DNews

Nguồn lực TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu trước thềm hợp nhất

Q.Huy

(Dân trí) - Trước hợp nhất, TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu có tốc độ tăng trưởng cao với nhiều dư địa. Việc hợp nhất sẽ mở ra không gian phát triển, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế từng địa phương.

Nguồn lực TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu trước thềm hợp nhất

Chính phủ vừa ban hành các Nghị quyết về hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã năm 2025, đồng thời thông qua hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 do Bộ Nội vụ trình. Theo phương án sắp xếp, TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ thực hiện hợp nhất để hình thành đơn vị hành chính mới là TPHCM. 

Trước ngày chính thức hợp nhất, TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, phát triển công nghiệp, dịch vụ năng động. Việc hợp nhất 3 địa phương được kỳ vọng mở rộng không gian phát triển, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của cả 3 địa phương để tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng.

Nguồn lực TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu trước thềm hợp nhất - 1

Việc hợp nhất TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu giúp mở rộng không gian phát triển, tận dụng tiềm năng của cả 3 tỉnh (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Bề dày lịch sử của 3 tỉnh, thành

TPHCM có tên gọi cũ là Sài Gòn, có lịch sử hình thành từ năm 1698, sau khi Chúa Nguyễn cử Thống soái Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược đất Phương Nam. Năm 1877, thành phố Sài Gòn chính thức được thành lập, từng bước mở rộng và sáp nhập thêm các vùng phụ cận như Chợ Lớn, vốn thuộc huyện Tân Long, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Đến năm 1931, hai vùng đất này hợp nhất thành khu Sài Gòn - Chợ Lớn, nhưng vẫn mang tên tỉnh Gia Định cho đến ngày 30/4/1975.

Sau ngày đất nước thống nhất, Sài Gòn được đổi tên thành TPHCM vào ngày 2/7/1976. Khi ấy, thành phố có 17 đơn vị hành chính cấp huyện (12 quận, 5 huyện) và tiếp tục trải qua nhiều lần điều chỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính. Trước thời điểm hợp nhất với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM có 22 đơn vị hành chính cấp huyện (bao gồm TP Thủ Đức) với 273 đơn vị hành chính cấp xã (210 phường, 58 xã, 5 thị trấn).

Nguồn lực TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu trước thềm hợp nhất - 2

Bản đồ không gian Đô thành Sài Gòn trước năm 1975 (Ảnh: F.D.).

Bình Dương vốn là tên một tổng thuộc huyện Tân Bình, phủ Gia Định trước đây. Đến năm 1808, khi huyện Tân Bình được đổi thành phủ, Bình Dương được nâng lên một trong bốn huyện của phủ này. Năm 1956, tỉnh Bình Dương được thiết lập, nhưng không trùng với địa bàn của huyện Bình Dương xưa kia. Đến năm 1997, tỉnh Bình Dương được tái lập, nhưng cũng không hoàn toàn là địa phận của tỉnh Bình Dương trước năm 1975.

Như vậy, trong lịch sử, Bình Dương là tên gọi của những đơn vị hành chính theo những cấp độ khác nhau (tổng, huyện, tỉnh) với những địa bàn lãnh thổ khác nhau. Vốn gắn liền với Gia Định, Đồng Nai xưa, tức là miền Đông Nam Bộ ngày nay, cư dân Bình Dương là một bộ phận cư dân miền Đông Nam Bộ, Bình Dương cũng là vùng đất được bao bọc bởi sông Đồng Nai và sông Sài Gòn.

Ngày 1/1/1997, tỉnh Bình Dương chính thức đi vào hoạt động gồm 4 đơn vị hành chính cấp huyện (thị xã Thủ Dầu Một và các huyện Tân Uyên, Bến Cát, Thuận An) với 77 xã, phường, thị trấn. Đến năm 1999, Chính phủ quyết định thành lập thêm huyện Dĩ An, huyện Dầu Tiếng, huyện Phú Giáo.

Nguồn lực TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu trước thềm hợp nhất - 3

Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương (Ảnh: Tỉnh Bình Dương).

