Loạt dự án giao thông chậm tiến độ, thi công ì ạch gây lãng phí ở Hà Nội
(Dân trí) - Thời gian qua, các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A, quốc lộ 6, đường Tam Trinh, trên địa bàn Hà Nội thi công chậm tiến độ, ì ạch gây lãng phí.
Tổng Bí thư Tô Lâm: Lãng phí đang là vấn đề rất đáng báo động
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh khi phát biểu tại cuộc gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Bắc, chiều 15/4, tại Hà Nội.
Đề cập đến công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ, sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, một số người lo lắng công tác này sẽ chùng xuống, bị lãng quên.
Song trên thực tế, ông khẳng định phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
"Bộ Chính trị, Ban Bí thư thống nhất cao chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đã quyết định bổ sung nội hàm phòng, chống lãng phí, tạo ra bộ ba cần phải loại bỏ là tham nhũng, lãng phí và tiêu cực", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Theo ông, điều này tạo ra sự răn đe, cảnh tỉnh rất lớn và tinh thần này sẽ tiếp tục được tiến hành kiên trì, liên tục.
Minh chứng là việc Bộ Chính trị cũng đã bổ sung chức năng, nhiệm vụ phòng, chống lãng phí cho Ban chỉ đạo Trung ương và cấp tỉnh với trọng tâm là chỉ đạo phòng, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Nhận định sự lãng phí trong xã hội còn rất lớn, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý tới đây cần có phong trào toàn dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cuộc sống, từng gia đình, từng người dân.
"Lãng phí đang là vấn đề rất đáng báo động. Ở khía cạnh nào đó, lãng phí còn gây tổn hại lớn hơn tham nhũng và tiêu cực", Tổng Bí thư nhận định.
Ông dẫn số liệu từ báo cáo của Bộ Công an cho thấy cả nước đang tồn đọng khoảng 2.805 các công trình, dự án chậm hoặc không được đưa vào sử dụng, có nguy cơ gây lãng phí.
Dẫn chứng câu chuyện của Hà Nội mới thu hồi 2 trong số hàng trăm dự án dang dở đã thu về cho ngân sách khoảng 80.000 tỷ đồng, Tổng Bí thư cho rằng còn hàng trăm dự án có giá trị từ vài trăm nghìn tỷ đồng đến hàng triệu tỷ đang gặp vướng mắc, bị ngưng trệ.
"Những công trình này không chỉ gây thiệt hại, lãng phí về tiền bạc mà còn gây sự thiệt hại nhiều về các lĩnh vực xã hội khác mà không thể tính hết được bằng tiền", Tổng Bí thư nói.
Để giúp bạn đọc thấy rõ sự lãng phí từ các công trình, dự án bỏ hoang, chậm tiến độ, thi công ì ạch trên địa bàn Hà Nội và các địa phương, báo Dân trí triển khai tuyến bài ghi nhận về vấn đề này.

Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi được UBND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2010 với kinh phí gần 900 tỷ đồng, thời gian thực hiện năm 2010-2013. Tuy nhiên, sau nhiều năm vướng mắc giải phóng mặt bằng nên dự án mới được triển khai lại từ cuối năm 2024.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí, dự án đang ngổn ngang, bụi bặm, ùn tắc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nhiều người dân và gây lãng phí nghiêm trọng khi bị chậm tiến độ hơn 10 năm.

Đến nay, dự án này vẫn còn một số nhà dân chưa được giải tỏa để phục vụ quá trình thi công.
Dự án mở rộng quốc lộ 1 Văn Điển - Ngọc Hồi nhằm giảm ùn tắc giao thông trên tuyến cửa ngõ huyết mạch phía Nam của Hà Nội, thường xuyên ùn tắc đặc biệt trong các dịp nghỉ lễ, Tết.

Thi công ì ạch, chậm tiến độ nhiều năm nên một số khu vực của dự án biến thành khu tập kết rác gây mất mỹ quan đô thị.
Ông Hoàng Đức (63 tuổi, trú xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ, gần 2 năm trước, gia đình đã bàn giao hơn 40m2 đất để thực hiện dự án. Ngày bàn giao, ông Đức hy vọng việc nâng cấp, sửa chữa tuyến đường sẽ sớm hoàn thiện để thuận tiện trong việc đi lại cũng như cuộc sống ngày thường.
"Tôi thấy công trình cứ ngổn ngang, ngày nắng thì bụi mù mịt còn mùa mưa lại lầy lội rất khổ sở", ông Đức bức xúc nói.


