DNews

Những khung cảnh lịch sử giữa trận lụt lớn nhất 23 năm qua ở Thái Nguyên

Hoài Thu Ngọc Tân

(Dân trí) - Tiếng í ới gọi nhau nhờ hỗ trợ, tiếng thông báo người dân nhận lương thực xen lẫn tiếng nước lũ chảy cuồn cuộn, có lẽ là khung cảnh lịch sử ở Thái Nguyên, trong trận lũ lớn trong suốt 23 năm qua.

Những khung cảnh lịch sử giữa trận lụt lớn nhất 23 năm qua ở Thái Nguyên

Phường Tân Phú ở TP Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) sáng 10/9 chìm trong biển nước. Nơi đây có 4 tổ dân phố với hơn 400 hộ dân và 1.500 nhân khẩu, chính thức bị cô lập với bên ngoài khi dòng nước sông Cầu dâng lên cao, gây ngập nặng.

Sau 5 phút di chuyển bằng cano nhờ sự hỗ trợ của lực lượng CSGT Công an TP Phổ Yên, chúng tôi đến được điểm bị cô lập ở tổ dân phố Lợi Bến, phường Tân Phú.

Mọi công việc bên trong địa bàn dường như gấp gáp, cấp tập hơn mọi ngày. Người dân đang nỗ lực vận chuyển đồ đạc, di dời tài sản đến nơi an toàn. Các lực lượng chức năng của chính quyền, công an TP Phổ Yên, quân đội, dân quân tự vệ… cũng đang căng mình giúp dân.

"Chạy thôi"

Từ đêm 9/9, nước sông Cầu dâng cao, tràn vào từng ngõ xóm của thôn Cốc (phường Tân Phú, TP Phổ Yên). Nhiều căn nhà nằm sâu trong thôn đã bị ngập gần hết tầng 1. Suốt đêm, các gia đình hối hả di dời tài sản lên tầng 2.

Đến sáng 10/9, người dân trong thôn nhận ra nơi mình ở đã bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Ở ngoài ngõ, nước đã ngập ngang ngực. Giống như nhiều hộ dân trong thôn, chị Đào Thị Thu Hằng tự tin rằng tầng 2 của gia đình sẽ là nơi cố thủ lâu dài trước cơn lũ.

Những khung cảnh lịch sử giữa trận lụt lớn nhất 23 năm qua ở Thái Nguyên - 1
Những khung cảnh lịch sử giữa trận lụt lớn nhất 23 năm qua ở Thái Nguyên - 2
Những khung cảnh lịch sử giữa trận lụt lớn nhất 23 năm qua ở Thái Nguyên - 3

Thế nhưng trưa 10/9, đường cống trong nhà vệ sinh tầng 1 trào ngược lên, gây mùi hôi thối khắp căn nhà. Chị hớt hải lội nước sang nhà hàng xóm, nhờ những người đàn ông giúp khiêng tivi và vật dụng ở tầng 1 lên tầng 2.

"Lũ ở đây bị nhiều năm rồi. Nhưng năm nay ngoài sức tưởng tượng. Không có điện, không có nước sạch, trong nhà còn trẻ nhỏ và người già. Ban đầu tôi định để mẹ già với con nhỏ ở tầng hai, nhưng bây giờ phải đổi ý, chạy thôi", chị Hằng bàng hoàng nói.

Tại một điểm cao nhất trong thôn, lực lượng công an và quân đội đang triển khai phương án cứu hộ. Một mặt, họ bốc xếp hàng hóa tiếp tế lên các thuyền tôn rồi chuyển vào cho người dân, mặt khác, họ tiếp tục kêu gọi người dân sơ tán khỏi nhà, nhất là người già và trẻ nhỏ.

Những khung cảnh lịch sử giữa trận lụt lớn nhất 23 năm qua ở Thái Nguyên - 4

Bà Ngô Thị Thực (56 tuổi, ở tổ dân phố Lợi Bến) lái thuyền vận chuyển mì tôm, sữa và nước uống đến từng hộ gia đình đang bị cô lập (Ảnh: Hữu Khoa).

Bà Ngô Thị Thực (56 tuổi, ở tổ dân phố Lợi Bến) với dáng người nhỏ thó, đang cố sức đẩy chiếc thuyền nan vận chuyển mì tôm, sữa và nước uống đến từng hộ gia đình đang bị cô lập bên trong.

