PhotoStory

Người đi bộ "đánh cược" tính mạng, vượt dải phân cách băng ngang đường

Thực hiện: Mạnh Quân

(Dân trí) - Tình trạng người đi bộ vượt dải phân cách băng ngang đường nườm nượp xe cộ diễn ra tràn lan trên dọc tuyến đường vành đai 2. Đây là hình ảnh phổ biến trên các tuyến đường, phố Thủ đô nhiều năm qua.

Người đi bộ đánh cược tính mạng, vượt dải phân cách băng ngang đường - 1

Đường vành đai 2 chính thức thông xe từ đầu năm 2023 với chiều dài hơn 5km, tuy nhiên lại không có cầu vượt bộ hành, lối đi dành cho người đi bộ bị hạn chế. Chỉ có 10 vị trí kẻ vạch sang đường nên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi người dân tự ý đi băng ngang đường.

Người đi bộ đánh cược tính mạng, vượt dải phân cách băng ngang đường - 2

Ghi nhận của phóng viên Dân trí tại khu vực lối lên/xuống đường vành đai 2 đoạn trên cao, hướng cầu Vĩnh Tuy đi Ngã Tư Sở, rất nhiều trường hợp người đi bộ băng qua đường mặc cho các phương tiện di chuyển với tốc độ cao.

Người đi bộ đánh cược tính mạng, vượt dải phân cách băng ngang đường - 3

Đường vành đai 2 trên cao được thiết kế với 4 làn xe chạy ở 2 chiều, tốc độ lưu thông tối đa 80km/h, đoạn cầu nhánh tốc độ 60km/h. Việc người dân đi cắt ngang đường ở khu vực này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Trong ảnh, nhiều học sinh đi tắt cắt ngang cầu dẫn lên đường trên cao, mặc cho dòng phương tiện ô tô di chuyển với tốc độ cao cắt ngang mặt.

Người đi bộ đánh cược tính mạng, vượt dải phân cách băng ngang đường - 4

Một phụ nữ đi bộ cắt ngang đường Minh Khai qua đường, xung quanh nườm nượp dòng phương tiện di chuyển.

Người đi bộ đánh cược tính mạng, vượt dải phân cách băng ngang đường - 5
Người đi bộ đánh cược tính mạng, vượt dải phân cách băng ngang đường - 6

Đoạn đường này có mật độ phương tiện cao, tốc độ di chuyển lên đường trên cao lớn, chung cư mọc xung quanh nhưng không có cầu vượt bộ hành hay vạch kẻ sang đường cho người đi bộ.

Người đi bộ đánh cược tính mạng, vượt dải phân cách băng ngang đường - 7

Đoạn đường từ chân cầu Vĩnh Tuy tới lối lên/xuống vành đai 2 trên cao dài khoảng 600m nhưng không có phần đường dành riêng cho người đi bộ.

Để sang được bên kia đường, người dân phải đi bộ khoảng 400m về phía chân cầu Vĩnh Tuy hoặc quay ngược lại hơn 200m theo hướng Minh Khai - Ngã Tư Sở để tìm vạch sang đường ở ngã tư có đèn tín hiệu giao thông.

Người đi bộ đánh cược tính mạng, vượt dải phân cách băng ngang đường - 8
Người đi bộ đánh cược tính mạng, vượt dải phân cách băng ngang đường - 9

Không khó để bắt gặp cảnh tượng người đi bộ bất chấp nguy hiểm tính mạng, hớt hải chạy băng qua đường, vượt qua dòng xe cộ đang di chuyển với tốc độ cao.

Vũ Hải Băng (sinh viên năm 3 trường Đại học Kinh tế Quốc dân) thường xuyên phải bắt xe buýt đi học trên đường Minh Khai (khu vực gần cầu Vĩnh Tuy) chia sẻ: "Em phải một quãng đường xa mới có thể sang đường để bắt xe, nhiều hôm sợ muộn em cũng chọn phương án băng qua đường cho nhanh".

Người đi bộ đánh cược tính mạng, vượt dải phân cách băng ngang đường - 10

Thậm chí có nhiều trường hợp bê cả xe đạp, xe máy vượt dải phân cách cứng tìm cho mình đoạn đường tắt để di chuyển.

Người đi bộ đánh cược tính mạng, vượt dải phân cách băng ngang đường - 11

Với nhiều người cao tuổi, biết là đi sai luật nhưng vẫn lựa chọn cách đi mạo hiểm tính mạng bản thân.

Bác Đặng Đình Tôn (sống tại 423 Minh Khai, Hai Bà Trưng) - người thường xuyên chứng kiến việc người dân đi bộ ngang qua lối lên/xuống đường vành đai 2 trên cao - chia sẻ: "Đây là việc rất nguy hiểm, người ta chọn đi tắt chứ không đi lên khu vực đèn đỏ để qua đường, tốc độ biển báo ghi rõ 80km mà vẫn rất nhiều người liều lĩnh băng ngang đường".

Người đi bộ đánh cược tính mạng, vượt dải phân cách băng ngang đường - 12

Bác Tôn cũng cho biết, trong thời gian qua đã có rất nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra với các trường hợp đi băng ngang như vậy. Mong muốn của bác cũng như nhiều người dân sinh sống nơi đây là xây dựng cầu vượt dành cho người đi bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại cấp thiết của người dân.

Người đi bộ đánh cược tính mạng, vượt dải phân cách băng ngang đường - 13

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở đoạn lối lên/xuống cầu Vĩnh Tuy khi người đi bộ muốn đi "tắt" để sang đường thay vì phải đi bộ một quãng đường dài.