DMagazine

Ông Đặng Hùng Võ: Tôi giàu nhờ "đánh hàng" Đông Âu, từng có 5 nhà đất

(Dân trí) - Trò chuyện với báo Dân trí, ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cởi mở về việc từng sở hữu 5 bất động sản, lấy vợ 3 lần, và những trăn trở về chính sách đất đai.

Ủng hộ Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sớm hơn 6 tháng, song ông Đặng Hùng Võ lo ngại việc khiếu kiện về đất đai sẽ vẫn tiếp tục xảy ra, chưa thể giải quyết triệt để vì vẫn còn vướng ở khâu định giá đất.

Ông Đặng Hùng Võ: "Tôi làm chính sách chứ không buôn bán đất đai" (Video: Phạm Tiến - Minh Quang - Hải Anh - Ngọc Khánh).

Ông Đặng Hùng Võ: Tôi giàu nhờ đánh hàng Đông Âu, từng có 5 nhà đất - 2

Thưa GS Đặng Hùng Võ, ông đã gắn bó với ngành đất đai mấy chục năm qua, cả khi còn giữ vị trí quản lý ở Bộ Tài nguyên và Môi trường cho đến sau khi nghỉ công tác. Mối duyên của ông với lĩnh vực này hình thành như thế nào?

- Lúc tôi còn công tác thì đây là nhiệm vụ Nhà nước giao. Năm 2002, anh Mai Ái Trực, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, giao cho tôi toàn bộ vấn đề đất đai, một lĩnh vực quản lý Nhà nước quan trọng của Bộ. Có lẽ anh ấy cho rằng tôi là người có thể phát triển lĩnh vực này, góp phần tạo bước chuyển mạnh mẽ đối với chính sách đất đai từ trạng thái bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường.

Có lúc nào đó trong cuộc đời ông mong muốn làm nghề khác không? Đó sẽ là nghề gì?

- Tôi là người ham mọi thứ. Cái gì cũng muốn biết. Đây có lẽ là điều bình thường với một con người trong quá trình tìm hiểu và tiếp nhận tri thức nhân loại. Nhưng cho đến nay, chắc là tôi vẫn chưa "thoát" ra khỏi dòng chảy tư duy về chính sách đất đai. Đây là nghề nghiệp đã gắn bó với cuộc đời mình vào lúc tư duy chín chắn nhất, và tôi thấy vẫn còn đủ thú vị vì những chính sách đất đai của ta trong cơ chế thị trường chưa tạo được những động lực tài chính cho dân.

Ông Đặng Hùng Võ: Tôi giàu nhờ đánh hàng Đông Âu, từng có 5 nhà đất - 4

Hồi nhỏ ông được gia đình định hướng theo nghề nào?

- Tôi sinh ra trong một gia đình truyền thống Nho giáo. Ông nội tôi là một trí thức thành thạo cả chữ Hán và tiếng Pháp, nhưng ông không thi cử đỗ đạt gì vì đây là buổi giao thời, Nho học đã suy tàn.

Ông có 5 người con, bố tôi là con cả. Vì hoàn cảnh lịch sử nên có một giai đoạn ông nội tôi đã phải đưa cả gia đình tản cư từ Gia Lâm, Hà Nội, xuống Hải Phòng, làm cho một hãng buôn gạo để nuôi gia đình.

Ba người con trai đầu của ông nội tôi tham gia kháng chiến. Bố tôi hy sinh vào đúng ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, khi đó tôi mới một tháng tuổi.

Năm 1954, sau khi hòa bình lập lại, ông nội tôi khấp khởi đưa cả gia đình từ Hải Phòng về Gia Lâm với hy vọng đoàn tụ sớm nhất với 3 người con trai lớn tham gia kháng chiến. Nhưng sự đời vốn hay oái oăm, lập tức ông bị quy địa chủ trong cải cách ruộng đất. Thực sự gia đình tôi lúc đó cũng có một ít ruộng, ngày xưa mọi người cứ có tiền là tậu ruộng, nhưng ông tôi không thuê tá điền, tức là không phát canh thu tô mà cả nhà tự cày cấy trên mảnh ruộng của mình…

Ông Đặng Hùng Võ: Tôi giàu nhờ đánh hàng Đông Âu, từng có 5 nhà đất - 6

Ông Đặng Hùng Võ năm 6 tuổi và ông nội (Ảnh NVCC)

