DMagazine

Quá nhiều cán bộ đã "dương tính" với "virus tham lam"

(Dân trí) - Chỉ cần có điều kiện, nhiều cán bộ nuôi trong mình "con virus tham lam" đã lợi dụng dịch bệnh Covid-19 bùng phát, "bắt tay" với Công ty Việt Á thổi giá kit test, bòn rút ngân sách nhà nước.

Chỉ cần có điều kiện, nhiều cán bộ nuôi trong mình "con virus tham lam" đã lợi dụng dịch bệnh Covid-19 bùng phát "bắt tay" với Công ty Việt Á thổi giá kit test, bòn rút ngân sách nhà nước, bất chấp tính mạng người dân.

Quá nhiều cán bộ đã dương tính với virus tham lam - 1

Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội mới đây, ông Dương Thanh Bình - Trưởng ban Dân nguyện cho biết, cử tri nhiều địa phương rất bức xúc trước vụ việc Công ty Việt Á đã nâng khống giá kit test Covid-19; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện và CDC một số tỉnh thành nhằm thu lợi nhuận bất chính. "Đây là hành vi vi phạm pháp luật có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng trên cả nước, cả hệ thống chính trị và nhân dân đang phải dốc toàn lực để thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch", ông Bình nói.

Trở lại sự việc, cuối tháng 12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã triệt phá thành công đường dây vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh kit test Covid-19, xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và các đơn vị, địa phương có liên quan. Đến nay, lực lượng công an đã khởi tố 26 bị can liên quan đến vụ Việt Á về các tội: "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Trong các bị can này có quan chức cấp Vụ thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và hàng loạt Giám đốc CDC các tỉnh, thậm chí cả lãnh đạo Học viện Quân y cũng phải chịu trách nhiệm.

Bằng mánh khóe chi thật đậm hoa hồng, trong thời gian ngắn, Công ty Việt Á đã nhận được hợp đồng cung ứng kit test cho CDC và cơ sở y tế khác của 62 tỉnh thành, với doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng. Quá trình điều tra, đến nay, lực lượng công an đã kê biên, thu hồi thu hồi tài sản của các bị can, đối tượng có liên quan lên đến 1.600 tỷ đồng. Lãnh đạo ngành y bị bắt đầu tiên trong vụ việc là Phạm Duy Tuyến - Giám đốc CDC Hải Dương… Chỉ cần thông qua 5 hợp đồng, với tổng giá trị 151 tỷ đồng, Tuyến được Phan Quốc Việt - Tổng Giám đốc Công ty Việt Á chi khoản hoa hồng lên đến 30 tỷ đồng. 

Đáng chú ý, giai đoạn đầu của vụ án, lãnh đạo ngành y tế nhiều tỉnh thành khẳng định mình không "ăn chia" với Công ty Việt Á, nhưng cuối cùng vẫn nhận cái kết là bị bắt. Cụ thể, cựu Giám đốc CDC Bắc Giang - Lâm Văn Tuấn nói mình không nhận đồng nào, còn quá trình đấu thầu thì được thực hiện theo quy định. Thế nhưng, cơ quan điều tra đã làm rõ, chỉ với hợp đồng giá trị 148 tỷ đồng mua kit test của Việt Á, Giám đốc CDC Bắc Giang Lâm Văn Tuấn và một đối tượng khác được chia hoa hồng lên tới 44 tỷ đồng. Tương tự, ông Nguyễn Văn Định - Giám đốc CDC Nghệ An nói rằng bản thân minh bạch, làm đúng quy trình trong các gói thầu cung cấp vật tự kit test với Công ty Việt Á. Sau lời khẳng định này, ông Định bị C03 Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam…

Quá nhiều cán bộ đã dương tính với virus tham lam - 4

Liên quan đến vụ Việt Á, mới đây, cơ quan điều tra đã bắt hai quân nhân thuộc Học viện Quân y để điều tra về những sai phạm trong việc nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19. Hai bị can bị bắt là Đại tá Nguyễn Văn Hiệu - Trưởng Phòng Trang bị, Vật tư (Học viện Quân y) và Thượng tá Hồ Anh Sơn - Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự (Học viện Quân y). Liên quan đến vụ việc, Ủy ban Kiểm tra Trung ương còn chỉ ra một loạt cán bộ khác của Học viện Quân y phải chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao như Trung tướng Nguyễn Viết Lượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy; Trung tướng Đỗ Quyết, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện. Vụ Việt Á đã như một "phép thử" với hàng loạt cán bộ ở nhiều tỉnh và cả ở cấp trung ương.

Phát biểu tại phiên họp Thường vụ Quốc hội mới đây, ông Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, các đối tượng liên quan đến vụ Việt Á rất nhiều nên lực lượng công an tiếp tục đấu tranh, mở rộng vụ án. Còn tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, cơ quan điều tra đang tích cực xác minh tại các bộ, ngành có liên quan để làm rõ hành vi sai phạm trong việc giao nhiệm vụ nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành sản xuất, đánh giá chất lượng sản phẩm và việc mua bán sản phẩm.

Quá nhiều cán bộ đã dương tính với virus tham lam - 6

Dường như việc hàng loạt cán bộ ngành y bị xử lý trước khi xảy ra vụ Việt Á vẫn chưa đủ sức nặng để "cảnh tỉnh, răn đe" những đối tượng muốn làm giàu bất chính. Sai phạm đầu tiên trong phòng chống Covid-19 được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) làm rõ đó là cựu Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội - Nguyễn Nhật Cảm cùng đồng bọn "bắt tay nhau" nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19, gây thiệt hại của nhà nước 5,4 tỷ đồng. Với vai trò chủ mưu trong vụ việc, tháng 12/2020, Nguyễn Nhật Cảm bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 10 năm tù. 

