PhotoStory

Hàng loạt cây cầu treo "gồng mình" kéo dài tuổi thọ

Thực hiện: Tiến Thành

(Dân trí) - Mặc dù đã hết thời hạn sử dụng, xuống cấp, nhiều cầu treo tại huyện miền núi Tuyên Hóa (Quảng Bình) vẫn phải "gồng mình" kéo dài tuổi thọ.

Hàng loạt cây cầu treo gồng mình kéo dài tuổi thọ - 1

Thôn Phú Xuân, xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) có 60 hộ dân với 218 nhân khẩu. Bị chia cách bởi sông Gianh, hiện nay người dân Phú Xuân muốn về trung tâm xã phải đi qua một cây cầu treo.

Cây cầu này được xây dựng cách đây hơn 20 năm, đến nay đã quá thời hạn sử dụng, xuống cấp.

Hàng loạt cây cầu treo gồng mình kéo dài tuổi thọ - 2
Hàng loạt cây cầu treo gồng mình kéo dài tuổi thọ - 3

Ông Hà Bình Trọng, Bí thư Đảng ủy xã Cao Quảng, cho hay mặc dù cầu treo đã hết hạn nhưng là đường độc đạo nên vẫn phải sử dụng để bà con đi lại mỗi ngày.

"Mặc dù được tu sửa, bảo trì nhằm kéo dài tuổi thọ, tuy nhiên qua nhiều năm, cây cầu cũng đã xuống cấp, rung lắc. Để đảm bảo an toàn, những ngày thời tiết xấu, bão lũ là chúng tôi phải cấm qua lại, vận động người dân không đi đông người trên cầu.

Niềm khao khát của người dân là sớm có cây cầu cứng, đi lại thuận tiện hơn, giảm bớt những bất cập so với cầu treo", ông Trọng nói.

Hàng loạt cây cầu treo gồng mình kéo dài tuổi thọ - 4

Còn tại địa bàn xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa, cầu treo Kim Tiến được xây dựng từ năm 2005, nhờ nguồn vốn của Quỹ Bảo trì đường bộ. Sau gần 20 năm đưa vào sử dụng, đến nay cây cầu đã hết hạn và xuống cấp.

Hàng loạt cây cầu treo gồng mình kéo dài tuổi thọ - 5
Hàng loạt cây cầu treo gồng mình kéo dài tuổi thọ - 6

Cây cầu treo này là tuyến giao thông duy nhất nối liền thôn Kim Tiến đến khu vực trung tâm xã và các điểm trường. Do vậy, dù đã hết hạn sử dụng nhưng mỗi ngày cây cầu này vẫn là nơi qua lại của hàng trăm người dân và các em học sinh.

"Ngày nào tôi cũng qua lại trên cây cầu treo này, cầu được làm từ lâu lắm nên giờ đã cũ, xuống cấp nên ai cũng lo, nhất là các em học sinh đi học. Giờ phương tiện ô tô nhiều, cầu treo không còn phù hợp nữa", ông Nguyễn Xuân Lẹ, trú xã Kim Hóa nói.

Hàng loạt cây cầu treo gồng mình kéo dài tuổi thọ - 7
Hàng loạt cây cầu treo gồng mình kéo dài tuổi thọ - 8

Để đảm bảo an toàn, suốt nhiều năm qua, chính quyền xã Kim Hóa cũng đề xuất và trích một phần kinh phí sử dụng vào việc sửa chữa một số hạng mục hư hỏng của cây cầu treo. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp nên việc sửa chữa chỉ tập trung vào một số hạng mục hư hỏng nặng như ván mặt cầu, cáp treo hay một số điểm nối đã bị gỉ sét.

Để tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế, xã Kim Hóa mong muốn cấp trên đầu tư xây dựng cầu kiên cố để thôn Kim Tiến và người dân trong xã đi lại thuận lợi, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Hàng loạt cây cầu treo gồng mình kéo dài tuổi thọ - 9

Trên địa bàn huyện miền núi Tuyên Hóa, cây cầu treo có tuổi thọ cao và tình trạng hư hỏng nhiều nhất là cầu treo Đồng Tân, nằm tại địa bàn thị trấn Đồng Lê. Cây cầu này đã trải qua 25 năm, quá thời hạn sử dụng cả thập kỷ, tuy nhiên đến nay đang phải "gồng mình" để phục vụ nhu cầu qua lại mỗi ngày của người dân.

Nhiều hạng mục của công trình như cáp treo, ván mặt cầu, thanh treo, giằng gió đã xuống cấp và gỉ sét, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Hàng loạt cây cầu treo gồng mình kéo dài tuổi thọ - 10
Hàng loạt cây cầu treo gồng mình kéo dài tuổi thọ - 11
Hàng loạt cây cầu treo gồng mình kéo dài tuổi thọ - 12

Ông Phạm Xuân Chiến, Tiểu khu Trưởng, tiểu khu Đồng Tân, cho hay tiểu khu hiện có 189 hộ dân với 700 nhân khẩu. Mặc dù có đường vòng, tuy nhiên vì xa nên bà con hầu hết đều đi qua cầu treo.

Theo ông Chiến, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân cũng nhiều lần đề đạt nguyện vọng về việc xây dựng cầu bê tông để đảm bảo an toàn. Trước đó, chính quyền thị trấn Đồng Lê và huyện Tuyên Hóa có ý định sẽ xây dựng lại cây cầu nối vào tiểu khu Đồng Tân, tuy nhiên do nguồn vốn hạn chế, việc xây dựng cầu đành phải tạm dừng.

Hàng loạt cây cầu treo gồng mình kéo dài tuổi thọ - 13
Hàng loạt cây cầu treo gồng mình kéo dài tuổi thọ - 14

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa, xác nhận trên địa bàn hiện có 4/5 cây cầu treo đã hết hạn sử dụng, tuy nhiên những cây cầu này vẫn chưa thể cấm qua lại bởi đây là con đường huyết mạch dẫn vào các thôn, xóm với hàng trăm hộ dân.

Theo ông Dũng, hàng năm huyện này cũng đã trích ngân sách để sửa chữa các hư hỏng nhỏ để đảm bảo an toàn chứ không có đủ nguồn kinh phí để xây dựng cầu mới.

"Việc xây dựng cầu hết sức tốn kém, trong khi nguồn ngân sách của huyện không đáp ứng được, địa phương cũng đã có những đề xuất với Sở Giao thông vận tải cũng như cơ quan cấp trên, để quan tâm, tạo điều kiện, sớm xây dựng cầu phục vụ bà con nhân dân", ông Dũng nói.

Mới đây, tại tỉnh Nghệ An, cầu treo Kẻ Nính bắc qua sông Hiếu, nối 2 bản Kẻ Nính và Đình Tiến (xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu) bất ngờ đổ sập. Tại hiện trường cầu bị đổ sập hoàn toàn, dây văng, khung thép và các tấm bê tông nằm trên bãi bồi, một phần cấu kiện cầu nằm dưới lòng sông.

Vụ việc rất may không gây thiệt hại về người. Một con trâu của người dân chăn thả ở bãi bồi dưới cầu bị chết.