Hàng trăm công nhân gấp rút lắp đoạn ray cuối cùng cho ga metro Bến Thành
(Dân trí) - Bên dưới nhà ga Bến Thành (thuộc tuyến Metro số 1), 400 công nhân hiện đang gấp rút hoàn thiện, lắp đặt đoạn ray cuối cùng trên toàn tuyến để đưa công trình này dần về đích.
Tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang được gấp rút thi công, hoàn thiện đoạn đường ray cuối cùng trên tuyến. Dự án đang dần về đích sau nhiều năm thi công.
Ông Vũ Hoàng Hải - kỹ sư làm việc tại nhà ga Bến Thành cho biết, sau nới lỏng giãn cách xã hội, các công nhân không còn thực hiện "3 tại chỗ" và đã trở lại làm việc bình thường. Có khoảng 400 công nhân, kỹ sư đang làm việc trên công trường.
"Sau khi các công nhân trở lại làm việc, với các trường hợp chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine, thì sẽ cho test nhanh hàng tuần. Khi phát hiện trường hợp F0, sẽ tách nhóm công nhân và đưa ra khỏi công trường để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời", ông Hải cho hay.
Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR - chủ đầu tư) cho biết, hiện các đơn vị thuộc nhà thầu gói thầu CP3 bắt đầu thi công đường ray tại đoạn ngầm cuối cùng của tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hướng từ ga Nhà hát TP về ga Bến Thành, đoạn ray ngầm cuối cùng dài 660 m, khổ rộng 1.435 mm.
Dự kiến việc lắp đặt ray toàn tuyến Metro số 1 sẽ hoàn thành vào năm 2022, giúp kết nối toàn hệ thống đường ray của tuyến Metro số 1 từ ga Bến Thành đến depot Long Bình (TP Thủ Đức), tổng chiều dài khoảng 20 km.
Theo đại diện nhà thầu, đến nay, tổng tiến độ dự án Metro số 1 đạt khoảng 88%. Trong đó, nhiều gói thầu đang ở giai đoạn về đích như gói thầu CP1a đạt 93,53%, gói CP1b đạt 98,63%, gói CP2 đạt 93,93%. Mục tiêu đến cuối năm nay khối lượng tổng thể của dự án sẽ đạt 91%.
Bên dưới khu vực hầm nhà ga Bến Thành, hàng chục, công nhân, kỹ sư đang gấp rút làm việc ngày đêm.
Kỹ sư Nguyễn Văn Thảo cho biết, sau khi lắp đặt xong các đoạn ray, sẽ sử dụng máy GIP 1000 để đo lại độ chính xác của ray.
"Tất cả các hạng mục, đặc biệt là có liên quan tới đường ray, thì độ chính xác rất quan trọng, bởi vì nó liên quan tới độ an toàn, độ êm, mượt trong quá trình vận hành của tàu. Vì vậy cần phải kiểm tra thật kỹ độ chính xác của ray sau khi lắp đặt, nó là mấu chốt cho sự an toàn của cả đoàn tàu", kỹ sư Thảo cho hay.
Bên dưới tầng 2 của nhà ga, còn một đoạn giao nhau của hai ray vẫn chưa được lắp đặt.
Theo các kỹ sư làm việc tại đây, vị trí này rất quan trọng, nó là điểm giao nhau của 2 đường ray, để các đoàn tàu chuyển làn. Vì vậy cần lắp đặt nhiều chi tiết hơn, vậy nên sẽ hoàn thành sau cùng.
Bên cạnh đó, khu vực sảnh chính ở tầng B1 của nhà ga Nhà hát Thành phố, phần thô cơ bản hoàn thiện, chỉ chờ lắp các hệ thống, thiết bị điện tử.
Tầng B1 gồm các trang thiết bị phục vụ hành khách (sảnh đợi, máy bán vé, cổng thu phí tự động), phòng hướng dẫn thông tin cho hành khách, văn phòng ga, phòng thiết bị, phòng xử lý không khí và môi trường, trạm điện (tuyến 4).
Các trụ soát vé tự động đã được lắp đặt tại khu vực sảnh chính nhà ga Nhà hát TP.
Sảnh được thiết kế rộng rãi, với gam màu sáng, trần ga được trang trí các họa tiết bắt mắt.
Công nhân đang hoàn thiện các phần thô còn lại ở khu vực sảnh ga.
Khu vực "giếng trời" tại tầng một kết nối với mặt bằng đường phía trên dần hoàn thiện, đây là một khoảng hở hình tròn lớn nằm giữa trung tâm nhà ga Bến Thành.
Ga Bến Thành dự kiến hoàn thành cuối năm nay. Đây là nhà ga trung tâm của tuyến Metro số 1, tương lai kết nối các tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương), tuyến 3A (Bến Thành - Tân Kiên), số 4 (Thạnh Xuân - Khu đô thị Hiệp Phước). Mỗi ga ngầm của dự án được thiết kế kiến trúc riêng, tương đồng cảnh quan, văn hóa ở từng khu vực.
Tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở TPHCM. Ngoài 3 ga ngầm nói trên, dự án còn 14 ga trên cao. Hiện, toàn tuyến metro đạt khoảng 88% khối lượng.