Giống lúa đạt giải gạo ngon nhất thế giới được cấp bằng bảo hộ
(Dân trí) - Tin từ Sở NN&PTNT Sóc Trăng cho biết, giống lúa ST25- giống lúa vừa đạt giải nhất tại hội thi gạo ngon nhất thế giới năm 2019- vừa được Cục Trồng trọt quyết định cấp bằng bảo hộ.
Theo đó, bằng bảo hộ có giá trị 20 năm và nhóm tác giả (kỹ sư Hồ Quang Cua cùng các công sự là tiến sĩ Trần Tấn Phương và thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương) được hưởng quyền, nghĩa vụ theo Luật Sở hữu trí tuệ.
Ông Lương Minh Quyết - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, kỹ sư Hồ Quang Cua cùng các cộng sự đang tập trung tạo ra giống siêu nguyên chủng, sau đó là nguyên chủng rồi mới cho ra giống xác nhận (giống hàng hóa) để trồng với diện tích 10.000 ha trong vụ đông xuân 2020-2021 và cho sản lượng 60.000 tấn lúa ST25 vụ đông xuân, sản xuất được 30.000 tấn gạo.
Như Dân trí đã thông tin, cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019” tổ chức trong khuôn khổ hội nghị Thương mại Gạo Thế giới lần thứ 11 tại Philippines từ ngày 10 - 13/11/2019, với sự tham gia của hơn 20 doanh nghiệp kinh doanh gạo quốc tế, Việt Nam cùng hàng trăm nhà xuất nhập khẩu gạo lớn trên thế giới.
Kết quả, gạo ST25 do kỹ sư Hồ Quang Cua cùng các cộng sự lai tạo đã xuất sắc vượt qua gạo Thái Lan, giành giải Nhất cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới 2019”.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện cho biết, trước nhu cầu thị trường gạo chất lượng cao ngày càng tăng và cùng xu thế sản xuất theo nhu cầu khách hàng, Sóc Trăng đã xây dựng đề án Phát triển sản xuất lúa đặc sản, gồm 2 giai đoạn từ 2012 đến 2020.
Với mục tiêu đạt được trên 800.000 tấn lúa thơm, lúa đặc sản/năm cũng như xây dựng các vùng sản xuất lúa đặc sản, phát triển ổn định, bền vững, ứng dụng đồng thời tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá trị, cung ứng cho thị trường trong nước và thế giới.
Năm 2019, diện tích lúa đặc sản đạt 176.967 ha, sản lượng lúa đặc sản ước đạt 1 triệu tấn.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng Lương Minh Quyết, dự kiến trong năm 2020 diện tích lúa đặc sản của tỉnh sẽ đạt 178.000 ha, sản lượng trên 1,08 triệu tấn.
Tới đây, ngoài việc tăng diện tích sản xuất lúa đặc sản, ngành nông nghiệp còn triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị hạt gạo thơm Sóc Trăng cũng như xây dựng các vùng sản xuất lúa đặc sản, bằng cách mở rộng mạng lưới sản xuất lúa giống xác nhận, hỗ trợ tập huấn sản xuất giống, triển khai các mô hình trình diễn giống, hội thảo đánh giá giống.
Cao Xuân Lương