(Dân trí) - Nhà ga Bến Thành thuộc tuyến metro số 1 của TPHCM ăn sâu xuống lòng đất đến 31m nhưng lại có giếng trời lấy ánh sáng tự nhiên. Đây là điểm nhấn kiến trúc đặc biệt của nhà ga đầu tuyến.
Khám phá giếng trời khổng lồ ăn sâu xuống lòng đất tại nhà ga Metro Bến Thành
Nhà ga Bến Thành thuộc tuyến Metro số 1 của TPHCM ăn sâu xuống lòng đất đến 31m nhưng lại có giếng trời lấy ánh sáng tự nhiên. Đây là điểm nhấn kiến trúc đặc biệt của nhà ga đầu tuyến.
Nhà ga trung tâm Bến Thành là 1 trong 3 ga ngầm của tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên. Đây là ga đầu tuyến, kết nối với ga Nhà hát TP bởi đoạn ngầm chạy dưới đường Lê Lợi.
Nhà ga nằm ngầm sâu dưới lòng đất ngay khu vực công trường Quách Thị Trang, ngay cổng chính chợ Bến Thành. Ga Bến Thành dài đến 236m, rộng từ 55-60m, sâu 31m, với 4 tầng ngầm. Trong đó, tầng B1 là khu vực phục vụ hành khách với 10 máy bán vé tự động, 2 cổng kiểm soát vé tự động, mỗi cổng có 6 lối đi… Tầng B2 là khu vực đón, trả hành khách lên xuống tàu.
Hành khách có thể vào nhà ga Bến Thành bằng 6 lối, trong đó có lối số 4 và 5 là lối ngầm từ trung tâm thương mại, lối số 3 từ chợ Bến Thành.
Điểm khác biệt của nhà ga Bến Thành so với 2 ga ngầm còn lại là có "giếng trời" lấy ánh sáng tự nhiên. Đường kính giếng rộng 20m, thông qua tầng hầm B1 có chiều cao gần 10m.
Giếng trời khổng lồ đang được gấp rút thi công, từ trên cao nhìn xuống, hành khách có thể thấy rõ quang cảnh sảnh nhà ga ngầm này.
Trong tương lai, nhà ga này không chỉ là ga trung tâm của tuyến metro số 1 mà còn là trung tâm kết nối hệ thống metro của toàn TPHCM. Các tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), metro 3A (Bến Thành - Tân Kiên), metro số 4 (Thạnh Xuân - Khu đô thị Hiệp Phước) cũng sẽ xuất phát tại ga này.
Nhà ga trung tâm Bến Thành được khởi công từ năm 2016, đến nay đã đạt 87% khối lượng công việc, hình hài gần như đã hoàn chỉnh với 4 tầng hầm như thiết kế. Phần kết cấu công trình đã hoàn thành và đang thi công phần cơ điện.
Ở phía trên mặt đất, phần mặt bằng từ nhà ga này đến ga Nhà hát TP (đường Lê Lợi, đoạn từ đường Pasteur tới Nguyễn Huệ) cũng đang được tháo dỡ, tái lập và dự kiến đến dịp lễ 30/4 này sẽ cho thông xe trở lại.
Nhà ga trung tâm Bến Thành không chỉ là đầu mối các tuyến metro của TPHCM mà còn được định hướng trở thành một biểu tượng mới của siêu đô thị TPHCM. Ở đây không chỉ là trung tâm trung chuyển hành khách đi metro mà còn là trung tâm thương mại ngầm lớn nhất thành phố.
Trung tâm thương mại ngầm sẽ kết nối với không gian đô thị các tuyến đường xung quanh như Lê Lợi, Hàm Nghi, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ và các tòa nhà trung tâm thương mại lân cận.
Cuối năm 2016, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã đồng ý với đề xuất triển khai dự án trung tâm thương mại ngầm Bến Thành của TPHCM. Theo đề xuất, vị trí cụ thể của công trình là tại tầng hầm B1 của Nhà ga Trung tâm Bến Thành và đoạn đi ngầm dưới đường Lê Lợi (dài khoảng 500m) của tuyến metro số 1.
Hệ thống trung tâm thương mại ngầm Bến Thành sẽ là không gian nằm dưới quảng trường Quách Thị Trang và chạy dọc đường Lê Lợi, bám theo đoạn ngầm đầu tiên của tuyến Metro số 1 (từ chợ Bến Thành đến khu vực Nhà hát TP).
Dự án có quy mô khoảng 45.000m2, gồm khu vực cửa hàng/thương mại rộng 18.100m2; hành lang và quảng trường ngầm rộng 21.500m2. Theo đề xuất ban đầu, tổng chi phí đầu tư của dự án này khoảng gần 8.400 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 4.982 tỷ đồng, còn lại là của nhà đầu tư.
Từ tháng 9/2019, UBND TPHCM đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc tổ chức thi tuyển quốc tế chọn ý tưởng thiết kế khu vực nhà ga Trung tâm Bến Thành để chọn phương án tối ưu nhất, đảm bảo kiến trúc, quy hoạch và đạt hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường.
Chính quyền thành phố cũng chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ, xây dựng trung tâm thương mại ngầm phải đảm bảo tiến độ hoàn thành cùng dự án metro số 1 (dự kiến khai thác vào cuối năm 2021).
Tuy nhiên, do chưa tìm được nhà đầu tư nên kế hoạch xây dựng đồng bộ trung tâm thương mại với nhà ga Bến Thành bị "phá sản". Hiện UBND TPHCM chỉ mới tổ chức xong cuộc thi "Ý tưởng thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành". Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ tổng hợp các ý tưởng tối ưu nhất từ cuộc thi để đưa vào nội dung kêu gọi đầu tư.
Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được UBND TPHCM phê duyệt điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Tuyến metro này dài 19,7km (gồm 2,6km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao) với 14 nhà ga, trong đó có 3 ga ngầm và 11 ga trên cao.
Dự kiến, thời điểm đưa vào khai thác là quý IV/2021. Tuy nhiên, thời gian qua, tuyến metro số 1 gặp một số vướng mắc và những hệ lụy phát sinh từ dịch Covid-19 nên ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Do đó, dự kiến trong quý IV/2021 chỉ mới vận hành thử đoạn trên cao Long Bình - Bình Thái.