Bấp bênh mùa nước nổi miền Tây
Trước đây, mỗi năm vào khoảng tháng 7 đến tháng 11 âm lịch, lượng mưa lớn cộng với nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về khu vực miền Tây tạo nên mùa nước nổi. Có những nơi, mực nước trên các cánh đồng vào mùa nước nổi sâu khoảng 2 đến 3 mét.
Mùa nước nổi khi đó trở thành một quy luật tự nhiên, nhiều cư dân miền Tây đã tận dụng để mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá tôm. Nước nổi cũng mang về cho đồng bằng sông Cửu Long lượng phù sa màu mỡ, nên các cánh đồng vùng Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười cho sản lượng lương thực cao nhất cả nước.
Không chỉ thế, mùa nước nổi còn là nét văn hóa đặc sắc, là dấu ấn đậm nét trong tâm thức của nhiều thế hệ lưu dân đất phương Nam từ thủa "mang gươm đi mở cõi".
Thế nhưng, vài năm trở lại đây, các quốc gia ở thượng nguồn đua nhau xây đập thủy điện trên dòng chính Mekong khiến cho lưu lượng nước đổ về đồng bằng sông Cửu Long trở nên thất thường.
Lưu lượng nước hàng năm đổ về hạ nguồn sông Mekong không còn tuân thủ hoàn toàn theo quy luật tự nhiên, mà nó chịu nhiều ảnh hưởng từ quá trình ngăn chặn hoặc xả đập thủy điện của các quốc gia thượng nguồn, chủ yếu là Trung Quốc. Mùa nước nổi cũng vì thế mà không còn xuất hiện ổn định như trước kia. Năm ngoái vào thời điểm này nước vẫn không tràn đồng, còn năm nay nước về nhiều đến mức ngập sâu.
Khi con nước không còn theo quy luật thiên nhiên, lượng cá tôm cũng không còn như trước mà giảm đi đáng kể. Những người làm nghề câu lưới ở miền Tây khó bám nghề, vì mùa nước nổi năm có năm không, nếu sắm sửa xuồng ghe câu lưới để chờ đợi đánh bắt chẳng khác nào phó thác cho chuyện may rủi.
Đa phần người dân làm nghề hạ bạc (chài lưới) ở miền Tây giờ đây không bám quê sống nổi, họ phải lên các khu công nghiệp, các thành phố lớn để tìm kế sinh nhai.
Nghịch lý là mặc dù con nước có năm về nhiều, có năm về ít, nhưng hễ vào cao điểm mùa mưa, nhiều khu vực ven sông Tiền và sông Hậu lại xảy ra tình trạng triều cường, ngập úng.
Những ngày qua, mực nước cao trên sông Tiền và sông Hậu tiếp tục đổ về phía hạ nguồn với lưu lượng lớn, cộng với mưa lũ đã gây ngập úng một số khu vực ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Bến Tre... Các chuyên gia dự báo trong những ngày tới, tình hình triều cường ở miền Tây vẫn diễn biến phức tạp.
Nguyên nhân được cho là hiện đa số các cánh đồng ở miền Tây đã bị bao đê khép kín để thâm canh tăng vụ. Nước không thể vào đồng được nên dâng cao trên các con sông, rồi tràn vào các khu đô thị. Tình trạng ngập úng do triều cường gây ra chỉ là hậu quả trước mắt. Rất nhiều mối nguy hại sẽ còn đến trong tương lai.
Nước đổ từ thượng nguồn về luôn mang theo lượng phù sa và trầm tích rất lớn, bồi đắp dưỡng chất cho đất đai khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ngăn cản nước vào đồng cũng là ngăn cản việc "tiếp tế" phù sa hàng năm cho đồng ruộng. Lượng phù sa này sẽ trôi tuột hết ra biển.
Sau vài năm, nhiều cánh đồng miền Tây sẽ cằn cỗi. Nếu muốn duy trì năng suất sản xuất nông nghiệp trên mảnh đất cằn cỗi ấy, người nông dân phải tăng cường sử dụng phân bón hóa học, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Đây là một quá trình vô hình trung "giết chết" những cánh đồng. Mai này, lúc chúng ta thức tỉnh và muốn cho nước vào đồng để khắc phục thì có thể nước phù sa không còn nữa.
Ngoài ra, các cánh đồng vào mùa nước nổi giống như những hồ trữ nước khổng lồ trong tự nhiên. Trước đây, khi lượng nước từ thượng nguồn Mekong đổ về nhiều cộng với lượng nước mưa dồi dào, hàng ngàn hecta đồng ruộng ở miền Tây sẽ trữ nước khoảng 3 đến 4 tháng, sau đó từ từ tháo ra khỏi các cánh đồng. Lượng nước này giúp đồng bằng sông Cửu Long không bị thiếu nước vào mùa khô.
Mặt khác, chính dòng chảy chậm rãi và bền bỉ của nó khiến cho nước mặn không có cơ hội xâm nhập sâu vào đất liền, kể cả trong mùa khô hạn. Ngày nay, chúng ta không cho nước vào đồng, nên nguồn nước ngọt khổng lồ trong mùa mưa đã ồ ạt đổ về biển. Thậm chí có những thời điểm nước tháo ra biển không kịp gây nên triều cường. Rồi đến mùa khô, lúc chúng ta cần nước nhất thì nước dự trữ không còn. Tình hình hạn hán và xâm nhập mặn sẽ ngày càng trầm trọng.
Nước là vấn đề sống còn của miền Tây Nam Bộ - khu vực có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, giữ sự ổn định cho dòng chảy tự nhiên của sông Mekong là điều cấp bách, dù biết không dễ dàng nhưng chúng ta cần tiếp tục thông qua cơ chế hợp tác trong Ủy hội sông Mekong (MRC) và nhiều cơ chế khác, đề nghị các quốc gia thượng nguồn sử dụng công bằng, hợp lý và bền vững tài nguyên nước.
Bên cạnh đó, các địa phương cần xem xét tận dụng tốt hơn nguồn nước ngọt bằng cách nghiên cứu xóa bỏ đê bao khép kín, cho các cánh đồng được nhận nước, trữ nước trong mùa mưa lũ. Đó là cách giúp tái tạo lượng phù sa cho đất, từng bước phục hồi nguồn thủy sản đồng thời gột rửa những chất độc hại do thuốc bảo vệ thực vật gây ra hàng năm.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quyết sách và giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Tây. Mới đây sau khi quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành, Thủ tướng đã chủ trì hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vào đây.
Theo đó, các cấp có thẩm quyền xác định quan điểm phát triển coi tài nguyên nước là cốt lõi; tôn trọng quy luật tự nhiên với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn… Các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long cần xây dựng mô hình kinh tế phù hợp với tự nhiên; bảo tồn các vùng đất ngập nước.
Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long định hướng đến năm 2030 khu vực này trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững; năm 2050 trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước; là nơi đáng sống đối với người dân…
Ngay từ bây giờ, chúng ta cần hành động quyết liệt trong việc thực hiện quy hoạch để một tương lai không xa, miền Tây sẽ không còn cảnh vào mùa mưa lũ thì triều cường, ngập úng, vào mùa khô hạn thì thiếu nước, xâm nhập mặn. Và người dân miền Tây không còn phải bỏ quê bỏ xứ tha hương cầu thực mà có cuộc sống tốt trên mảnh đất vốn rất trù phú, màu mỡ của cha ông mình.
Tác giả: Trương Chí Hùng là nhà văn trẻ của Đồng bằng sông Cửu Long, hiện làm giảng viên Trường Đại học An Giang. Anh đã xuất bản nhiều cuốn sách về vùng đất và con người Nam Bộ; nổi tiếng với bút ký "Man mác Vàm Nao" - đoạt Giải Nhất Cuộc thi Bút ký ĐBSCL năm 2017.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!