"Thâm nhập" công trường metro Bến Thành - Suối Tiên những ngày đầu năm
(Dân trí) - Khó khăn về nguồn vốn cho dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TPHCM đang được giải quyết, không khí lao động bắt đầu nhộn nhịp trên công trường. Dự án sẽ tăng tốc trong năm 2019 để kịp về đích vào cuối năm 2020.
Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, trong năm 2018, tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên gặp nhiều khó khăn vì điều chỉnh tổng mức đầu tư, việc giải ngân vốn chậm gây khó khăn trong thi công dự án.
Ngoài ra, sự phối hợp giữa chủ đầu tư với các sở, ngành liên quan chưa sát sao, chặt chẽ và những yếu tố liên quan đến nội lực của nhà thầu, chủ đầu tư cũng ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Theo ông Cường, mục tiêu của metro số 1 là phải đạt 65% tiến độ trong năm 2018, song thực tế chỉ đạt được 62%. Do đó, năm 2019, mục tiêu đặt ra là phải đạt 18% tiến độ, nâng tiến độ chung của dự án lên 80%.
Nói về nguồn vốn, ông Cường cho biết các bộ, ngành cùng TPHCM đang nỗ lực hoàn thành các thủ tục pháp lý điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án. Trong thời gian này, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP tiếp tục tạm ứng ngân sách hơn 2.200 tỷ đồng để thanh toán cho nhà thầu thi công.
Ga Ba Son sâu 17m, với 2 tầng hầm thuộc gói thầu 1b của dự án metro số 1. Nhà ga nằm bên cạnh sông Sài Gòn, là ga kết nối đoạn trên cao với đoạn ngầm của tuyến metro số 1.Trong năm 2018, nhà thầu đã hoàn thành công tác đào đất, xong bê tông sàn B1, B2 và đang tiếp tục thi công sàn mái. Dịp Tết Kỷ Hợi 2019, một số công nhân không về quê ăn Tết mà ở lại trực công trường để bảo dưỡng bê tông để đảm bảo chất lượng công trình.Những nữ công nhân đang vệ sinh khung thép, nạo và hút bỏ tạp chất để tiếp tục đổ bê tông sàn mái nhà ga Ba Son.Sau khi hoàn thành công đoạn đổ bê tông sàn mái, nhà thầu sẽ sẽ tiếp tục hoàn thiện mặt bằng phía trên nhà ga.Công đoạn lắp khung thép và đổ bê tông sàn mái được thực hiện kỹ lưỡng, kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo tiêu chí chất lượng là hàng đầu của dự án. Năm 2019, nhà thầu sẽ thi công lắp đặt hệ thống cơ điện, phần kiến trúc đối với nhà ga Ba Son.
Ga Ba Son nối với ga Nhà hát TP bằng 2 nhánh đường hầm, mỗi nhánh dài 781m. Đường hầm metro là công trình đầu tiên tại TPHCM sử dụng công nghệ đào hầm TBM của Nhật Bản.
Đường hầm metro có đầy đủ hệ thống thoát nước để ứng phó với sự cố ngập nước.Đường hầm metro chủ yếu đi dưới đường Nguyễn Siêu và có đoạn uốn lượn để né nền móng của những công trình cao tầng ở trung tâm TPHCM.Ga Nhà hát TP thuộc gói thầu 1b của dự án. Ga dài 240m, rộng 36m, sâu 27m, với 4 tầng hầm.Trong năm 2018, ga Nhà hát TP đã hoàn thành công tác thi công kết cấu chính, đang thực hiện các công tác chuẩn bị để lắp đặt hệ thống cơ điện.Không khí lao động bắt đầu nhộn nhịp dưới lòng trung tâm thành phố.Dù năm 2018 gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, song những công nhân của dự án vẫn đảm bảo được tiền lương về quê đón Tết cùng gia đình.Đoạn hầm metro nối tầng B2 của ga Nhà hát TP với ga Ba Son. Dự kiến, tháng 5/2019 nhà thầu sẽ bắt đầu lắp đặt đường ray.Trong năm 2018, gói thầu 1b đạt 71% khối lượng công việc và mục tiêu năm 2019 là đạt 88%.Lãnh đạo TPHCM tin tưởng với sự chuyên nghiệp và nỗ lực của đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, công nhân, tuyến metro số 1 sẽ cơ bản hoàn thành và vận hành thử nghiệm trước tháng 10/2020.Nhà ga Bến Thành thuộc gói thầu 1a của dự án. Ga Bến Thành dài 236m, đoạn rộng nhất tới 60m, tường vây sâu nhất là 59m.Tính đến cuối năm 2018, gói thầu 1b đạt gần 55% khối lượng công việc.Nhà thầu vừa hoàn thành đổ bê tông sàn đáy cho ga Bến Thành. Kế hoạch năm 2019 là tiếp tục thi công ga Bến Thành và đoạn hầm đào hở trên đường Lê Lợi để đạt mục tiêu 81% khối lượng công việc.
Vì nhiều bất cập, hạn chế trong thiết kế, phê duyệt dự án đầu tư, tuyến metro số 1 của TPHCM có nguy cơ trễ hẹn về đích năm 2020. Tuyến metro số 2 cũng xin chậm về đích đến 4 năm (dự kiến 2024). Cả 2 dự án đều trong tình trạng chờ cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Trong khi tuyến metro số 1 “đội vốn” từ 17.400 tỷ đồng lên hơn 47.300 tỷ đồng thì tuyến số 2 tăng từ 1,374 tỷ USD lên 2,173 tỷ USD (tăng thêm 58%).