Mới 8 tuổi, tôi đã chứng kiến ông nội bị đưa ra trước đám đông, rồi bị những người trong làng, trong xóm xỉa xói. Tôi thấy thế, rất thương ông, nên đã bước đến ngồi cạnh ông, để ông đỡ cô đơn. Chỉ là một đứa trẻ, nhưng trong tôi lúc đó vang lên những câu hỏi "sao mọi chuyện lại thế này"…

Hoàn cảnh gia đình như vậy, nên tôi không được đi học một năm. Ông nội không bảo tôi sau này nên theo nghề nào, ông chỉ căn dặn tôi phải nỗ lực học hành. Ông nói "cháu à, cực một chút, rồi mai đây trời lại cho ta phong lưu thôi mà!". Cả cuộc đời tôi luôn nhớ lời dặn của ông mình. Học hết phổ thông, tôi thi đỗ vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội, được 3 năm thì Trường cử qua học Toán ở Đại học Tổng hợp để sau này về dạy Toán cho trường Đại học Mỏ - Địa chất sẽ tách ra.

Theo kế hoạch, tôi về dạy Toán tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất, nhưng Hiệu trưởng lại muốn thử nghiệm xem một người có kiến thức sâu về Toán có giúp cho giỏi kỹ thuật không? Thế là tôi phải dạy những môn trắc địa (lý thuyết hình dáng trái đất) cần tới Toán nhiều nhất. Tôi dạy ở đó từ năm 1969 đến 1976; trong thời gian này tôi cũng hoàn thành chương trình học kỹ sư trắc địa (được cấp bằng năm 1975), rồi tôi xin chuyển về công tác tại Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước với nhiệm vụ xây dựng lĩnh vực công nghệ thông tin, người ta vẫn gọi là ngành "Địa tin học". Đến năm 1980 thì được đi nghiên cứu sinh ở Ba Lan.

Giai đoạn đi làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Ba Lan, ông từng là "soái", làm giàu nhờ buôn bán. Vì sao ông không theo đuổi con đường kinh doanh mà quyết định về nước?

- Thời ấy người ta thường nói với nhau rằng "muốn kiến thức thì đi Nga, muốn Jawa (một thương hiệu xe máy) thì đi Tiệp…". Tôi đăng ký làm nghiên cứu sinh ở Nga, nhưng vì có một số lời gièm pha trong ngành không muốn cho tôi đi học ở Liên Xô, nên cuối cùng tôi nói tùy Bộ phân công, và tôi được phân công đi Ba Lan.

Qua Ba Lan, tôi thấy rằng thực ra đây cũng là đất nước rất phù hợp để mình học tập, trau dồi kiến thức. Ba Lan là đất nước có nhiều người tài được giải Nobel, Marie Curie chẳng hạn, được 2 giải Nobel. Giới trí thức có tinh thần tự do kiểu kinh tế thị trường, theo trường phái phương Tây, sách khoa học nhập từ phương Tây rất nhiều và cập nhật liên tục… Vậy là tôi yên tâm học tập. Nhưng hồi đó cuộc sống du học sinh vất vả, gian khổ, học bổng không đủ sống.

Tôi quan sát thấy nhiều anh em du học sinh xoay ra "đánh" hàng qua biên giới, mang một, hai chiếc quần mua ở Ba Lan gửi sang Liên Xô kiếm chút tiền chênh lệch. Hồi ấy quần bò từ Ba Lan đưa sang Liên Xô bán chạy lắm, giá tăng gấp đôi, gấp ba. Tôi tự nhủ mình không thể chịu nghèo khổ mãi được, cũng phải tham gia "đánh" hàng nhưng thay vì nhỏ lẻ vài ba chiếc quần bò, tôi tổ chức đường dây thương mại lớn, mỗi chuyến hàng trăm chiếc, rồi mở rộng ra một số mặt hàng khác. Cách làm của tôi mang lại thành công lớn.

Ông Đặng Hùng Võ: Tôi giàu nhờ đánh hàng Đông Âu, từng có 5 nhà đất - 8

Ông Đặng Hùng Võ cùng Tổ máy tính, Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước, năm 1976 (Ảnh trên). Ông Đặng Hùng Võ khi du học tại Ba Lan (Ảnh dưới).

