Tâm điểm
Đại sứ Phạm Quang Vinh

Cuốn nhật ký góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh

Câu chuyện về cuốn nhật ký mang tên Cao Xuân Tuất, đang nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc báo Dân trí. Một cựu binh Mỹ, Peter Mathews, nay đã 77 tuổi, muốn tìm cách trao trả lại cuốn nhật ký này cho gia đình của người chiến sĩ ở Việt Nam sau 56 năm ông lưu giữ.

Các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh đã xúc tiến việc xác minh và thấy có nhiều trùng hợp, để bước đầu xác định rằng liệt sĩ Cao Văn Tuất, quê ở Hà Tĩnh, và chủ nhân cuốn nhật ký Cao Xuân Tuất có thể là cùng một người. Theo đó, dự kiến đầu tháng 3 tới đây, ông Mathews sẽ cùng vợ sang Việt Nam để trao đổi và chuyển trả cuốn nhật ký cho gia đình liệt sĩ Cao Văn Tuất. Đó là một tin mừng và xúc động.

Nhớ lại, đã ngót nghét 50 năm sau chiến tranh, cũng đã có biết bao trường hợp tương tự khi các cựu binh tìm kiếm, trao trả cho nhau và gia đình các kỷ vật của một thời chiến tranh. Có lẽ những câu chuyện về nhật ký Đặng Thùy Trâm hay những cuộc trao đổi kỷ vật khác vẫn còn lắng đọng cả trong lòng người Việt Nam lẫn trong lòng người Mỹ rất lâu. Đằng sau đó là những câu chuyện tình người rất cảm động và có cả những dằn vặt từ các cựu binh Mỹ, nhiều người đã rơi nước mắt khi kể lại hành trình của các kỷ vật.

Một lần nữa, cuốn nhật ký Cao Xuân Tuất khơi dậy trong chúng ta nhiều cảm xúc về chiến tranh, về quan hệ giữa con người và hòa giải giữa hai dân tộc. 

Cuốn nhật ký góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh - 1

Người cựu binh Mỹ - Peter Mathews cùng cuốn nhật ký mang tên Cao Xuân Tuất (Ảnh: Đặng Huyền).

Còn nhớ, đã một thời gian dài, từng tồn tại trong lòng nước Mỹ điều mà người ta vẫn gọi là "hội chứng chiến tranh Việt Nam". Nhiều cựu binh Mỹ đã luôn dằn vặt và trăn trở về những khốc liệt, mất mát, đau thương xảy ra khi cuộc chiến tranh đi qua đời họ. Nhưng cũng chính họ, các cựu binh Mỹ đã tiên phong trong việc trở lại Việt Nam, mong muốn đóng góp và làm một việc gì đó có ích, để hàn gắn quan hệ giữa hai nước và giúp cho Việt Nam. Theo đó, đã có nhiều dự án giúp đỡ nhân đạo, tháo gỡ bom mìn, cải tạo đất để trồng cây, mua xe lăn hay về giáo dục… được triển khai ở Việt Nam.

Cũng có những cựu binh Mỹ quay trở lại Việt Nam chỉ vì muốn thăm lại những vùng đất họ từng có mặt thời chiến tranh, và để có thể bắt tay với những người một thời vốn ở phía bên kia.

Cùng với đó, những nỗ lực trao trả kỷ vật như cuốn nhật ký Cao Xuân Tuất mới đây thực sự mang nhiều ý nghĩa. Đó không chỉ là sự hàn gắn vết thương chiến tranh giữa hai nước, hay trong lòng mỗi dân tộc, mà còn là sự hàn gắn những nỗi đau trong lòng mỗi cá nhân, trong lòng mỗi gia đình. 

