DNews

"TPHCM muốn có đội ngũ ưu tú thì ít nhất lương phải đủ sống"

Q.Huy

(Dân trí) - "Giải pháp có thể tính đến là tăng lương cao cho những nhóm cán bộ quan trọng, ngành quan trọng để đem lại hiệu quả và tính toán lương tăng dần cho các nhóm khác", chuyên gia Đại học Indiana gợi ý.

"TPHCM muốn có đội ngũ ưu tú thì ít nhất lương phải đủ sống"

"TPHCM sẽ nằm ở đâu trong hành chính bước vào kỷ nguyên mới?" là vấn đề được Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đặt ra nhằm làm rõ sứ mệnh, trách nhiệm của địa phương trong giai đoạn tới. Vị lãnh đạo thành phố cho rằng, TPHCM cần nằm trong "đội hình chính", "phải đá tiền đạo" và "không đi một mình" trên chặng đường sắp tới.

"Việc TPHCM bước vào kỷ nguyên mới cần đặt trong bối cảnh của vùng Đông Nam Bộ và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Sứ mệnh, trách nhiệm, quyết tâm chính trị của TPHCM là cùng đất nước, cùng dân tộc vươn mình mạnh mẽ bước vào kỷ nguyên mới", ông Phan Văn Mãi chia sẻ.

TPHCM muốn có đội ngũ ưu tú thì ít nhất lương phải đủ sống - 1

TPHCM cùng cả nước đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để bước vào kỷ nguyên mới (Ảnh: Hải Long).

Góp ý về những việc cần chuẩn bị cho tiến trình bước vào kỷ nguyên mới, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về lĩnh vực quản trị, chính sách công cho rằng, trước tiên, TPHCM cần khắc phục những điểm nghẽn, tồn tại để có thể tăng tốc. Trong bối cảnh thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, vấn đề nhân sự và công tác cán bộ là một trong những điều cần đặc biệt quan tâm.

Cán bộ cần yên tâm để cống hiến

GS. TS Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana (Mỹ), chia sẻ rằng, ông và nhiều học giả ngạc nhiên khi việc chống lãng phí được các cấp lãnh đạo cao nhất đưa ra như một định hướng chiến lược. Tuy nhiên, khi làm rõ khái niệm chống lãng phí hướng đến nâng cao hiệu quả cho toàn nền kinh tế, trước hết là của Khu vực Nhà nước, ông cho rằng định hướng này hoàn toàn xứng tầm.

Trong chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, giảm số lượng người làm việc ở cơ quan Nhà nước, vị chuyên gia dẫn số liệu, quy mô khu vực công của Việt Nam không quá cao so với thế giới. Việc áp dụng giảm biên chế hàng loạt có thể mang tới rủi ro quá tải công việc ở một số cơ quan quan trọng.

Do đó, việc tinh gọn bộ máy cần áp dụng khoa học quản trị để xác định nơi nào nên cắt giảm, nơi nào cần tăng cường. Điều tiếp theo cần tính toán đến là những giải pháp để bộ máy sau sắp xếp phát huy được hiệu lực, hiệu quả.

"Những điều kiện tiên quyết để đội ngũ cán bộ có thể vững bước tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình thành công là năng lực, động lực và môi trường. Giai đoạn tới, Việt Nam cần đột phá bằng được các điều kiện này", GS. TS Trần Ngọc Anh chia sẻ.

GS. TS Trần Ngọc Anh dẫn chứng, qua các dữ liệu về chi trả lương hiện nay, nhiều vị trí cán bộ nhận lương tháng ở mức rất thấp. Với thực trạng này, chất lượng của nhân sự sẽ mang tính tương đương và khó tạo được sự đột phá.

Điều này còn khiến TPHCM đối mặt với rủi ro là không có nhân tài khi gặp giai đoạn thách thức, khó khăn. Do đó, vấn đề đầu tiên cần xem xét là điều chỉnh lương, thu nhập để tăng hiệu quả, hiệu lực của bộ máy.

TPHCM muốn có đội ngũ ưu tú thì ít nhất lương phải đủ sống - 2
Muốn có đội ngũ ưu tú thì ít nhất lương phải đủ sống
GS. TS Trần Ngọc Anh Đại học Indiana (Mỹ)

"Muốn có đội ngũ ưu tú thì ít nhất lương phải đủ sống. Những lần cải cách lương trước đây đều chưa thành công vì thực hiện một cách đồng loạt, ngân sách không đủ đáp ứng. Giải pháp có thể tính đến là tăng lương cao cho những nhóm cán bộ quan trọng, ngành quan trọng để đem lại hiệu quả kinh tế, ngân sách và tính toán lương tăng dần cho các nhóm khác", chuyên gia của Đại học Indiana gợi ý về giải pháp.

