DNews

Nạn nhân vụ sụt lún ở Tây Ninh: "Kêu cứu thật lớn vì sợ bị chôn sống"

An Huy Ngọc Tân

(Dân trí) - "Khi mắc kẹt, đất đá vẫn liên tục đổ xuống, tôi chỉ biết kêu cứu thật lớn vì sợ bị chôn sống. Rất may, một tài xế xe tải đã đến hỗ trợ đưa tôi ra khỏi khu vực nguy hiểm", ông Khắng kể.

Nạn nhân vụ sụt lún ở Tây Ninh: "Kêu cứu thật lớn vì sợ bị chôn sống"

Tối 11/5, ông Lê Văn Khắng (SN 1966) trằn trọc trên giường bệnh tại khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh, vì bàn chân trái bị gãy vừa được bó bột. Dưới nền gạch, vợ ông là bà Lê Thị Tương, trải chiếu nằm tạm, chập chờn giấc ngủ vì cơ thể ê ẩm do chấn thương.

Ông bà là 2 trong số 6 nạn nhân bị rơi xuống hố sâu khoảng 3m do sụt lún trên đường dẫn vào cầu Hòa Bình, xã Hòa Hội, huyện Châu Thành, vào sáng cùng ngày.

Sợ bị chôn sống

Khoảng 4h sáng 11/5, ông Khắng cùng vợ đi xe máy, chở giỏ xoài từ nhà ở xã Hòa Thạnh, ra thị trấn Hòa Thành để bán. Vừa qua khỏi mố cầu Hòa Bình, chiếc xe bất ngờ sụp xuống hố sâu. "Bánh trước lọt xuống kéo theo cả người và xe. Tôi cố giữ tay lái để hai vợ chồng không rơi xuống trước xe vì sợ bị đè. Xe rơi xuống rất mạnh khiến chân tôi kẹt giữa khe đất đang sụt lún, không thoát ra được", ông Khắng kể. Vị trí ông mắc kẹt cách mặt đường khoảng 3m.

Bà Tương may mắn chỉ bị xây xát nhẹ, cố sức nhích chiếc xe kéo chồng ra khỏi hố nhưng bất lực. Nghe tiếng kêu cứu của ông Khắng, một tài xế xe tải đi ngang qua đã dừng lại, tiếp cận và kéo ông lên khỏi khu vực nguy hiểm. "Khi mắc kẹt, đất đá vẫn liên tục đổ xuống, tôi chỉ biết kêu cứu vì sợ bị chôn sống", ông nói với vẻ mặt chưa hết bàng hoàng.

Khoảng 10 phút sau, khi hai vợ chồng vẫn còn ngồi dưới hố chờ xe cấp cứu, một ô tô bất ngờ lao xuống, lật ngang cách vị trí họ chỉ khoảng 5m. "Nếu xe đó chạy nhanh hơn một chút, chắc chắn đã rơi trúng tôi và không biết chuyện gì xảy ra", ông Khắng rùng mình nhớ lại. Theo ông, lúc xảy ra tai nạn, ánh sáng từ trụ đèn năng lượng mặt trời chỉ le lói, không đủ để người đi đường nhận ra hố sụt lún.

Nạn nhân vụ sụt lún ở Tây Ninh: Kêu cứu thật lớn vì sợ bị chôn sống - 1

Ông Khắng nằm trên giường bệnh kể lại phút sụp hố sâu 3m (Ảnh: Ngọc Tân).

Cách phòng ông Khắng không xa là giường bệnh của bà Nguyễn Thị Hường (71 tuổi). Nằm đau đớn vì bị đa chấn thương, bà Hường cho biết, sáng hôm xảy ra tai nạn, tài xế chở bà từ Tây Ninh xuống TPHCM để khám bệnh xương khớp định kỳ. Đi cùng xe với bà còn có con gái và cháu.

Vừa rời khỏi nhà không xa, bà nghe tiếng động lớn, rồi chiếc xe chúi mạnh về phía trước. Sau đó, bà không còn biết gì cho đến khi tỉnh lại tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh.

Bên giường bệnh chăm mẹ, chị Nguyễn Hồng Cẩm (con bà Hường) cho biết, qua theo dõi camera hành trình gắn trên ô tô, chị thấy chiếc xe rơi xuống hố sâu khoảng 3m và va đập rất mạnh.

Theo chị Cẩm, ô tô chạy rất chậm. Khi vừa qua khỏi cầu, tài xế phát hiện một hố lớn phía trước. Chưa kịp xử lý, chiếc xe đã lật và rơi xuống hố. Lúc này, nam tài xế chỉ bị xây xát nhẹ, tự thoát ra ngoài rồi cùng một số người dân địa phương cứu mẹ chị cùng em gái và cháu ra khỏi xe.

