(Dân trí) - "Ai cũng chỉ sống một lần, ai cũng chỉ có một thời tuổi trẻ, cứ sống hết mình, cống hiến hết mình, để không phải tiếc nuối", đảng viên trẻ Hoàng Thị Lan tâm sự.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930-3/2/2024), cô giáo Hoàng Thị Lan (Trường mầm non Nghi Hưng, Nghi Lộc, Nghệ An) vinh dự được công nhận đạt tiêu chuẩn Đảng viên "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" tiêu biểu 6 năm liên tục. Đây là phần thưởng xứng đáng cho nghị lực phi thường và những cống hiến, nỗ lực không mệt mỏi của cô giáo mầm non 34 năm tuổi đời, tròn 10 năm tuổi Đảng.
Đối diện với tôi là một cô gái mảnh dẻ, đôi mắt luôn cương nghị và tràn đầy niềm vui. Ít ai biết rằng, cô giáo trẻ này đang chiến đấu ngoan cường với căn bệnh ung thư máu.
Năm 2014, cô giáo Hoàng Thị Lan chính thức được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đây có thể nói là dấu mốc lịch sử đối với cô giáo trẻ.
"Năm 2011, tôi tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An, được nhận về trường mầm non Nghi Hưng công tác. Một thời gian ngắn sau, tôi được chi bộ tin tưởng giới thiệu tham gia lớp cảm tình Đảng. Học xong lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng, tôi bị phát hiện ung thư máu", cô Lan chia sẻ.
Suy sụp, tự ti, Lan khép mình, gặm nhấm nỗi đau đớn về thể xác, yếu đuối về tinh thần. Nhưng rồi, cô tự xốc mình dậy. Mình còn bố mẹ, còn học sinh, còn những đồng nghiệp yêu quý, còn cả tuổi trẻ phơi phới phía trước cơ mà?.
Xác định tư tưởng cho bản thân, cô Lan bước vào những đợt xạ trị. Thời gian không điều trị, chị Lan quay lại lớp, tham gia hoạt động phong trào, tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm, thi giáo viên dạy giỏi các cấp. Một năm thử thách về tư tưởng chính trị của một đảng viên tương lai, cũng là quãng thời gian đánh dấu khát vọng sống, khát vọng được cống hiến cho đời, cho người của cô gái trẻ.
Năm 2014, bằng nỗ lực vượt qua bản thân, chị Hoàng Thị Lan chính thức được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Nhìn vào bảng thành tích của chị Lan mới thấy rằng, nữ đảng viên trẻ này đã nỗ lực như thế nào để vượt qua nghịch cảnh của bản thân, làm những điều mình yêu và tâm đắc.
Nhiều năm liền, cô Hoàng Thị Lan là chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh; giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; đạt nhiều Bằng khen của tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo về chuyên môn và phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập. Chị Lan vinh dự là đại diện ngành giáo dục tỉnh Nghệ An tham dự đại hội thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động toàn quốc lần thứ X, giai đoạn (2020-2025) cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Sau 10 năm điều trị căn bệnh ung thư máu, cơ thể nhỏ bé của chị Lan ngày càng suy kiệt, kéo theo nhiều chứng bệnh khác. Chị Lan tranh thủ từng phút giây sự sống để sống có ích nhất theo cách của mình.
Cổ họng của chị Lan không thể nói to, nói nhiều nhưng dứt cơn đau, hết đợt điều trị, chị Lan lại lên lớp, nơi có những đồng nghiệp yêu quý, nơi có những đứa trẻ hồn nhiên đang chờ cô. Sau những giờ lên lớp, chị lại miệt mài với công việc thiện nguyện hay tham gia dàn dựng các chương trình văn nghệ miễn phí cho các đơn vị trên địa bàn.
Động lực nào để một cô gái nhỏ nhắn, đang mang trong mình căn bệnh ung thư máu đạt được những thành tích đáng nể như vậy? Cô giáo Lan cười: "Chỉ có làm việc tôi mới có thể quên đi những đau đớn của bệnh tật. Tôi may mắn luôn được Đảng bộ xã, Chi bộ nhà trường, Ban giám hiệu và tổ chuyên môn tạo điều kiện tốt nhất trong công tác và rèn luyện. Là một đảng viên trẻ, tôi nghĩ bản thân phải tiếp tục cố gắng nỗ lực trong công tác, trong lối sống và hành động, để xứng đáng với niềm tin và yêu thương của mọi người.
