Hiện trạng nhà Pháp cổ 61 Trần Phú sau khi bị yêu cầu tạm dừng phá dỡ
(Dân trí) - Tòa nhà Pháp cổ 61 Trần Phú (Ba Đình) đã tạm dừng việc phá dỡ sau khi có chỉ đạo từ Bí thư Thành ủy Hà Nội. Công trường trở nên vắng lặng, máy móc dừng hoạt động, không có bóng công nhân nào làm việc.
Chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng được đưa ra vào ngày 6/4 yêu cầu tạm dừng thi công; tổ chức kiểm tra quy trình, thủ tục triển khai dự án này. Trong ảnh là tòa nhà Pháp cổ có 4 mặt tiền 61 Trần Phú, mặt phố Nguyễn Thái Học.
Ngay trong buổi sáng 7/4, công trường bên trong tòa nhà 61 Trần Phú đã dừng thi công phá dỡ, vắng bóng công nhân. Ảnh chụp tại vị trí mặt phố Trần Phú.
Các thiết bị vẫn còn nguyên song không có công nhân nào làm việc. Bên trong ngổn ngang vật liệu đã bị san ủi.
Khu đất số 61 phố Trần Phú do Công ty Cổ phần Thiết bị bưu điện (Chủ đầu tư) quản lý, sử dụng theo Quyết định số 1738/QĐ-UBND ngày 16/4/2021 của UBND TP. Khu đất này có tổng diện tích khoảng 9.078m2, trong đó 1.555m2 đất nằm trong chỉ giới đỏ, không được xây dựng công trình; 7.523m2 nằm ngoài chỉ giới đỏ, sử dụng làm văn phòng làm việc với thời gian thuê đất là 50 năm (tính từ năm 2017).
Các bức tường của tòa nhà mặt phố Trần Phú, Lê Trực đã bị phá dỡ một phần từ trước đó.
Bên ngoài cửa khóa, không thấy có nhân viên bảo vệ trực.
Tòa nhà 61 Trần Phú là công trình mang kiến trúc hiện đại giai đoạn đầu thế kỷ 20 hiếm hoi, còn lại nguyên vẹn ở Hà Nội. Vị trí của tòa nhà thuộc loại cực đẹp khi nằm ngay gần Quảng trường Ba Đình.
Trên khu đất có các công trình cao 2 tầng, trước đây là trụ sở và nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Thiết bị bưu điện.
Tuy vậy theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, dãy nhà Pháp cổ này không nằm trong danh mục công trình "cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa".
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, công trình này là công trình công nghiệp được xây vào 1925 và "kết cấu không có gì đặc biệt".
Đáng chú ý là bức phù điêu đắp nổi trên bức tường của dãy nhà phía mặt đường giao cắt Nguyễn Thái Học - Lê Trực của công trình, là minh chứng lịch sử chính tại địa điểm này, bộ đội, dân quân tự vệ thủ đô đã bắn rơi máy bay Mỹ vào ngày 19/5/1967.
Phần lớn mái các dãy nhà bên trong đã dỡ, chỉ còn lại phần khung sắt.
Khu đất này có tổng diện tích khoảng 9.078m2, trong đó 1.555m2 đất nằm trong chỉ giới đỏ, không được xây dựng công trình; 7.523m2 nằm ngoài chỉ giới đỏ, sử dụng làm văn phòng làm việc với thời gian thuê đất là 50 năm (tính từ năm 2017).
Vị trí công trình mang kiến trúc Pháp cổ 4 mặt tiền gần quảng trường Ba Đình (Ảnh: Google Maps).