Sau các lần điều chỉnh địa giới, đơn vị hành chính, tỉnh Bình Dương trước thời điểm hợp nhất có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 5 thành phố và 4 huyện với 91 đơn vị hành chính cấp xã (47 phường, 5 thị trấn, 39 xã).

Bà Rịa - Vũng Tàu có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, gắn liền với quá trình mở rộng bờ cõi về phương Nam của dân tộc Việt. Địa bàn tỉnh trước kia là đơn vị hành chính lớn, từng là một tổng thuộc huyện Phước Long, phủ Gia Định.

Trước ngày 30/4/1975, địa phận Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay từng nhiều lần chia tách, sáp nhập, đổi tên (tỉnh Bà Rịa, tỉnh Phước Tuy). Sau ngày đất nước thống nhất, tỉnh Phước Tuy được đổi tên lại thành tỉnh Bà Rịa. Đến năm 1976, tỉnh Bà Rịa được sáp nhập vào tỉnh Đồng Nai, thành phố Vũng Tàu cùng huyện Côn Đảo được sáp nhập vào TPHCM và thành lập huyện Côn Đảo thuộc TPHCM.

Năm 1991, Quốc hội khóa VIII đã quyết định chia tỉnh Đồng Nai, tái lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trên cơ sở các huyện Châu Thành, Long Đất, Xuyên Mộc, Côn Đảo và thành phố Vũng Tàu. Thị xã Bà Rịa (nay là thành phố Bà Rịa) được thành lập và trở thành trung tâm hành chính của tỉnh.

Từ thời điểm đó đến nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trải qua một số lần sắp xếp, điều chỉnh đơn vị hành chính. Trước thời điểm hợp nhất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 3 thành phố, 4 huyện với 77 đơn vị hành chính cấp xã (30 phường, 40 xã, 7 thị trấn).

Dư địa phát triển lớn 

Trước ngày hợp nhất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất trong số 3 tỉnh, thành. Tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) năm 2024 không tính dầu khí đạt 11,72%; giá trị sản xuất công nghiệp trừ dầu thô và khí đốt lũy kế cả năm tăng 13,18% so với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) - trừ dầu khí - lũy kế cả năm tăng 16,02%.

Các hoạt động dịch vụ của Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, phát triển công nghiệp, dịch vụ năng động nhất của cả nước. Với lợi thế bờ biển dài, trong đó có nhiều bãi tắm đẹp, tỉnh có điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ về cảng, dịch vụ hậu cần và du lịch.

Nguồn lực TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu trước thềm hợp nhất - 4

Tốc độ tăng trưởng GRDP của TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2024 (Biểu đồ: Q.Huy).

Bà Rịa - Vũng Tàu nằm ở vị trí rất đặc biệt, là cửa ngõ của các tỉnh miền Đông Nam Bộ hướng ra Biển Đông, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bằng quốc lộ 51, quốc lộ 55 và quốc lộ 56. Bà Rịa - Vũng Tàu còn có cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là một trong hai cảng biển loại đặc biệt của quốc gia, với có quy mô hiện đại, lớn nhất cả nước, có ý nghĩa chiến lược về đường hàng hải quốc tế, đầu mối tiếp cận với các nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới, là trung tâm trung chuyển hàng hóa giữa vùng Đông Nam Bộ với thế giới.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng là tiềm năng để tỉnh phát triển nhanh và toàn diện các ngành dầu khí, cảng và vận tải biển, công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất - chế biến hải sản và đặc biệt là ngành du lịch. Hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không và đường thủy được đầu tư phát triển đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để giao lưu, phát triển du lịch, thương mại và hợp tác.

Tỉnh Bình Dương là địa phương có tốc độ tăng trưởng cao thứ 2 trước thềm hợp nhất. GRDP của tỉnh Bình Dương năm 2024 tăng 7,48%. Năm 2024, tỉnh đã thu hút đầu tư trong nước với 77.131 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh, gồm 7.677 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới (48.477 tỷ đồng) và 1.400 doanh nghiệp bổ sung tăng vốn (37.933 tỷ đồng).

