PhotoStory

Pháo đài Đồng Đăng - Chứng tích cuộc chiến bi hùng năm 1979

Thực hiện: Nguyễn Dương - Đỗ Quân

(Dân trí) - Tháng 2/1979, tại Pháo đài Đồng Đăng (Lạng Sơn), quân và dân ta chống trả kiên cường trước cuộc tấn công của quân Trung Quốc.

Pháo đài Đồng Đăng - Chứng tích cuộc chiến bi hùng năm 1979 - 1

Dẫn chúng tôi lên pháo đài Đồng Đăng, Thượng úy Hà Đức Thiện (70 tuổi) - cựu chiến binh Trung đoàn 4, Sư đoàn 337 cho biết, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, ông cũng trực tiếp cầm súng chiến đấu ở mặt trận tỉnh Lạng Sơn.

Ông Thiện kể: "Trước khi tấn công Lạng Sơn, Trung Quốc đã cho quân đi trinh sát các điểm cao và nhận thấy, pháo đài Đồng Đăng là cứ điểm rất quan trọng. Ngày 17/2/1979, Trung Quốc bắt đầu nổ súng vào pháo đài". 

Pháo đài Đồng Đăng - Chứng tích cuộc chiến bi hùng năm 1979 - 2

Pháo đài Đồng Đăng (Lạng Sơn) nằm trên một ngọn đồi cạnh Ga Đồng Đăng và QL4A dẫn vào thị trấn. Đây là điểm cao trọng yếu, có thể bao quát thị trấn và cả một vùng xung quanh. Muốn tiến vào chiếm thị xã Lạng Sơn, quân bành trướng Trung Quốc buộc phải tiêu diệt được pháo đài này.

Đây là một công trình quân sự vô cùng kiên cố, có lô cốt nhìn ra bốn hướng và hệ thống đường hầm chìm trong lòng núi. Phần nổi là những cụm lô cốt kiên cố với lỗ châu mai nhô lên trên đỉnh núi.

Pháo đài Đồng Đăng - Chứng tích cuộc chiến bi hùng năm 1979 - 3

Phần chìm là hệ thống đường hầm ngầm với nhiều phòng chức năng như phòng họp, nhà bếp, nhà kho...

Pháo đài Đồng Đăng - Chứng tích cuộc chiến bi hùng năm 1979 - 4

Các bức tường của pháo đài rất kiên cố, được đúc bằng bê tông cốt thép với bề dày khoảng 2 m.

Pháo đài Đồng Đăng - Chứng tích cuộc chiến bi hùng năm 1979 - 5

Quanh lô cốt có rất nhiều tảng bê tông lớn vẫn nằm cheo leo trên vách núi. Khi cuộc chiến nổ ra, một đại đội được phân công chốt tại đây cùng Công an vũ trang để ngăn chặn quân xâm lược và bảo vệ người dân Đồng Đăng.

Cựu chiến binh Hà Đức Thiện cho biết, trong những ngày giao tranh khốc liệt, bên trong pháo đài này có các chiến sĩ C42 Đoàn Sao Vàng, Công an vũ trang, dân quân địa phương và nhân dân chưa kịp đi sơ tán cũng vào trú ẩn.

Trong 5 ngày giao tranh khốc liệt, phía Trung Quốc kêu gọi quân ta đầu hàng, nhưng các chiến sĩ của ta quyết tâm chiến đấu đến cùng. Mất 5 ngày đêm vẫn chưa chiếm được pháo đài, ngày 22/2/1979, quân địch đặt bộc phá nổ sập cửa hầm. Những tảng bê tông lớn còn đến ngày nay là dấu tích sau vụ nổ bộc phá.

Pháo đài Đồng Đăng - Chứng tích cuộc chiến bi hùng năm 1979 - 6

Sau khi đặt thuốc nổ phá hầm, quân địch còn dùng súng phun lửa và hơi cay xịt xuống các ngách khiến nhiều cán bộ, chiến sĩ và dân thường đang cố thủ trong lô cốt không còn sống sót.

Pháo đài Đồng Đăng - Chứng tích cuộc chiến bi hùng năm 1979 - 7

Pháo đài Đồng Đăng được người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, ngay sau khi chiếm được Lạng Sơn. Năm 1940, cứ điểm này rơi vào tay phát xít Nhật rồi lại bị Pháp tái chiếm sau khi Nhật thất bại trong Chiến tranh Thế giới lần 2. Mãi đến năm 1950, người Việt mới giải phóng Đồng Đăng và tiếp quản pháo đài. 

Pháo đài Đồng Đăng - Chứng tích cuộc chiến bi hùng năm 1979 - 8

Theo ông Thiện, những hình vẽ ở pháo đài này là sơ đồ người Pháp vẽ lên khi còn đóng quân tại đây.

Thông tin về sơ đồ bên trong pháo đài hiện nay còn hạn chế. Một tài liệu cho biết, pháo đài có 3 tầng ngầm nằm sâu dưới lòng đồi, nhưng cũng bị đất đá vùi lấp kể từ thời điểm đó.

Trong cuộc chiến kéo dài chưa đầy nửa tháng đầu năm 1979, khoảng 19.000 quân Trung Quốc bị loại khỏi vòng chiến ở mặt trận Lạng Sơn. Quân địch phải rút về nước để không phải hứng chịu thêm tổn thất. Để lập nên chiến công này, Sư đoàn 3 Sao Vàng hy sinh và bị thương gần 1.500 người; Sư đoàn 337 hy sinh 650 người; Sư đoàn 338 hy sinh 260 người... 20 cá nhân và 14 đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Pháo đài Đồng Đăng - Chứng tích cuộc chiến bi hùng năm 1979 - 9

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đã lùi xa 44 năm, nhưng cứ mỗi dịp tháng 2 hàng năm, ông Thiện và đồng đội lại hẹn nhau để cùng thăm lại chiến trường khốc liệt năm xưa. Ông cùng đồng đội đều cảm thấy vui khi chứng kiến thị trấn Đồng Đăng (Cao Lộc - Lạng Sơn) - nơi hứng chịu "mưa bom bão đạn" của cuộc chiến cách đây 44 năm, nay đã được "hồi sinh".

Pháo đài Đồng Đăng - Chứng tích cuộc chiến bi hùng năm 1979 - 10

Trong chuyến đi để thực hiện bài viết này, chúng tôi ghé thăm cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh của tỉnh Lạng Sơn. Nhìn những chuyến xe chở hàng hóa của 2 nước tấp nập thông quan, tôi hiểu rằng, cuộc chiến đã thực sự lùi xa; giờ đây hai nước đều đã khép lại quá khứ để đoàn kết cùng nhau hợp tác phát triển kinh tế - xã hội.

Theo báo cáo của UBND huyện Cao Lộc, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa qua địa bàn trong năm 2022 thực hiện được 541,7 triệu USD (Năm 2021 đạt 240,71 triệu USD, đạt 16,5%), đạt 225% tăng 219,1% so với kế hoạch.