Tôi nghĩ ai cũng chỉ sống một lần, ai cũng chỉ có một thời tuổi trẻ, cứ sống hết mình, cống hiến hết mình, để lỡ khi nằm xuống, không có gì phải hối tiếc cho quãng đời mình đã sống. Những bệnh nhân nhập viện điều trị cùng căn bệnh như tôi đã lần lượt qua đời, tôi may mắn hơn mọi người, vẫn được đứng trên bục giảng, được ngắm nhìn những đôi mắt ngây thơ, trong veo, được làm những việc mình yêu thích... Tôi nghĩ, mình cứ sống thật tốt, cống hiến cho đời, cho người, trời sẽ thương", cô giáo trẻ tâm sự.
"Có căn nhà kiên cố, khang trang là điều tôi luôn mong ước nhưng do hoàn cảnh ốm đau, khó khăn nên không thể có được. Nhưng ước mơ cả đời tôi nay đã trở thành sự thật. Tết năm nay, cả gia đình tôi được đón năm mới trong căn nhà do cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Quỳ Hợp vận động xây tặng.
Căn nhà không chỉ là nơi che mưa, che nắng mà đã cho chúng tôi thêm hi vọng về những điều tốt đẹp từ cuộc sống, để gia đình tôi có thêm động lực vượt khó vươn lên. Tôi không biết phải diễn tả như thế nào để nói hết lòng cảm ơn đến các đồng chí công an", ông Sầm Văn Dũng (trú bản Phảy, xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) viết trong bức thư cảm ơn gửi tới cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Quỳ Hợp.
Căn nhà tình nghĩa trị giá 70 triệu đồng của ông Sầm Văn Dũng là một trong những công trình nặng nghĩa tình quân - dân trong chuỗi hoạt động "24 giờ trải nghiệm" mà Chi đoàn thanh niên Công an huyện Quỳ Hợp triển khai.
Hoạt động 24 giờ trải nghiệm là sáng kiến của Đảng viên trẻ, Bí thư Đoàn thanh niên Công an Quỳ Hợp, Trung úy Nguyễn Anh Tú. Theo Trung úy Nguyễn Anh Tú, mô hình "24 giờ trải nghiệm" được triển khai từ tháng 6/2022 với các hoạt động hướng về người dân khó khăn trên địa bàn, được thực hiện theo quý.
Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, "24 giờ trải nghiệm" với chủ công là đoàn viên, thanh niên trong chi đoàn, cùng sự hỗ trợ từ các tổ chức, đơn vị đã xây dựng 3 nhà tình nghĩa, tu sửa 4 ngôi nhà, 4 chuồng trại; hỗ trợ 3 cặp lợn, dê giống sinh sản; hỗ trợ vật liệu, ngày công để xây dựng, tu sửa 2 sân bóng chuyền; trao quà 5 hộ gia đình chính sách, 10 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập với tổng giá trị gần 500 triệu đồng.
Quỳ Hợp là huyện có tới 53,6% đồng bào dân tộc thiểu số với 14/21 xã và 99/214 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Trong những năm qua, Công an huyện Quỳ Hợp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Cùng với đó, các hoạt động hướng về cộng đồng, xây dựng hình ảnh đẹp của người chiến sỹ Công an nhân dân trong lòng dân đã được Đảng ủy, lãnh đạo Công an huyện đặc biệt chú trọng.
Các hoạt động không chỉ giúp đỡ Nhân dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống mà qua đó tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa lực lượng Công an với Nhân dân.
"Không chỉ là người chiến sỹ Công an nhân dân tinh thông về nghiệp vụ, mưu trí, dũng cảm trong đấu tranh với các loại tội phạm, thông qua các hoạt động hướng về người dân được Công an huyện, trong đó Chi đoàn thanh niên là lực lượng chủ công "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" với người dân đã xây dựng hình ảnh, phong cách người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, đặc biệt là các đoàn viên, thanh niên công an "từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ".
Thực tế cho thấy, thông qua các hoạt động hướng về nhân dân, lực lượng đoàn viên, thanh niên trong Công an huyện đã nêu cao tình thần xung kích vì cộng đồng, phục vụ nhân dân, từ đó hình thành lối sống đẹp, sống trách nhiệm và cống hiến", Trung úy Nguyễn Anh Tú chia sẻ.
Theo ông Lê Văn Lương, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An, xây dựng hình ảnh thanh niên sống đẹp, sống có trách nhiệm với cộng đồng, gắn với phong trào "Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" luôn được các cấp bộ Đoàn tập trung thực hiện.
"Để định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên Nghệ An xác định và kiên định theo đuổi lý tưởng, lẽ sống cao đẹp, các tổ chức Đoàn không ngừng đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục. Các tổ chức đoàn đẩy mạnh nhân rộng, lan tỏa từng hành động đẹp, từng cử chỉ tốt để từng bước xây dựng hình mẫu thanh niên Nghệ An trong thời đại 4.0", ông Lương cho hay.
Ảnh: Hoàng Lam - Nhân vật cung cấp