(Dân trí) - Một vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam ở nước ngoài phải thực hiện những nhiệm vụ nào và đối mặt áp lực ra sao. Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh "bật mí" với báo Dân trí.
Nhà ngoại giao kỳ cựu Phạm Quang Vinh được biết đến qua các hoạt động gắn với khu vực ASEAN. Nhưng một giai đoạn quan trọng trong sự nghiệp của ông là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Mỹ (từ tháng 11/2014 đến tháng 6/2018).
Báo Dân trí có cuộc trò chuyện với ông Phạm Quang Vinh về "nghề Đại sứ".
Ông đi vào nghề ngoại giao như thế nào?
- Đây có lẽ là một duyên may. Truyền thống gia đình tôi không có ai là "dân Ngoại giao". Bố tôi vốn là cán bộ của ngành thủy lợi, còn mẹ tôi công tác trong lĩnh vực khí tượng. Năm 1975, tôi tốt nghiệp phổ thông và đăng ký vào Đại học Bách Khoa. Có lẽ tôi đã trở thành một kỹ sư, nếu như giai đoạn này Bộ Ngoại giao không có chủ trương tuyển chọn sinh viên từ một số trường đại học để đào tạo nhân sự cho công tác đối ngoại, phục vụ giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Khi Bộ Ngoại giao về các trường để tuyển chọn, tôi may mắn nằm trong số sinh viên được gọi.
Ngày ấy giáo trình và điều kiện học tập còn hạn chế. Tuy vậy, bước chân vào trường Ngoại giao, chúng tôi bắt đầu được tiếp cận với thế giới bên ngoài và trau dồi khả năng ngoại ngữ. Ra trường tôi về Bộ Ngoại giao, bắt đầu làm chuyên viên tại Vụ Các vấn đề chung (nay là Vụ các Tổ chức quốc tế) từ năm 1980.
Ông giữ trọng trách Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ vào tháng 7/2014, và được phong hàm Đại sứ bậc hai - hàm cấp ngoại giao cao nhất của Nhà nước Việt Nam. Một nhà ngoại giao cần những điều kiện gì để được phong hàm Đại sứ?
- Ở đây chúng ta nói đến hàm, cấp ngoại giao theo nghĩa chức danh Nhà nước phong cho người công tác trong lĩnh vực ngoại giao để làm nhiệm vụ đối ngoại, kể cả khi ở trong nước hay đi ra nước ngoài. Cùng với đó, còn có việc bổ nhiệm các chức danh, hàm cấp ngoại giao (có thời hạn) cho cán bộ đi công tác nhiệm kỳ tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (thường là ba năm).
Đại sứ là hàm ngoại giao cao nhất. Hệ thống hàm, cấp ngoại giao tính từ dưới lên còn có tùy viên, Bí thư thư ba, Bí thư thứ hai, Bí thư thứ nhất, Tham tán, Tham tán Công sứ và Công sứ.
Một cán bộ được phong hàm Đại sứ phải đáp ứng các tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực; có số năm công tác nhất định để tích lũy được kinh nghiệm đối ngoại (công tác trong ngành từ 10 năm trở lên); đã được đào tạo kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ đối ngoại; sử dụng thông thạo ít nhất một ngoại ngữ… Để được phong hàm Đại sứ, thì dù là từ ngành ngoại giao hay ở bất cứ đâu, cũng đều phải đáp ứng các yêu cầu tương tự.
Quá trình bình chọn, xét duyệt hàm, cấp ngoại giao có những nguyên tắc nhất định để bảo đảm "đúng người, đúng việc". Tuy không có trường lớp đào tạo Đại sứ, nhưng trong ngành thường xuyên tổ chức các khóa bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ trước khi bắt đầu nhiệm kỳ ở nước ngoài.
Hồi nhỏ tôi đọc những câu chuyện về các vị sứ thần nước Việt vừa có tài ngoại giao, vừa rất khí phách. Việc bồi dưỡng cho các vị Đại sứ ngày nay hẳn không thể thiếu những bài học lịch sử?