Thu hút đầu tư nước ngoài của Bình Dương đạt trên 2 tỷ USD, lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.372 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 42 tỷ USD.

Bình Dương là một tỉnh có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy rất quan trọng, nối liền giữa các vùng trong và ngoài tỉnh, là cửa ngõ giao thương với TPHCM, có các trục giao thông huyết mạch chạy qua như quốc lộ 13, 14, đường Hồ Chí Minh, đường Xuyên Á.

Nguồn lực TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu trước thềm hợp nhất - 5

Quốc lộ 13 là trục giao thông huyết mạch kết nối Bình Dương và TPHCM (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Bình Dương còn có liên tỉnh lộ 1A từ Thủ Dầu Một đi Phước Long (tỉnh Bình Phước), liên tỉnh lộ 13 từ Chơn Thành đi Đồng Phú, Dầu Tiếng, liên tỉnh lộ 16 từ Tân Uyên đi Phước Vĩnh, liên tỉnh lộ 14 từ Bến Cát đi Dầu Tiếng...

Hệ thống đường nối thành phố với các thị trấn và điểm dân cư trong tỉnh rất phát triển, đi lại thuận lợi. Giao thông đường thủy của Bình Dương có thể kết nối với các cảng lớn ở phía Nam và giao lưu hàng hóa với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

TPHCM có vị thế là trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt mức cao với 7,17%. Nền kinh tế của TPHCM tiếp tục duy trì đà phục hồi, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước trong năm 2024.

Tỷ trọng kinh tế số của TPHCM tiếp tục tăng theo các năm. Năm 2021, tỷ trọng kinh tế số của TPHCM chiếm 15,38%, năm 2022 là 18,66%, năm 2023 là 21,5%. Thành phố cũng là trung tâm thương mại điện tử lớn nhất cả nước, với tốc độ tăng trưởng bình quân 20% mỗi năm.

Nguồn lực TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu trước thềm hợp nhất - 6

TPHCM là địa phương có tỷ trọng kinh tế số tăng dần qua các năm (Ảnh: Nam Anh)

Suốt thời gian qua, TPHCM tiếp tục đẩy mạnh khoa học công nghệ vào phát triển công nghiệp, bốn ngành công nghiệp trọng yếu tiếp tục là động lực tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 ước tăng 7,3% so với cùng kỳ.

Năm 2024, số doanh nghiệp thành lập mới tại TPHCM là khoảng 52.500 đơn vị với số vốn đăng ký mới ước đạt 400.000 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2024 là khoảng 508.000 tỷ đồng, đạt 105,3% dự toán, tăng 13,3% so cùng kỳ. 

Sau khi sắp xếp, hợp nhất TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, đơn vị hành chính mới là TPHCM có đầy đủ tiềm năng, nguồn lực để xây dựng vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại. TPHCM mới được kỳ vọng trở thành trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ.

Nhân sự chủ chốt của siêu đô thị

Để chuẩn bị cho bộ khung nhân sự chủ chốt sau hợp nhất, Thành ủy TPHCM đã ban hành hướng dẫn khung tiêu chuẩn tạm thời và định hướng bố trí các chức danh lãnh đạo, quản lý khi sắp xếp bộ máy các phường, xã trên địa bàn. Trong đó, bí thư, chủ tịch UBND phường, xã mới không là người địa phương, cán bộ quản lý cấp huyện sẽ được bố trí làm nòng cốt tại xã, phường mới.

Việc bố trí bí thư đảng ủy xã, phường sẽ ưu tiên bí thư quận, huyện giữ chức vụ bí thư phường, xã trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Địa bàn có quy mô dân số, tổ chức đảng và đảng viên lớn, có vai trò là động lực phát triển kinh tế có thể phân công ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy hoặc ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM làm bí thư xã, phường.

Nguồn lực TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu trước thềm hợp nhất - 7

TPHCM có thể phân công ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy hoặc ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ thành phố làm bí thư xã, phường (Ảnh: Q.Huy).

