PhotoStory

Ngày đêm ngăn hàng lậu "vượt biên" trong mùa nước nổi ở miền Tây

Thực hiện: Hữu Khoa - Vũ Thịnh

(Dân trí) - Mùa nước nổi tràn đồng cũng là lúc tuyến biên giới ở An Giang nhộn nhạo cảnh vận chuyển hàng lậu vào Việt Nam. Với thủ đoạn ngày càng tinh vi, lực lượng biên phòng phải ngày đêm tuần tra, canh giữ.

Ngày đêm ngăn hàng lậu vượt biên trong mùa nước nổi ở miền Tây - 1

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Hội (Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) thực hiện nhiệm vụ tuần tra chống buôn lậu trong mùa nước nổi dọc tuyến biên giới giáp với nước bạn Campuchia.

Căng mình chống buôn lậu mùa nước nổi ở miền Tây (Video: Vũ Thịnh).

Ngày đêm ngăn hàng lậu vượt biên trong mùa nước nổi ở miền Tây - 2

Chiến sĩ Chau My (binh nhất - Đồn Biên phòng Phú Hội) được đơn vị giao nhiệm vụ lái xuồng máy đưa tổ công tác đi tuần tra đoạn qua địa bàn ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Ngày đêm ngăn hàng lậu vượt biên trong mùa nước nổi ở miền Tây - 3

Hiện tuyến đường biên giữa Việt Nam và Campuchia mênh mông biển nước. Trong đêm tối, lực lượng chức năng thực hiện tuần tra, kiểm soát liên tục để kịp thời phát hiện các đối tượng buôn lậu trà trộn vào người dân đang đánh bắt thủy sản.

"Khó nhất là những hôm giông gió, mưa bão. Mặc dù đã trang bị áo phao nhưng trong quá trình làm nhiệm vụ chúng tôi luôn đề cao cảnh giác vì đêm tối sông nước mênh mông, nước lũ sâu đến 2 - 3m", Trung úy Hứa Hồng Sáng - Đội trưởng đội vũ trang Đồn Biên phòng Phú Hội - nói.

Ngày đêm ngăn hàng lậu vượt biên trong mùa nước nổi ở miền Tây - 4

4h sáng cũng là lúc nhiều ghe tàu đánh bắt cá của người dân từ các hướng khu vực biên giới Campuchia đổ về. Các chiến sĩ biên phòng căng mình quan sát, kiểm tra để không để lọt các đối tượng buôn lậu vượt chốt.

Ngày đêm ngăn hàng lậu vượt biên trong mùa nước nổi ở miền Tây - 5

Tùy thuộc vào quân số, thời tiết và nhiệm vụ đơn vị. Ngày nào đơn vị tổ chức huấn luyện sẽ chia thành nhiều tổ nhỏ, mỗi tổ 2 - 3 người. Đi tuần tra thì quân số 15 - 16 người.

Ngày đêm ngăn hàng lậu vượt biên trong mùa nước nổi ở miền Tây - 6

Quá trình tuần tra biên giới đơn vị luôn có kết hoạch, giao hẳn cho đội vũ trang làm chủ công trong đội tuần tra. Thời gian, địa điểm, quân số trang bị được trình lên đồn trưởng. Sau khi đồn trưởng phê duyệt thì đội tuần tra bố trí, phân công nhiệm vụ, làm công tác chuẩn bị.

Ngày đêm ngăn hàng lậu vượt biên trong mùa nước nổi ở miền Tây - 7

"Khi phát hiện các đối tượng buôn lậu chúng tôi sẽ tổ chức bao vây, đối tượng lọt vào vòng vây cũng không có cửa chống trả. Ngay từ khi bắt đầu mùa nước nổi, chúng tôi đi tuần tra bằng xuồng máy, ban chỉ huy đồn đã quán triệt rất kỹ về việc đảm bảo an toàn, tính mạng cán bộ, chiến sĩ là trên hết", Trung tá Phạm Văn Phong - Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Phú Hội - nói.

Ngày đêm ngăn hàng lậu vượt biên trong mùa nước nổi ở miền Tây - 8

Mùa nước các chiến sĩ chủ yếu đi tuần tra bằng xuồng máy dọc biên giới, mùa khô thì hành quân. Vào mùa khô, đường tuần tra không bằng phẳng, lúc thì bờ ruộng, lúc là kênh rạch và đầm lầy. Nhưng khi thực hiện nhiệm vụ các cán bộ, chiến sĩ luôn hoàn thành để quản lý tốt biên giới, để các đối tượng hoạt động buôn lậu không dám manh động.

Ngoài đội tuần tra còn có các tổ mật phục nằm ở các vị trí nhạy cảm. Mục đích lớn nhất là bảo vệ tính nguyên vẹn của hệ thống đường biên giới, thứ hai là bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân đang làm ăn, sản xuất trong khu vực biên giới.

Ngày đêm ngăn hàng lậu vượt biên trong mùa nước nổi ở miền Tây - 9

Trung tá Phạm Văn Phong - Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Phú Hội - cho biết: "Khi đến mùa nước nổi, đơn vị ngày nào cũng tổ chức tuần tra khép kín biên giới, các đối tượng buôn lậu trà trộn vào bà con làm ăn nên cường độ làm việc của anh em sẽ cao hơn, không để các đối tượng lợi dụng".

Ngày đêm ngăn hàng lậu vượt biên trong mùa nước nổi ở miền Tây - 10

Hiện tại đơn vị quản lý 5 cột mốc biên giới chính là 255, 256, 257, 258, 259 cùng 13 cột mốc phụ và 25 cộc dấu. Trước mùa nước nổi, đơn vị đã triển khai làm biển, cắm cọc ở các cộc dấu, mốc phụ để khi nước lên các cộc này sẽ không bị mất dấu. Trừ 5 mốc chính được xây dựng kiên cố và cao, đỉnh lũ cũng không thể ngập được.

Ngày đêm ngăn hàng lậu vượt biên trong mùa nước nổi ở miền Tây - 11

Một đến hai tuần đơn vị sẽ đến vệ sinh, lau chùi sạch sẽ. Còn mùa khô các mốc chính, mốc phụ bị cây cối, cỏ che khuất nên anh em phải tổ chức phát hoang.

Ngày đêm ngăn hàng lậu vượt biên trong mùa nước nổi ở miền Tây - 12

Khi vào mùa khô, các đối tượng buôn lậu chỉ có thể qua lại bằng đường mòn, lối mở thì giờ đây, khi nước lên đâu đâu cũng có thể trở thành con đường thuận lợi để qua lại biên giới nên các chiến sĩ phải liên tục tuần tra, kiểm soát dọc biên giới bằng xuồng máy.

Ngày đêm ngăn hàng lậu vượt biên trong mùa nước nổi ở miền Tây - 13

Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Hội kiểm tra các ghe tàu đang tập trung neo đậu mua bán thủy sản mùa nước nổi tại khu vực biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia.

Với đường biên giới dài gần 100km, tiếp giáp 2 tỉnh Kandal và Takeo (Vương quốc Campuchia), có 2 cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương và Tịnh Biên cùng nhiều tuyến đường tiểu ngạch, hàng trăm đường mòn qua lại biên giới..., những năm gần đây An Giang luôn là điểm nóng của tình trạng buôn lậu.

Ngày đêm ngăn hàng lậu vượt biên trong mùa nước nổi ở miền Tây - 14

Trước đó, Đồn Biên phòng Phú Hội đã bắt giữ nhiều đối tượng vận chuyển hàng lậu và hơn 40 vụ xuất nhập cảnh trái phép. Trong đó, bắt được 1 đối tượng vận chuyển 30kg cần sa khô từ Campuchia về Việt Nam.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang đã chủ động, tích cực thực hiện các nội dung, biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh với các loại tội phạm và đã đạt một số kết quả tiêu biểu như: Độc lập bắt, xử lý 5 vụ, 6 đối tượng tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy;  87 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trị giá hàng hóa trên 1,7 tỉ đồng; 141 vụ, 180 đối tượng xuất nhập cảnh trái phép. Trong đó: Khởi tố, điều tra 1 vụ, 4 đối tượng "Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép" và bàn giao lực lượng công an tiếp tục điều tra, xử lý.

Từ đó góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh An Giang.