- Truyền thống văn hóa và các bài học cha ông đi sứ để lại như lòng tự hào dân tộc, tư thế hiên ngang, bất khuất thì bất cứ ai làm trong ngành ngoại giao cũng được giáo dục và đều nỗ lực học tập. Cùng với đó, chúng ta phải thấy rằng thế giới ngày nay đã chuyển động rất khác so với vài trăm năm trước. Lợi ích của các quốc gia đan xen, gắn chặt với nhau trong xu thế toàn cầu hóa.
Mỗi địa bàn mà các nhà ngoại giao đến công tác có những vị trí nhất định trong phát triển kinh tế của Việt Nam. Ví dụ với địa bàn Mỹ thì chắc chắn là vấn đề thị trường, vấn đề thu hút đầu tư, nhất đầu tư công nghệ cao, bán dẫn, chip… có ý nghĩa rất quan trọng. Nhiều năm nay Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2023 là năm thứ 3 liên tiếp kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 100 tỷ USD trở lên; trong đó riêng năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 97 tỷ USD. Mỹ cũng là một trong số những nhà đầu tư lớn của Việt Nam với hơn 1.300 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký gần 12 tỷ USD.
Rõ ràng, trong công tác của Đại sứ nói riêng và cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ nói chung, thì một mặt phải phát huy truyền thống văn hóa, thúc đẩy giao lưu văn hóa và làm cầu nối để hai bên ngày càng hiểu biết lẫn nhau hơn, mặt khác phải chú ý thúc đẩy đồng bộ các lĩnh vực hợp tác, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là hợp tác về kinh tế.
Các bài học cha ông để lại cho chúng ta, bao gồm câu chuyện đi sứ, được ghi chép vào sử sách thông qua những câu chuyện kể. Còn ngày nay, thời của chuyển đổi số và của mạng xã hội thì tốc độ thông tin rất nhanh, có thể theo thời gian thực, vừa xảy ra là cả thế giới biết, cho nên các nhà ngoại giao chịu áp lực rất lớn về mặt truyền thông.
Một mặt người Đại sứ phải biết khai thác được lợi thế của truyền thông, nhưng mặt khác cũng phải hết sức chú ý tránh những sự cố (có khi chỉ là nhỡ miệng) dẫn đến khủng hoảng truyền thông, ảnh hưởng nhiệm vụ được giao.
Một người được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền - cụ thể như ông với vị trí Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ - sẽ có những trách nhiệm cụ thể như thế nào?
- Các Đại sứ có hai hệ trách nhiệm và đi kèm với đó là những công việc vừa khác nhau, vừa liên quan đến nhau.
Một là với tư cách đại diện quốc gia, khi đến một quốc gia khác thì anh phải thúc đẩy được quan hệ của Việt Nam với nước đó, thúc đẩy được lợi ích, vị thế và uy tín của Việt Nam.
Hai là với tư cách người đứng đầu, quản lý cơ quan đại diện ở của Việt Nam ở nước sở tại, anh phải quán xuyến cơ quan để làm sao phục vụ tốt nhất nhiệm vụ đối ngoại, thực hiện tốt các mặt công tác.
Một cán bộ ở cấp Đại sứ thì dù đi sứ nước nào cũng phải thực hiện các trách nhiệm như nhau. Tuy nhiên, với một số nước lớn và có tầm quan trọng đối với Việt Nam, ví dụ như Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật…, người được cử làm Đại sứ phải đáp ứng các đòi hỏi cao hơn, thường phải là cán bộ cấp tương đương Thứ trưởng trở lên.
Trách nhiệm lớn nhất của người Đại sứ là làm cầu nối giữa Việt Nam và nước sở tại, không chỉ cầu nối với chính quyền mà còn cầu nối về giao lưu nhân dân, với giới học giả, giới truyền thông, liên tục tăng cường hiểu biết giữa hai bên… Mỗi nước có đặc thù khác nhau. Nếu anh đến một quốc gia ở Trung Đông chắc chắn là sẽ khác với đến Mỹ, cũng sẽ khác đến châu Âu.
