DMagazine

Những cánh đồng không dấu chân người ở miền Tây

(Dân trí) - Trồng lúa ở một số vùng ĐBSCL đang được cơ giới hóa 100%, từ làm đất, bón phân, xuống giống, phun thuốc, thu hoạch.

Những cánh đồng không dấu chân người ở miền Tây

(Dân trí) - Trồng lúa ở một số vùng ĐBSCL đang được cơ giới hóa 100%, từ khâu làm đất, bón phân, xuống giống, tưới tiêu, phun thuốc, thu hoạch. Việc tính toán lượng giống, phân, thuốc, nước đều do máy tính làm. Canh tác trên những cánh đồng thẳng cánh cò bay, các công đoạn chăm sóc lúa đều được nông dân thực hiện trên smartphone.

***

11h ngày cuối tháng 2, giữa lúc mặt trời đứng bóng, anh nông dân Nguyễn Văn Đồng - xã viên HTX Mỹ Đông 2 (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng được ông ví von hiện đại bậc nhất Việt Nam - bằng xe hơi 4 chỗ - trên cung đường nội đồng thẳng tắp, lúa "mượt như nhung".

"Lâu lắm rồi xã viên không còn phải dầm mưa, đội nắng, còng lưng nhổ cỏ, cấy lúa. Chính tôi ngày trước, thời điểm này phải vác bình thuốc đi xịt, nhưng giờ xịt thuốc cũng bằng máy bay không người lái rồi, vừa nhanh, hiệu quả, tiết kiệm mà lại an toàn" - anh Đồng nói trong vui mừng, khi lái chiếc xe hơi chạy qua nhiều đoạn đường bao quanh cánh đồng rộng lớn gần 200ha.

Người nông dân này kể, gần đây máy bay không người lái kiêm luôn việc sạ giống, rải phân, vừa đều - vừa tiết kiệm. "Chủ ruộng chỉ cần ra đồng vào ngày thu hoạch để thống kê sản lượng lúa là được. Mần ruộng giờ sướng thật", ông Đồng thốt lên.

Những cánh đồng không dấu chân người ở miền Tây - 1

Ảnh: Nguyễn Hành.

Thăm đồng bằng smartphone, bón phân, sạ lúa bằng máy bay

Từ gần 10 năm nay, những xã viên của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (HTX Mỹ Đông 2, Tháp Mười, Đồng Tháp) nổi tiếng với biệt danh "những nông dân sung sướng". Họ làm ruộng nhưng chẳng khi nào chân lấm tay bùn, mà thay vào đó tận dụng tối đa thiết bị thông minh.

Nói về việc cơ giới hóa trong nông nghiệp, giám đốc HTX Mỹ Đông 2 - Lê Văn Nguyện, kể nhờ có máy móc tính toán nên chi phí đầu vào của bà con giảm được khoảng 30% mà sản lượng lúa vẫn đạt cao, canh tác vừa khỏe vừa hiệu quả. Mỗi ha ruộng giờ đây nông dân lãi thêm 10 - 15 triệu đồng/năm so với trước.

Những cánh đồng không dấu chân người ở miền Tây (Clip: Bảo Kỳ).

HTX thành lập năm 2014 với 108 xã viên, canh tác trên diện tích 575ha đất lúa, vận hành theo hướng hiện đại, khi gần 90% đất canh tác được xây dựng mã vùng trồng và liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

HTX Mỹ Đông 2 cũng được UBND tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ đầu tư đường nội đồng, hệ thống thủy lợi, trạm bơm nước biến tần… với tổng kinh phí 36 tỷ đồng. Kể từ khi thành lập, HTX Mỹ Đông 2 đã hợp tác với một công ty công nghệ ở Trà Vinh, trang bị các thiết bị quan trắc, theo dõi tình trạng phát triển của lúa, chế độ nước, côn trùng, sâu bệnh… trên toàn bộ diện tích. 

Những cánh đồng không dấu chân người ở miền Tây - 2

Mạng lưới giám sát sâu rầy thông minh ở cảnh đồng huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Trong quá trình sản xuất, từ khâu làm đất, bón phân, xuống giống, tưới tiêu, phun thuốc, thu hoạch đều được cơ giới hóa 100%. Việc tính toán lượng giống, phân, thuốc, nước tưới đều được thực hiện bằng máy tính dựa trên các chỉ số quan trắc.

Những xã viên HTX dù canh tác trên cánh đồng rộng lớn nhưng chẳng cần ra khỏi nhà, mọi thao tác chăm sóc lúa đều có thể thực hiện trên điện thoại.

