DNews

Ngôi chợ trăm tuổi được lão ve chai gom tiền xây, tặng cho người Sài Gòn

Huy Hậu

(Dân trí) - Là ngôi chợ cổ lớn nhất nhì TPHCM, ít ai biết chợ Bình Tây (thường gọi Chợ Lớn) lại được một người ve chai gom tiền xây dựng và tặng cho Sài Gòn xưa.

Ngôi chợ trăm tuổi được lão ve chai gom tiền xây, tặng cho người Sài Gòn

Tháng 3, Sở Công thương TP.HCM đề nghị các sở, ngành góp ý cho đề án phát triển kinh tế đêm tại khu vực chợ Bình Tây (quận 6, TPHCM) vào cuối năm 2023.

Phố đêm Chợ Lớn dự kiến tổ chức từ 18h hằng ngày tại vỉa hè 4 tuyến đường: Nguyễn Hữu Thận, Tháp Mười, Lê Tấn Kế, Trần Bình với tổng diện tích 1.500 m2. Nơi đây có 8 khu chức năng, sẽ buôn bán các mặt hàng thời trang, đồ lưu niệm, món ăn đậm văn hóa người Hoa.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử với nhiều đợt trùng tu lớn, ngôi chợ lớn nhất nhì TPHCM này vẫn giữ nguyên nét văn hóa cổ kính như thuở ban đầu.

Ngôi chợ trăm tuổi được lão ve chai gom tiền xây, tặng cho người Sài Gòn - 1

Toàn cảnh khu chợ Bình Tây nhìn từ trên cao với 4 mặt tiền tiếp giáp 4 trục đường chính của quận 6, TPHCM (Ảnh: Hải Long).

Nguồn gốc người ve chai gom tiền xây chợ

Trong cuốn "Giai thoại về các tỷ phú Sài Gòn xưa" (NXB Văn Hóa 1998), tác giả Thượng Hồng biên soạn: Quách Đàm (1863-1927) vốn là người mồ côi, sống lang thang đầu đường xó chợ và sống bằng nghề mua ve chai.

Mặc dù cuộc sống bấp bênh, ông Đàm vẫn nuôi chí làm giàu. Vì vậy, vài năm sau khi có ít vốn, thay vì mua nhà, ông Đàm đã bắt đầu con đường "doanh nghiệp" của mình bằng cách mua bán các mặt hàng hiếm lạ như da trâu, vi cá… ra nước ngoài.

Ngôi chợ trăm tuổi được lão ve chai gom tiền xây, tặng cho người Sài Gòn - 2

Bức tượng ông Quách Đàm được đặt giữa chợ để tưởng nhớ công ơn (Ảnh: Huy Hậu).

Có được số vốn kha khá, ông Quách Đàm mướn căn mặt phố ở khu vực chợ Kim Biên ngày nay để chuyển sang kinh doanh nông sản, thực phẩm, đặc biệt là lúa gạo của các tỉnh miền Tây. Về sau, ông trở thành nhà cung cấp gạo lớn nhất nhì Sài Gòn - Chợ Lớn.

Khoảng năm 1920, chính quyền thành phố Sài Gòn nhận thấy ngôi chợ Lớn cũ (gần chân cầu Chà Và ngày nay) cũ và chật chội nên có ý định dời đi.

Biết tin đó, Quách Đàm đã hứa tặng một khu đất rộng ở khu vực Bình Tây, vốn là sở hữu của ông. Không những thế, ông còn cam đoan xây tặng cho một ngôi chợ mới, bề thế.

Mọi thiết kế, nhân lực, tiền của đã chuẩn bị xong thì năm 1927, Quách Đàm qua đời. Việc xây dựng được di dời sang năm 1928 và hoàn thành sau 2 năm.

Chợ được kiến trúc sư người Pháp thiết kế nhưng mang đậm văn hóa Á Đông. Mặc dù mang tên chợ Bình Tây nhưng hầu hết người dân đã quen gọi chợ Lớn mới. 

Ngoài ra, nhằm ghi nhớ công lao của ông Quách Đàm, giữa chợ người dân còn đặt bức tượng thờ ông. Đây là địa điểm mà người ta thường xuyên đến thắp hương, dâng lễ vật nhằm cầu mong được phù hộ cho việc làm ăn, buôn bán thuận lợi.

Ngôi chợ trăm tuổi được lão ve chai gom tiền xây, tặng cho người Sài Gòn - 3

Hình ảnh hiếm hoi về khu chợ Bình Tây xưa, nhìn chung không thay đổi về mặt kiến trúc (Ảnh: R.Mahoney).

3 đợt trùng tu lớn, vẫn giữ nguyên nét cổ kính

Đến nay, chợ Bình Tây đã trải qua 3 đợt trùng tu lớn. Lần thứ nhất là vào năm 1992, chợ được nâng cấp và sửa chữa toàn diện. Lần thứ hai là năm 2006, chợ tiếp tục xây dựng 2 dãy phố trên trục đường Trần Bình và Lê Tấn Kế bằng khung sắt, mái tôn.

