1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Vụ Việt Á: Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu kit test nói gì trước khi bị bắt?

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Trước khi bị bắt, Thượng tá Hồ Anh Sơn, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu kit xét nghiệm Covid-19 đã từng chia sẻ với báo chí rằng, ông rất buồn và bức xúc với những sai phạm của Công ty Việt Á.

Trước đó, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã công bố thông tin liên quan đến bộ kit xét nghiệm Covid-19 (còn gọi là kit test) do Học viện Quân y phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) nghiên cứu sản xuất. Theo thông tin này, việc sản xuất bộ kit test là đề tài nghiên cứu cấp quốc gia, tên đầy đủ là "Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)", có kinh phí được cấp từ ngân sách nhà nước, lên tới gần 19 tỷ đồng.

Cuối tháng 12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tổ chức đấu tranh chuyên án với đường dây vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (gọi tắt là kit xét nghiệm Covid-19) xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương có liên quan.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam hàng loạt bị can. 

Vụ Việt Á: Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu kit test nói gì trước khi bị bắt? - 1

Bị can Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á. (Ảnh cơ quan công an cung cấp).

Tại cuộc họp báo ở Bộ Công an chiều 28/12/2021, phóng viên Dân trí đã đặt câu hỏi, vì sao một đề tài, "nhiệm vụ quốc gia", sử dụng tiền ngân sách nhà nước lại trở thành sản phẩm ứng dụng chuyển giao cho doanh nghiệp tư nhân? Việc này tạo tiền đề cho Công ty Việt Á "thổi giá" bộ kit test, thu tiền? Cơ quan công an nhận định thế nào về việc này?

Trả lời câu hỏi trên, đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an - cho biết: "Nhiệm vụ của cơ quan điều tra là điều tra triệt để, xử lý nghiêm hành vi sai phạm, nếu có. Còn nội dung cụ thể đến đâu, chúng tôi sẽ làm rõ đến đó. Chúng tôi sẽ điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm, không có vùng cấm".

Cũng liên quan đến sai phạm xảy ra tại Công ty Việt Á, trước đó, trả lời báo chí, Thượng tá Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự (Học viện Quân y) - cho biết, ông rất buồn và bức xúc. Ông muốn cơ quan điều tra làm rõ sai phạm, đúng người, đúng việc, tránh để dư luận hiểu sai, ảnh hưởng đến uy tín của các nhà khoa học, những người ngày đêm theo đuổi để nghiên cứu thành công kit xét nghiệm.

Thượng tá Hồ Anh Sơn khẳng định, những sai phạm mà cơ quan điều tra đề cập không liên quan quy trình nghiên cứu.

Chia sẻ thêm với báo chí, Thượng tá Hồ Anh Sơn cho biết, các nhà khoa học của Học viện Quân y đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ là nghiên cứu thành công quy trình chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR sàng lọc và realtime RT-PCR phát hiện chủng 2019-nCoV tại phòng thí nghiệm và đánh giá hiệu quả bộ sinh phẩm trên thử nghiệm lâm sàng. Học viện Quân y không có chức năng sản xuất cũng như phân phối thương mại sản phẩm.

Vụ Việt Á: Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu kit test nói gì trước khi bị bắt? - 2

Thượng tá Hồ Anh Sơn. (Ảnh: QĐND).

Trước câu hỏi của báo chí về việc, vì sao Công ty Việt Á lại được tham gia vào đề tài nghiên cứu trên, Thượng tá Hồ Anh Sơn giải thích, Công ty Việt Á tham gia cùng nhóm từ những ngày đầu nghiên cứu là bởi tính cấp bách. Hai giai đoạn được tích hợp làm một. Việc chuyển giao gần như đồng thời giữa nhóm nghiên cứu và đơn vị sản xuất để cùng nhau thẩm định kết quả, kịp cho việc sản xuất kit phục vụ phòng chống dịch. Bởi chuyển giao từ quy mô phòng thí nghiệm sang sản xuất mở rộng cần được nghiên cứu, tối ưu tiếp tại cơ sở sản xuất.

Ông nói thêm, Công ty Việt Á cũng là đơn vị được Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ đề xuất lựa chọn là đối tác nghiên cứu phát triển sản phẩm. Tại thời điểm đó, Công ty Việt Á là đơn vị có năng lực sản xuất kit test. Họ đã có một số bộ kit test được Bộ Y tế cấp phép sử dụng trước đó. Cơ sở sản xuất của Việt Á đạt chứng chỉ ISO 13485/2016.

Còn theo báo cáo của Bộ KH&CN, tổ chức chủ trì đề tài nghiên cứu trên là Học viện Quân y, do Thượng tá Hồ Anh Sơn làm Chủ nhiệm đề tài. Ngoài ra, tham gia thực hiện đề tài còn có 16 thành viên khác thuộc nhóm nghiên cứu, trong đó có 4 thành viên thuộc Công ty Việt Á. Trong đó, ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á (đã bị khởi tố, bắt tạm giam) là thành viên nghiên cứu chính trong nhiệm vụ này.

Vụ Việt Á: Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu kit test nói gì trước khi bị bắt? - 3

Danh sách các thành viên tham gia thực hiện đề tài "Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus Corona mới 2019 (2019-nCoV)". (Nguồn: Bộ KH&CN).

Ngày 8/3, Bộ Quốc phòng cho biết, chấp hành kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại phiên họp thứ 21, Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo các cơ quan tư pháp quân đội báo cáo kết quả điều tra, xác minh về các sai phạm của một số cán bộ thuộc Học viện Quân y trong việc nghiên cứu, bàn giao Đề tài Chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và Realtime RT-PCR phát hiện chủng virus Corona mới 2019 (2019-nCoV) và sai phạm trong việc mua một số sản phẩm vật tư y tế của Công ty Việt Á. Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương đánh giá: Sai phạm của một số cán bộ thuộc Học viện Quân y là nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm theo pháp luật.

Liên quan đến sai phạm nói trên, Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Thượng tá Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự (Học viện Quân y) về tội "Tham ô tài sản" quy định tại Khoản 4 Điều 353 và tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Khoản 3 Điều 356, Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, Cơ quan Điều tra Bộ Quốc phòng còn khởi tố, bắt tạm giam Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Trưởng Phòng Trang bị, vật tư (Học viện Quân y), về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng" theo Khoản 3 Điều 222, Bộ Luật Hình sự.

Các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra đều được Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương phê chuẩn.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, liên quan đến sai phạm xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 26 bị can, với các tội danh: "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ"; "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Tham ô tài sản".

Dòng sự kiện: Bê bối kit test Việt Á