DNews

Nhìn lại 79 năm lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam

Ngọc Tân

(Dân trí) - Không chỉ có thành tích chiến đấu vẻ vang, Quân đội nhân dân Việt Nam những năm qua đã chứng tỏ vai trò quan trọng trước những tình huống khó khăn của đất nước.

Nhìn lại 79 năm lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam

Ngày 22/12, Quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm 79 năm ngày thành lập. 

Từ 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Quân đội nhân dân Việt Nam đã trải qua nhiều dấu mốc lịch sử và vẫn đang khẳng định vai trò với đất nước trong thời đại mới.

Tên gọi qua các thời kỳ

Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng), theo quyết định của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập với 34 chiến sĩ, biên chế thành 3 tiểu đội.

Chỉ huy trực tiếp là đồng chí Võ Nguyên Giáp. Đây là tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Nhìn lại 79 năm lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam - 1

Ảnh tư liệu về Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Người đội mũ đứng trước hàng quân là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tháng 4/1945, Trung ương Đảng quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang gồm Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu Quốc quân và các tổ chức vũ trang khác để thành lập Việt Nam Giải phóng quân. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng giao cương vị Tư lệnh các lực lượng vũ trang.

Trong 4 tháng tiếp theo, Việt Nam Giải phóng quân là lực lượng nòng cốt, hỗ trợ quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền, làm nên Cách mạng tháng Tám lịch sử với kết quả là sự ra đời của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam Giải phóng quân được đổi tên thành Vệ Quốc đoàn. Năm 1946, Vệ Quốc đoàn đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam và đến năm 1950 chính thức lấy tên là Quân đội nhân dân Việt Nam (tên gọi duy trì đến ngày nay).

Đội quân chiến thắng đế quốc

Trong thế kỷ 20, hai cuộc kháng chiến gian khổ của nhân dân Việt Nam chống lại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ được kết thúc trên bàn đàm phán với Hiệp định Geneva năm 1954 và Hiệp định Paris năm 1973.

Tuy nhiên, trên thực địa, nó kết thúc nhờ những chiến thắng quân sự mang tính quyết định của Quân đội nhân dân Việt Nam, với chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), Điện Biên Phủ trên không (1972) và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975).

Nhìn lại 79 năm lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam - 2

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 dẫn tới việc chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương.

Sau khi thống nhất đất nước, Quân đội tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và thực hiện các nhiệm vụ giữ gìn chủ quyền quốc gia trên biển.

Trong lịch sử 79 năm xây dựng và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Quân công hạng nhất. Hơn 3.700 đơn vị và gần 1.300 cá nhân của quân đội được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

Từ sau Đổi Mới, cùng với quá trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam với thế giới, Quân đội nhân dân Việt Nam đã có bước chuyển mình theo hướng chính quy, tinh nhuệ và hiện đại hơn.

Nhìn lại 79 năm lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam - 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang thăm Triển lãm quốc phòng Việt Nam 2022 (Ảnh: Hữu Nghị).

Năm 1986, Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là Đại tướng Lê Đức Anh đã chủ trương giảm số lượng quân nhân thường trực, từ đó giảm bớt chi phí quốc phòng. Đổi lại, chủ trương phát triển "thế trận quốc phòng toàn dân" gắn với "thế trận an ninh nhân dân" được đề cao.

Năm 1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định lấy Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) là Ngày hội Quốc phòng toàn dân để khẳng định quan điểm toàn dân tham gia xây dựng, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, trong đó lực lượng vũ trang làm nòng cốt.

Với yêu cầu giảm quân số nhưng sức mạnh chiến đấu không giảm mà càng được tăng cường, Quân đội nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn hiện đại hóa từng bước. Trong đó, nhiều quân binh chủng được đầu tư "tiến thẳng lên hiện đại" gồm Hải quân, Phòng không - Không quân, Thông tin liên lạc, Tác chiến điện tử, Trinh sát kỹ thuật và Cảnh sát biển.

Nhìn lại 79 năm lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam - 4

Khoảnh khắc ấn tượng của biên đội máy bay Su30-MK2 của Không quân Việt Nam (Ảnh: Tiến Tuấn).