Trong một thế giới nhiều bất ổn và cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn hiện nay, địa bàn Hoa Kỳ - trung tâm kinh tế hàng đầu của thế giới, càng trở nên quan trọng. Mỗi động thái chuyển động ở trung tâm có thể bắn ra những tín hiệu tác động nhiều chiều đến đến thế giới, và ngược lại diễn biến đáng chú ý ở khắp thế giới cũng được cập nhật rất nhanh ở trung tâm. Vì vậy người cán bộ ngoại giao ở vị trí trung tâm còn có trách nhiệm làm "tai mắt" cho nhà mình, vừa tham mưu khai thác cơ hội, vừa cảnh báo sớm những rủi ro. Ngoài ra còn những trách nhiệm khác, trong đó có công tác cộng đồng, nhất là với địa bàn Mỹ nơi có cộng đồng người Việt rất lớn.
Năm 2014 ông bắt đầu "đi sứ" ở Mỹ. Nhưng trước đó ông từng công tác hai nhiệm kỳ tại Phái đoàn thường trực Việt Nam ở Liên Hợp Quốc (New York), nên địa bàn Mỹ với ông hẳn không lạ lẫm? Ưu tiên của ông khi đến Washington, D.C là gì?
- Trong hai nhiệm kỳ ở Phái đoàn thường trực, lần đầu tôi làm Tùy viên từ tháng 1/1987 đến tháng 1/1990, và sau đó giữ chức Tham tán Công sứ - Phó Đại diện Thường trực của Phái đoàn, từ tháng 7/1996 đến tháng 8/1999.
Bối cảnh của hai nhiệm kỳ trên với giai đoạn tôi được bổ nhiệm làm Đại sứ là rất khác nhau. Vào những năm 1980, quan hệ Việt - Mỹ còn khó khăn lắm. Mỹ đang bao vây, cấm vận Việt Nam. Cán bộ ngoại giao ở phái đoàn bị giới hạn không gian, chỉ được đi lại trong vòng 25 dặm (khoảng 40 km) ở đảo Manhattan nơi đặt trụ sở Liên Hợp Quốc chứ không được đi ra ngoài. Đến lúc tôi sang đảm nhận chức vụ Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, cuối năm 2014, thì vào năm 2013 hai nước đã xác lập quan hệ đối tác toàn diện.
Tôi vẫn nhớ, vào năm 2014 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước là 36 tỷ USD, so với giai đoạn mới thiết lập quan hệ ngoại giao chưa đầy nửa tỷ USD thì đã tăng lên hơn 70 lần. Thế thì câu hỏi đặt ra với tôi khi bắt đầu nhiệm kỳ Đại sứ là "mình tiếp quản một cơ ngơi như vậy, phải làm gì đây để góp phần phát triển quan hệ giữa hai nước?". Cũng rất may là sau gần 4 năm tôi làm Đại sứ ở Mỹ, thương mại giữa hai nước đã lên gần 70 tỷ USD.
Nói như vậy để thấy rằng đà phát triển quan hệ giữa hai nước là rất mạnh mẽ, không gian hợp tác còn rất nhiều.
Có một kỷ niệm tôi nhớ mãi. Đó là vào năm 1994, tôi tháp tùng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đi họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Trong chuyến công du đó, phái đoàn Việt Nam lên Washington, D.C gặp một số bạn bè Mỹ, và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm muốn ghé qua nơi từng là nhà của Đại sứ Việt Nam thuộc chính quyền cũ. Lúc này vì hai nước chưa thiết lập quan hệ chính thức, nên khi phái đoàn Việt Nam đến thì họ mở cửa cho vào xem rồi họ vẫn giữ chìa khóa.
Tròn 20 năm sau, lúc tôi bắt đầu nhiệm kỳ Đại sứ ở Mỹ thì chìa khóa ngôi nhà đó không còn nằm ở Bộ Ngoại giao Mỹ nữa mà đã thuộc về Đại Sứ quán Việt Nam. Bây giờ mọi người vẫn gọi ngôi nhà này là "Vietnam House", nơi vừa là nhà riêng Đại sứ, vừa là nơi tổ chức các hoạt động đối ngoại quan trọng của Việt Nam trên đất Mỹ, các cuộc tiếp tân, gặp gỡ cộng đồng…
Thế giới ngoại giao ở thủ đô cường quốc hàng đầu thế giới như Mỹ hẳn rất sôi động. Đâu là những trải nghiệm đáng nhớ của ông trong thế giới đó?
