Hình thù 3 mỏ cát được đấu giá gần 1.700 tỷ đồng ở Hà Nội
(Dân trí) - 3 mỏ cát mới trúng đấu giá gần 1.700 tỷ đồng ở Hà Nội nằm ở mép và giữa sông Hồng. Trong đó, 2 mỏ tại huyện Ba Vì có trữ lượng khai thác hơn 5,6 triệu m3.
Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) mới hoàn thành việc tổ chức đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát trên địa bàn Hà Nội (2 mỏ ở huyện Ba Vì, 1 mỏ tại quận Bắc Từ Liêm). Tổng số tiền các tổ chức, cá nhân đấu giá cho 3 mỏ cát là gần 1.700 tỷ đồng.
Trong đó mỏ cát Châu Sơn (xã Châu Sơn, huyện Ba Vì) có trữ lượng cát được cấp quyền khai thác là hơn 703.500m3.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, mỏ cát Châu Sơn nằm sát sông Hồng và gần khu dân cư, dài gần 3km.
Trong đợt đấu giá vừa qua, giá khởi điểm được đưa ra với mỏ cát Châu Sơn là 2,881 tỷ đồng, bước giá đấu 144 triệu đồng. Qua 89 vòng đấu giá, ban tổ chức xác định được giá trúng là 396,865 tỷ đồng, gấp hơn 137 lần giá khởi điểm.
"Mỏ cát này có từ lâu đời, chưa đơn vị nào được cấp phép khai thác nhưng vào ban đêm một số tàu vẫn tổ chức hút cát trộm", ông H. (sống gần mỏ cát Châu Sơn) nói. Theo quan sát, mỏ cát Châu Sơn nằm gần ngã ba sông Hồng - sông Lô, nơi đây hiện tập trung hàng chục con tàu lớn nhỏ phục vụ việc khai thác, vận chuyển cát.
Một số bờ đê chạy dọc mỏ cát Châu Sơn, giáp khu dân cư đã được kè đá để chống xói mòn cũng như đề phòng nước sông Hồng dâng cao.
Mỏ cát Châu Sơn dài khoảng 3km, nhiều chỗ rộng tới 900m, chỉ có cây lau và cỏ dại. Một số người dân tại khu vực mỏ cát cho biết, cát ở đây chủ yếu là cát trắng phục vụ xây dựng, làm đường,...
Dọc mỏ cát Châu Sơn có nhiều điểm đang bị xói mòn. Một số người dân xã Châu Sơn nhận định, mỏ cát bị xói mòn do có tàu hút cát trộm vào ban đêm. Mỏ cát này đang cao hơn mặt nước sông Hồng khoảng 1,5-2m.
Nằm cách mỏ cát Châu Sơn khoảng 3km là mỏ cát Tây Đằng - Minh Châu (nằm trên địa bàn xã Minh Châu, Chu Minh, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì).
Mỏ Tây Đằng - Minh Châu có trữ lượng cát khai thác 4.899.000m3, giá khởi điểm là 19,29 tỷ đồng, bước giá đấu 965 triệu đồng. Qua 21 vòng đấu, đơn vị trúng đấu giá với tổng số tiền đấu trúng là 883,93 tỷ đồng, gấp gần 46 lần giá khởi điểm.
Mỏ Tây Đằng - Minh Châu cao hơn mặt nước sông Hồng khoảng 5-6m, người dân đang trồng nhiều cây ăn quả như táo, ổi, chuối,... và cỏ voi cho trâu, bò ăn.
Lãnh đạo UBND xã Minh Châu cho biết, mỏ cát trên rộng gần 100ha, có nhiều diện tích đang được người dân trồng rau, cây ăn quả. Theo vị này, xã Minh Châu giống như "ốc đảo", bao quanh là sông, vào mùa nước lũ việc đi lại gặp nhiều khó khăn.
Mỏ cát Tây Đằng - Minh Châu hiện bạt ngàn cỏ voi, cây táo, chuối sắp đến mùa thu hoạch.
Chị Chu Thị Nguyện (trú xóm 6, xã Minh Châu) cho biết, gia đình chị đang trồng khoảng 2ha táo, nằm trong diện tích mỏ cát mới trúng đấu giá. "Ngày trước ở đây là bãi hoang, cỏ mọc um tùm qua đầu người, người dân khai hoang dần rồi trồng cây mới được xanh tốt như hôm nay", chị Nguyện nói.
Các công nhân đang tiến hành kè phần đê nằm giáp với nhà dân thuộc địa bàn xã Minh Châu để chống xói mòn.
Anh Nguyễn Tuyển Truyền (trú xóm 1, xã Minh Châu, huyện Ba Vì) tỏ vẻ lo lắng khi vườn táo sắp đến mùa thu hoạch có thể bị phá bỏ vì nằm trong mỏ cát. Anh Truyền mong muốn Nhà nước, đơn vị trúng đấu giá khi tiến hành khai thác cần đền bù xứng đáng cho người dân bị thiệt hại.
Mỏ Liên Mạc (ở phường Thượng Cát và Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm) có trữ lượng cát 508.603m3. Giá khởi điểm 2,051 tỷ đồng, bước giá đấu 103 triệu đồng. Sau 53 vòng, giá đấu trúng là 408,290 tỷ đồng, gấp gần 200 lần giá khởi điểm.
Lãnh đạo UBND phường Liên Mạc khẳng định, mỏ cát trên chưa từng được khai thác.
Được biết, mỏ cát Liên Mạc nằm giữa sông Hồng, hiện cỏ lau tốt um tùm.
Theo UBND TP Hà Nội, việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại các mỏ cát nhằm quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn thành phố, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước...
Con đường dẫn vào khu mỏ cát Liên Mạc vắng người qua lại, xuống cấp nghiêm trọng.