Anh em du học sinh nói đùa rằng sau này phải dựng tượng ông Võ ở biên giới giữa Ba Lan với Liên Xô vì đã mở ra một cách thức "đánh" hàng quy mô lớn, bài bản.

Tuy nhiên khi hoàn thành luận án tiến sĩ khoa học vào năm 1988, tôi vẫn quyết định về nước vì thực sự tôi không thích đi buôn. Cách suy nghĩ của tôi vẫn là của một người lớn lên trong gia đình Nho giáo, ghét đi buôn, lấy chữ nghĩa làm căn cốt của con người.

Trong giai đoạn tổ chức buôn bán ở Đông Âu, ông kiếm được nhiều tiền không?

- Khoảng hơn 100.000 USD. Hồi đó là số tiền rất lớn. Tôi dùng số tiền này mua một vài bất động sản ở Hà Nội và đến năm 1993 thì số vốn đã tăng gấp 10 lần.

Ông Đặng Hùng Võ: Tôi giàu nhờ đánh hàng Đông Âu, từng có 5 nhà đất - 10

Nhiều người đồn đại rằng ông Đặng Hùng Võ rất giàu nhờ buôn bán đất đai. Câu chuyện thực sự là như thế nào?

- Tôi dùng tiền kiếm được ở Ba Lan mua khoảng 5 bất động sản, khi đó còn rất rẻ. Suốt quá trình công tác, tôi sống bằng số tiền này, vì lương cán bộ rất thấp. Hồi tôi làm Thứ trưởng, lương chỉ 10 triệu đồng mỗi tháng.

Đến nay thì số tiền tôi kiếm được ở Ba Lan cũng như số bất động sản đều đã hết. Ngoài chi tiêu cho cuộc sống của mình thì có một lý do khác là tôi "sa chân" vào các cuộc tình, lấy vợ ba lần, và sau mỗi lần thì đều phải chia tài sản, mà khi ra đi tôi đều nhận phần thua thiệt.  

Hiện tôi sống bằng lương hưu và lao động của mình. Tôi vẫn tham gia các hội thảo, đi nói chuyện ở các nơi, viết báo… 

Tôi giàu nhờ kinh doanh ở Ba Lan, nhà đất có được là từ số vốn tích lũy trong quá trình này chứ tôi không buôn bán đất đai. Cả cuộc đời tôi thực hiện đúng nguyên tắc, không trục lợi bất chính, không lấy của ai một đồng nào. Tôi luôn chủ động với cuộc sống của mình, có đủ tài chính để không phải bị ép buộc làm bất cứ việc gì trái với nguyên tắc của bản thân.

Ông Đặng Hùng Võ: Tôi giàu nhờ đánh hàng Đông Âu, từng có 5 nhà đất - 12

Quả thực từng có những lời đồn tiêu cực về ông, ví dụ như dịp ông tham gia cuộc đối thoại về thu hồi đất ở Văn Giang năm 2012, hay gần đây là việc ông tham gia ngày kỷ niệm ba năm thành lập của công ty địa ốc Alibaba. Tôi thấy phong cách của ông là cởi mở với truyền thông, sẵn sàng lên tiếng về các vấn đề nhạy cảm. Trong thực tế nhiều người sẽ chọn cách ứng xử "im lặng", nhưng ông không như vậy, vì sao?

- Ai đó nói rằng tôi xấu thì phải chỉ ra xem tôi lấy bao nhiêu, ở đâu, của ai? Nhiều người thậm chí còn viết lên trên mạng rằng tôi đến Công ty Alibaba để kiếm tiền? Một công ty địa ốc tăng trưởng rất nhanh thì một là biết khai thác đúng cách nguồn lực đất đai, hoặc hai là tìm ra thủ thuật làm tiền trái pháp luật. Alibaba là một trường hợp không biết họ làm cách gì là "lớn như thổi" vậy. Tôi rất muốn tìm ra một doanh nghiệp địa ốc biết thu về những giá trị đất đai tăng thêm, vậy nhưng đến nay cũng chưa tìm thấy doanh nghiệp nào. Mọi nơi cũng chỉ dùng thủ thuật đầu cơ, trữ tiền vào đất chờ tăng giá mà làm giàu.