Người phụ nữ cho biết những gia đình ở nơi đây đã sống chung với nước lũ mấy ngày nay, nhưng sáng 10/9, nước ào ào đổ về gây ngập nặng, có nơi sâu 3m. Bên cạnh những hộ dân đã di dời, cũng có nhiều người không yên tâm nên nhất quyết ở lại "giữ nhà, giữ tài sản". Họ bị cô lập giữa biển nước, nhiều người phải di chuyển lên ở tầng 2, chờ thuyền đi qua gọi cứu trợ mì tôm, nước uống.

"Tôi là Trưởng ban Mặt trận của tổ dân phố nên cả đêm đi vận động người dân di chuyển vì đã có rất nhiều bài học nước lũ đổ về bất ngờ mà dân không kịp trở tay", bà Thực nói.

"Từ 2001 đến nay mới lại có một trận lụt lịch sử như thế này. Cuộc sống người dân đảo lộn hết", chị Hậu (ở tổ dân phố Lợi Bến, phường Tân Phú), than thở.

Người phụ nữ cho biết điện đã mất một ngày nay, nước ngập 4-5 ngày nhưng đến hôm nay nước đổ về nhanh và ngập sâu, khiến mọi hoạt động của người dân dường như tê liệt. Những người không đi sơ tán chỉ biết đóng cửa ở trong nhà cầm cự, leo lên tầng 2 để đảm bảo an toàn.

Sống quen với lũ vẫn không ngờ tới một trận lụt lịch sử như thế

Ngồi trên chiếc thuyền cùng lực lượng chức năng cấp phát lương thực hỗ trợ tới tay từng người dân, phóng viên Dân trí ghi nhận những khung cảnh, mà như người dân nơi đây mô tả, là "chưa từng có suốt hơn 20 năm nay".

Đó là tiếng í ới gọi nhau nhờ hỗ trợ kê chiếc tủ lạnh lên cao, đưa con lợn và đàn chó đến chỗ an toàn. Đó cũng là tiếng chiến sĩ công an TP Phổ Yên gọi cửa từng nhà, thông báo ra nhận hỗ trợ lương thực, thực phẩm và nước sạch. Đó cũng là tiếng cầu cứu của nhiều hộ dân ban đầu muốn "cố thủ" ở lại, nhưng sau do nước dâng quá nhanh lại khẩn cầu chính quyền đưa đi sơ tán.

Những khung cảnh lịch sử giữa trận lụt lớn nhất 23 năm qua ở Thái Nguyên - 5

Lực lượng chức năng dùng thuyền nhỏ chở mì tôm, nước uống đến hỗ trợ cho từng hộ gia đình đang bị cô lập bởi nước lũ ở thôn Lợi Bến, phường Tân Phú, TP Phổ Yên (Ảnh: Ngọc Tân).

Tiếng nói chuyện, tiếng gọi nhau xen lẫn trong tiếng mưa và dòng nước xiết đang ào ào chảy về tạo nên một khung cảnh hỗn loạn. Nhưng với sự chủ động từ chính quyền và sự hỗ trợ từ các lực lượng chức năng, tình hình của hàng trăm hộ dân bị cô lập nơi đây vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Ông Nguyễn Văn Đoàn, Phó Chủ tịch UBND TP Phổ Yên, Phó Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai thành phố, cho biết hầu hết người dân đã được di dời đến điểm an toàn tại một số trường học, nhà đa năng và chùa Tây Phúc ở giáp trụ sở UBND phường.

Ảnh hưởng của hoàn lưu bão, mưa từ phía thượng nguồn khu vực phía bắc khiến lượng nước sông Cầu tăng nhanh liên tục, gây ngập nặng nhiều điểm ở Thái Nguyên.

Phường Tân Phú ở TP Phổ Yên nằm ngoài hành lang phân lũ nên thường xuyên ngập úng khi xảy ra mưa bão, người dân nơi đây cũng vốn "sống quen với lũ", nhưng có lẽ lần này, trận lũ nằm ngoài sức tưởng tượng.

Những khung cảnh lịch sử giữa trận lụt lớn nhất 23 năm qua ở Thái Nguyên - 6

Ông Nguyễn Văn Đoàn, Phó Chủ tịch UBND TP Phổ Yên, Phó Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai thành phố (Ảnh: Hữu Thịnh).

