DMagazine

Những lá thư bằng máu sau sự ra đi của 16 bạn cùng trường

(Dân trí) - Sau sự kiện máy bay Mỹ ném bom khiến 16 học sinh Trường cấp III Lý Tự Trọng tử nạn, nhiều học sinh khác của trường đã viết thư tình nguyện tham gia chiến trận, cống hiến cho Tổ quốc.

Những lá thư bằng máu sau sự ra đi của 16 bạn cùng trường - 1
Những lá thư bằng máu sau sự ra đi của 16 bạn cùng trường - 3

Trong ký ức của những người từng chứng kiến sự kiện 57 năm trước, tháng 9/1968, Trường cấp III Lý Tự Trọng tổ chức khai giảng, đón học sinh trở lại lớp sau gần một tháng bị Mỹ ném bom khiến 16 học sinh tử nạn. Giữa không gian tĩnh lặng của buổi sáng đầu năm học mới, lán của lớp 9A được dựng lại ở một vị trí khác dưới tán cây cổ thụ.

Sân trường vắng lặng, những vết tích của vụ ném bom vẫn còn đó. Trên gương mặt của những cô, cậu học trò ngày ấy hiện lên sự rắn rỏi, kiên cường, quyết tâm để ngọn lửa lan tỏa tri thức không bao giờ tắt. 

Những lá thư bằng máu sau sự ra đi của 16 bạn cùng trường - 5

Ngày đó đến trường không chỉ học chữ mà còn để giữ vững niềm tin vào tương lai của đất nước, cống hiến cho Tổ quốc. Những buổi học tập kèm với các buổi sinh hoạt chính trị hay các đợt tham gia làm đường giao thông, đắp đê công sự, kéo pháo cho bộ đội là những bài học vun đắp thêm tinh thần yêu nước cho các đoàn viên.

Trải qua đau thương, lớp 9A chỉ còn 16 học sinh, sau đó được chia nhỏ về các lớp 9B, 9C. Cũng sau sự kiện Mỹ ném bom, nhiều học sinh của nhà trường đã viết thư bằng máu xin được lên đường chống Mỹ cứu nước.

Nhớ về người bạn là liệt sỹ Nguyễn Văn Thuật, bà Hoàng Thị Thọ, cựu học sinh Trường cấp III Lý Tự Trọng, chia sẻ trong cuốn sách Nỗi đau người ở lại: "Sau vụ ném bom, Thuật cùng chúng tôi lo cho bạn Nguyễn Đình Dũng từ đầu đến khi mồ yên mả đẹp. Thuật bị thương nhưng vẫn cố gắng đến trường đều đặn. Vì sức ép của bom, bạn đau đầu, ù tai, bạn ốm yếu, gầy hẳn đi".

Khi chứng kiến cảnh bạn bè cùng lớp vĩnh viễn ra đi, trong đó có người bạn thân Nguyễn Đình Dũng, cậu học trò Nguyễn Văn Thuật trở nên lầm lỳ, ít nói. Cho đến gần hết năm học lớp 10, chàng trai Nguyễn Văn Thuật viết đơn bằng máu tình nguyện lên đường nhập ngũ.

Những lá thư bằng máu sau sự ra đi của 16 bạn cùng trường - 7

Từ cậu học trò, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thuật không ngần ngại gác bút, tạm biệt sách vở, mái trường, thầy cô và bạn bè để khoác lên mình màu áo lính ra chiến trường.

"Lá thư tình nguyện được Thuật viết bằng máu. Đi là để cống hiến cho Tổ quốc và trả thù cho bạn. Dù thời điểm đó, bạn ấy thuộc diện được miễn nghĩa vụ quân sự, cha bạn là cán bộ lão thành cách mạng", bà Hoàng Thị Thọ kể lại.

Và rồi chàng lính trẻ được vào chiến trường như ý nguyện, lập được nhiều chiến công. Nhưng anh đã hy sinh anh dũng ở mặt trận phía Nam khi chưa kịp chứng kiến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.

Nhà giáo Ưu tú Lê Ngọc Minh, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Khê, là cậu học trò lớp 9A may mắn thoát nạn trong vụ máy bay Mỹ ném bom.

Nhắc đến sự kiện ngày đó, thầy Minh lại bồi hồi, xúc động kể: "Sau vụ ném bom, lớp học thưa dần, bàn ghế trống chỗ, vì thế lớp 9A lúc đó những bạn còn lại được ghép vào lớp khác. Cảnh tượng vụ ném bom quá khủng khiếp, nhưng lúc đó tinh thần học, tinh thần vào chiến trường hăng say lắm".

