Rào chắn vỉa hè ngăn xe máy gây khó, người đi bộ bất đắc dĩ phải "trèo" qua
(Dân trí) - Nhiều tuyến đường của Hà Nội dựng rào chắn thép cố định ngăn xe máy tràn lên vỉa hè, song lại làm giảm công năng và phát sinh nhiều rắc rối cho người đi bộ.
Tại đường Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy, Hà Nội) đoạn vỉa hè trước cổng trường Đại học Thương mại có hàng trăm mét rào chắn được dựng lên. Hàng rào này nhằm ngăn các xe cơ giới (chủ yếu là xe gắn máy) lấn chiếm, giành lại đường cho người đi bộ song đang phát sinh nhiều bất cập.
Hàng rào thép chặn ngang vỉa hè được dựng 3 lớp, có các lối đi nhỏ so le nhau. Kiểu thiết kế này chặn đứng xe cơ giới không thể xâm phạm, nhưng người đi bộ cũng rất khó để vượt qua.
Tại cổng trường Đại học Thương mại có lưu lượng người đông, các rào chắn thường gây khó khăn khi tiếp cận vỉa hè, đặc biệt xe của người khuyết tật, xe đẩy trẻ em không thể vượt qua.
Vỉa hè bị rào kín, chỉ có lối mở cho trạm chờ xe buýt đón trả khách. Nếu không đi xe buýt mà chờ người nhà đón sẽ phải "nhảy rào" vì không thể đứng chung tại lối mở chờ xe buýt, lối mở là nơi vào ra của xe.
Thời điểm học sinh, sinh viên tan trường, lượng người tràn xuống lòng đường tăng đột biến trong khi vỉa hè vẫn còn trống, do khó tiếp cận với điểm đỗ xe buýt hoặc người nhà đến đón bất chấp lưu lượng ô tô, xe máy đi lại đông đúc.
Trong ảnh, ngay tại vạch sang đường cho người đi bộ cũng không có lối mở cho người đi lên xuống vỉa hè.
Chuyện vượt rào thường xuyên xảy ra. Đây là một giải pháp mà nhiều người đi bộ tham gia giao thông cho rằng "tránh được vỏ dưa thì lại gặp vỏ dừa".
Theo ý kiến chuyên gia, vỉa hè được thiết kế xây dựng để phục vụ người đi bộ, đây là một trong các hạng mục chính của một công trình giao thông, do vậy khi được đưa vào sử dụng vỉa hè phải được xem như là công trình giao thông, không ai được phép xâm phạm, làm thay đổi chức năng, sai thiết kế. Các rào chắn thép này phần nào đang cản trở người đi bộ tham gia giao thông một cách hợp pháp trên phần đường (vỉa hè, vạch sang đường...) họ được phép hoạt động.
Cảnh người nhà chờ đón sinh viên bên ngoài rào sắt đông đúc cũng gây cản trở các phương tiện khác lưu thông dưới lòng đường.
Tại những điểm lắp rào chắn, nếu đứng chờ ngoài thì chật hẹp thậm có khi mất an toàn. Nhưng nếu đứng trong hàng rào thì kiểu gì cũng phải vượt rào.
Ngoài khu vực đường Hồ Tùng Mậu, còn có đường Phạm Hùng; đường Lê Trọng Tấn; đường Nghiêm Xuân Yêm và ngã ba cầu Mộ Lao - Tố Hữu lắp rào chắn thép quây kín vỉa hè.
Đoạn hàng rào chặn vỉa hè tại đường Phạm Hùng dài hơn 200m (đối diện bến xe Mỹ Đình). Các rào chắn này giúp ngăn dòng xe cơ giới đi lên, đặc biệt vào khung giờ cao điểm buổi sáng và chiều, chỉ có một lối mở để xe buýt đón trả khách. Bên trong phần hè vẫn có rất nhiều xe máy của cánh xe ôm phi lên hè qua lối mở cho xe buýt.
Hàng rào này gần như chặn đứng các loại xe cơ giới, nhưng công năng của vỉa hè cũng vì thế giảm theo.
Đoạn kết hàng rào trên đường Phạm Hùng.
Đoạn rào chắn tại đường Tố Hữu, đây là một điểm nóng về việc xe cơ giới tràn lên vỉa hè đi ngược chiều, lấn chiếm phần đường của người đi bộ vào khung giờ cao điểm.
Khi hàng rào được dựng lên, hiện tượng "leo lề" đã không còn.