Hiện trạng Quốc Tử Giám triều Nguyễn ở Thừa Thiên Huế
(Dân trí) - Di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn nằm trong khu vực Đại nội Huế (Thừa Thiên Huế) có nhiều công trình, hạng mục xuống cấp, cần được trùng tu, tôn tạo.
Khu di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn hiện nằm ở phía trái Kinh thành Huế (thuộc địa giới hành chính phường Đông Ba, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), gồm 2 khu vực chính, ngăn cách bởi đường Lê Trực.
Hơn 40 năm qua, phần trước của Quốc Tử Giám triều Nguyễn (từ Bia Thị Học đến Di Luân Đường và các dãy nhà học, cư xá) được Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế "mượn tạm" làm trụ sở và nơi trưng bày, lưu trữ hơn 32.000 hiện vật.
Phần sau của công trình gồm Tân Thơ viện (thư viện) và nhà Tế Tửu (hiệu trưởng), Tư Nghiệp (hiệu phó) hiện nay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Theo các tư liệu lịch sử, Quốc Tử Giám triều Nguyễn được vua Gia Long cho xây dựng từ năm 1803 với tên gọi ban đầu là Đốc Học Đường.
Tháng 3/1820, vua Minh Mạng đổi tên trường thành Quốc Tử Giám. Đây là trường đại học quốc gia do triều đình mở ra để đào tạo nhân tài, nằm tại làng An Ninh Thượng, huyện Hương Trà, cách Kinh thành Huế khoảng 5km về phía Tây, mặt hướng ra sông Hương. Hiện khu vực này còn lưu lại dấu ấn với khu di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám (thuộc địa phận phường Hương Hồ, thành phố Huế).
Năm 1908, (dưới thời vua Duy Tân), triều đình nhà Nguyễn cho dời trường Quốc Tử Giám về đặt ở góc Đông Nam Hoàng thành Huế, như chúng ta thấy hiện nay.
Năm 1945, trường Quốc Tử Giám chấm dứt vai trò của mình cùng với sự cáo chung của vương triều nhà Nguyễn.
Năm 1976, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế (tiền thân là Bảo tàng Bình Trị Thiên) thành lập và sử dụng một phần di tích Quốc Tử Giám làm trụ sở chính.
Quốc Tử Giám cùng với hệ thống di tích cung đình triều Nguyễn đã được ghi tên vào danh mục di sản thế giới của UNESCO từ năm 1993.
Trải qua quá trình tồn tại hàng trăm năm, ngoại trừ Di Luân Đường còn khá nguyên vẹn, các hạng mục khác của Quốc Tử Giám (phần giao cho Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế sử dụng) hầu hết đã xuống cấp nặng.
Tháng 8/2022, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại dãy nhà bên phải Di Luân Đường, nơi Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế trưng bày các hiện vật thời kháng chiến chống thực dân Pháp.
Dù toàn bộ hiện vật được trưng bày tại dãy nhà này không bị thiệt hại, nhưng hệ thống mái, kèo chịu lực của dãy nhà làm bằng gỗ bị lửa thiêu cháy khiến một phần mái khu nhà bị sập xuống.
Từ khi bị cháy đến nay, công trình bỏ không và chưa được chỉnh trang, tu bổ lại.
Dãy nhà học bên trái Di Luân Đường, nơi trưng bày các hiện vật thời kỳ kháng chiến Chống Mỹ cũng bị xuống cấp nghiêm trọng, mái ngói sập đổ.
Năm 2018, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất chủ trương di dời Bảo tàng Lịch sử tỉnh đến cơ sở mới tại số 268 Điện Biên Phủ (phường Trường An, thành phố Huế).
Theo lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, đến nay, công tác di dời hơn 32.000 hiện vật đã cơ bản hoàn thành. Không gian di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn sẽ được trả lại nguyên trạng cho đơn vị quản lý tôn tạo, tu bổ nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa.
Toàn bộ hiện vật có giá trị, bao gồm 2 bảo vật quốc gia trưng bày bên trong Di Luân Đường đã được di dời đến địa điểm mới.
Cổng Đại Thành Môn trước di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn tạm thời đóng cửa, không tiếp đón khách tham quan.
Quốc Tử Giám là một cơ quan giáo dục cấp nhà nước được tổ chức tương đối có kỷ cương với những công trình kiến trúc bề thế mang giá trị nghệ thuật cao. Đây là một di tích lịch sử, văn hóa rất quý, cần được tôn tạo, bảo dưỡng.