DNews

Quyết tâm hóa giải áp lực đưa cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành về đích

Hoài Thu

(Dân trí) - Tiến độ từng khâu trong các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam và sân bay Long Thành được Chính phủ báo cáo Quốc hội để "vướng đến đâu, gỡ đến đó", với kỳ vọng các siêu dự án sẽ về đích đúng hạn.

Quyết tâm hóa giải áp lực đưa cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành về đích

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc sáng 23/10, với nhiều nội dung quan trọng.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53 về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Tổng Thư ký Quốc hội cũng đề nghị bổ sung việc trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc liên quan đầu tư các công trình giao thông đường bộ.

Quyết liệt vào cuộc

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp), nhận định kỳ họp thứ 6 diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam rất khó khăn, tăng trưởng GDP chưa đạt mức đề ra, đời sống nhân dân khó khăn, doanh nghiệp chậm phục hồi…

"Tuy nhiên, đây là bối cảnh chung của thế giới và khu vực. So với thế giới, Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng", ông Hòa nói và cho rằng đây là động lực để cố gắng trong quãng thời gian sắp tới.

Quyết tâm hóa giải áp lực đưa cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành về đích - 1

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ảnh: Quốc hội).

Vị đại biểu Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của Chính phủ. "Sự vào cuộc của Chính phủ rất thực chất và có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt trong xây dựng các dự án giao thông trọng điểm như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam, hay các tuyến cao tốc vệ tinh quanh Hà Nội và TPHCM", ông Hòa nêu quan điểm.

Báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết trong giai đoạn 1, dự án được phân chia thành 4 dự án thành phần, gồm: Dự án thành phần 1 - các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước; dự án thành phần 2 - các công trình phục vụ quản lý bay; dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu trong cảng hàng không; dự án thành phần 4 - các công trình khác.

Quyết tâm hóa giải áp lực đưa cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành về đích - 2

Phối cảnh sân bay quốc tế Long Thành (Ảnh: ACV).

Theo nghị quyết của Quốc hội, dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 "chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác".

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin đến nay, mới có trụ sở đại diện Cảng vụ hàng không miền Nam và trụ sở Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đã được bố trí vốn và phê duyệt chủ trương đầu tư để triển khai theo đúng kế hoạch. Còn các trụ sở khác, công tác bố trí vốn của các bộ và UBND tỉnh Đồng Nai chậm.

Song theo Tư lệnh ngành giao thông, đây là các công trình dân dụng thông thường, không phức tạp, thời gian chuẩn bị dự án mất khoảng 6-12 tháng và thời gian thi công khoảng 12-18 tháng, nên dù chậm, các chủ đầu tư dự kiến vẫn bảo đảm hoàn thành vào cuối năm 2025 để khai thác đồng bộ toàn bộ công trình.

Dự án thành phần 2 và 3, ông Thắng khẳng định "cơ bản đảm bảo tiến độ theo dự kiến", các đơn vị đang tập trung tất cả nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án thành phần này.

Quyết tâm hóa giải áp lực đưa cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành về đích - 3
Quyết tâm hóa giải áp lực đưa cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành về đích - 4
Quyết tâm hóa giải áp lực đưa cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành về đích - 5
Quyết tâm hóa giải áp lực đưa cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành về đích - 6

Với dự án thành phần 4, Bộ trưởng GTVT cho biết UBND tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để giao và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Cảng vụ hàng không miền Nam.

Tuy nhiên, do khó khăn trong xác định giá trị nộp ngân sách Nhà nước khi sử dụng đất nên tiến độ đang bị chậm. Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương triển khai thủ tục lựa chọn nhà đầu tư để khởi công công trình theo tiến độ đã được thống nhất.

Đầu tháng 8, Chính phủ có tờ trình báo cáo Quốc hội xem xét, cho phép điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53 để có cơ sở giải ngân và triển khai các bước tiếp theo, gồm: giảm tổng mức đầu tư dự án; diện tích đất thu hồi; thời gian thực hiện dự án và bổ sung nội dung về bố trí tái định cư…

Cho rằng việc xem xét điều chỉnh các nội dung trên là cần thiết, khi thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ chỉ trình Quốc hội xem xét, quyết định 2 nội dung là thời gian thực hiện dự án và vốn bố trí cho dự án, còn các nội dung điều chỉnh còn lại thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, đến nay, dự án đã thu hồi được trên 4.882ha/4.946ha đất (đạt 98,7%). Tỉnh Đồng Nai cũng đã xét duyệt tái định cư cho 4.161 hộ (đã bố trí tái định cư 4.045 hộ, đang bố trí tái định cư: 116 hộ).

Quyết tâm hóa giải áp lực đưa cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành về đích - 7

Dự án sân bay Long Thành thu hồi được trên 4.882ha/4.946ha đất; xét duyệt tái định cư cho 4.161 hộ (Ảnh: Hải Long).

Chủ trương đầu tư sân bay Long Thành được thông qua từ Quốc hội khóa XIV, song theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, thời gian gần đây việc triển khai dự án mới được đẩy nhanh, còn trước đó rất ì ạch và chậm chạp do bất cập, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Nhờ sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT và chính quyền địa phương, ông Hòa cho rằng tới nay có thể yên tâm về công tác này.