- Washington, D.C có lẽ là một trong những nơi nhiều cơ quan đại diện ngoại giao nhất trên thế giới, cả song phương và đa phương. Ở một nơi sôi động như vậy đương nhiên công việc của nhà ngoại giao là rất nhiều, rất nặng. Nếu chỉ tính riêng các cuộc gặp gỡ công việc thì ngày nào cũng ít nhất một cuộc.
Mỹ là nước lớn, họ có rất nhiều vấn đề cần quan tâm, nhiều việc chi phối ở phạm vi toàn cầu, vậy nên mình muốn thu hút sự quan tâm của họ thì phải chủ động gặp gỡ, chủ động đặt vấn đề nếu không thì vấn đề của mình sẽ trở thành thứ yếu hoặc thậm chí bị lãng quên. Nhiệm vụ của một nhà ngoại giao không chỉ thúc đẩy quan hệ về mặt chính quyền. Đặc biệt là nước Mỹ với các thành phần bên trong rất đa dạng, từ quan chức Chính phủ cho đến thành viên Quốc hội, các học giả, giới vận động hành lang, giới truyền thông, các tập đoàn lớn và hiệp hội doanh nghiệp… đều có thể ảnh hưởng tới chính sách đối nội, đối ngoại của họ.
Nhưng, đi gặp đối tác là một chuyện, chuyện quan trọng hơn là phải rất chú ý đến phong cách làm việc của người Mỹ.
Trước khi qua Mỹ, tôi là Thứ trưởng Ngoại giao, đã có nhiều sự quen biết, nhiều bạn bè làm ở Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, ở Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Mỹ… Khi bắt đầu nhiệm kỳ Đại sứ, tôi đến chào họ, trong đó có một người bạn là trợ lý Ngoại trưởng, phụ trách Đông Á. Vì là chỗ bạn bè, anh này nói một câu mà tôi cứ ngẫm mãi, có lẽ mình phải phải hiểu nước Mỹ hơn nữa. Anh nói rằng "chúng ta đã quen biết nhau rồi nên không cần chào xã giao, nếu có việc thì ông đến, không thì ông chỉ cần nhắn tin, gọi điện". Tức là gì? Tức là người Mỹ thích nói thẳng, gặp nhau là vào thẳng công việc chứ không "vòng vo tam quốc".
Năm 2024 này sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11. Ông Donald Trump, một trong các ứng cử viên của cuộc bầu cử này cũng là người tham gia tranh cử vào năm 2016 và đã đắc cử. Tôi nhớ rằng vào ngày 14/12/2016, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã có cuộc điện đàm với Tổng thống đắc cử. Là Đại sứ Việt Nam trong giai đoạn này, chắc hẳn ông và các cộng sự đã hoạt động hết công suất để thực hiện công việc của mình?
- Nếu chúng ta nhớ lại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/2016, kết quả cuối cùng có lẽ ngoài dự đoán của nhiều người, nhưng với một nhà ngoại giao thì có điều khác, đó là trong mọi trường hợp, phải giữ được kết nối với cả hai phía, dù sau này ai là người thắng cử thì vẫn có thể liên hệ, kết nối được ngay.
Ông Donald Trump xuất thân là doanh nghiệp, vào lúc vừa kết thúc cuộc bầu cử 2016, mọi người chưa thể biết ngay được phong cách lãnh đạo chính trị của ông như thế nào, rồi chính sách cụ thể với các đối tác toàn cầu nói chung, đối tác ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói riêng sẽ ra sao…
Về phía chúng ta, trên cơ sở quan hệ đối tác toàn diện đã thiết lập từ năm 2013, và trên cơ sở đường lối đối ngoại nhất quán của đất nước thì chúng ta cần thiết chủ động thúc đẩy quan hệ hợp tác, tăng cường hơn nữa sự hiểu biết song phương.
Tôi nhớ rằng sau khi trao đổi với một số đầu mối liên quan, thì có được cuộc điện đàm giữa Tổng thống đắc cử Donald Trump với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào giữa tháng 12/2016, tức là chỉ chưa đầy một tháng sau cuộc bầu cử. Có thể nói đây là cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa đại diện lãnh đạo Việt Nam và Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ, với nội dung rất tích cực.