Sang năm 2021, khi dịch bệnh vào giai đoạn căng thẳng nhất, hàng vạn cán bộ ngành y phải gác lại mọi riêng tư, chấp nhận những hy sinh cá nhân, tận tình, chăm sóc người bệnh. Hình ảnh những "chiến sĩ áo trắng" trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt dù đã kiệt sức nhưng quyết chiến đấu với dịch bệnh, tất cả vì sức khỏe của người dân xuất hiện ở khắp nơi. Trong hoàn cảnh đó, vẫn có không ít cán bộ, công chức ngành y thông thầu trong các gói mua sắm thiết bị y tế bị lực lượng công an phát hiện, khởi tố và điều tra.

Cũng có không ít ý kiến cho rằng những vi phạm kể trên là do "lỗi cơ chế, hệ thống", nhưng trước Quốc hội, ngày 10/11/2021, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định không phải do "lỗi cơ chế, hệ thống", mà là lợi dụng tình hình khó khăn, lách luật có những vi phạm hình sự rất đáng để xử lý.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, trong việc mua sắm thiết bị y tế, các đối tượng đã thông đồng với nhà thầu để nâng giá thiết bị, có ăn chia nhau, trích phần trăm… "Đây là những yếu tố tư lợi, biểu hiện của tham ô, tham nhũng mới bị xử lý", Đại tướng Tô Lâm nói và dẫn lại quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư là: Phát hiện một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, từ đó xử lý triệt để vi phạm, cảnh tỉnh, răn đe.

Tại buổi tiếp xúc cử tri vào cuối tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ: "Đang dịch bệnh thế này mà xử lý cán bộ y tế thì có nên không? Nhưng việc nào đi việc ấy!".

Quá nhiều cán bộ đã dương tính với virus tham lam - 8

Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim cho rằng, những vi phạm của các cán bộ nêu trên là do bản lĩnh chính trị đã bị suy thoái, biến chất. Do vậy, khi có cơ hội là những cán bộ này sẽ lợi dụng chức quyền để tham nhũng, tiêu cực. "Nói họ rèn luyện chưa đủ thì không phải. Nói họ tham nhũng, tiêu cực chỉ là bộc phát cũng không phải. Tôi nghĩ, họ đã nuôi trong mình "con virus tham lam", tức là đề cao chủ nghĩa cá nhân dưới dạng này hay dạng khác, khi có đủ điều kiện như vị trí, tiền bạc… thì bộc lộ có tổ chức, tính toán, tinh vi, nham hiểm", đại biểu Vũ Trọng Kim nói.

Ngoài ra, theo ông Vũ Trọng Kim nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên còn do việc xử lý cán bộ sai phạm chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe. Từ đó vô hình chung nuôi tham vọng cho những kẻ muốn tham nhũng vì chỉ "hy sinh" một quãng thời gian mấy năm. "Tôi nghĩ, những kẻ tham nhũng, tiêu cực đều tính toán 50 - 50. Một, nếu che đậy được sẽ giàu có. Hai, nếu bị phát hiện sẽ bị xử ở mức nào, có thể dùng tiền "bôi trơn", "nhờ cậy" để bảo vệ họ", ông Vũ Trọng Kim nhận định.

Cho mình là người khách quan, không chủ quan áp đặt cho ai bao giờ, nhưng qua vụ Việt Á, ông Vũ Trọng Kim băn khoăn về việc giá kit test Covid-19 của nước ngoài rẻ hơn trong nước sản xuất thì tại sao lại phải cấp phép lưu hành với sản phẩm chưa được WHO công nhận? Từ đó, vị đại biểu Quốc hội này cho rằng, một mình Công ty Việt Á không thể "làm loạn" được. "Tôi nghĩ đằng sau vụ này, có một thế lực ngầm đang ủng hộ, chia chác, không phải "sân sau, sân trước" mà tham gia trực tiếp - tức là cùng sân để làm ăn, tiêu cực", vị đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định nói. 

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho biết, không chỉ ông mà rất nhiều cử tri bày tỏ sự bất bình, bức xúc trước vụ "thổi giá" của Công ty Việt Á. Theo đại biểu tỉnh Đồng Tháp, qua vụ việc này cho thấy, những đối tượng đã lợi dụng dịch bệnh, lợi dụng chính sách cho phép rút gọn vấn đề đấu thầu, chỉ định thầu của Nhà nước để nâng giá kit test Covid-19 để trục lợi, thu lợi nhuận khủng, rồi móc nối, chia % hoa hồng cho lãnh đạo CDC, đơn vị y tế.

Quá nhiều cán bộ đã dương tính với virus tham lam - 10

"Đặc biệt, khi các nhân viên y tế gồng mình chống dịch vất vả, thu nhập rất thấp thì một số lãnh đạo lại nhận những khoản tiền đến cả vài chục tỷ đồng. Hành vi phi pháp như vậy cần phải xử lý nghiêm minh", đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.

Đại biểu Hòa nhận định, nếu không có thế lực "chống lưng", Công ty Việt Á không thể "hoành hành", "thổi giá" kit test Covid-19. "Cơ sở nào, căn cứ vào đâu mà Bộ Y tế ban hành công văn cho một kit test có giá 470.000 đồng? Tại sao không nhập kit test nước ngoài với giá thành thấp hơn nhiều mà lại cho công ty này, trong khi WHO chưa công nhận kit test Việt Á?", đại biểu Hòa băn khoăn.

Dòng sự kiện: Bê bối kit test Việt Á