Cuối năm 2019, tôi được Công ty Alibaba mời dự kỷ niệm ba năm thành lập, với ý rằng, Công ty có thể sử dụng quỹ đất quanh sân bay Long Thành để tạo đủ vốn xây dựng sân bay. Tôi cho rằng đây là một ý tưởng cần ủng hộ, nên tôi có vào dự và nghe Chủ tịch Công ty trình bày. Tuy nhiên sau khi tìm hiểu thì tôi thấy không ổn, vì bản chất vấn đề ở đây vẫn là "chia lô, bán nền". Sau đó tôi đã viết công khai nhận xét của mình trên báo. Vụ địa ốc Alibaba đã bị xét xử theo pháp luật. Tôi cho rằng vấn đề quan trọng ở đây là rút được gì về mặt chính sách sau những vụ việc như vậy. Quan điểm của tôi là "chia lô, bán nền" làm méo mó thị trường, phá vỡ quy hoạch, khiến "tiền chôn vào đất", nên hạn chế tối đa.

Còn về vụ thu hồi đất ở Văn Giang, báo này hay báo kia ca ngợi này khác. Thực chất, tôi thì vốn không ngại bất cứ điều gì, tôi nhận lời đối thoại cũng chỉ muốn giải thích với những người dân mất đất. Nhưng khi tới nơi, tôi thấy nông dân thì ít và các bác ấy cũng hầu như không phát biểu gì, chủ yếu là những người không phải nông dân nói, không khí như một cuộc "đấu tố", dồn ép hồi cải cách ruộng đất mà mình khi 8 tuổi đã phải chịu đựng như "một địa chủ có tội lỗi với nông dân". Tinh thần tôi đã sụp đổ hoàn toàn...

Ông Đặng Hùng Võ: Tôi giàu nhờ đánh hàng Đông Âu, từng có 5 nhà đất - 14

Qua những lần vướng vào vấn đề nào đó như nêu trên, ông rút ra điều gì?

- Tôi thường quan tâm đến các vấn đề chính sách hơn là đồn thổi không có căn cứ. Đối với một đất nước, nguồn lực quan trọng nhất là con người, sau đó mới đến các nguồn lực khác, trong đó quan trọng đặc biệt là nguồn lực đất đai - lĩnh vực tôi gắn bó.

Chúng ta muốn phát triển mạnh mẽ thì phải dựa vào sức dân, dựa vào sự đồng lòng của dân. Và tất nhiên phải làm tốt chính sách đất đai, để không những có sự đồng lòng của người dân mà còn sử dụng hiệu quả giá trị gia tăng khổng lồ từ đất đai mang lại. Cách tạo ra và thu lại được giá trị gia tăng từ đất đai không chỉ là một bài toán kỹ thuật mà là một bài toán nghệ thuật - nghệ thuật kinh tế.

Những sai phạm như của địa ốc Alibaba hay vô vàn các vụ việc khác, suy cho cùng chúng ta phải nhìn vào chính sách đất đai, việc quản lý và thực thi như thế nào. Đất đai ở đâu cũng trữ trong nó một nguồn vốn vô cùng lớn. Vì nguồn vốn lớn này mà quản lý có thể chuyển vào túi nhà nước hay túi tư nhân. Trên thực tế, nhà nước không thu được mấy, người dân đi khiếu kiện vì thiệt thòi. Những năm qua nhiều quan chức đã rơi vào vòng lao lý cùng với các đại gia bất động sản.

Điều không chỉ cá nhân tôi, mà tất cả chúng ta cần rút ra là làm sao khơi thông nguồn vốn ẩn trong đất, để yên lòng dân và để đất nước phát triển.

Bên cạnh những vấn đề về Luật Đất đai, GS Đặng Hùng Võ còn được biết đến như một người đàn ông khác biệt, "đặc biệt phóng khoáng trong tình yêu". Không biết là nhận xét này có đúng không?

- Tôi cho rằng nói là "chất phóng khoáng" thì không phải đâu. Tôi là con người sống thật. Tôi rất nhớ câu thơ của Phùng Quán trong bài "Lời mẹ dặn":

"Yêu ai cứ bảo là yêu

Ghét ai cứ bảo là ghét

Dù ai ngon ngọt nuông chiều

Cũng không nói yêu thành ghét.