"Tiến độ chung của toàn dự án có thể chậm nhưng với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống, tôi tin rằng mục tiêu dài hạn vẫn có thể đạt được", vị đại biểu Hòa kỳ vọng.

Dự án sân bay Long Thành được đầu tư xây dựng các hạng mục để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, theo nghị quyết của Quốc hội. Tổng mức đầu tư của toàn bộ dự án khoảng 336.630 tỷ đồng (tương đương khoảng 16,06 tỷ USD), trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD).

Quyết tâm hóa giải áp lực đưa cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành về đích - 8

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát công trường sân bay Long Thành và đốc thúc tiến độ dự án (Ảnh: Đoàn Bắc).

Nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau vào 2026

Trong báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết đến cuối năm 2020, dự án đã đưa vào khai thác khoảng 412km.

Trong 11 dự án thành phần với chiều dài 654km, đến nay đã đưa vào khai thác 8 dự án với chiều dài 519km, đang triển khai thi công 135km và dự kiến hoàn thành toàn bộ vào năm 2024.

Chủ trương đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, đầu năm 2022.

Quyết tâm hóa giải áp lực đưa cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành về đích - 9

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng (Ảnh: Phạm Thắng).

Dự án có tổng chiều dài khoảng 729km. Tiến độ Dự án cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026. "Như vậy, đến năm 2026 sẽ cơ bản nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau (trừ cầu Cần Thơ 2 sẽ hoàn thành sau năm 2026)", theo Bộ trưởng GTVT.

Dự án này được áp dụng nhiều cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, do Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp chỉ đạo, điều hành.

Theo ông Thắng, lãnh đạo Chính Phủ cũng đã nhiều lần trực tiếp kiểm tra Dự án, làm việc với các địa phương và ban hành công điện yêu cầu tháo gỡ khó khăn về vật liệu xây dựng cho các dự án.

Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh với các cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua cùng sự thay đổi rất lớn trong phương thức lãnh đạo, cách nghĩ, cách làm của các đơn vị, cao tốc Bắc - Nam đang bám sát mốc tiến độ yêu cầu.

Quyết tâm hóa giải áp lực đưa cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành về đích - 10

Đơn vị thi công giải phóng mặt bằng cho dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua tỉnh Bình Định (Ảnh: Bình Định).

Đặc biệt, việc tổ chức triển khai công tác lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu, đền bù GPMB và khởi công các dự án thành phần theo cơ chế đặc thù đã rút ngắn được 1,5-2 năm so với thông thường.

"Từ khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư cho đến khi khởi công toàn bộ 12 dự án thành phần chỉ với khoảng gần 1 năm; từ khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và bố trí vốn cho công tác GPMB đến nay chỉ khoảng 13 tháng nhưng đã hoàn thành công tác GPMB đến 91%, phần công việc còn lại sẽ được các địa phương hoàn thành trong năm 2023", Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh.

Ông chỉ ra bất cập tại các dự án thành phần khu vực ĐBSCL, do toàn bộ tuyến qua khu vực đất yếu, phải xử lý nền đường và gia tải chờ lún nên thời gian hoàn thành phụ thuộc rất lớn vào khả năng cung cấp vật liệu cát đắp.

Chính phủ vì vậy kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến hết năm 2024.

Quyết tâm hóa giải áp lực đưa cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành về đích - 11

Thiếu nguyên vật liệu hiện là khó khăn, vướng mắc lớn nhất trong thi công các tuyến cao tốc ở vùng ĐBSCL (Ảnh: Bảo Kỳ).

Ủng hộ kiến nghị này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa khẳng định việc kéo dài cơ chế đặc thù đến hết năm 2024 là rất cần thiết, bởi tiến độ cao tốc Bắc - Nam đang tốt nhưng với những tuyến qua vùng ĐBSCL đều đang khó khăn về nguồn nguyên vật liệu.

Nhấn mạnh xây dựng cao tốc Bắc - Nam và những tuyến cao tốc vùng ĐBSCL phải phù hợp thực tế và thực địa, ông Hòa đề xuất xây dựng cầu cạn trên đường cao tốc.

"Với tình hình nguyên liệu cát, đất, sỏi, đá khan hiếm như hiện nay, việc xây dựng đường cao tốc rất khó khăn. Tôi đề xuất Bộ GTVT xây dựng cầu cạn, dù giá thành cao hơn nhưng giảm được áp lực về nguyên vật liệu xây dựng và các mặt hàng thiết yếu khác, giảm được phần GPMB, giảm tác động từ việc ngăn dòng chảy…", theo ý kiến đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.

Quyết tâm hóa giải áp lực đưa cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành về đích - 12
Quyết tâm hóa giải áp lực đưa cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành về đích - 13
Quyết tâm hóa giải áp lực đưa cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành về đích - 14
Quyết tâm hóa giải áp lực đưa cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành về đích - 15
Quyết tâm hóa giải áp lực đưa cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành về đích - 16
Quyết tâm hóa giải áp lực đưa cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành về đích - 17

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau dài khoảng 2.063km.

Việc hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng, nhằm kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm.