PhotoStory

Những màn đối đáp thú vị khi ĐBQH và Bộ trưởng GTVT "hỏi xoáy đáp xoay"

Thực hiện: Hoài Thu - Thiết kế: Ngọc Diệp

(Dân trí) - Trả lời ĐBQH tỉnh Bắc Giang về cầu Cẩm Lý, Bộ trưởng GTVT gợi ý tỉnh có thể tự bố trí nguồn vốn vì "giá vải đang đắt", song ĐBQH khác tranh luận "vì chờ vào giá vải mà mười mấy năm chưa có cây cầu".

Những màn đối đáp thú vị khi ĐBQH và Bộ trưởng GTVT hỏi xoáy đáp xoay - 1

Chất vấn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) thẳng thắn đề cập hạn chế trong đào tạo sát hạch, cấp GPLX, điển hình có tình trạng cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy, người không đủ năng lực hành vi… Bà muốn biết giải pháp cho việc này.

Tư lệnh ngành giao thông thừa nhận điều nữ đại biểu nêu và cho biết qua công tác thanh tra trên cả nước đã phát hiện, chỉ đạo chuyển 6 bộ hồ sơ liên quan tiêu cực trong đào tạo, cấp GPLX, sang cơ quan công an. Ông cam kết Bộ GTVT sẽ tiếp tục hoàn thiện thông tư, siết chặt quản lý để không tái diễn việc cấp phép lái xe cho người nghiện.

Những màn đối đáp thú vị khi ĐBQH và Bộ trưởng GTVT hỏi xoáy đáp xoay - 2

Trả lời tranh luận của đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) về giải pháp giải quyết khủng hoảng đăng kiểm, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết đã rà soát lại toàn bộ hoạt động đăng kiểm; ban hành Thông tư 02 miễn đăng kiểm lần đầu cho xe mới và giãn chu kỳ đăng kiểm.

Một giải pháp khác, theo ông Thắng, là điều chỉnh cơ chế tài chính, loại bỏ giá đăng kiểm ra khỏi danh mục giá bị quản lý và để thị trường quyết định. Có như vậy mới đảm bảo thu nhập cho các đăng kiểm viên.

Những màn đối đáp thú vị khi ĐBQH và Bộ trưởng GTVT hỏi xoáy đáp xoay - 3

Đại biểu Trần Văn Lâm chất vấn về cầu Cẩm Lý (Bắc Giang) là cây cầu duy nhất ở miền Bắc đang đi chung giữa đường sắt với đường bộ, được xây dựng từ năm 1979 đến nay chưa được nâng cấp, mở rộng.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết đã đề xuất đưa dự án vào bổ sung nguồn vốn đầu tư công nhưng do nguồn lực có hạn nên chưa bố trí được.

Trong trường hợp cấp bách, ông gợi ý Bắc Giang có thể dành một phần ngân sách để làm vì đợt này "giá vải đang đắt". Nếu tỉnh không có vốn, Bộ GTVT sẽ phối hợp trình Thủ tướng để giải quyết vấn đề này.

Những màn đối đáp thú vị khi ĐBQH và Bộ trưởng GTVT hỏi xoáy đáp xoay - 4

"Chính vì chờ bán vải nên mười mấy năm nay kêu gọi trước Quốc hội mà không làm được nổi cây cầu. Tôi hy vọng nhờ phát biểu của Bộ trưởng hôm nay thì vải của Bắc Giang sẽ tốt hơn", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ tranh luận với Tư lệnh ngành giao thông.

Ông nêu thực tế hàng nghìn xe tải chở thanh long, sầu riêng và hoa quả khác đang ùn tắc tại địa phận hai cây cầu này mỗi ngày, có trường hợp phải bán giải cứu.

"Vấn đề này cần phải tháo gỡ ngay", ông hỏi Bộ trưởng GTVT "Bắc Giang còn thiếu thủ tục nào, còn phải gặp đến những ai thì mới được đầu tư vào cây cầu đó?".

Những màn đối đáp thú vị khi ĐBQH và Bộ trưởng GTVT hỏi xoáy đáp xoay - 5

Cũng trả lời đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) về cầu các cây cầu đang gặp vướng mắc trên địa bàn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết cầu Như Nguyệt được thực hiện đầu tư rất khẩn cấp vì cây cầu này thường xuyên xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông.

Trong trường hợp cấp bách, Chính phủ giao cho tỉnh thực hiện việc đầu tư. Dự kiến cuối năm nay, cầu được thông xe.

Còn cầu Xương Giang chỉ chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt để có nguồn để làm. "Với cầu Cẩm Lý, chúng tôi tiếp tục ghi nhận và thực ra là vấn đề đầu tiên là tiền đâu, Bộ GTVT khó nhất là không có tiền", ông Thắng nói.

Những màn đối đáp thú vị khi ĐBQH và Bộ trưởng GTVT hỏi xoáy đáp xoay - 6

Sau khi nghe Bộ trưởng GTVT trả lời đại biểu Lê Hoàng Anh về hướng giải quyết các dự án BOT còn vướng mắc, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) tranh luận: "Bộ trưởng trả lời chờ đến khi nào có điều kiện và có đủ kinh phí sẽ mua trả lại. Tôi cho rằng trả lời như thế không thuyết phục".

Nữ đại biểu đề nghị Bộ trưởng có lộ trình cụ thể trước mắt trong khi chờ một cơ chế lâu dài để hoàn trả lại các trạm thu phí này.

Trao đổi lại với phần tranh luận của nữ đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trần tình: "Tất cả phải làm theo quy trình, Bộ GTVT là cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ cũng không có tiền".

Ông khẳng định đang làm hết sức mình để tháo gỡ một cách triệt để, bảo vệ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp hiện nay đang đầu tư các dự án BOT nhưng do điều kiện khách quan bị ảnh hưởng.

Theo Bộ trưởng GTVT, cơ quan quản lý sẽ xem xét căn cứ để Nhà nước phải mua lại và đây là điều khoản điều kiện trong hợp đồng, không phải dành đặc quyền, đặc lợi cho doanh nghiệp.

Những màn đối đáp thú vị khi ĐBQH và Bộ trưởng GTVT hỏi xoáy đáp xoay - 7

Trao đổi lại với phần tranh luận của nữ đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trần tình: "Tất cả phải làm theo quy trình, Bộ GTVT là cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ cũng không có tiền".

Ông khẳng định đang làm hết sức mình để tháo gỡ một cách triệt để, bảo vệ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp hiện nay đang đầu tư các dự án BOT nhưng do điều kiện khách quan bị ảnh hưởng.

Theo Bộ trưởng GTVT, cơ quan quản lý sẽ xem xét căn cứ để Nhà nước phải mua lại và đây là điều khoản điều kiện trong hợp đồng, không phải dành đặc quyền, đặc lợi cho doanh nghiệp.

Những màn đối đáp thú vị khi ĐBQH và Bộ trưởng GTVT hỏi xoáy đáp xoay - 8

Trước tranh luận của đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) về việc Bộ GTVT thiếu chủ động trong chuẩn bị nhân lực để khôi phục các trạm đăng kiểm, Bộ trưởng GTVT cho biết việc khởi tố, bắt giam các bị can liên quan đăng kiểm do công an làm, Bộ GTVT thường xuyên trao đổi với Bộ Công an để có phương án giải quyết tốt nhất cho câu chuyện này.

"Tuy nhiên, 75% trung tâm đăng kiểm của tư nhân nên không phải muốn khôi phục là đăng kiểm được. Mỗi trung tâm chỉ có một đăng kiểm viên bậc cao, thường là lãnh đạo kiểm soát trung tâm đăng kiểm nên không thể thay thế ngay.

Mỗi nhân sự này đào tạo mất khoảng 1,5 năm nên không thể bố trí nhân sự ngay để khôi phục các trung tâm đăng kiểm", Bộ trưởng giải thích.