Nhìn rộng ra, chúng ta thấy đây là giai đoạn nhiều nước muốn thiết lập kênh tiếp xúc, muốn thúc đẩy quan hệ với cá nhân Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ cũng như chính quyền mới sau bầu cử. Chẳng hạn như vào ngày 17/11/2016, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đến gặp Tổng thống đắc cử Donald Trump tại New York, và trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp trực tiếp Tổng thống đắc cử trong bối cảnh ông Donald Trump đang rốt ráo chuẩn bị thành lập nội các mới.
Trở lại với chúng ta, sau cuộc điện đàm nói trên, hai bên đã trao đổi và thu xếp được chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Hoa Kỳ vào tháng 5/2017, hội đàm tại Nhà Trắng. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo Chính phủ trong ASEAN đến Hoa Kỳ, chỉ bốn tháng sau khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức.
Vào tháng 12/2016, trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Donald Trump chưa chính thức nhậm chức, cuộc điện đàm kể trên đã được thu xếp như thế nào?
- Có một thực tế là vào giai đoạn đó, trong giới ngoại giao ở Washington, D.C, đại diện nhiều nước giữ thái độ "chờ xem", tức chờ cho chính sách và nhân sự của chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump cụ thể và rõ ràng hơn. Về phần mình, Đại sứ quán ta cho rằng, cần chủ động tiếp xúc ngay từ đầu và đã thông qua bạn bè trong chính giới Mỹ cũng như trong Quốc hội, giới học giả, giới doanh nghiệp…, nhờ người nọ người kia, cuối cùng may mắn đã liên hệ được với các trợ lý thân cận của Tổng thống đắc cử Donald Trump, để thu xếp cuộc điện đàm cấp cao.
Mọi việc diễn ra rất nhanh và đều thông qua điện thoại, email. Ngay cả sau khi cuộc điện đàm đầu tiên giữa Thủ tướng nước ta với Tổng thống đắc cử Donald Trump đã được thực hiện thành công, có những người phía bạn tham gia thu xếp, tôi chỉ biết qua điện thoại, email, mà chưa hề gặp mặt trực tiếp.
Xin kể thêm một chi tiết. Sau khi xác định được ngày, giờ của cuộc điện đàm, tôi có đề xuất sẵn sàng đi New York và phía bạn thu xếp để Đại sứ Việt Nam có thể đứng bên cạnh Tổng thống đắc cử Donald Trump, chứng kiến và phục vụ cuộc điện đàm. Thế nhưng phía trợ lý của bạn nói rằng, bản thân họ cũng chỉ làm nhiệm vụ kết nối, không chắc khi đó ông Donald Trump ở đâu vì mọi liên lạc được thực hiện qua điện thoại vệ tinh.
Qua nhiều nhiệm kỳ quan sát bầu cử Tổng thống Mỹ cả ở góc độ Đại sứ và góc độ chuyên gia về quan hệ quốc tế, ông có những trải nghiệm như thế nào?
- Một chuyên gia thì chắc chắn là cách nhìn nhận, phân tích sẽ khác với một ông Đại sứ. Tiếp cận từ góc độ chuyên gia, người làm công tác nghiên cứu sẽ có nhiều vấn đề để quan sát, và có thể sẽ rất quan tâm đến dự đoán ai được đa số phiếu, ai không được ít hơn, vì sao. Nhưng một nhà ngoại giao lại khác. Anh phải ở đúng vị trí của mình là cơ quan đại diện ngoại giao, dù chính quyền nào lên thì anh vẫn sẽ làm nhiệm vụ của mình, trước sau như một.
Người Đại sứ theo dõi cuộc bầu cử không chỉ để phán đoán xem ai thắng, ai thua, mà quan trọng hơn, còn cần phải giữ được liên lạc với chính quyền mới, dù kết quả bầu cử như thế nào, cùng với nắm bắt các các chuyển động chính sách, điều chỉnh ưu tiên, sắp xếp nhân sự như thế nào.