Thầy Minh hồi ức, từ vụ ném bom, tinh thần tham gia chống Mỹ cứu nước càng được dâng lên cao, rất nhiều học sinh các lớp tình nguyện ra chiến trường. "Lớp 9A cũ lúc đó cũng có nhiều bạn tình nguyện nhập ngũ, cống hiến cho Tổ quốc. Có người trở về, nhưng có bạn hy sinh khi tròn tuổi đôi mươi. Mỗi lần nhắc lại, chúng tôi xót xa lắm", thầy Minh tâm sự.

Những lá thư bằng máu sau sự ra đi của 16 bạn cùng trường - 9
Những lá thư bằng máu sau sự ra đi của 16 bạn cùng trường - 11

57 năm qua, Thầy thuốc nhân dân Lê Hồng Phúc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dược Hà Tĩnh, vẫn giữ cẩn thận bức thư của liệt sỹ Lê Công Dũng (quê thị trấn Thạch Hà) như một kỷ vật gắn liền với những ký ức của người bạn thủa còn đến trường trong thời chiến.

Ông Phúc và liệt sỹ Lê Công Dũng là bạn học khóa đầu tiên của Trường cấp III Lý Tự Trọng. Chiều 19/8/1968, khi Mỹ ném bom xuống lán học, hai người may mắn thoát nạn. Cả hai sau đó cùng thi vào đại học, chàng trai Lê Hồng Phúc trúng tuyển vào Trường Đại học Dược, còn người bạn Lê Công Dũng đỗ Trường Đại học Thủy sản.

"Ngày đó, thanh niên một là đi học, hai là tham gia kháng chiến. Đó không phải là sự lựa chọn mà là mệnh lệnh từ tinh thần yêu nước và trách nhiệm với tương lai đất nước", ông Phúc chia sẻ. 

Những lá thư bằng máu sau sự ra đi của 16 bạn cùng trường - 13

Theo ông Phúc, những năm chiến tranh, việc đi học là một hành trình đầy gian khổ và thử thách. Bởi trong bối cảnh đất nước đang bị bom đạn tàn phá, có những thời điểm trường phải sơ tán, tạm dừng công tác giảng dạy.

Đặc biệt, năm 1972, khi chiến sự đang diễn ra ác liệt ở miền Nam, lệnh tổng động viên được ban hành, nhiều sinh viên trường đại học xung phong ra chiến trận. "Lê Công Dũng còn viết đơn xin nhập ngũ trước khi có lệnh tổng động viên. Dũng được phân công vào chiến trường Tây Nam Bộ", ông Phúc nhớ lại.

Cầm bức thư đã phai màu nhưng nét chữ vẫn còn nguyên, ông Phúc nói: "Dũng là con trai út trong gia đình có 3 anh em. Hai người anh cũng tham gia kháng chiến và một người đã hy sinh. Vì thế, Dũng không thuộc diện thực hiện nghĩa vụ nhưng bạn vẫn tình nguyện lên đường vào chiến trường. Dũng tài hoa, sống tình cảm lắm, dù học cách xa nhau nhưng vẫn luôn gửi thư hỏi thăm tôi".

Trong lá thư gửi cho người bạn Lê Hồng Phúc trước khi rời ghế giảng đường, nhập ngũ, chàng sinh viên Lê Công Dũng nhắn gửi:

Những lá thư bằng máu sau sự ra đi của 16 bạn cùng trường - 15

Trong lá thư, liệt sỹ Lê Công Dũng cũng nhiều lần gợi lại kỷ niệm ngày về quê và không quên chúc người bạn của mình luôn cố gắng học tập, phấn đấu. Sau lá thư này, người bạn Lê Công Dũng cũng gác bút, xung phong vào chiến trường khi đang học năm thứ 3 đại học.

"Dũng chưa lập gia đình, cũng chưa có người yêu, nhưng nhập ngũ vừa được khoảng 1 năm, bạn đã hy sinh tại mặt trận phía Nam", ông Phúc tâm sự.

Những ký ức từ hơn 50 năm trước cứ ùa về, ngày đó, ông Phúc chơi thân với hai người bạn Lê Công Dũng và Nguyễn Văn Minh. Đó là những thanh niên ưu tú nhất của thị trấn được chọn lựa để đi học.

Ba chàng trai ngày ngày đi bộ đến trường cùng nhau. Thế nhưng, chiến tranh lần lượt lấy đi những người bạn của ông Phúc. Anh Nguyễn Văn Minh tử nạn trong vụ ném bom khi mới 17 tuổi, còn anh Lê Công Dũng hy sinh tại chiến trường khi tròn 21 tuổi. Còn lại cậu học trò Lê Hồng Phúc ngày ấy, nay đã bước sang tuổi 74.

Những lá thư bằng máu sau sự ra đi của 16 bạn cùng trường - 17

Nội dung: Dương Nguyên

Thiết kế: Tuấn Huy