Các chức vụ ưu tiên làm bí thư xã, phường gồm: Phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND cấp huyện; cấp phó các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Thành ủy TPHCM; cấp trưởng các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành thành phố và tương đương; các nguyên bí thư, phó bí thư chuyên trách các đảng bộ trực thuộc Thành ủy TPHCM trước khi sắp xếp.

Với ủy viên ban chấp hành đảng bộ phường, xã, thành phố ưu tiên ủy viên ban chấp hành đảng bộ cấp huyện, quan tâm đến người còn thời gian công tác 2 nhiệm kỳ (ít nhất từ 96 tháng); cấp phó các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp huyện, trưởng phòng, ban cấp huyện, trưởng các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, bí thư đảng ủy cấp xã hiện nay...

Theo đề án sắp xếp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và TPHCM vừa trình Chính phủ, bộ máy của TPHCM mới sẽ chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là ngày 15/9. Sau khi sắp xếp, TPHCM mới có 168 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 113 phường, 54 xã, 1 đặc khu.

Theo đề án, đại biểu HĐND TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu được hợp thành HĐND của đơn vị hành chính mới, tiếp tục hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ 2021-2026. TPHCM mới không bầu các chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND, UBND, Trưởng, Phó Đoàn Đại biểu Quốc hội, trưởng các ban HĐND và Ủy viên UBND.

Nguồn lực TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu trước thềm hợp nhất - 8

Đại biểu HĐND TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu được hợp thành HĐND của đơn vị hành chính mới (Ảnh: Q.Huy).

Trên cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng, căn cứ thông báo của cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ, thường trực HĐND cấp tỉnh sẽ chỉ định, bổ nhiệm nhân sự đảm nhiệm các chức danh có liên quan nêu trên. HĐND TPHCM mới sẽ có 4 ban như mô hình hiện nay.

Ngoài ra, thành phố sẽ điều động, bố trí công chức cấp huyện theo hướng dẫn của Trung ương giữ các vị trí chủ chốt tại các phòng thuộc đơn vị hành chính cấp xã mới thành lập. Trong trường hợp cần thiết, thành phố cũng tăng cường một số cán bộ lãnh đạo, quản lý sở, ban, ngành cấp tỉnh về cấp xã.

Sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, TPHCM mới tạm thời giữ ổn định số lượng biên chế, nhân sự đang có mặt tại các cơ quan, đơn vị để rà soát, sắp xếp, bố trí thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn. Trên cơ sở định hướng của Trung ương, TPHCM sẽ chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về lộ trình tinh giản biên chế công chức hành chính và giảm số lượng người làm việc để đảm bảo thực hiện đúng tỷ lệ giảm do Trung ương quy định.

Theo báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri về sáp nhập TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, người dân tại 3 địa phương đều đồng thuận cao với phương án sáp nhập 3 tỉnh, thành.

Trong đó, TPHCM có hơn 1,57 triệu cử tri tham gia lấy ý kiến (chiếm hơn 91%). Số cử tri đồng ý là hơn 1,53 triệu cử tri, đạt gần 89%; số cử tri không đồng ý là 28.624, chiếm tỷ lệ 1,66%; số cử tri có ý kiến khác là 707, chiếm tỷ lệ 0,04%.

Tỉnh Bình Dương có 326.897 cử tri tham gia lấy ý kiến (tỷ lệ 92,85%). Số cử tri đồng ý là 324.426, đạt tỷ lệ 92,15%; số cử tri không đồng ý là 2.356, chiếm tỷ lệ 0,67%; số cử tri có ý kiến khác là 112 (trong đó 3 phiếu không hợp lệ), chiếm tỷ lệ 0,003%.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 294.924 cử tri tham gia lấy ý kiến, đạt tỷ lệ 99,53%. Số cử tri đồng ý là 294.284, đạt tỷ lệ 99,32%; số cử tri không đồng ý là 605, chiếm tỷ lệ 0,2%; số cử tri có ý kiến khác là 3, chiếm tỷ lệ 0,01%.

Nguồn lực TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu trước thềm hợp nhất - 9