Mỗi kỷ vật được tìm thấy và trao trả lại cho gia đình, là những gì đã từng gắn bó với mỗi chiến sĩ và là điều thiêng liêng với người thân của các anh - những liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của đất nước. Đó có thể là những quyển sổ, những cây bút, những chiếc khăn tay, mũ…, hay có thể là tấm ảnh duy nhất để đặt lên bàn thờ người đã khuất. Bất cứ kỷ vật hay bút tích nào của các liệt sĩ nếu được trở về và chuyển lại tận tay cho các gia đình đều vô cùng quý báu.

Mặt khác, thông qua các kỷ vật chiến tranh, những hồi ký, tài liệu hay bất cứ ghi chép gì cộng với địa điểm nhặt được kỷ vật đó, tất cả có thể sẽ là những chỉ dấu quan trọng, phục vụ công tác tìm kiếm mộ hay hài cốt liệt sĩ còn nằm đâu đó trên các vùng đất một thời là chiến trường.

Các kỷ vật còn mang tính biểu trưng cho lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc, rất cần được lưu trữ và phổ biến, cho lớp trẻ hôm nay thấy được ý chí của thế hệ thanh niên thời bấy giờ, sẵn sàng gác lại học tập hay tình yêu đôi lứa để lên đường vì Tổ Quốc. Chiến tranh kết thúc đã lâu, những người trẻ nhất trong số họ nay cũng đã ở lứa tuổi 70. Các kỷ vật giúp gợi nhớ tới một thời thanh xuân sôi nổi và tựa như sợi dây liên kết giữa những người đồng đội cũ, dù trong số họ nhiều người có thể chưa từng gặp mặt nhau.

Với truyền thống "uống nước nhớ nguồn", chúng ta tự hào và trân trọng những tấm gương của các chiến sĩ và các anh hùng liệt sĩ đã xả thân vì Tổ Quốc. Và bất kỳ kỷ vật nào của họ đều rất quý giá - sự quý giá ở cả tầm quốc gia dân tộc và với mỗi cá nhân con người.

Trước đây đã có câu chuyện hồi ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, một câu chuyện rất cảm động và nổi bật, bên cạnh đó, đã và sẽ còn rất nhiều các kỷ vật của một thời chiến tranh, các cuốn nhật ký, sổ thơ, ký họa hay sổ ghi chép của những chiến sĩ bộ đội Việt Nam. Các cơ quan nhà nước và các hội đoàn của hai bên đã và đang tích cực vận động tìm kiếm, trả lại các kỷ vật cho các gia đình, cùng thân nhân của họ.

Câu chuyện về cuốn nhật ký Cao Xuân Tuất (hay của liệt sĩ Cao Văn Tuất) nằm trong bức tranh toàn cảnh đó, là một phần trong cả chiều dài quan hệ Việt - Mỹ, về hợp tác, phối hợp xử lý và khắc phục hậu quả của chiến tranh.

Những người lính năm xưa, vốn là cựu thù và từ hai phía chiến tuyến, nay đã trở thành đối tác, có thể gắn kết với nhau bằng tình người và các kỷ vật chiến tranh, cầu nối cho những mối nhân duyên mới.

Như ông Peter Mathew, người cựu binh Mỹ đang nỗ lực trao trả lại cuốn nhật ký cho gia đình liệt sĩ ở Hà Tĩnh, chia sẻ: Ông như trút được nỗi dằn vặt suốt hơn 50 năm qua. Với việc trao trả lại kỷ vật của quá khứ, ông sẽ khép lại được những trăn trở hơn nửa thế kỷ về một giai đoạn biến động trong cuộc đời.

Chúng ta đều mong rằng, những hoạt động trao trả kỷ vật như vậy sẽ tiếp tục được thúc đẩy, góp phần xoa dịu nỗi đau từ hai phía trong suốt hơn nửa thế kỷ đã qua, hàn gắn vết thương chiến tranh để từ đó khép lại quá khứ và hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn.

Tác giả: Đại sứ Phạm Quang Vinh - nhà ngoại giao cao cấp, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông Vinh từng có 7 năm làm Trưởng Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN - Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!