Và lần cuối cũng là gần đây nhất vào tháng 11/2016, dự án sửa chữa toàn diện bên trong đã nâng cấp chợ, giúp tiểu thương mở rộng không gian buôn bán và thoáng đãng hơn.

Điều đặc biệt, mặc dù đã có nhiều cuộc trùng tu lớn, chợ vẫn giữ nguyên nét đẹp cổ kính như thuở ban đầu. Năm 2015, chợ Bình Tây chính thức được Trung tâm Bảo tồn Di tích (Sở Văn hóa, Thể thao TPHCM, Hội đồng Xét duyệt Di tích TPHCM) công nhận là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật tại TPHCM. 

Ngôi chợ trăm tuổi được lão ve chai gom tiền xây, tặng cho người Sài Gòn - 4

Chợ Bình Tây từng là nơi giao thương lớn nhất nhì thành phố (Ảnh: Doi Kuro).

Theo đó, kiến trúc chợ được xây dựng theo hình bát quái, gồm 12 cổng (cả cổng chính và cổng phụ). Mặt chính chợ có tháp vươn cao với 4 mặt đồng hồ, có "lưỡng long chầu châu", 4 góc có 4 chòi nhỏ. Toàn bộ mái chợ lợp bằng ngói âm dương theo kiểu chồng lớp lên nhau nhằm tạo sự thông thoáng.

Bên trong chợ Bình Tây, ngoài khu vực buôn bán còn có hoa viên rộng rãi để khách ngồi nghỉ ngơi và đền thờ ông Quách Đàm.

Bà L. (60 tuổi, tiểu thương 30 năm của chợ Bình Tây) chia sẻ: Năm 1990, sau khi từ bỏ công việc viên chức, bà đã sang nhượng một quầy trong chợ với giá 5 cây vàng. Từ đó đến nay nhiều lần sửa đổi giúp chợ không chỉ giữ nét cổ kính và hệ thống bên trong thì ngày càng chỉnh chu.

"Đến hiện nay thì chợ có 2 tầng sạch sẽ, mát mẻ hơn. Ngoài ra, nhằm thu hút khách du khách chợ luôn có đội ngũ bảo vệ, người giữ vệ sinh khiến cho chợ đẹp từ ngoài vào trong", bà L. nói thêm.

Ngôi chợ trăm tuổi được lão ve chai gom tiền xây, tặng cho người Sài Gòn - 5
Ngôi chợ trăm tuổi được lão ve chai gom tiền xây, tặng cho người Sài Gòn - 6
Ngôi chợ trăm tuổi được lão ve chai gom tiền xây, tặng cho người Sài Gòn - 7

Bên trong chợ vẫn còn giữ nguyên nét cổ kính đậm chất Á Đông như thuở ban đầu (Ảnh: Huy Hậu)

"Chợ Bình Tây là khu vực thích hợp nhất để phát triển kinh tế đêm TPHCM"

Về sự ra đời của chợ Bình Tây đối với đời sống nhân dân, Tiến sĩ, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho biết rất có ý nghĩa. Trong đó, giai thoại tặng chợ của ông Quách Đàm không chỉ là tấm gương khuyến khích các vị đại gia làm việc thiện, mà còn là công trình đậm văn hóa phương Đông.

Chính điều này, vị KTS cho biết chợ Bình Tây đang là khu vực thích hợp nhất TPHCM để phát triển kinh tế đêm. Theo đề án phát triển, khu vực này đang sở hữu nhiều điều kiện tốt, thậm chí là tốt hơn chợ Bến Thành.

Hiện tại, cấu trúc của chợ Bình Tây có thể triển khai phố đêm theo hình chữ U gồm khu vực đường sau lưng và hai bên hông, riêng trục đường chính Tháp Mười vẫn thông thoáng cho xe chạy. Ông Sơn cho hay, đây là điều thuận lợi hơn chợ Bến Thành, tuy cùng kết cấu chữ U nhưng không thể cấm xe ở 2 trục đường chính (đường Lê Thánh Tôn, đường Lê Lợi) nên gây sự chia cắt.

Ngôi chợ trăm tuổi được lão ve chai gom tiền xây, tặng cho người Sài Gòn - 8

Theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chợ Bình Tây là nơi thích hợp nhất TPHCM để phát triển kinh tế đêm (Ảnh: Huy Hậu).

Khi xây dựng phố đêm với cấu trúc này, vị KTS nhấn mạnh việc không chỉ chú trọng các sạp hàng, mà còn khuyến khích tiểu thương xung quanh chợ mở cửa nhằm đảm bảo thuận lợi vệ sinh, công trình ăn uống như một quần thể văn hóa. Đặc biệt, các tòa nhà phía trên nên chiếu sáng để tạo không khí nhộn nhịp, hấp dẫn.

"Trong tương lai từ cấu trúc chữ U bọc sau lưng chợ, chính quyền còn có thể mở ra con kênh nước sau khi đã xử lý ô nhiễm, từ đó mở rộng cảnh quan và sự hài hòa quần thể văn hóa" , KTS Ngô Viết Nam Sơn nói thêm.