Dù ai cầm dao dọa giết

Cũng không nói ghét thành yêu"

Tôi cũng quan niệm rằng yêu thì nói thật là yêu, đến lúc chán ngấy nhau rồi, toàn những chuyện ngược đời thì thôi, "bye bye". Miễn là cả bố và mẹ có trách nhiệm cao nhất với con, đừng để những đứa con thiếu đi tình cảm của một ai cả. Tôi đã đảm bảo đúng những cái đó.

Ông Đặng Hùng Võ: Tôi giàu nhờ đánh hàng Đông Âu, từng có 5 nhà đất - 16
Ông Đặng Hùng Võ: Tôi giàu nhờ đánh hàng Đông Âu, từng có 5 nhà đất - 18

Với tư cách là người tham gia soạn thảo Luật Đất đai 2003 và các nghị định hướng dẫn, đến nay nhìn lại điều ông tâm đắc nhất và nuối tiếc nhất là gì?

- Tôi là người chắp bút soạn thảo Luật Đất đai 2003, nhưng quy trình làm luật qua nhiều khâu, không phải một mình tôi quyết được hết, còn ý kiến của người này người khác. Cho nên đến nay nhìn lại có những điều vừa ý, nhưng cũng có những điều không như mong muốn, không chỉ với cá nhân tôi.

Bối cảnh của nền kinh tế Việt Nam nói chung, của đất đai nói riêng trong suốt ba thập niên kể từ khi Đổi mới là chuyển từ kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường.

Luật Đất đai 1993 cho phép hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất có 5 quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế và thế chấp quyền sử dụng đất. Trước đó hành vi mua, bán đất là trái pháp luật, có thể bị xem là phạm tội. Vì vậy, Luật Đất đai 1993 đã tạo ra bước đột phá trong các quy định về quyền của cá nhân người sử dụng đất. Đạo luật này cũng công nhận đất đai có giá và giá đó do nhà nước quy định. Từ đây, nhà nước mới làm bảng giá đất, mỗi năm Chính phủ duyệt hệ số cho các năm sau đó.

Tuy nhiên, trong thời gian dài 5 quyền trên không có nghị định hướng dẫn cụ thể, mà ở ta thì Luật có rồi vẫn phải chờ nghị định để hướng dẫn thực thi. Nhiều người dân vì nhu cầu cuộc sống, họ cho rằng có Luật rồi cứ thực hiện theo Luật, cứ làm hợp đồng mua bán… Luật Đất đai 2003 đã tiếp nối sự đột phá trong việc mở rộng quyền của chủ thể doanh nghiệp sử dụng đất, mở rộng phạm vi các loại hợp đồng mà chủ thể quyền sử dụng đất có thể thực hiện. Người sử dụng đất có quyền: chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Luật Đất đai 2003 cũng công nhận tất cả các hợp đồng của người dân đã chuyển nhượng với nhau trong giai đoạn trước đó là hợp luật. Việc công nhận những "hợp đồng giấy trắng", tức là công nhận việc mua bán của người sử dụng đất chỉ bằng giấy viết tay, miễn là có sự cam kết cụ thể, đã giúp giải quyết được một tồn tại rất lớn trong thực tế.

Tóm lại, Luật Đất đai 2003 được xây dựng dựa trên nguyên tắc thị trường, từ bỏ cách quản lý mang tư duy bao cấp. Năm 2007, tôi về hưu. Theo quan sát của tôi, nguyên tắc thị trường của các chính sách đất đai bị thu hẹp dần, cách quản lý theo tư duy bao cấp từng bước thay thế dần.

Ông Đặng Hùng Võ: Tôi giàu nhờ đánh hàng Đông Âu, từng có 5 nhà đất - 20

Luật Đất đai 2003 tiếp nối bước đột phá, tuy nhiên trong thực tế sau đó thì khiếu kiện về đất đai vẫn rất nhiều, rất phức tạp. Vì sao?

- Có rất nhiều nguyên nhân. Một vấn đề rất quan trọng nằm ở chỗ thực thi Luật. Trong quá trình chúng tôi làm Luật Đất đai 2003, nhiều bộ muốn níu kéo quyền lực để quyết những vấn đề cụ thể. Nhưng tôi khi đó thống nhất với Bộ trưởng Mai Ái Trực là trao toàn quyền quyết định về đất đai cho địa phương.