Các nhà nghiên cứu thường chỉ quát sát bầu cử qua truyền thông, qua sách vở, qua kinh nghiệm, còn nhà ngoại giao là người lăn lộn trong thực tiễn, là "tai mắt" tại chỗ thì nội dung tham mưu, kiến nghị chính sách của anh phải rất sâu, rất sát và rất đúng, tôi thường gọi là phải có "giá trị gia tăng" so với thông thường.
Hiện nay với tư cách một chuyên gia, ông nhận định như thế nào về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024?
- Nước Mỹ đang có sự phân hóa rất sâu sắc trước mùa bầu cử. Nhưng tôi cho rằng bên cạnh những khác biệt của các ứng cử viên, thì nước Mỹ vẫn có những lợi ích cơ bản hay nói cách khác là những điểm chung về chính sách dù chính quyền nào lên.
Có thể cách tiếp cận của mỗi ứng cử viên về vấn đề cụ thể nào đó là khác nhau, sự ưu tiên chính sách là khác nhau, song tôi nghĩ chính giới Mỹ đều đồng thuận trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với ASEAN nói chung và với Việt Nam nói riêng.
Với gần 4 năm làm Đại sứ ở Mỹ, khi hết nhiệm kỳ rời Washington, D.C, ông nhớ nhất điều gì về nước Mỹ?
- Nước Mỹ là địa bàn tôi có chuyến công tác nước ngoài đầu tiên và cũng là chuyến đi nước ngoài đầu tiên vào năm 1983. Hơn 3 thập kỷ sau, tôi trở lại nước Mỹ với tư cách Đại sứ. Nhìn lại có rất nhiều kỷ niệm cả trong công việc cũng như đời thường. Điều mình vui nhất là quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ liên tục phát triển, đi vào chiều sâu, thực chất, giao thương ngày càng sôi động, hiệu quả.
Ở góc độ công việc thì Mỹ là nước lớn, người Mỹ có cái tôi của nước lớn và cách tiếp cận toàn cầu. Nhưng ở góc độ đời thường, họ là những người thẳng thắn, thân thiện với những sở thích phổ biến như bóng bầu dục, bóng rổ, âm nhạc…
Họ bận rộn nên không dễ để thu xếp một cuộc gặp công việc hay một bữa ăn trưa. Để tạo điều kiện gặp nhau, tôi thường nói với bạn bè người Mỹ rằng, trên đường anh đi từ công sở về nhà có một điểm dừng chân là "Vietnam House", nhà riêng của Đại sứ Việt Nam. Anh có thể dừng chân uống một cốc bia, một ly whisky hay một điếu cigar… Gặp nhau chỉ trong nửa tiếng, trò chuyện vui vẻ như là những người bạn chứ không chỉ vì mục đích công việc.
Vào năm 2014, khi ông bắt đầu nhiệm kỳ Đại sứ ở Mỹ thì hai nước vừa thiết lập quan hệ đối tác toàn diện được một năm. Vậy lúc này đã có ý kiến nào đề cập đến việc tiếp tục nâng cấp quan hệ giữa hai bên chưa?
- Nhiệm vụ trọng tâm đầu nhiệm kỳ của tôi là làm sao thực hiện tốt Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ nhân dịp thiết lập quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2013. Tuy nhiên khi tôi qua Mỹ vào cuối năm 2014 thì chỉ còn một thời gian ngắn nữa, bước sang năm 2015 là kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đây là một dấu mốc, vậy thì hai bên sẽ có hoạt động gì?
Trong Tuyên bố chung 2013, hai bên đã cam kết tôn trọng thể chế chính trị của nhau, và trên cơ sở này cũng đã có những ý kiến nếu vào dịp kỷ niệm 20 năm mà có một chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến Hoa Kỳ thì sẽ tạo dấu ấn rất lớn. Qua sự chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, rồi sự trao đổi của cơ quan ngoại giao giữa hai bên, như chúng ta đã biết là vào tháng 7/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có chuyến thăm chính thức Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ theo lời mời của chính quyền Tổng thống Barack Obama.
Đây là chuyến thăm lịch sử. Lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, một chức danh tương đương không có trong hệ thống quản trị của Hoa Kỳ, thăm chính thức Hoa Kỳ - một quốc gia vốn là cựu thù, có hệ thống chính trị khác biệt.