"Thấy xe rơi xuống hố và hư hỏng nghiêm trọng, mẹ tôi và mọi người còn sống sót là may mắn lắm rồi. Tuyến đường bị sụt lún dài 35m, trời tối mờ mờ, xe không thể nào né kịp. Trước khi ô tô rơi xuống, đã có đôi vợ chồng đi xe máy gặp nạn, nằm dưới hố cách vị trí xe không xa", chị Cẩm kể.

Qua trò chuyện với tài xế, chị Cẩm cho biết vài phút sau, một phụ nữ chạy xe máy từ hướng ngược lại do không chú ý cũng rơi xuống hố, nhưng may mắn chỉ bị xây xát nhẹ. Sau tai nạn, người dân đã gọi một ô tô 7 chỗ đến hiện trường đưa người thân chị và các nạn nhân khác vào bệnh viện cấp cứu. Sau vụ việc, chính quyền địa phương và đại diện nhà thầu đã đến thăm hỏi, động viên gia đình và hỗ trợ một phần chi phí.

Hô hoán kêu cứu

Đến chiều hôm xảy ra tai nạn, nhiều người dân tại hai xã Hòa Hội và Hòa Thạnh vẫn chưa hết bàng hoàng khi tuyến đường liên xã vừa được thông xe kỹ thuật chưa đầy 15 ngày bất ngờ sụt lún nghiêm trọng, khiến ô tô và xe máy rơi xuống hố, làm nhiều người bị thương.

Ông Nguyễn Văn Ngà (62 tuổi, ngụ xã Hòa Hội) cho biết, khoảng 4h30 cùng ngày, ông đang ngủ trong nhà cách cầu Hòa Bình khoảng 200m thì bất ngờ nghe một tiếng động lớn. Ông bật dậy, chạy ra phía trước kiểm tra và thấy một số người dân đang tập thể dục buổi sáng hô hoán kêu cứu vì có một ô tô và xe máy vừa rơi xuống hố do mặt đường bị sụt lún.

Ông Ngà cùng người dân nhanh chóng chạy tới hiện trường, hỗ trợ đưa người mắc kẹt trong ô tô thoát ra ngoài. Cùng lúc, một người phụ nữ điều khiển xe máy chạy qua khu vực này. Mặc dù người dân đã hô hoán cảnh báo, người này không kịp dừng lại và cũng rơi xuống hố sâu ven đường nhưng may mắn xây xát nhẹ.

Nạn nhân vụ sụt lún ở Tây Ninh: Kêu cứu thật lớn vì sợ bị chôn sống - 2

Các lớp địa chất lộ ra sau khi đường dẫn lên cầu Hòa Bình sụt lún (Ảnh: An Huy).

Các nạn nhân sau đó được người dân địa phương dùng ô tô đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh. Đồng thời, người dân cũng dùng các vật dụng tạm thời chắn hai đầu đoạn đường, cảnh báo phương tiện không đi qua và trình báo vụ việc cho lực lượng chức năng.

Ông Ngà cho biết, vụ sụt lún nhiều khả năng xảy ra từ sau 3h30 sáng. Bởi trước đó, vợ ông chèo ghe trên kênh Sóc Hòa Hội, băng ngang gầm cầu Hòa Bình để đi đổ dớn bắt cá. Khi đi qua, vợ ông không nhận thấy đường dẫn lên cầu có dấu hiệu bất thường.

"Lúc ô tô rơi xuống hố sâu, tiếng động phát ra rất lớn. Mọi người chạy tới phát hiện các nạn nhân bị mắc kẹt trong ô tô và lập tức tìm cách giải cứu. Đa số bị chấn thương và trầy xước. Một vài người đi xe máy cũng rơi xuống hố, trong đó có người đàn ông chấn thương nặng ở bàn chân", ông Ngà kể.

Theo ông, tuyến đường liên xã bắc qua kênh Sóc Hòa Hội đã xuống cấp từ nhiều năm nay, thường xuyên bị ngập khi mưa lớn, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân từ xã Hòa Hội sang xã Hòa Thạnh, huyện Châu Thành.

Để khắc phục tình trạng này, lực lượng chức năng đã tiến hành nâng cấp tuyến đường và xây cầu mới. Mặt đường và cầu Hòa Bình được nâng cao hơn 2m so với cốt nền cũ. Công trình vừa hoàn thành và được thông xe kỹ thuật trước dịp lễ 30/4, đến nay đã xảy ra sự cố sụt lún.

Nạn nhân vụ sụt lún ở Tây Ninh: Kêu cứu thật lớn vì sợ bị chôn sống - 3

Lực lượng chức năng xác định nguyên nhân ban đầu sụt lún đường do dưới bề mặt đường có túi bùn (Ảnh: An Huy).

