Ngắm hoàng hôn cuối thu rực rỡ trên 2 cây cầu nổi tiếng nhất Hà Nội
(Dân trí) - Hai cây cầu đại diện cho mỗi thời kỳ phát triển của Hà Nội - cầu Long Biên và Nhật Tân - cùng phô bày vẻ đẹp dưới ánh hoàng hôn của mùa thu rực rỡ.
Những ngày cuối thu ở Hà Nội, hoàng hôn rực rỡ phủ ánh vàng lên cầu Long Biên hơn 100 năm tuổi.
Mặt trời cuối thu vàng rực, to tròn dần lặn cuối ở cuối chân trời, phủ bóng lên tòa nhà Lotte Hanoi nhìn từ bờ Bắc của sông Hồng, cắt ngang qua cầu Long Biên.
Khởi đầu từ một ý tưởng, năm 1897 Toàn quyền Paul Doumer đã yêu cầu trong một thời gian ngắn phải nghiên cứu một cây cầu đi qua sông Hồng thuộc địa phận Hà Nội và nhanh chóng chọn vị trí đặt cầu. Ngày 12/9/1898, viên đá đầu tiên được đặt xuống khai móng. Đến 28/2/1902, cây cầu được chính thức khánh thành.
Khi mới khánh thành, cầu có tên Paul Doumer. Đến năm 1945, bác sĩ Trần Văn Lai, đốc lý người Việt đầu tiên của thành phố Hà Nội đã đổi tên thành cầu Long Biên.
Cầu Long Biên đi vào hoạt động đã làm thay đổi bộ mặt kinh tế, xã hội của cả một vùng, cải thiện giao thương từ Hà Nội đi các tỉnh tả ngạn sông Hồng.
Cầu đã tồn tại 122 năm xuyên qua 3 thế kỷ, là nhân chứng lịch sử của rất nhiều sự kiện, biến động của Hà Nội. Năm 1902, vua Thành Thái cùng Toàn quyền mới đã lên tàu từ ga Hà Nội mới, để dự lễ khánh thành cây cầu lịch sử này.
Hình ảnh hoàng hôn đẹp rực rỡ trên các nhịp cầu Long Biên, kéo dài trong thời gian ít ngày dịp cuối thu trước khi Hà Nội chuyển sang mùa đông.
Năm 1972, Hà Nội đã phải gánh chịu bom đạn của Mỹ trong suốt 12 ngày đêm, cầu Long Biên cũng bị đánh phá và hư hỏng nặng. Trong chiến tranh, những phương tiện cơ giới lớn di chuyển qua cầu cũng khiến cây cầu xuống cấp và phải sửa chữa.
Năm 1954, cây cầu trở thành chứng nhân lịch sử, khi chứng kiến cuộc "bàn giao" giữa quân đội Pháp và quân đội Việt Nam sau ngày tiếp quản Thủ đô 10/10. Quân đội Việt Nam đứng gác đầu cầu, còn lính Pháp lần lượt rút về phía Hải Phòng qua hướng cầu Long Biên.
Một đoạn cầu vẫn còn giữ được nguyên với hình dáng thiết kế ban đầu.
Đoạn cầu trống trải do hư hỏng phần lớn các kết cấu phía trên trong chiến tranh.
Cầu Nhật Tân là cầu dây văng lớn nhất Việt Nam hiện tại, là một trong tổng số 7 cầu bắc qua sông Hồng tại địa phận Hà Nội. Cầu Nhật Tân nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh. Cầu được xây dựng dưới sự tư vấn thiết kế và giám sát thi công của các đơn vị đến từ Nhật Bản.
Cầu có kết cấu nhịp chính theo dạng cầu dây văng nhiều nhịp với 5 trụ tháp hình thoi và 6 nhịp dây văng tượng trưng cho 5 cửa ô của Hà Nội và hình ảnh cách điệu 5 cánh hoa anh đào Nhật Bản, tượng trưng cho mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Hoàng hôn rực rỡ dần buông trong khoảng thời gian cuối ngày mang lại khung cảnh lãng mạn, đậm chất thơ cho cây cầu hiện đại nhất Bắc qua sông Hồng.
Hệ thống chiếu sáng cầu Nhật Tân được ứng dụng công nghệ hiện đại với 16 triệu màu, thiết kế hiệu ứng thay đổi linh hoạt có thể đổi màu theo từng ngày hoặc cảm ứng với mùa, thể hiện vẻ đẹp của cây cầu dưới nhiều gam màu và sắc thái khác nhau.
Cầu Nhật Tân được khánh thành vào ngày 4/1/2015, đồng bộ với đường Võ Nguyên Giáp tạo nên một tuyến cao tốc nội đô hiện đại, rút ngắn thời gian di chuyển từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tới trung tâm Hà Nội.
Bên cạnh đó, chương trình chiếu sáng theo chủ đề cũng được lập trình sẵn để trình chiếu vào những dịp đặc biệt trong năm, góp phần tạo lên một diện mạo đô thị hiện đại cho Hà Nội.