Nói về mô hình trồng lúa thông minh của HTX Mỹ Đông 2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện, chia sẻ: "Cơ giới hóa và số hóa thay đổi bộ mặt nông nghiệp, hoạt động canh tác trở nên hiện đại, tiết kiệm chi phí, lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiệu quả canh tác được nâng cao rõ rệt khi lượng phân thuốc được dùng hợp lý mà không lãng phí, hạt lúa làm ra sạch hơn, dễ bán hơn. Áp dụng công nghệ trong sản xuất đã giúp môi trường dần sạch hơn, hạn chế phát thải khí nhà kính. Bà con giảm tiếp xúc với phân thuốc, ít ra đồng cũng đảm bảo sức khỏe".

Về định hướng sắp tới, ông Thiện cho biết Đồng Tháp tạo điều kiện để những mô hình sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững như HTX Mỹ Đông 2 phát triển, hướng tới mục tiêu 1 triệu ha lúa chất lượng cao mà Bộ NN&PTNN đề ra. Tất cả các cơ quan, đơn vị liên quan sẽ phải nhập cuộc, chung tay giúp bà con đầu tư hạ tầng, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm giảm giá thành, tăng hiệu quả canh tác, đảm bảo người trồng lúa có thu nhập tương đương với một số ngành nghề khác để nông dân yên tâm gắn bó với ruộng đồng.

Những cánh đồng không dấu chân người ở miền Tây - 3

Lực lượng khoa học tham gia trực tiếp vào nông nghiệp

Cũng trong xu thế phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2020 tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng mô hình Cánh đồng thông minh ở huyện Châu Thành. Dự án được triển khai với sự phối hợp của nhiều bên, trong đó Trường Đại học Cần Thơ là đơn vị chuyển giao công nghệ.

Trong giai đoạn 1, mô hình được triển khai trên diện tích 523ha, đơn vị trực tiếp canh tác là HTX Phước An với 295 xã viên. Các giống lúa được chọn canh tác đều là lúa thơm đặc sản, chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGap. Cũng giống như cánh đồng hiện đại ở Đồng Tháp, cánh đồng ở Sóc Trăng cũng được cơ giới hóa và áp dụng công nghệ 100% trong mọi khâu canh tác, mọi thửa ruộng đều có mã QR quản lý riêng.

Trước nguy cơ xâm nhập mặn, cánh đồng của HTX đã lắp những thiết bị quan trắc ở các cửa cống, máy tính sẽ tự động đóng mở nước để tưới tiêu cho ruộng lúa dựa trên các chỉ số môi trường.

Với việc áp dụng công nghệ vào quá trình canh tác, gia đình xã viên Lâm Phương Tùng đã giảm được hơn 50kg giống cho mỗi ha đất, giảm khoảng một nửa chi phí bơm nước, tiết kiệm được tiền phân thuốc. Quá trình thu hoạch được cơ giới hóa cũng hạn chế rất nhiều lúa thất thoát do rơi rụng.

Những cánh đồng không dấu chân người ở miền Tây - 4
Những cánh đồng không dấu chân người ở miền Tây - 5

"Chi phí giảm, thu nhập cao hơn. Nhờ cánh đồng thông minh mà đời sống bà con chúng tôi đã khá hơn nhiều", ông Tùng chia sẻ.

Ông Võ Minh Luân, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, đánh giá mô hình canh tác thông minh giúp nông dân thích ứng tốt với điều kiện tự nhiên, khắc phục những tồn tại, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp truyền thống. Với những thành công rõ rệt, sắp tới huyện Châu Thành đã có kế hoạch nhân rộng mô hình Cánh đồng thông minh với diện tích 3.500ha và sự tham gia của hơn 6.400 nông hộ.

"Canh tác với mô hình mới, lợi nhuận của nông dân có thể tăng đến 40%. Những năm qua, sản lượng lúa trung bình đạt từ 6,2 - 6,5 tấn/ha ở vụ Đông - Xuân và đạt từ 5,5 - 5,8 tấn/ha ở vụ Hè - Thu. Mỗi ha một năm nhà nông thu lợi nhuận khoảng trên 21 triệu đồng, cao hơn khoảng 4 triệu đồng so với cách canh tác truyền thống", ông Luân chia sẻ.

Ông Trương Quốc Điền, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành khẳng định: "Mô hình cánh đồng thông minh là bước tiến lớn của ngành nông nghiệp địa phương. Hiện nay bà con tham gia mô hình đã tự sản xuất được giống, hiệu quả lại càng cao hơn nữa".

Những cánh đồng không dấu chân người ở miền Tây - 6

Nội dung: Nguyễn Hành - Bảo Kỳ - Cao Xuân Lương

Ảnh: Bảo Kỳ - Nguyễn Hành

Bài 2: Bán gạo thời không lo ép giá, nông dân được mời trồng lúa bán cho Mỹ, châu Âu