Cũng theo ông Ngà, một ngày trước khi xảy ra vụ việc, địa bàn có mưa rất lớn kéo dài từ sáng đến trưa. Khoảng 4h sáng nay, tài xế Nguyễn Văn Tình (SN 1982, ngụ xã Hòa Hội) lái ô tô vào xã Hòa Thạnh để chở một số người đi khám bệnh. Lúc đi, mặt cầu chưa có biểu hiện gì bất thường. Khoảng 4h30, khi tài xế quay lại thì xảy ra tai nạn.

"Tôi cho rằng sụt lún đường xảy ra trong khoảng từ 4h đến 4h30 sáng. Đây là tuyến đường chính của địa phương, mỗi ngày có rất nhiều phương tiện qua lại. May mắn là sau khi ô tô gặp nạn, người dân đi tập thể dục sáng sớm đã kịp thời phát hiện và cảnh báo. Nếu không, hậu quả có thể còn nghiêm trọng hơn, bởi đoạn đường sụt lún đã tạo thành hố rất sâu", ông Ngà nhận định.

Đường mới thông xe kỹ thuật

Chiều 11/5, đơn vị thi công tuyến đường dẫn lên cầu Hòa Bình đã đưa xe cơ giới và một số thiết bị chuyên dụng đến hiện trường, chuẩn bị khoan dò địa chất khu vực vừa xảy ra sụt lún.

Tại hai đầu đường dẫn vào cầu Hòa Bình, lực lượng chức năng huyện Châu Thành đã lập rào chắn, bố trí cán bộ trực chốt cách hiện trường khoảng 1km nhằm ngăn người dân và phương tiện tiếp cận khu vực nguy hiểm. Lực lượng chức năng đã đưa ô tô và hai xe máy gặp nạn ra khỏi khu vực sụt lún.

Tại hiện trường, đường sụt lún đoạn dài khoảng 35m. Nửa mặt đường rộng hơn 5m bị sập hoàn toàn, làm đứt gãy taluy, đất đá tràn xuống ruộng lúa của người dân. Vị trí sụt lún tạo hố sâu từ 2 đến 4m. Phần mặt đường còn lại cũng xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.

Nạn nhân vụ sụt lún ở Tây Ninh: Kêu cứu thật lớn vì sợ bị chôn sống - 4

Công nhân lắp máy chuẩn bị khoan địa chất kiểm tra túi bùn (Ảnh: An Huy).

"Tôi có mặt tại hiện trường từ 13h, đến lúc đó hiện tượng sụt lún vẫn tiếp diễn và mỗi lúc một sâu thêm. Cứ vài phút lại nghe tiếng đất đá sạt xuống, phần taluy tôn phát ra tiếng kêu răng rắc", anh Hùng (31 tuổi), công nhân chuẩn bị khoan dò địa chất tại hiện trường chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đỗ Thành Trung, Phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành (Tây Ninh), cho biết, nguyên nhân vụ sụt lún ban đầu được nhận định là do túi bùn cục bộ nằm bên dưới đường dẫn đầu cầu bị trượt, gây sụt lún nền và mặt đường. Hiện công trình chưa được nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng.

Sau sự cố, UBND huyện Châu Thành đã tổ chức phân luồng giao thông, đảm bảo việc đi lại của người dân trong khu vực và giữ cho các phương tiện lưu thông thông suốt. Việc phân luồng sẽ được thực hiện từ nay cho đến khi khắc phục xong sự cố. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, lãnh đạo UBND huyện đã kịp thời đến thăm hỏi, động viên các nạn nhân bị thương do ảnh hưởng của sự cố sụt lún.

Theo ông Trung, công trình này do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình huyện Châu Thành làm chủ đầu tư. Việc sụt lún công trình xảy ra lúc sau 4h, vì trước đó có một số xe qua lại và không phát hiện nền đường có dấu hiệu bất thường. "Công trình này mới chỉ thông xe kỹ thuật chào mừng lễ 30/4 và chưa nghiệm thu. Giai đoạn này, nhà thầu vẫn chưa bàn giao tài sản", ông Trung nói.

4h ngày 11/5, đoạn đường dài khoảng 35m tại khu vực chân cầu Hòa Bình (xã Hòa Hội) bất ngờ bị sụt lún, tạo thành hố sâu khoảng 3m.

Thời điểm xảy ra sự cố, tài xế Nguyễn Văn Tình (SN 1982, ngụ xã Hòa Hội) điều khiển ô tô biển số 70D-005.02 chở theo 3 người, gồm: Bà Nguyễn Thị Hường (SN 1955), chị Nguyễn Kim Ngọc (SN 1988) và cháu Huỳnh Bảo Đăng (SN 2012), cùng ngụ xã Hòa Thạnh. Khi xe vừa qua cầu vào địa phận xã Hòa Hội thì bất ngờ rơi xuống hố.

Hai xe máy mang biển số 70L9-2317 và 70H3-1294 lưu thông cùng chiều cũng rơi xuống vị trí sụt lún. Vụ tai nạn khiến ô tô và hai xe máy hư hỏng nặng. Sáu người bị thương được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh.