Khu thể thao quốc gia lớn nhất TPHCM "ngủ yên" sau 30 năm quy hoạch
(Dân trí) - Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc được kỳ vọng trở thành khu thể dục thể thao hiện đại bậc nhất TPHCM. Thế nhưng, sau 30 năm quy hoạch dự án vẫn "bất động".
Dự án Khu Liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc (TP Thủ Đức, TPHCM) có chủ trương đầu tư từ năm 1994 với tổng vốn dự kiến gần 15.000 tỷ đồng nhưng đến nay dự án vẫn đang "bất động" suốt 3 thập kỷ.
Dự án này bao gồm các công trình thể thao đạt chuẩn Olympic như sân vận động 50.000 chỗ dành cho bóng đá và điền kinh, nhà thi đấu thể thao tổng hợp... có thể tổ chức các giải đấu quốc tế.
Theo quy hoạch ban đầu, dự án có quy mô 466ha nhưng sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, hiện tại chỉ còn khoảng 212ha. Trong đó, 180ha được dùng đầu tư vào các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, hiện nay phần lớn diện tích của dự án chủ yếu là đất trống, ao hồ, cỏ mục um tùm, cùng với đó là những căn nhà tạm của người dân trong khu vực dự án.
Ngoài ra, một số sân chơi thể thao được tư nhân xây dựng và kinh doanh bên trong Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc.
Năm 2017, dự án này được tái khởi động nhằm chuẩn bị cho việc đăng cai SEA Games 31. Thế nhưng đến nay dự án vẫn chưa có dấu hiệu xây dựng.
Việc trì hoãn tiến độ, khiến nhiều người dân sống tại đây gặp nhiều khó khăn về đời sống và không thể xây cất nhà mới. Chủ yếu người dân tại đây sử dụng đất để trồng rau, nuôi cá kiếm thêm thu nhập trong lúc chờ bồi thường, giải phóng mặt bằng.
''Nhiều năm qua, sinh hoạt của chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề. Điện và nước vẫn chưa được cấp cho chúng tôi mà vẫn phải thông qua chính quyền địa phương. Nhà ở thì không thể tách thửa cũng chẳng thể xây dựng được. Rất mong các ban ngành đoàn thể có thể hỗ trợ để người dân đỡ khổ'', ông N.T.V. (51 tuổi, phường An Phú) một trong những hộ dân sinh sống tại khu vực dự án nói.
Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc nằm giữa ba tuyến đường lớn nhất TP Thủ Đức là Mai Chí Thọ, xa lộ Hà Nội và cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Với vị trí giao thông thuận tiện, dự án này khi hoàn thành sẽ phục vụ tối đa khoảng 100.000 người, gồm vận động viên, khán giả, nhân viên, khách tham quan...
Hiện tại, dự án chỉ mới hoàn thiện khu vực đường dẫn, nhà mẫu và cây cầu kết nối phân khu phía Bắc và phân khu phía Nam. Trong đó có 1 nhánh cầu vượt đã hoàn thành từ lâu vẫn chưa hoạt động. Tuyến đường độc đạo dài 1km để dẫn vào dự án có kinh phí xây dựng khoảng 260 tỷ đồng nhưng vắng bóng người đi lại.
Đầu năm 2024, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM đã công bố danh sách 23 dự án lĩnh vực văn hóa - thể thao kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP, trong đó có đến 16 dự án nằm trong Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc.
Trong khi TPHCM thiếu cơ sở vật chất thể thao để đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố 10 triệu dân thì việc dự án Khu liên hợp thể thao quốc gia Rạch Chiếc được khởi động sẽ giúp tháo gỡ khó khăn về cơ chế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào đầu tư thể thao.
Theo nhiều chuyên gia, việc Nghị quyết 98 cho phép TPHCM áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực thể thao - văn hóa mở ra cơ hội gỡ nút thắt, huy động nguồn lực tư nhân để "thay áo mới" cho các thiết chế văn hóa - thể thao. Đây cũng là cơ hội để hoàn thiện Dự án Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc tại TP Thủ Đức vốn đã có chủ trương đầu tư từ năm 1994.