Những "cây nấm" bê tông giữa lòng TPHCM
(Dân trí) - Nằm giữa lòng đô thị TPHCM hiện đại và sôi động bậc nhất, những tháp nước cũ có tuổi đời nửa thế kỷ đã thành hình ảnh thân thuộc, gần gũi với người dân nơi đây.
Đối với những du khách từ phương xa tới TPHCM, những tháp nước hình cây nấm khổng lồ mang dáng vẻ trầm mặc gợi lên không ít tò mò, lạ lẫm. Đối với người sinh sống tại thành phố, hình ảnh về những tháp nước, thủy đài này từ lâu đã là một nét quen thuộc. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ về công dụng và lý do những công trình của một Sài Gòn xưa vẫn hiện hữu giữa lòng một đô thị sôi động.
Thủy đài gần ngã tư Hoàng Diệu - Nguyễn Tất Thành (quận 4) đã ngừng hoạt động, nằm bên trong một khu xưởng thuộc Công ty Cổ phần Cấp nước Bến Thành.
Theo lời của người bảo vệ lâu năm làm nhiệm vụ trông coi khu xưởng, tháp nước này đã trải qua thời gian dài không ai đụng tới. Hiện tại, công trình vẫn còn giữ nguyên cầu thang sắt để đi lên phần đỉnh nhưng đã hoen rỉ, xuống cấp.
Một tháp nước lớn khác nằm tại Xí nghiệp Truyền dẫn nước sạch (quận 3) và là công trình cao nhất trong khu vực.
Được xây dựng từ trước năm 1975, những thủy đài tại TPHCM mang nhiệm vụ chứa nước và điều tiết áp lực nước sinh hoạt cho từng cụm dân cư lớn. Với khối lượng chứa của mỗi thủy đài từ 1.200m3 đến 8.500m3 theo thiết kế, nguồn nước cung cấp cho người dân được đảm bảo, ngay cả khi các thủy đài không sử dụng điện.
Tại ngã tư Lê Đại Hành - đường 3 tháng 2 (quận 11), một tháp nước lớn khác nằm lọt thỏm giữa khu dân cư nhộn nhịp. Người dân sinh sống tại khu vực cho biết, tháp nước này nằm tại đây từ trước khi cụm dân cư đông đúc xung quanh được hình thành.
Tháp nước nằm trong khuôn viên Nhà văn hóa quận 5. Lối vào duy nhất để kiểm tra, quan sát những hạng mục bên trong tháp nước là hệ thống cầu thang sắt dẫn từ mặt đất lên phía trên đỉnh.
Trải qua hơn 60 năm kể từ khi được dựng lên, phần mái của thủy đài vẫn giữ được vẻ chắc chắn, chưa có dấu hiệu xuống cấp. Tuy nhiên, hệ thống cầu thang đã hư hỏng, rỉ sét sau quãng thời gian dài phơi sương dầm nắng, không được duy tu.
Ông Lê Minh Đức (70 tuổi, sống tại chung cư Viễn Đông, quận 5) cho biết, sau năm 1975 gia đình chú về đây ở thì chiếc thủy đài đã tồn tại. Theo lời những người thế hệ trước, thủy đài được dựng lên nhằm cung cấp nước cho tòa chung cư cùng những khu vực lân cận.
Tuy nhiên, sau khi hoàn tất xây dựng và bắt đầu vận hành, tháp nước có hiện tượng rò rỉ. Việc khắc phục kéo dài đến năm 1975 vẫn chưa hoàn thành nên tháp nước bị bỏ hoang.
"Tháp nước đã xuống cấp, có thể gây nguy hiểm cho người dân. Tôi hy vọng cơ quan chức năng sẽ thực hiện bảo trì, tu sửa hay tốt hơn hết là phá bỏ để có đất làm việc khác", ông Đức chia sẻ.
Cách đó không xa, tháp nước nằm trên đường Phạm Phú Thứ (quận 6) trở thành khu tập kết rác giữa những tòa nhà cũ. Ngay tại chân tháp nước, những ngôi nhà lợp tạm của các hộ dân dựng lên lấy thành của công trình làm điểm tựa.
Mỗi buổi chiều, khu vực chân tháp là nơi sinh hoạt chung của người lao động sinh sống gần đó, khoảng sân rộng được tận dụng làm sân chơi bóng truyền và ném bi sắt.
Ông Trần Minh Hiếu (53 tuổi) cho biết, kể từ khi ông còn nhỏ, tháp nước đã nằm ở đó. Trước khi khu dân cư hình thành, quanh tháp nước chỉ là những bãi đất, ruộng rau. Người đàn ông đứng tuổi cho rằng, thay vì tháo dỡ, nhà chức trách có thể cân nhắc việc cải tạo, tu sửa để có thể biến những trụ nước thành điểm tham quan, vui chơi hay một di tích cho thế hệ trẻ tìm đến.
"Chúng tôi hay gọi đây là bồn nước Bình Tiên. Khi còn nhỏ, mấy anh em vẫn hẹn nhau tới đây chơi ném bi, bóng chuyền mỗi buổi chiều, đến khi già rồi vẫn hẹn nhau tới. Tháp nước này đối với chúng tôi là cả một kho kỷ niệm", ông Hiếu kể lại.
Ngoài 7 tháp nước lớn hình nấm khổng lồ, TPHCM còn tồn tại 6 thủy đài nhỏ, sức chứa 50m3 - 150m3. Những thủy đài cỡ nhỏ được xây dựng với mục đích ban đầu là phục vụ nguồn nước cho khu chung cư với số hộ dân thấp.
Trong hình là tháp nước ở chung cư Ngô Gia Tự (quận 10).
Thời điểm hiện tại, các thủy đài đều nằm trong tình trạng bỏ hoang không sử dụng. Có chiếc nằm trong công ty, xí nghiệp, có chiếc nằm trơ trọi giữa khu dân cư.
Với kết cấu bê tông cốt thép, phần móng dày, rộng gấp nhiều lần diện tích mặt tháp, việc phá bỏ những công trình này cũng không dễ dàng. Nhất là khi, những cụm dân cư, công trình đã hình thành, bao quanh các thủy đài, việc tháo dỡ sẽ ảnh hưởng đến khu vực lân cận.
Những tháp nước cũ này trải qua nửa thế kỷ tồn tại ít nhiều chứa đựng những tình cảm gần gũi, là hình ảnh thân thuộc với người dân TPHCM.