Quân đội nhân dân Việt Nam từng bước xây dựng nền công nghiệp quốc phòng với hàng loạt sản phẩm vũ khí "made in Vietnam". Việc hợp tác, mua sắm khí tài từ nước ngoài cũng giúp quân đội bổ sung những vũ khí hiện đại như tàu ngầm, xe tăng, tên lửa phòng không, máy bay chiến đấu...

Ngoài nhiệm vụ chiến đấu, Quân đội cũng tham gia mạnh mẽ vào vai trò sản xuất, phát triển kinh tế và thực hiện các nhiệm vụ công tác đặc thù. Điển hình là việc ra đời của các tập đoàn, doanh nghiệp quốc phòng lớn trên thị trường như Viettel, Ngân hàng Quân đội, các tổng công ty xây dựng...

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, quan điểm bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa" được Đảng và Chính phủ xác định, dẫn tới việc thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam để thực hiện các nhiệm vụ quốc tế do Liên Hợp Quốc điều phối.

Nhìn lại 79 năm lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam - 5

Lính "mũ nồi xanh" Việt Nam làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Châu Phi (Ảnh: PKO).

Gần 10 năm qua, cộng đồng quốc tế đã biết đến và trân trọng vai trò gìn giữ hòa bình của Việt Nam. Từ chỗ gửi 1-2 sĩ quan độc lập sang làm việc, hiện nay Việt Nam có một đội công binh 184 người, một bệnh viện dã chiến 63 người ở nước ngoài. 

Đầu năm 2023, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò, trách nhiệm với bạn bè quốc tế khi cử 76 quân nhân sang Thổ Nhĩ Kỳ để giúp nước bạn tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả của trận động đất lịch sử. 

Những hy sinh trong thời bình

Trong giai đoạn 2020-2021, vai trò nòng cốt của Quân đội nhân dân Việt Nam được thể hiện sâu sắc qua 2 tình huống là mưa lũ lịch sử ở miền Trung và đại dịch Covid-19. 

Năm 2020 được coi là năm gian khổ, hy sinh nhiều nhất của những người lính thời bình. Quân đội mất 2 vị tướng (Thiếu tướng Nguyễn Văn Man và Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng) cùng 11 sĩ quan, quân nhân vì sạt lở đất trong cuộc giải cứu ở Rào Trăng. 

Ít ngày sau, 22 cán bộ chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 cũng hy sinh vì sạt lở đất khi đang đóng quân tại địa bàn nguy hiểm, giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. 

Nhìn lại 79 năm lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam - 6

Người lính QĐNDVN trong tâm dịch Covid-19 tại TPCHM năm 2021 (Ảnh: Ngọc Tân).

Nhiều người vẫn chưa quên hình ảnh Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang nghẹn ngào thông báo về vụ sạt lở đất vùi lấp 22 quân nhân của Đoàn 337, ông "xin phép để điện thoại ở chế độ có chuông, vì đang phải chỉ huy quân đội".

Bước sang năm 2021, đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 với tâm dịch lớn nhất tại TPHCM. Phát huy truyền thống Bộ đội cụ Hồ, những bác sĩ quân y lại lao vào tâm dịch với nhiệm vụ kéo giảm số ca tử vong đang tăng phi mã.

Trong những năm tháng hòa bình, mặt báo vẫn xuất hiện những bản tin về thiếu tá quân đội hy sinh khi cứu người đuối nước, phi công tiêm kích hy sinh khi cố đưa máy bay gặp sự cố ra khỏi khu dân cư, chiến sĩ công binh hy sinh khi rà phá bom mìn sót lại từ thời chiến...

Sau 79 năm xây dựng và trưởng thành, những người lính Bộ đội Cụ Hồ vẫn đang hàng ngày cống hiến để xứng đáng với lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Quân đội ta là quân đội của nhân dân, do dân đẻ ra, vì dân mà chiến đấu"

Nhìn lại 79 năm lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam - 7

Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang thắp hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân 79 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (Ảnh: BQP).