Trong chuyến thăm, hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước đã gặp gỡ, trao đổi với nhau và họp báo ngay tại Phòng Bầu dục của Nhà trắng. Thành phần tham dự hội đàm của phía Hoa Kỳ với Tổng Bí thư và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, ngoài Tổng thống Obama, còn có Phó Tổng thống Joe Biden và nhiều quan chức cấp cao khác. Một điều đặc biệt chưa có tiền lệ.
Trong dịp diễn ra chuyến thăm, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chủ trì tiệc chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đọc hai câu Kiều trong bài phát biểu dài khoảng 10 phút "Trời còn để có hôm nay / Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời". Có thể nói đây là dịp khởi đầu cho mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo Việt - Mỹ. Và điều này đã được nhắc lại trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Joe Biden vào tháng 9/2023, khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt - Mỹ đã nêu rõ nội dung hợp tác giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo ông, cần làm gì để thúc đẩy việc triển khai nội dung này?
- Có rất nhiều việc cần làm, nhưng cá nhân tôi suy nghĩ đến ba việc. Thứ nhất là tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ chính trị - ngoại giao giữa hai nước trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế và tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Đây là yếu tố rất quan trọng.
Thứ hai là nâng tầm hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, tập trung vào những xu hướng mới mà nước Mỹ có thế mạnh như hợp tác số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo… Làm sao thúc đẩy hợp tác, khai thác được cơ hội hợp tác trong những lĩnh vực này. Ví dụ như Việt Nam có thể trở thành một phần của chuỗi giá trị về bán dẫn, về sản xuất chip được không? Đã bắt đầu có những chuyển động, có thể kể đến như chuyến thăm của Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Nvidia đến Việt Nam vừa qua. Nhưng theo tôi như thế vẫn còn chậm.
Thứ ba, Mỹ và và nhiều nước phương Tây đang trong quá trình điều chỉnh chính sách về quan hệ kinh tế thương mại với thế giới, không chỉ chú trọng lợi ích kinh tế mà là vấn đề an ninh quốc gia và an ninh kinh tế. Chúng ta phải khẳng định Việt Nam là điểm đến không chỉ có lợi ích kinh tế mà còn là điểm đến an toàn, các nước yên tâm chuyển dịch chuỗi cung ứng đến Việt Nam.
Ông từng nói rằng "Việt Nam không chọn bên, nhưng phải dám chơi và chơi được với tất cả các bên". Vậy theo ông, đâu là những vấn đề quan trong trong việc "chơi được với Mỹ"?
- Chúng ta không chọn bên, tức là không đi với bên này để chống bên kia và không tham gia vào các liên minh quân sự.
Trong thực tế khi các nước lớn cạnh tranh với nhau thì không tránh khỏi có những sức ép về việc chọn bên. Nhưng chúng ta đã tuyên bố rõ ràng và hành động nhất quán, dứt khoát không để bị kẹt vào cái bẫy cạnh tranh nước lớn.
Không chọn bên không có nghĩa là ngồi yên, chúng ta phải dám chơi và chơi được với tất cả các bên. Chẳng hạn như trước đây khi chúng ta đàm phán gia nhập TPP, có ý kiến cho rằng TPP là một tập hợp về kinh tế, thương mại để kiềm chế Trung Quốc. Nhưng chúng ta giải thích rõ ràng, đây là câu chuyện về kinh tế thương mại và chúng tôi cùng một lúc đan xen nhiều tầng lớp quan hệ kinh tế thương mại với ASEAN, với những đối tác lớn, bao gồm Trung Quốc.
Trong kinh tế thì "chơi được" với những thị trường khó tính không phải dễ. Chúng ta phải liên tục nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng dịch vụ của mình. Ví dụ muốn chơi được với Mỹ thì phải xuất được những mặt hàng có hàm lượng tri thức, có giá trị gia tăng nhiều hơn. Nghĩa là chúng ta phải tự nâng mình lên, đẩy nhanh tốc độ cải cách bên trong để bắt kịp với chuyển động bên ngoài.
Xin trân trọng cảm ơn ông Phạm Quang Vinh.