Theo ông Đoàn, kể từ năm 2001 đến nay, đây là trận ngập nặng nề nhất trên địa bàn, lượng nước có thể lớn hơn báo động cấp 3 khoảng 50-70cm.

"Hiện nay, chính quyền chỉ đạo bắt buộc các hộ dân trong vùng nguy hiểm phải di dời. Chúng tôi cử các lực lượng đi vào từng ngóc ngách kiểm tra, buộc người dân di dời để đảm bảo an toàn", ông Đoàn nói.

Theo ông, phường Tân Phú với 400 hộ dân và hơn 1.500 nhân khẩu là khu vực trọng điểm của ngập úng, do đó ngay khi thấy TP Thái Nguyên bị ngập, chính quyền TP Phổ Yên đã thức trắng đêm, chỉ đạo các lực lượng vận động, sơ tán người dân và hỗ trợ dân di dời tài sản, vật nuôi đến điểm an toàn.

4 chiếc xuồng cũng được lực lượng chức năng chuẩn bị để làm phương tiện di chuyển vào hỗ trợ dân, bên cạnh đó, nhiều chiếc thuyền nan, thuyền nhôm cỡ nhỏ cũng được người dân cơ động sử dụng để di chuyển vào những ngõ, ngách nhỏ, chở người và vật nuôi ra bên ngoài nếu cần thiết.

Những khung cảnh lịch sử giữa trận lụt lớn nhất 23 năm qua ở Thái Nguyên - 7

Nước ngập đến cổ nhưng người dân vẫn chưa chịu di dời (Ảnh: Hữu Khoa).

"Nước ngập sâu quá, phải đưa dân ra ngay vì đảm bảo an toàn tính mạng người dân là trên hết. Chúng tôi đã thức 4 đêm nay ở đây để vận động, cảnh báo và hỗ trợ người dân di dời nhưng nhiều hộ không muốn bỏ lại nhà cửa với tâm lý tiếc của, nên chính quyền vừa động viên vừa cưỡng chế, đặc biệt với gia đình có người già và trẻ em", ông Đoàn nói và cho rằng đây là những việc trước nay "chưa từng phải làm".

Cách phường Tân Phú không xa, Trung tá Nguyễn Du Phùng, Phó trưởng Công an TP Phổ Yên cùng các đồng đội trong đơn vị sáng 10/9 cũng tất bật với việc hỗ trợ dân vận chuyển thóc, gặt lúa, di dời gia súc, gia cầm của người dân đến nơi an toàn.

Trung tá Nguyễn Du Phùng cho biết từ 6h sáng 9/9 đến 10/9, Công an TP Phổ Yên cùng các lực lượng chức năng sở tại đã có mặt tại từng địa bàn hỗ trợ người dân bảo vệ tài sản và an toàn tính mạng. Riêng phường Tiên Phong, công an đã hỗ trợ di dời khoảng 30 hộ dân với ưu tiên đưa người già, trẻ em đến nơi an toàn.

Những khung cảnh lịch sử giữa trận lụt lớn nhất 23 năm qua ở Thái Nguyên - 8
Những khung cảnh lịch sử giữa trận lụt lớn nhất 23 năm qua ở Thái Nguyên - 9
Những khung cảnh lịch sử giữa trận lụt lớn nhất 23 năm qua ở Thái Nguyên - 10

Theo báo cáo của tỉnh Thái Nguyên, do ảnh hưởng của bão số 3 (từ ngày 6/9 đến ngày 9/9), trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to kèm dông, lốc; mưa to từ thượng lưu kết hợp mưa lớn trong khu vực tỉnh Thái Nguyên làm mực nước sông Cầu dâng cao, gây ngập lụt tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh.

Tại Trạm thủy văn Gia Bẩy lúc 3h ngày 10/9 đạt đỉnh lũ là 2.881cm (cao hơn mức báo động III là 181cm và cao hơn 67cm so với đỉnh lũ lịch sử xảy ra ngày 2/7/1959).

Báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố của tỉnh Thái Nguyên cho thấy tính đến 7h ngày 10/9, có một số phường, xã trên địa bàn tỉnh bị ngập úng và trên 5.000 hộ dân phải di dời; trên 206 nhà dân bị tốc mái; 44 điểm trường bị ngập, tốc mái; trên 3.000 ha lúa và hoa màu bị đổ, ngập; nhiều trang trại bị ngập, thiệt hại; 31 điểm sạt lở.