PhotoStory

Hình hài 16 bảo vật quốc gia được lưu giữ nghiêm ngặt tại TPHCM

Thực hiện: Hải Long - Cao Bách

(Dân trí) - TPHCM đang lưu giữ kỹ lưỡng 16 bảo vật quốc gia tại 3 bảo tàng lớn, trong đó có một bảo vật được bảo vệ bằng hệ thống rào chắn tia hồng ngoại, hệ thống camera giám sát 24/24h.

Hình hài 16 bảo vật quốc gia được lưu giữ nghiêm ngặt tại TPHCM - 1

TPHCM hiện có 3 bảo tàng lưu trữ 16 bảo vật quốc gia vô cùng quý giá, trong đó có nhiều bảo vật được tìm thấy với niên đại hơn 1.000 năm. 

Riêng tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (quận 1) đang lưu giữ, trưng bày 12 bảo vật quốc gia gồm nhiều tượng đồng, tượng gỗ và tượng đá với nhiều hình dáng, kích thước khác nhau.

Ngắm 16 bảo vật quốc gia được lưu giữ tại 3 bảo tàng ở TPHCM (Video: Cao Bách).

Hình hài 16 bảo vật quốc gia được lưu giữ nghiêm ngặt tại TPHCM - 2

Trong khu trưng bày văn hóa Chămpa, bức tượng Avalokitesvara (ở giữa) làm bằng đồng có niên đại từ thế kỷ 8-9. Bức tượng này được tìm thấy ở Hoài Nhơn (Bình Định).

Đây là một cổ vật mang tính đặc trưng về nghệ thuật và kỹ thuật đúc đồng tiến bộ, sáng tạo của cư dân Chămpa trong thời kỳ này. 

Hình hài 16 bảo vật quốc gia được lưu giữ nghiêm ngặt tại TPHCM - 3

Bức tượng Avalokitesvara khác được phát hiện ở Đại Hữu (Quảng Bình) năm 1923. Tượng được chế tác bằng đồng với chiều cao 52cm, thuộc nền văn hóa Chămpa thế kỷ 10.

Bức tượng có hình dáng độc đáo với 4 cánh tay, tay phải trên cầm quyển sách, tay trái trên cầm chuỗi hạt, hai tay trước cầm hoa sen và bình nước cam lồ. Đầu tượng búi tóc cao, toàn thân được chạm khắc tinh xảo.

Hình hài 16 bảo vật quốc gia được lưu giữ nghiêm ngặt tại TPHCM - 4

Năm 1901, tượng Phật Đồng Dương được một nhà nghiên cứu người Pháp tìm thấy tại Đồng Dương (Quảng Nam). Tượng có tuổi đời khoảng 1.200 năm, thuộc nền văn hóa Chămpa. Tượng cao 120cm, làm bằng đồng, nặng 120kg, đúc hình Đức Phật khoác áo cà sa, đứng thuyết pháp trên đài hoa sen. 

Hình hài 16 bảo vật quốc gia được lưu giữ nghiêm ngặt tại TPHCM - 5

Tượng bán thân của nữ thần Devi được phát hiện năm 1911 tại một đền thờ nhỏ ở làng Hương Quế (Quảng Nam). Nữ thần Devi là một vị hoàng hậu của vương quốc Chămpa xưa. 

Cổ vật này được xác định niên đại vào thế kỷ thứ 10, là một trong những kiệt tác mang nét đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc đá Chămpa cổ xưa. Tượng cao hơn 38cm, làm bằng chất liệu sa thạch đen, trải qua nhiều thế kỷ bị chôn vùi, tượng bị vỡ một phần trên trán, phần cổ bị gãy đã được gắn lại, phần tai trái cũng bị mất. 

Hình hài 16 bảo vật quốc gia được lưu giữ nghiêm ngặt tại TPHCM - 6

Ở khu vực trưng bày văn hóa Óc Eo, du khách bị thu hút bởi 4 bức tượng Phật đứng được chế tác bằng gỗ niên đại khoảng thế kỷ 3-4. Trong số đó có 3 tượng được công nhận Bảo vật quốc gia. 

Hình hài 16 bảo vật quốc gia được lưu giữ nghiêm ngặt tại TPHCM - 7

Bức tượng Phật mặc áo choàng được tìm thấy ở làng Bình Hòa (Long An) năm 1947, niên đại thế kỷ 3-4.

Ngay phía sau là tượng lớn làm bằng gỗ sao cao 268cm, nặng 100kg tạc Đức Phật đứng trên tòa sen. Tượng có niên đại thế kỷ 4, được tìm thấy ở Mỹ Thọ (Đồng Tháp) năm 1943. Cả 2 bức tượng gỗ này đều được công nhận là bảo vật quốc gia.

Hình hài 16 bảo vật quốc gia được lưu giữ nghiêm ngặt tại TPHCM - 8

Ngay bên cạnh là Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cũng được tìm thấy ở làng Lợi Mỹ (Đồng Tháp) năm 1937. Tượng được chạm khắc từ cây gỗ trai nguyên khối, tuổi đời khoảng 1.500 năm trước. 

Hình hài 16 bảo vật quốc gia được lưu giữ nghiêm ngặt tại TPHCM - 9

Tượng Nữ thần Durga được tìm thấy năm 1902 tại Liên Hữu (Trà Vinh), chất liệu làm từ đá, được tạc vào khoảng thế kỷ 7-8.