Đây là cách tiếp cận đúng với tinh thần phân cấp, phân quyền. Chỉ có điều chúng ta chưa làm được là giao quyền và kiểm soát tốt, làm sao để tránh tiêu cực ở địa phương khi vừa có quyền quản lý, vừa có quyền quyết định về đất đai, tức là "vừa đá bóng, vừa thổi còi".

Sau khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực, tôi dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường đi kiểm tra việc thi hành Luật ở nhiều địa phương trên toàn quốc. Quá trình này chứng kiến rất nhiều bức xúc của người dân, nhất là ở những địa phương phát triển kinh tế sôi động, việc chuyển đổi đất đai hứa hẹn mang lại nhiều lợi nhuận. Tôi nhớ mãi câu chuyện ở Bà Rịa Vũng Tàu, có hai cụ già tìm đến tôi, nói rằng họ bị thu hồi đất và đến nay không có chỗ ở… Tôi rất thương cảm với hai cụ, dù đoàn công tác của chúng tôi chỉ đi kiểm tra tình hình chứ không có chức năng giải quyết sự việc cụ thể, nhưng tôi vẫn đề nghị anh em kiểm tra thực tế để có ý kiến với địa phương.

Ông Đặng Hùng Võ: Tôi giàu nhờ đánh hàng Đông Âu, từng có 5 nhà đất - 21

Câu chuyện của hai cụ già không phải cá biệt. Hoàn cảnh tương tự có ở rất nhiều địa phương khác. Ở các nước thì nhà đầu tư dự án phải bỏ tiền ra để giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng, tái định cư sao cho thỏa đáng, tránh tình trạng người dân bức xúc khiếu kiện.

Chúng ta đã có nhiều cố gắng về mặt thiết kế chính sách. Ví dụ Luật đất đai 2013 quy định Nhà nước thu hồi đất gì thì sẽ bồi thường bằng loại đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền. Thực tế, nhiều trường hợp thu hồi đất, nhất là đất nông nghiệp giá đất bồi thường xác định chưa phù hợp dẫn đến tình trạng người bị thu hồi khiếu nại, khiếu kiện phức tạp. Khắc phục những bất cập trên, Luật Đất đai 2024 đã quy định người dân có đất bị thu hồi được bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác, thậm chí bằng nhà ở, nghĩa là thay đổi theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường về đất cho người dân tùy thuộc vào điều kiện cụ thể tại mỗi địa phương.

Tuy đã có những bước tiến như vậy, tôi cho rằng việc khiếu kiện về đất đai sẽ vẫn tiếp tục xảy ra, chưa thể giải quyết triệt để vì vẫn còn vướng ở khâu định giá đất.

Ông đề xuất giải pháp cụ thể nào cho vấn đề nêu trên?

- Chúng ta biết rằng 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai và rất nhiều người đi tù vì đất. Đây là hai vấn đề chúng ta phải giải quyết bằng pháp luật, mà cốt lõi theo tôi chính là sự bất hợp lý về cơ chế định giá đất. Các nước họ dùng một từ miêu tả tình trạng này là tiếp cận bất đối xứng. Trong một dự án cụ thể sẽ có ba bên là cán bộ có thẩm quyền ở địa phương, doanh nghiệp và người dân. Một bên có quyền quản lý, định đoạt, bên còn lại nếu không có các cơ chế, chính sách đủ mạnh để bảo vệ thì sẽ trở nên yếu thế.

Hiện cơ chế định giá đất vẫn giao cho HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, trong khi những người có trình độ chuyên môn tốt nhất về đất đai thường không phải là đại biểu HĐND. Hơn nữa cơ chế hội đồng là cơ chế tập thể, rất khó quy trách nhiệm cá nhân.

Với cơ chế định giá đất hiện nay, chúng ta rất khó đạt được mong muốn là sát với giá trị thực tế trên thị trường, nghĩa là vẫn tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực, khiếu kiện.

Một nền kinh tế bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường có hai vấn đề cơ bản khác nhau. Một là quy hoạch, kế hoạch, trong cơ chế bao cấp thì đây là pháp lệnh, còn sang cơ chế thị trường đây chỉ là gợi ý. Nhà làm chính sách phải làm sao để quy hoạch, kế hoạch nhận được sự đồng thuận của dân, chứ không phải xem nó như pháp lệnh.

