Bộ trưởng GTVT: Trung tâm đăng kiểm nở rộ dẫn đến tiêu cực
(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, hoạt động đăng kiểm nở rộ khi số lượng tăng đến 281 trung tâm trên cả nước chỉ trong vòng hai năm. Việc này gây ra cạnh tranh không lành mạnh rồi dẫn đến tiêu cực.
Sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm tiếp tục là nội dung làm "nóng" nghị trường Quốc hội sáng 8/6, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng.
Mở đầu phiên chất vấn, ông Thắng dành thời gian để trả lời tranh luận của đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) về việc Bộ GTVT thiếu chủ động trong chuẩn bị nhân lực đăng kiểm.
Tư lệnh ngành giao thông chia sẻ rằng những sai phạm trong đăng kiểm là hết sức đau xót, trong đó có trách nhiệm của Bộ GTVT.
Trung tâm đăng kiểm hồ sơ đẹp nhưng vẫn sai phạm
Thông tin việc khởi tố, bắt giam các bị can liên quan đăng kiểm do công an các địa phương làm, ông Thắng cho rằng không thể trao đổi với công an trước khi xử lý chỗ này, chỗ kia thì báo với Bộ GTVT.
Nhưng theo Bộ trưởng GTVT, ông đã trao đổi với lãnh đạo Bộ Công an để có phương án giải quyết tốt nhất cho câu chuyện này.
Ví dụ, khi cơ quan CSĐT khám xét các trung tâm đăng kiểm thì Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ Công an nếu thu giữ máy móc phục vụ điều tra cần làm nhanh để bàn giao lại cho Cục đăng kiểm.
"Tuy nhiên, 75% trung tâm đăng kiểm của tư nhân nên không phải muốn khôi phục là đăng kiểm được. Mỗi trung tâm chỉ có một đăng kiểm viên bậc cao, thường là lãnh đạo kiểm soát trung tâm đăng kiểm nên không thể thay thế ngay. Mỗi nhân sự này đào tạo mất khoảng 1,5 năm nên không thể bố trí nhân sự ngay để khôi phục các trung tâm đăng kiểm", Bộ trưởng giải thích.
Về trách nhiệm, ông cho biết cá nhân và các lãnh đạo Bộ GTVT trực tiếp chỉ đạo ngay khi xảy ra sự việc, đưa ra giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn để cơ bản giải quyết được khủng hoảng đăng kiểm.
Chưa hài lòng với phần trả lời trên, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) tranh luận về trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động đăng kiểm cũng như việc thanh tra, giám sát kịp thời để tránh nhu cầu đăng kiểm tăng cao dễ bị lợi dụng.
Ông Nam cũng đề nghị Bộ GTVT cần quan tâm, rà soát, điều chỉnh các quy chuẩn đăng kiểm cho phù hợp phương tiện. Đại biểu nêu thực tiễn người dân có nhu cầu cải tạo xe trên 10 chỗ ngồi thành xe 5-6 chỗ, phù hợp hoạt động của gia đình, không vì mục đích kinh doanh nhưng khi đăng kiểm lại không đủ điều kiện.
Trả lời, Tư lệnh ngành giao thông giải thích hoạt động đăng kiểm tương đối khép kín nên khi thanh tra vào kiểm tra chỉ trên hồ sơ; trong khi sai phạm, vi phạm không nằm trong hồ sơ; hồ sơ đẹp nhưng vẫn sai phạm.
Ông cho biết có lỗ hổng trong công nghệ thông tin khi kiểm tra phương tiện nhưng do bảo mật kém nên bị lợi dụng; các trung tâm đăng kiểm dùng phần mềm can thiệp làm thay đổi số liệu mà nếu nghiệp vụ thanh tra bình thường thì không thể phát hiện.
Theo ông Thắng, việc tiêu cực nhận tiền, tham ô, tham nhũng cũng ở ngoài nên khó khăn cho công tác thanh tra. Dù vậy, ông Thắng nói không thể phủ nhận thanh tra làm chưa hết trách nhiệm. Ông kể lại khi nhận nhiệm vụ, ông yêu cầu làm ngay 2 việc là thanh tra hệ thống đăng kiểm và thanh tra việc đào tạo cấp phép lái xe.
"Nhưng khi anh em về báo cáo có nội dung không làm được là chỉ kết luận có dấu hiệu sai phạm can thiệp hệ thống giám sát thời gian và quãng đường lái xe. Tôi không chịu và nói ông không làm tròn trách nhiệm. Nhiều vụ phức tạp Bộ Công an, Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm được sao thanh tra không làm được?", ông Thắng nói về yêu cầu tập trung lực lượng nên vừa qua bắt đầu làm có hiệu quả.
Thời gian tới, Bộ trưởng GTVT cho biết sẽ siết rất chặt các quy định liên quan. Nghị định 139 vừa được ban hành là điều kiện, cơ sở để thanh kiểm tra được quản lý tốt hơn, quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân.
Kiểm soát việc mở trung tâm đăng kiểm tại địa phương
Ở góc độ khác, đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) cho rằng việc đào tạo lãnh đạo các trung tâm đăng kiểm chỉ giải quyết phần ngọn vấn đề. Nữ đại biểu tranh luận muốn làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cơ quan.
"Có phải khi xã hội hóa thiếu sự kiểm tra, giám sát nên xã hội hóa đến mức mất kiểm soát, để các trung tâm đăng kiểm tự do lộng hành, nhiều xe hết niên hạn vẫn được đưa vào sử dụng?", bà Lịch nêu vấn đề.
Trao đổi lại, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng chia sẻ nguyên nhân sai phạm của các trung tâm đăng kiểm do chưa phản ứng kịp thời với thay đổi của chính sách. Ông dẫn chứng Nghị định 139 của Chính phủ có quy hoạch mạng lưới đăng kiểm nhưng khi Luật Quy hoạch ra đời, các quy hoạch ngành không còn hiệu lực nên trung tâm đăng kiểm ở các địa phương nở rộ.
"Chỉ 2 năm trung tâm đăng kiểm tăng lên 281, vượt cả mạng lưới đăng kiểm đến 2030. Chính vì việc trung tâm đăng kiểm nở rộ nên cạnh tranh không lành mạnh rồi dẫn đến tiêu cực", ông Thắng khẳng định trong câu chuyện này có tham ô, cấu kết, có trách nhiệm và vấn đề đạo đức của các bộ phận từ lãnh đạo cấp phòng đến lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Việc này đã vô hiệu hóa hiệu quả của công tác kiểm tra giám sát bởi khi họ cấu kết với nhau, họ không thể "lấy đá ghè chân mình".
Ông Thắng cho biết nhận diện được vấn đề này, Nghị định 139 sửa đổi đã đưa vào yếu tố kiểm soát việc mở trung tâm đăng kiểm tại địa phương; phân quyền cấp phép mở dịch vụ đăng kiểm cho Sở GTVT các địa phương và siết chặt quy định kiểm soát công tác đăng kiểm.