực lượng chức năng có quyền kiểm tra hành lý của hành khách đi tàu và nếu phát hiện hành lý của hành khách không đúng quy định sẽ từ chối vận chuyển hoặc báo lực lượng chức năng xử lý.

Hà Nội có 2 tuyến đường sắt trên cao đang hoạt động. Tuyến metro số 2A, ga Cát Linh - Hà Đông mỗi ngày đón khoảng 30.000 hành khách. Còn tuyến metro đoạn Nhổn - ga Cầu Giấy mỗi ngày đón khoảng 20.000 hành khách.

Dòng sự kiện: Metro số 1 TPHCM