Khu vực thực hiện dự án lưu lượng phương tiện lớn nhưng hiện chỉ được căng dây cảnh báo tạm bợ, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt vào ban đêm.
Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi với mục tiêu đầu tư cải tạo, nâng cấp đồng bộ tuyến đường theo quy mô đường phố chính đô thị, tổng chiều dài gần 4km. Dự án khi hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội khu vực phía Nam Hà Nội.
Dự án đầu tư xây dựng đường Tam Trinh (quận Hoàng Mai) dài hơn 3,5km được UBND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2012, khởi công năm 2016, dự kiến hoàn thành sau 3 năm, song lại giậm chân tại chỗ nhiều năm.

Ghi nhận của phóng viên Dân trí, việc giải phóng mặt bằng đường Tam Trinh diễn ra ì ạch, nhà thầu chưa có mặt bằng sạch để thi công.
Việc dự án triển khai chậm tiến độ do vướng mặt bằng đang gây lãng phí tài sản của nhà thầu, ảnh hưởng đến việc làm của các công nhân thực hiện dự án.
Để mở rộng đường Tam Trinh, chính quyền địa phương sẽ thu hồi đất với diện tích khoảng 54.009m2 liên quan đến 1.590 hộ dân và 20 tổ chức thuộc địa bàn 3 phường là Hoàng Văn Thụ, Yên Sở, Mai Động (quận Hoàng Mai).

Kể từ ngày quận Hoàng Mai tổ chức lễ khởi công vào năm 2016 đến nay, dự án mới mở rộng được một đoạn dài khoảng 300m trước chung cư Home 987 Tam Trinh, gần đường Vành đai 3.
Tại đoạn đường này, dải phân cách cứng giữa đường được trồng hoa, cây xanh. Song do dự án chưa hoàn thiện đồng bộ nên một phần đường bị chiếm dụng làm nơi đỗ ô tô.

Hiện một số đoạn nhà thầu đã láng nhựa bị người dân lấn chiếm để tập kết máy móc phế liệu.
Đường Tam Trinh khi hoàn thiện kỳ vọng giảm áp lực giao thông của các tuyến đường chính cửa ngõ phía Nam của Hà Nội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Ngoài thi công mở rộng đường, các nhà thầu cũng đang hoàn thiện bờ kè sát sông Kim Ngưu.


Dự án sẽ mở rộng đường Tam Trinh lên 40m với 6 làn xe. Tuyến đường này có điểm đầu nối với đường Minh Khai, thuộc đường vành đai 2 (dài gần 44km) và đường Vành đai 3 (dài 65km).
Đường Tam Trinh có lưu lượng phương tiện giao thông lớn, lòng đường hẹp nhưng dọc đường lại có hàng trăm hộ dân buôn bán khiến cho việc lưu thông của các phương tiện càng gặp khó khăn.

Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La (quận Hà Đông, Hà Nội) đi Xuân Mai (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) khởi công năm 2022 và dự kiến hoàn thành năm 2027, với tổng kinh phí trên 8.100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP Hà Nội.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, mặc dù đã hơn 2 năm trôi qua nhưng việc thi công tuyến đường này diễn ra "ì ạch".

Việc lắp đặt cảnh báo khu vực đang thi công được thực hiện sơ sài.
Quốc lộ 6 qua Hà Nội có chiều dài gần 40km, là trục giao thông chính từ trung tâm Hà Nội đi các quận, huyện phía Tây thành phố. Đây cũng là trục giao thông đi lại gần nhất giữa trung tâm Hà Nội và trung tâm tỉnh Hòa Bình.
Một số đoạn dọc tuyến đã được lu nền, rải đá trên bề mặt nền, thi công cầu, cống thoát nước,... nhưng tiến độ "ì ạch", ngày mưa lầy lội, trời nắng bụi mù mịt.

Sau nhiều năm sử dụng, nhiều khu vực của tuyến quốc lộ 6 đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.

Ghi nhận của phóng viên, dự án đã thi công được hơn 2 năm nhưng tiến độ "ì ạch", dọc tuyến hiện chỉ có đoạn qua xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ đã cơ bản hoàn thành.
Quốc lộ 6 là một trong những tuyến đường huyết mạch, quan trọng của TP Hà Nội. Đây được xem là cửa ngõ phía Tây, kết nối Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc, và là tuyến đường xuyên tâm phát triển kinh tế của huyện Chương Mỹ với mật độ phương tiện di chuyển dày đặc.