Hai là, giá trị các loại tài sản trong đó có đất đai thay vì được quyết định theo ý chí nhà nước thì sẽ theo giá trị thị trường. Muốn vậy chúng ta nên học tập kinh nghiệm thế giới, không nên giao cho hệ thống hành chính định giá đất, nên dựa vào hiệp hội có chuyên môn, dựa vào lực lượng tư vấn giá đất của thị trường. Khi đó các cơ quan nhà nước chỉ là chức năng kiểm tra kết quả định giá của các nhà chuyên môn, trách nhiệm cá nhân như vậy là rõ ràng, cụ thể.

Nhìn chung các nước thường tổ chức ngành dọc về định giá đất. Địa phương cứ làm quy hoạch, giao và cho thuê đất, nhưng định giá đất chuyển sang ngành dọc thực hiện. Lợi ích từ định giá đất sẽ được kiểm soát hoàn toàn khi quy trình kiểm soát được hình thành dựa trên minh bạch các tiêu chí kỹ thuật cụ thể.

Ông Đặng Hùng Võ: Tôi giàu nhờ đánh hàng Đông Âu, từng có 5 nhà đất - 24

Hiện nay Luật Đất đai 2024 đang được đề xuất đẩy ngày có hiệu lực lên 1/7/2024 thay vì từ 1/1/2025, tức sẽ sớm hơn 6 tháng. Với tư cách chuyên gia, ông ủng hộ việc này không?

- Tôi hoàn toàn ủng hộ, bởi vì hiện nay Luật 2013 dù vẫn còn hiệu lực thi hành nhưng thực tế là trong tình trạng "đã mất hiệu lực thực tế". Ví dụ, Luật đất đai 2013 quy định rằng tất cả các nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đều phải mang đất đó đến thuê của Nhà nước, tức là nhà đầu tư phải chịu hai lần chi phí đất đai. Đó chỉ là một ví dụ, còn nhiều điểm khác thể hiện tư duy bao cấp, không có chút gì thị trường. Như vậy, việc Chính phủ sớm hoàn thiện các nghị định và đề xuất Quốc hội đẩy sớm thời gian có hiệu lực của Luật 2024 là cần thiết.

Ông nhận định như thế nào về thị trường bất động sản trong thời gian tới?

-  Thị trường bất động sản Việt Nam ghi nhận đợt sốt giá đầu tiên từ 1990 đến 1992, giá bất động sản tăng 10 lần. Bối cảnh lúc đó là đất nước bắt đầu đổi mới, mở cửa hội nhập; còn cụ thể về chính sách đất đai cũng như cách quản lý của chúng ta tại thời điểm đầu thập niên 1990 là chưa có nhiều thay đổi so với trước. Quán tính vẫn rất nặng nề. Thực tế này nói lên điều gì? Nó cho thấy thị trường có quy luật riêng. Những người làm chính sách đừng nghĩ rằng có chính sách thì thị trường sẽ ổn định. Quan trọng là chính sách và thực thi như thế nào.

Muốn quản lý được thị trường bất động sản thì cơ quan quản lý phải có đủ dữ liệu về thị trường, dữ liệu càng chi tiết thì càng tốt. Các nước công nghiệp đều có Ủy ban Quốc gia về phát triển bất động sản. Bất động sản không chỉ là nhà ở, có bất động sản nông nghiệp, bất động sản công nghiệp, bất động sản du lịch… Hiện nay chúng ta có Ban chỉ đạo quốc gia mà thường trực là Bộ Xây dựng. Trong Ban chỉ đạo có đại diện nhiều bộ tham gia. Thế nhưng thực ra vẫn là Bộ Xây dựng trình lên Chính phủ, vì vậy tôi cho rằng cách quản lý thị trường bất động sản của ta chưa thực sự phù hợp. Cách quản lý phù hợp thì thị trường mới phát triển tốt.

Xin trân trọng cảm ơn ông Đặng Hùng Võ.

Ông Đặng Hùng Võ: Tôi giàu nhờ đánh hàng Đông Âu, từng có 5 nhà đất - 25

Nội dung: Võ Thành

Ảnh: Thành Đông

Video: Phạm Tiến, Minh Quang

Thiết kế: Thủy Tiên