Những màn đối đáp thú vị khi ĐBQH và Bộ trưởng GTVT hỏi xoáy đáp xoay - 9

Tranh luận với Tư lệnh ngành giao thông, đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) cho rằng giải pháp về nhân lực đăng kiểm chỉ là phần ngọn của vấn đề. Gốc rễ cần làm rõ là trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cơ quan.

"Có phải khi xã hội hóa thiếu sự kiểm tra, giám sát nên xã hội hóa đến mức mất kiểm soát, để các trung tâm đăng kiểm tự do lộng hành, nhiều xe hết niên hạn vẫn được đưa vào sử dụng?", nữ đại biểu tranh luận.

Những màn đối đáp thú vị khi ĐBQH và Bộ trưởng GTVT hỏi xoáy đáp xoay - 10

Trả lời nữ đại biểu tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng phản ánh thực tế trung tâm đăng kiểm ở các địa phương nở rộ. Chỉ 2 năm trung tâm đăng kiểm tăng lên 281, vượt cả mạng lưới đăng kiểm đến 2030. "Chính vì việc trung tâm đăng kiểm nở rộ nên cạnh tranh không lành mạnh rồi dẫn đến tiêu cực", theo ông Thắng.

Ông khẳng định trong câu chuyện này có tham ô, câu kết, có trách nhiệm và vấn đề đạo đức của các bộ phận từ lãnh đạo cấp phòng đến lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Việc này đã vô hiệu hóa hiệu quả của công tác kiểm tra giám sát bởi khi họ cấu kết với nhau, họ không thể "lấy đá ghè chân mình".

Những màn đối đáp thú vị khi ĐBQH và Bộ trưởng GTVT hỏi xoáy đáp xoay - 11

Giơ biển tranh luận, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) thể hiện quan điểm về trách nhiệm quản lý Nhà nước trong hoạt động đăng kiểm cũng như việc thanh tra, giám sát để tránh nhu cầu đăng kiểm tăng cao dễ bị lợi dụng.

Tư lệnh ngành giao thông giải thích hoạt động đăng kiểm tương đối khép kín nên khi thanh tra vào kiểm tra chỉ trên hồ sơ; trong khi sai phạm, vi phạm không nằm trong hồ sơ; hồ sơ đẹp nhưng vẫn sai phạm.

Ông cho biết có lỗ hổng trong công nghệ thông tin khi kiểm tra phương tiện nhưng do bảo mật kém nên bị lợi dụng; các trung tâm đăng kiểm dùng phần mềm can thiệp làm thay đổi số liệu mà nếu nghiệp vụ thanh tra bình thường thì không thể phát hiện.

Theo ông Thắng, việc tiêu cực nhận tiền, tham ô, tham nhũng cũng ở ngoài nên khó khăn cho công tác thanh tra. Dù vậy, ông Thắng nói không thể phủ nhận thanh tra làm chưa hết trách nhiệm.

Những màn đối đáp thú vị khi ĐBQH và Bộ trưởng GTVT hỏi xoáy đáp xoay - 12

Kết thúc phiên chất vấn của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết có 112 đại biểu đăng ký chất vấn, 20 đại biểu đặt câu hỏi, 17 đại biểu tranh luận, còn 76 đại biểu đăng ký chất vấn và 2 đại biểu tranh luận nhưng do hết thời gian nên đề nghị gửi câu hỏi để Bộ trưởng trả lời bằng văn bản.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá phiên chất vấn sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và có tính xây dựng cao. Các đại biểu Quốc hội bám sát nội dung chất vấn, tích cực đeo bám, tranh luận làm rõ vấn đề.

"Bộ trưởng GTVT tuy nhận nhiệm vụ chưa lâu nhưng nắm vững vấn đề, giải trình khá đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế; đề xuất được cả giải pháp trước mắt và lâu dài để thực hiện tốt hơn chức trách của Bộ và ngành GTVT", Chủ tịch Quốc hội nhận xét.