Những cây cầu "đen" ở TPHCM
(Dân trí) - Đen sì vết lửa cháy, rác ngổn ngang, bị chiếm dụng làm nơi chất chứa đủ loại đồ đạc là dấu hiệu bị xâm hại mà nhiều cầu đường bộ ở TPHCM đang gặp phải.
Nhiều năm nay, mảng tường bị cháy sém xuất hiện dạ cầu Tham Lương phía quận 12 là vết tích của đám lửa lớn từ việc người dân đốt rác, đúng với cách gọi "cây cầu đen". Hiện trạng người dân đốt rác ngay dưới cầu còn xảy ra ở không ít cầu đường bộ khác trong thành phố, từ đầu năm nay đã có hai vụ đốt rác dưới dạ cầu Rạch Lăng 1 và đường dân sinh cầu Thị Nghè 2 (quận Bình Thạnh) gây cháy lớn mất an toàn cho công trình.
"Chân cầu, dạ cầu là góc khuất, vừa khuất tầm nhìn nên người ta lén vứt rác ở đây rất nhiều, lại vừa khuất gió nên thỉnh thoảng sẽ có người đốt hủy rác luôn tại chỗ", một người dân sống gần chân cầu Tham Lương cho hay.
Cầu Tham Lương (nối 3 quận 12, Tân Bình và Tân Phú) cũng là một "điểm đen" về ô nhiễm. Mỗi ngày, người dân lưu thông qua cầu như đi qua một "bãi rác". Theo phản ánh của người dân, đủ thứ rác đến từ người đi đường tiện tay ném xuống, từ người dân xung quanh lén vứt. Đồng thời, do có vỉa hè rộng, nhiều xe hàng rong thường tụ tập buôn bán cũng góp phần thải ra không ít rác.
Cũng với lý do tận dụng góc khuất và là nơi ít xe cộ qua lại, cầu Chợ Cầu tại địa bàn quận 12 nối quận Gò Vấp nghiễm nhiên trở thành địa điểm tiểu thương tự phát tụ tập buôn bán dù đã có biển cấm.
"Người ta buôn bán xong ngày nào cũng để lại một đống rác. Chưa kể phần đường bên dưới cầu bị chợ tự phát chiếm dụng, xe cộ đi lại khó khăn, ô dù che chắn làm khuất tầm nhìn xe chạy và biển báo giao thông gây mất an toàn", anh Quốc Dũng (ngụ đường Đông Hưng Thuận, quận 12) phản ánh.
Tình trạng họp chợ tự phát chiếm dụng không gian cầu đường bộ cũng xảy ra ở cầu Long Vân Tự (quận Bình Thạnh) vốn đã hẹp. Hơn nữa, theo ghi nhận của phóng viên, tiểu thương buôn bán xả nước thải và rác ngay xuống con rạch bên dưới, là một trong các nguyên nhân gây ô nhiễm bốc mùi hôi thối.
Gầm cầu vượt Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) bị chiếm dụng làm kho chứa đồ cho một cơ sở sản xuất đồ gỗ cạnh đó.
Ngay trung tâm thành phố, dưới gầm cầu Ông Lãnh (nối quận 1 và quận 4) cũng gặp hoàn cảnh tương tự.
Không chỉ bị rác bủa vây và người dân chiếm dụng, các cây cầu đường bộ còn mang trên mình mối nguy hiểm từ hệ thống hạ tầng kỹ thuật (điện, thoát nước, chiếu sáng, cáp quang...). Trong ảnh là búi dây điện rối tung vắt vẻo lỏng lẻo từ bên đường lên thân cầu Ông Lãnh phía quận 1.
Vào ngày 21/2, sự cố cháy hệ thống điện lắp đặt trên hệ lan can cầu Điện Biên Phủ 1 đã gây hư hỏng một số khung lan can cầu, ảnh hưởng đến chất lượng kết cấu, an toàn công trình. Trước đó không lâu, dưới gầm cầu Bình Triệu 1 (quận Bình Thạnh) cũng bị cháy do chập điện.
Hiện nay, các hạng mục hạ tầng kỹ thuật còn lộ nhiều hạn chế trên các cầu đường bộ trong thành phố. Trên cầu Bình Phước 1 (TP Thủ Đức), dây cáp viễn thông được đính không chắc chắn bên cạnh ống dẫn các hạ tầng điện, nước, tất cả lộ thiên.
Thậm chí rác bị chèn vào giữa các ống cáp, tăng nguy cơ cháy nổ, hư hỏng hạ tầng kỹ thuật.
Trước những thực trạng trên, vào đầu tháng 5/2023, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã đề nghị UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức phối hợp tăng cường công tác bảo vệ công trình trên địa bàn; đồng thời đưa ra yêu cầu để đảm bảo an toàn, hạn chế để xảy ra sự cố và thiệt hại tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, nhất là đối với các cầu lớn, hầm đường bộ.