Vị chuyên gia cũng chỉ rõ, nhiều năm qua, TPHCM gặp nhiều vấn đề cần giải quyết về mặt pháp lý, tạo tâm lý nặng nề, lo sợ cho toàn hệ thống. Để thật sự chuyển mình, TPHCM cần có chính sách, quyết sách để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm vượt qua rào cản tâm lý, dám nghĩ, dám làm.

"Cán bộ có năng lực cần không gian, môi trường làm việc tạo sự yên tâm để cống hiến. Đây là thời điểm TPHCM cần những cú hích về lương, hệ thống đánh giá năng lực và giải pháp về pháp lý cho đội ngũ. Khi có những cú hích này, thành phố sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ", GS. TS  Trần Ngọc Anh phân tích.

Cơ hội để TPHCM thể hiện khát vọng

TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98, phân tích, "Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" mang ý nghĩa một thời kỳ mà cả dân tộc phải nỗ lực hết mình, nắm bắt xu hướng của thời đại, khẳng định vị thế trong khu vực và thế giới, nhanh chóng vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Đây là cơ hội để TPHCM thể hiện rõ khát vọng phát triển, nhìn lại chặng đường đã qua và đưa ra những định hướng lớn trong giai đoạn tới.

"Giai đoạn 2026-2035 có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp đưa nước ta thành nước công nghiệp. TPHCM cần xác định rõ mình đang ở đâu và cần làm gì", TS Trần Du Lịch nói.

Trong suốt quá trình phát triển, TPHCM từng là nơi lập nghiệp của người dân cả nước. TS Trần Du Lịch cho rằng, trong kỷ nguyên mới, thành phố cần trở thành nơi khởi nghiệp của khu vực và cả châu Á trong tương lai, là điểm đến với tầm nhìn toàn cầu.

Thành phố cần là nơi có nền kinh tế mang tính thị trường nhất cả nước. Mô hình phát triển kinh tế cần đảm bảo tính bền vững, tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao phúc lợi, môi trường sống của người dân.

TPHCM muốn có đội ngũ ưu tú thì ít nhất lương phải đủ sống - 3
TPHCM còn 2 điểm nghẽn cố hữu là thể chế và hạ tầng. Khi gỡ được 2 vấn đề này, thành phố sẽ phát triển rất mạnh mẽ
TS Trần Du Lịch Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98

"Theo cảm nhận của tôi, TPHCM còn 2 điểm nghẽn cố hữu là thể chế và hạ tầng. Khi gỡ được 2 vấn đề này, thành phố sẽ phát triển rất mạnh mẽ", TS Trần Du Lịch nhận định.

Theo vị chuyên gia, thời gian qua, dù chưa khắc phục được toàn bộ hạn chế nhưng thành phố đã có nhiều điểm sáng, thể hiện quyết tâm vượt khó để sẵn sàng cho giai đoạn mới. Trong đó, việc vận hành tuyến Metro số 1 và phát triển mô hình TOD (đô thị theo trục giao thông) là những ví dụ cụ thể nhất cho quyết tâm này.

"Với mô hình TOD, thành phố có thêm điều kiện để chỉnh trang những khu đô thị cũ, lụp xụp, hình thành đô thị mới, hiện đại, tạo diện mạo mới cho toàn địa bàn", TS Trần Du Lịch phân tích.

Về mặt thể chế, TPHCM cần ưu tiên hàng đầu việc thực hiện có hiệu quả cao nhất Nghị quyết 98 của Quốc hội, hướng đến hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị. Vị chuyên gia nhìn nhận, các cơ chế, chính sách đặc thù trong Nghị quyết 98 có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng chỉ là giai đoạn thí điểm về mô hình phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực quản lý Nhà nước cho địa phương.

Do đó, các cơ quan cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng mô hình chính quyền đô thị phù hợp với quy mô, vị trí, vai trò của TPHCM. Việc này cần làm song song với quá trình tổ chức các đô thị mới trực thuộc TPHCM (5 huyện ngoại thành) theo tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.

TPHCM muốn có đội ngũ ưu tú thì ít nhất lương phải đủ sống - 4

Việc vận hành tuyến Metro số 1 thể hiện quyết tâm của TPHCM trong khắc phục điểm nghẽn về hạ tầng (Ảnh: Nam Anh).