Durga là một trong những người vợ của thần Shiva, được biết là nữ thần chiến thắng quỷ trâu. Vị thần có dấu ấn sâu đậm trong đời sống tinh thần của các tín đồ Hindu giáo của văn hóa Óc Eo.

Hình hài 16 bảo vật quốc gia được lưu giữ nghiêm ngặt tại TPHCM - 10

Tượng Phật Sơn Thọ được làm từ đá sa thạch, do cư dân Phù Nam chế tác vào thế kỷ 7, bức tượng được tìm thấy tại một ngôi chùa ở Trà Vinh.

Ngoại trừ 3 bức tượng phật bằng gỗ với kích thước khá lớn, 9 bảo vật còn lại tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (TPHCM) đều được trưng bày và bảo quản trong hộp kính cường lực.

Hình hài 16 bảo vật quốc gia được lưu giữ nghiêm ngặt tại TPHCM - 11

Tượng Thần Mặt Trời Ba Thê được phát hiện tại chân núi Ba Thê (An Giang) năm 1928. Pho tượng tạc vị thần Surya với hình dáng cân đối, phong cách nghệ thuật sớm ở khu vực Đông Nam Á, thuộc nghệ thuật Dvaravati độc đáo, điển hình trong văn hóa Óc Eo.

Hình hài 16 bảo vật quốc gia được lưu giữ nghiêm ngặt tại TPHCM - 12

Tượng thần Vishnu, cao khoảng 20cm nhưng được tạo hình tinh xảo, tỉ mỉ,  là tác phẩm hội tụ điển hình cho kỹ thuật đúc đồng của văn hóa Óc Eo. Bức tượng này được tìm thấy năm 1936 tại Kiên Giang, với niên đại vào khoảng thế kỷ 3-4.

Thần Vishnu - Thần Bảo tồn là một trong ba vị thần chính của Ấn Độ giáo được cư dân Phù Nam thờ phụng rất phổ biến. 

Hình hài 16 bảo vật quốc gia được lưu giữ nghiêm ngặt tại TPHCM - 13

Bảo vật quốc gia - tượng Bồ Tát Quan Thế Âm có niên đại thế kỷ 7, được tìm thấy ở Trà Vinh năm 1937. Tượng được làm từ đá sa thạch, cao 90cm, có 4 tay, thể hiện dưới dạng một nam nhân, tóc búi cao, chạm nhiều hoa văn đặc trưng trên thân.

Hình hài 16 bảo vật quốc gia được lưu giữ nghiêm ngặt tại TPHCM - 14

Hai trong số 16 bảo vật quốc gia đang được trưng bày tại Bảo tàng TPHCM (quận 1) là khuôn in tín phiếu mệnh giá 5 đồng và ấn đồng Lương Tài Hầu chi ấn.

Trong đó, khuôn in tín phiếu mệnh giá 5 đồng có niên đại từ năm 1947, được chế tác từ hợp kim đồng. Khuôn in có hình chữ nhật, chính giữa khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, cạnh trên có hàng chữ (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được khắc hoa), mệnh giá tín phiếu được ghi bằng số 5.

Bên dưới mệnh giá có hai khung hình chữ nhật khắc chìm, một khung bên trong có hàng chữ "Đại diện Chính phủ Trung ươngvà chữ ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng; khung còn lại có hàng chữ "Đại diện Ủy ban Hành chính Trung Bộ" cùng chữ ký của ông Nguyễn Duy Trinh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư.

Hình hài 16 bảo vật quốc gia được lưu giữ nghiêm ngặt tại TPHCM - 15

Ấn đồng Lương Tài Hầu chi ấn được Thủ tướng công nhận là bảo vật quốc gia năm 2020. Đây là hiện vật độc bản, chất liệu bằng đồng, được đúc vào năm Minh Mạng thứ 14 (1833).

Lương Tài Hầu chi ấn là ấn của một trong 3 vị công thần - võ tướng đứng đầu 3 đạo quân lớn lúc đó là Tiền quân, Trung quân, Hậu quân được phong Hầu tước. Trong đó, tướng Trần Văn Năng được phong Lương Tài Hầu.

Hình hài 16 bảo vật quốc gia được lưu giữ nghiêm ngặt tại TPHCM - 16

Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM cũng đang lưu giữ 2 tác phẩm tranh sơn mài đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Đó là bức "Vườn xuân Trung Nam Bắc" của họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908-1993) và bức "Thanh Niên Thành Đồng" của họa sĩ Nguyễn Sáng (1923-1988).

Tác phẩm "Vườn xuân Trung Nam Bắc" được danh họa Nguyễn Gia Trí thực hiện trong 20 năm, từ năm 1969 đến 1989, là tác phẩm cuối cùng của ông. Bức tranh được Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia ngày 30/12/2013.

Bảo vật này được trưng bày tại phòng riêng, được bảo vệ bằng rào chắn tia hồng ngoại, hệ thống camera giám sát 24/24h và được bảo vệ giám sát thường xuyên, trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy bằng khí.

Hình hài 16 bảo vật quốc gia được lưu giữ nghiêm ngặt tại TPHCM - 17

Bức tranh "Thanh Niên Thành Đồng" được họa sĩ Nguyễn Sáng (1923-1988) sáng tác từ năm 1967 đến năm 1978, là một tác phẩm đặc biệt mà nội dung xuất phát từ bối cảnh lịch sử của đất nước những năm kháng chiến chống Mỹ.

Tác phẩm thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của tầng lớp tri thức trong việc phản đối sự có mặt của lính Mỹ tại Việt Nam.